Tại công văn số 571/BTNMT-PC ngày 15/02/2017 về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
1. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản: một số nội dung quy định chưa rõ ràng, khó xử lý trong thực tế, như: Khoản 1 Điều 27 thăm dò khoáng sản, quy định vượt đến 10%; Khoản 1 Điều 33 khai thác, quy định vượt công suất đến 10% thì mới xử phạt, như vậy khi trường hợp thăm dò, khai thác vượt nhưng dưới 10% thì không xử lý được, Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.
Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, ý kiến đề xuất của cử tri đã được tiếp thu để điều chỉnh, sửa đổi như sau:
- Đối với trường hợp thăm dò vượt ra ngoài phạm vi khu vực được phép thăm dò tại Điều 31của dự thảo Nghị định đã quy định mức xử phạt cụ thể theo tỷ lệ % ở các mức như sau: (1) Phạt cảnh cáo khi thăm dò ra ngoài ranh giới khu vực được phép thăm dò có tổng diện tích vượt dưới 5% so với diện tích được phép thăm dò hoặc vượt dưới 01 ha; vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép thăm dò dưới 01 mét; (2) Phạt tiền cũng như hình thức phạt bổ sung, yêu cầu thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi thăm dò khoáng sản ra ngoài ranh giới khu vực được phép thăm dò có tổng diện tích vượt từ 5% đến dưới 10% so với diện tích được phép thăm dò hoặc vượt từ 01 ha đến dưới 02 ha; vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép thăm dò từ 01 mét đến dưới 02 mét (Khoản 3 Điều 31).
- Đối với trường hợp khai thác vượt công suất được phép khai thác đến 10% đã ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản tại Điều 40 dự thảo Nghị định đã điều chỉnh mức và hình thức xử phạt khi khai thác vượt đến dưới 15% và đến 15% công suất được phép khai thác, cụ thể như sau:
+ Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đối với hành vi khai thác vượt dưới 15% so với công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt dưới 5.000 tấn.
+ Phạt tiền đối với hành vi khai thác vượt quá công suất được phép khai thác hàng năm ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản từ 15% đến dưới 25% hoặc tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai đã khai thác trong năm vượt từ 5.000 tấn đến dưới 10.000 tấn.
Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ, dự kiến sẽ được Chính phủ ban hành trong quý I năm 2017.
2. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Điều 20 của Luật khoáng sản quy định“Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể về vấn đề này dẫn tới tình trạng các địa phương chưa có cơ sở để bố trí kinh phí triển khai thực hiện. Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện.
Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận được phản ánh từ nhiều địa phương khác và đã tiếp thu trong quá trình xây dựng Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản để thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012, cụ thể như sau:
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP đã quy định rõ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện đề xuất kế hoạch; giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn địa phương. Nội dung cụ thể của Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được quy định tại Điều 18 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP. Việc hướng dẫn xây dựng dự toán chi cho Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tại Điểm a Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
3. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/01/2014) ban hành chậm so với thời điểm Luật khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (ngày 01/7/2011) gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Ngân sách nhà nước không thu được tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong thời gian chờ Nghị định hướng dẫn Luật khoáng sản. Địa phương không thể thực hiện truy thu tiền cấp quyền đối với phần trữ lượng đã khai thác do doanh nghiệp đã quyết toán trong các năm 2011, 2012 và 2013; hoặc một số mỏ phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng chưa khai thác đến khi hết hạn giấy phép nhưng lại không có hướng dẫn về việc hoàn trả tiền đã nộp. Cử tri đề nghị Chính phủ có văn bản hướng dẫn để việc truy thu, hoàn trả tiền đã nộp liên quan đến khoáng sản được thực hiện có hiệu quả.
Trả lời
Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là một quy định hoàn toàn mới của Luật khoáng sản, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam và chưa có trong quy định của pháp luật về khoáng sản các nước trên thế giới. Do đó, trong quá trình xây dựng nội dung hướng dẫn về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong Nghị định của Chính phủ gặp lúng túng ban đầu và cũng gặp những khó khăn trong quá trình thực hiện. Điều này dẫn tới phải mất khá nhiều thời gian để tổ chức các cuộc hội thảo, trao đổi, thảo luận để thống nhất giữa các Bộ, ngành liên quan cũng như lấy ý kiến các địa phương hoàn thiện các quy định có liên quan. Vì lý do đó, đến ngày 28 tháng 11 năm 2013, Nghị định số 203/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản mới chính thức được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 01 năm 2014.
Do ban hành chậm Nghị định số 203/2013/NĐ-CP nên việc tính và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản khi cấp phép mới trong năm 2011 (từ ngày 01 tháng 7) và các năm 2012, 2013, cũng như việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực đã cấp phép khai thác khoáng sản trước ngày 01 tháng 7 năm 2011 (đang khai thác và đang còn trữ lượng đến hết năm 2013) đối với Trung ương cũng như tại các địa phương không thực hiện được. Tuy nhiên, khi Nghị định số 203/2013/NĐ-CP có hiệu lực, việc “hồi tố” để thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong giai đoạn nêu trên gặp khó khăn, rất khó thực hiện do các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã quyết toán thuế (hàng năm), đã thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí có liên quan cũng như đã chia lợi tức cho các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có). Do đó, để phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, ngày 21 tháng 5 năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 723/TTg-KTN đồng ý chưa thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng khai thác từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 đến 31 tháng 12 năm 2013, đồng thời Chính phủ đã có văn bản báo cáo trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc miễn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trong giai đoạn này.
Về việc một số doanh nghiệp đã nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng đến thời điểm hết hạn giấy phép mà chưa khai thác hết phần trữ lượng được phép khai thác (ghi trong Giấy phép khai thác khoáng sản) sẽ có hai trường hợp xảy ra: (1) Trường hợp doanh nghiệp đó tiếp tục đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản thì sẽ không phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với phần trữ lượng còn lại ghi trong Giấy phép tính đến thời điểm gia hạn (Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013); (2) Trường hợp doanh nghiệp không tiếp tục đề nghị gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản thì Luật khoáng sản cũng như Nghị định số 203/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể. Mặt khác, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cũng là một khoản thu của ngân sách Nhà nước. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến này để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong quy định của Luật khoáng sản cũng như pháp luật về ngân sách nhà nước trong thời gian tới.
4. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Tiêu chí lựa chọn tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản khi có từ 02 tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thăm dò theo Khoản 2 Điều 40 Luật khoáng sản năm 2010 quy định phải có vốn chủ sở hữu bằng tiền mặt trong tài khoản Ngân hàng tại thời điểm lập hồ sơ ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản trong khi các đề án thăm dò khoáng sản này chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nên chưa đủ căn cứ để khẳng định Đề án đã đảm bảo chất lượng (chỉ do chủ đầu tư quyết định). Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn để việc thăm dò khoáng sản được quản lý chặt chẽ và phù hợp với trình tự các bước thực hiện.
Trả lời
Điểm c Khoản 2 Điều 40 Luật khoáng sản năm 2010 quy định tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản phải đáp ứng điều kiện “có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản”. Điều này không chỉ áp dụng đối với tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò khoáng sản ở khu vực không đấu giá (kể cả khi chỉ có 01 tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép) mà cả đối với việc lựa chọn tổ chức, cá nhân cấp phép thăm dò thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Để phù hợp với thực tiễn, đồng thời bảo đảm tính khả thi và chặt chẽ trong công tác quản lý, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu ý kiến của nhiều địa phương, doanh nghiệp như phản ánh của cử tri và đã quy định cụ thể những văn bản, tài liệu chứng minh vốn chủ sở hữu đối với tổ chức, cá nhân khi xem xét cấp phép thăm dò khai thác tại Điều 9 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (để thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP).
Về tổng vốn đầu tư thực hiện đề án thăm dò khoáng sản. Đề án thăm dò khoáng sản là do tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép thăm dò lập và tự phê duyệt. Tuy nhiên, trước khi cấp phép thăm dò, Đề án này đã được cơ quan có thẩm quyền hoặc Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản (đối với Giấy phép thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức thẩm định, trong đó có thẩm định tổng dự toán kinh phí thăm dò. Theo đó, dự toán này phải được lập trên cơ sở các định mức theo quy định hiện hành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
5 Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản có quy định ngân hàng là cơ quan xác nhận vốn chủ sở hữu cho tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản tại Điểm b Khoản 1 Điều 29 là chưa hợp lý; đối với các mỏ đã trả lại một phần diện tích khai thác, do Luật và Nghị định không quy định việc điều chỉnh giấy phép khai thác khoáng sản nên không có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc điều chỉnh thời gian và công suất khai thác phù hợp với trữ lượng được phép khai thác; ở địa phương việc xác định tính tiền sử dụng tài liệu điều tra đánh giá, thăm dò gặp khó khăn trong việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện (quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP); Tiêu chí quy định các mỏ nhỏ lẻ đối với một số loại khoáng sản là chưa phù hợp với thực tế (ví dụ như đối với khoáng sản barite quy định dưới 5.000 tấn là khoáng sản phân tán nhỏ lẻ là chưa hợp lý, nếu bàn giao nhỏ lẻ cho tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác, doanh nghiệp chỉ khai thác trong thời gian ngắn (khoảng vài tháng) là hết trữ lượng. Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn để việc thực hiện tại địa phương được thuận lợi.
Trả lời
Những phản ánh nêu trên của cử tri đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tiếp thu trong quá trình xây dựng Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ để thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản. Theo đó, về vốn chủ sở hữu đã được quy định tại Điều 9 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP; các trường hợp điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản, trong đó có trường hợp như cử tri đã nêu được quy định tại Điều 55 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP; tiêu chí khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, trong đó có điều chỉnh đối với quặng barit được quy định tại Điều 21 và phụ lục kèm theo Nghị định số 158/2016/NĐ-CP; nguyên tắc trong việc xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả được quy định tại Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
Về phương pháp xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức, thủ tục hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản đã được liên Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28 tháng 9 năm 2009 hướng dẫn phương pháp xác định, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 64/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 tháng 4 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28 tháng 9 năm 2009. Trên cơ sở các quy định nêu trên, các địa phương có thể hướng dẫn tổ chức, cá nhân đang khai thác khoáng sản cũng như đề nghị cấp phép mới thực hiện việc xác định chi phí sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh với Bộ Tài nguyên và Môi trường (thông qua Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) để được hướng dẫn.
6. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 10 Luật khoáng sản năm 2010 và Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cấp tỉnh bao gồm khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; khoáng sản ở khu vực phân tán, nhỏ lẻ được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa thuộc thẩm quyền lập và phê duyệt của UBND cấp tỉnh; Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2014/ TTLT-BTNMT-BNV ngày 28/8/2014 của Liên Bộ Tài nguyên và Môi trường-Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng thì Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh do Sở Xây dựng chủ trì lập; việc cùng một loại khoáng sản mà có 02 cơ quan được giao lập quy hoạch đã gây ra sự chồng chéo, không thống nhất. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành ban hành văn bản thống nhất về thẩm quyền trong công tác lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.
Trả lời
Điểm b Khoản 7 Điều 2 Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV ngày 28 tháng 8 năm 2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quy định trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường “Lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương theo quy định ...” Tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng quy định “Sở Xây dựng là đơn vị chủ trì, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ là một nhóm khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt quy hoạch của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, đối với loại khoáng sản khác (than bùn, khoáng sản khác thuộc khu vực phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố, khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa...) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vẫn có thể giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì lập, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Như vậy, không có sự “chồng chéo” trong quy định về phân công trách nhiệm lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản giữa Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên và Môi trường như phản ánh của cử tri đã nêu giữa quy định của Thông tư liên tịch số 50/2014/TTLT-BTNMT-BNV và Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP.
7. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn phương pháp xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải trả, phương thức, thủ tục hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đầu tư theo Khoản 4, Điều 3 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ. Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục, xác định chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Trả lời
Thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP, liên Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28 tháng 9 năm 2009 hướng dẫn phương pháp xác định, phương thức, thủ tục thanh toán tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước và Thông tư liên tịch số 64/2012/TTLT-BTC-BTNMT ngày 15 tháng 4 năm 2012 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 186/2009/TTLT-BTC-BTNMT ngày 28 tháng 9 năm 2009. Trong năm 2017, thực hiện nhiệm vụ được giao tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định về phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do Nhà nước đã đầu tư.
8. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Việc hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản chưa có quy định rõ ràng về đầu tư kết cấu hạ tầng tại vùng có khoáng sản khai thác, chế biến (quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 5 Luật khoáng sản), nên các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản không có mức đóng góp cụ thể. Cử tri đề nghị có văn bản hướng dẫn cụ thể để các bên liên quan có trách nhiệm trong việc hỗ trợ cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.
Trả lời
Tiếp thu kiến nghị nêu trên của cử tri cũng như nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể hơn Điều 5 Luật khoáng sản liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác trong quá trình xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012). Theo đó, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc hỗ trợ cộng đồng dân cư (người dân) nơi có hoạt động khoáng sản đã được quy định chi tiết tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, cụ thể: việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật khoáng sản do tổ chức, cá nhân khai thác trực tiếp thực hiện. Mặt khác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm thông báo nội dung, khối lượng; kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo công khai đến tổ dân phố/thôn/bản để người dân nơi có khoáng sản cử đại diện tham gia giám sát quá trình thực hiện.
9. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Điều 68 Luật đất đai năm 2013 thì đối với đất phi nông nghiệp đã thu hồi theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai thì giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng không có quy định cho từng trường hợp, diện tích? Trên thực tế, có một số trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai nhưng diện tích nhỏ lẻ, manh mún nên việc giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất trên thực tế không thể quản lý cũng như đấu giá quyền sử dụng đất được.
Trả lời
Tại Điểm b Khoản 2 Điều 68 Luật đất đai 2013 quy định đất đã thu hồi theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật này thì giao cho tổ chức dịch vụ công về đất đai để quản lý, đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại Điểm a Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai quy định: “Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có. Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.”
Theo quy định của pháp luật nêu trên thì đối với đất phi nông nghiệp đã thu hồi theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 và các điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 Luật đất đai (không phụ thuộc diện tích lớn hay nhỏ) đều phải giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất tại địa phương (là tổ chức dịch vụ công có chức năng) để quản lý. Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm quản lý và lập phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất, cho thuê đất trình cấp thẩm quyền quyết định thực hiện theo quy định; trường hợp đất thu hồi có diện tích nhỏ lẻ, manh mún không thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thì Tổ chức phát triển quỹ đất được giao quản lý quỹ đất đề xuất phương án cụ thể báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất cho đối tượng có nhu cầu theo quy định.
10. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Chính phủ: thống nhất chức năng quản lý tài nguyên khoáng sản giữa các cơ quan Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng ở cả Trung ương và địa phương, đảm bảo sự quản lý tài nguyên khoáng sản tập trung, thống nhất; Quy định về trình độ của Giám đốc điều hành mỏ theo quy mô, từng loại hình mỏ, loại khoáng sản cho phù hợp.
Trả lời
Hiện nay, theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật khoáng sản “Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước”. Đồng thời, thực hiện quy định tại Khoản 3 Điều 80 Luật khoáng sản, Chính phủ đã giao một số nhiệm vụ trong công tác lập quy hoạch khoáng sản, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện quy hoạch ở cấp Trung ương cho các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng tại Điều10 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
Về kiến nghị quy định về trình độ của Giám đốc điều hành mỏ theo quy mô, từng loại hình mỏ, loại khoáng sản cho phù hợp. Tiêu chuẩn về trình độ của Giám đốc điều hành mỏ đã được quy định tại Khoản 2 Điều 62 Luật khoáng sản và đã được quy định chi tiết tại Khoản 3 Điều 8 Nghị định 158/2016/NĐ-CP nêu trên. Theo đó, các quy định của Luật và Nghị định đã quy định về trình độ của Giám đốc điều hành mỏ theo quy mô, loại hình mỏ và loại khoáng sản phù hợp với công nghệ, phương pháp khai thác là hầm lò hay lộ thiên để điều hành hoạt động khai thác theo Giấy phép khai thác khoáng sản.
11. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri đề nghị đẩy mạnh điều tra cơ bản địa chất tại địa phương, triển khai thực hiện việc công bố các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ để địa phương điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khoáng sản.
Trả lời
Thực hiện quy định của Luật khoáng sản năm 2010, ngày 13 tháng 8 năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1388/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay, các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào kế hoạch thực hiện hàng năm trên cơ sở giao ngân sách hàng năm của Chính phủ cho Bộ. Tuy nhiên, đúng như cử tri phản ánh, ngân sách hàng năm của Nhà nước cho công tác này còn hạn hẹp, chỉ đáp ứng khoảng 40% yêu cầu thực tế. Để tăng cường đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo Quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, thực hiện Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ), Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để tiếp tục bổ sung kinh phí thực hiện nhiệm vụ này từ tiền hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Đối với việc khoanh định và công bố các khu vực phân tán nhỏ lẻ. Thực hiện quy định tại Điều 27 Luật khoáng sản, Điều 11 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và công bố 197 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ của 23 loại khoáng sản trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố cả nước để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. Trong thời gian tới, trên cơ sở rà soát kết quả điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và đề nghị của các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chỉ đạo tiếp tục công bố đối với các khu vực có khoáng sản đủ điều kiện là phân tán, nhỏ lẻ theo các tiêu chí quy định tại Điều 21 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP.
12. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ánh thời gian qua công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản của nhà nước quá lỏng lẻo, việc khai thác còn bừa bãi, không có kế hoạch lâu dài; đặc biệt có doanh nghiệp khai thác tài nguyên khoáng sản không chịu nộp thuế nhưng hoạt động kéo dài qua nhiều năm. Cử tri đề nghị Chính phủ phải có kế hoạch giám sát chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo sử dụng lâu dài nguồn tài nguyên khoáng sản. Đồng thời cần phải xem xét những đơn vị, doanh nghiệp nào không đủ năng lực thì cương quyết không cho hoạt động.
Trả lời
Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) về khoáng sản cơ bản đã được hoàn thiện với: 01 Luật, 05 Nghị định (trong đó có 01 Nghị định đã được bãi bỏ và thay thế), 05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban, 39 Thông tư, thông tư liên tịch của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ liên quan. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản và chấn chỉnh hoạt động khoáng sản của các tổ chức, cá nhân.
Thực hiện các quy định nêu trên của pháp luật về khoáng sản và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản như: tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền phổ biến pháp luật; chặt chẽ trong quá trình thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản…Nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản đã dần đi vào nề nếp, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như cử tri đã phản ánh. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ) có hiệu lực từ ngày 15 tháng 01 năm 2017. Theo đó, đã quy định chặt chẽ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, nhất là trách nhiệm trong việc thống kê, kiểm kê trữ lượng, khai báo sản lượng khoáng sản đã khai thác. Đồng thời, Bộ cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, đã đề xuất tăng mức xử phạt, bổ sung các hành vi cần xử phạt vi phạm hành chính nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Dự kiến, Chính phủ sẽ ban hành trong Quý I năm 2017.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo việc cấp phép hoạt động khoáng sản phải đúng theo quy định của luật khoáng sản, lựa chọn được doanh nghiệp đầy đủ năng lực, yêu cầu theo quy định thì mới cấp phép; các doanh nghiệp không đủ năng lực để đưa mỏ vào hoạt động, không thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1 Điều 58 Luật khoáng sản thì sẽ kiên quyết thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản.
13. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 203/2013/NĐ-CP ngày 18/11/2013, trong đó đề nghị tăng Khoản trích từ tiền thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép do Trung ương cấp cho địa phương (theo quy định hiện nay chỉ được trích lại 30%, đề nghị điều chỉnh tỷ lệ trích cho địa phương ít nhất là 70%).
Trả lời
Tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đã quy định đối với Giấy phép khai thác khoáng sản do Trung ương cấp “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực hiện nộp 70% cho ngân sách Trung ương, 30% cho ngân sách địa phương”. Theo số liệu tổng hợp tính đến cuối năm 2016, trung bình hàng năm tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thu được từ các Giấy phép khai thác khoáng sản trên phạm vi toàn quốc thuộc thẩm quyền cấp phép của Trung ương là khoảng 3000 tỷ đồng, của địa phương khoảng gần 2000 tỷ đồng. Như vậy, nếu được phép để lại 100% tổng số tiền cấp quyền khai thác cho địa phương, cùng với các khoản thu từ thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản đây cũng là một nguồn thu đáng kể cho địa phương, nhất là các tỉnh miền núi. Do đó, về nguyên tắc, Bộ Tài nguyên và Môi trường ủng hộ kiến nghị nêu trên. Tuy nhiên, để được phép thực hiện, đề nghị các địa phương có văn bản báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
14. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ của tỉnh Phú Thọ giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác, chế biến theo đúng quy định; ủy quyền cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, cho phép thu gom, tiêu thụ các loại khoáng sản được phát hiện trong quá trình triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; ủy quyền cho tỉnh quản lý, cấp phép khai thác nước khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy; sớm ban hành quy chế phối hợp, quản lý hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản đối với khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trả lời
Về việc công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ: Hiện nay, các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn cả nước theo quy định tại Điều 27 Luật khoáng sản và Điều 21 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (trước kia là Điều 11 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP). Theo đó, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt và công bố 197 khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ của 23 loại khoáng sản trên địa bàn 30 tỉnh, thành phố cả nước để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, lập danh sách gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) để rà soát, tổng hợp và thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP nêu trên.
Việc thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 Luật Khoáng sản và Điều 53, Điều 54 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, Điều 82 Luật khoáng sản chưa phân cấp thẩm quyền cấp phép cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép thăm dò, khai thác nước khoáng, trong đó có khu vực Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị cấp phép hoạt động khoáng sản trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, cấp phép theo quy định.
Về quy chế phối hợp trong quản lý khoáng sản ở khu vực giáp ranh, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản.
15. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri phản ánh tình hình khai thác tài nguyên khoáng sản cũng như bảo hộ quyền lợi của địa phương nơi có khoáng sản chưa được thực hiện nghiêm túc như Luật khoáng sản quy định. Mặt khác, trong quản lý nhà nước thiếu chặt chẽ và đồng bộ giữa Trung ương và địa phương đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng… gây thất thoát lãng phí lớn nguồn tài nguyên quốc gia. Cử tri kiến nghị Bộ xem xét có giải pháp đồng bộ để khắc phục tình hình.
Trả lời
Tiếp thu kiến nghị nêu trên của cử tri cũng như nhiều địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất với Chính phủ quy định chi tiết, cụ thể hơn Điều 5 Luật khoáng sản liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người dân và địa phương nơi có khoáng sản được khai thác trong quá trình xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012). Theo đó, quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trong việc hỗ trợ cộng đồng dân cư (người dân) nơi có hoạt động khoáng sản đã được quy định chi tiết tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 158/2016/NĐ-CP, cụ thể: Việc hỗ trợ địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Luật khoáng sản do tổ chức, cá nhân khai thác trực tiếp thực hiện. Mặt khác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm thông báo nội dung, khối lượng; kế hoạch, chương trình thực hiện các công việc, các hạng mục công trình hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp xã; thông báo công khai đến tổ dân phố/thôn/bản để người dân nơi có khoáng sản cử đại diện tham gia giám sát quá trình thực hiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm bảo hộ quyền lợi của người dân địa phương.
Ngày 30 tháng 3 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, trong đó quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó có lĩnh vực khoáng sản thông qua các buổi làm việc trực tiếp tại địa phương hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan; qua hoạt động giao lưu trực tuyến định kỳ hàng năm của Bộ cũng như giải quyết các vụ việc cụ thể v.v... Mặt khác, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu hoàn thiện thể chế, hoàn thiện tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị quản lý nhà nước có liên quan; tăng cường phổ biến pháp luật về khoáng sản; tăng kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản sản. Nhờ đó, trong thực tế, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở các địa phương đã giảm liên tục từ năm 2012 đến nay; tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện đúng thời hạn về chế độ báo cáo định kỳ hoạt động khoáng sản đã tăng từ 30-40% (năm 2014) lên 60-80% (năm 2016); tỷ lệ các doanh nghiệp vi phạm hành chính giảm.
16. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm đ Khoản 3 Điều 53 của Luật tài nguyên nước năm 2012 “Trường hợp sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản”. Đề nghị sửa đổi theo hướng ủy quyền cho UBND cấp tỉnh phê duyệt cho phép sử dụng mặt nước của các hồ chứa thủy điện đã được cấp phép khai thác, để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí nhằm làm giảm bớt thời gian trong quá trình triển khai thực hiện xúc tiến đầu tư các dự án (Vì sử dụng nước mặt để phát điện thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Trong trường hợp không ủy quyền cho UBND cấp tỉnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành hướng dẫn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục chấp thuận đối với hoạt động sử dụng mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí.
Trả lời
Điểm đ Khoản 3 Điều 53 của Luật tài nguyên nước năm 2012 đã quy định một trong những trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành hồ chứa là: “Trường hợp sử dụng mặt nước hồ chứa để nuôi trồng thủy sản, kinh doanh du lịch, giải trí thì phải được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chấp thuận bằng văn bản”. Để triển khai quy định này của Luật, ngày 21 tháng 7 năm 2016, Bộ đã có văn bản số 2968/BTNMT-VP, theo đó đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La xem xét quyết định việc sử dụng mặt nước hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình và các hồ chứa thủy điện cho du lịch và thủy sản trên địa bàn tỉnh và phải đảm bảo các yêu cầu sau:
- Việc sử dụng mặt nước hồ chứa phải phù hợp với các quy hoạch liên quan đến sử dụng mặt nước. Các quy hoạch này phải lấy ý kiến các ngành chức năng có liên quan theo quy định trước khi phê duyệt;
- Phối hợp, thống nhất với các chủ hồ về phương án khai thác, sử dụng mặt nước hồ chứa với nguyên tắc đảm bảo mục tiêu ban đầu của các hồ;
- Việc phê duyệt, triển khai các chương trình, dự án có khai thác, sử dụng mặt nước hồ chứa thủy điện phải đảm bảo các quy định về bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, sử dụng đất, tiêu thoát lũ và các quy định của pháp luật hiện hành.
17. Cử tri các tỉnh An Giang, Tiền Giang kiến nghị:Hoạt động các nhà máy làm ảnh hường nghiêm trọng đến môi trường trong cả nước không chỉ có Formosa mà có rất nhiều những nơi khác. Cử tri đề nghị Chính phủ thường xuyên kiểm tra, giám sát để ngăn chặn.
Trả lời
Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra một số sự cố gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Nguyên nhân là do nhận thức, ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân còn hạn chế; một số địa phương còn chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường; chưa phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân; một số quy định pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường còn bất cập, thiếu quy định, tiêu chí, công cụ để sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư, công nghệ sản xuất, xử lý môi trường, kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp nên nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong thời gian tới là hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu.
Ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương phải tăng cường và chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan phải xem xét lại toàn bộ vấn đề công nghệ, quy trình xử lý để yêu cầu chủ dự án thực hiện các biện pháp cải tạo, nâng cấp các công trình xử lý chất thải, đảm bảo giảm tối đa khả năng xảy ra ô nhiễm hoặc các vấn đề sự cố; xây lắp các công trình ứng phó sự cố như hồ sinh học, hồ sự cố; yêu cầu các đơn vị có nguồn thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương để theo dõi, giám sát.
18. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Chính phủ đẩu tư xây dựng CTDC vượt lũ, ngoài các hạ tầng thiết yếu (đường, cống..,) chưa tính đến việc xử lý rác thải và nước thải nên đến nay vấn đề này đã là mối nguy cơ về ô nhiễm môi trường vì đa số các CTDC đều ở vị trí xe thu gom rác không đến được và nước sinh hoạt thì đều thải trực tiếp xuống kênh rạch. Kiến nghị các ngành chức năng nghiên cứu hỗ trợ về vấn đề này.
Trả lời
Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm đảm bảo cho người dân trong vùng ngập lũ có chỗ ở an toàn, ổn định và từng bước phát triển bền vững. Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai các dự án.
Hiện nay, một số CTDC vượt lũ chưa xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải và bãi chôn lấp rác thải… Để khắc phục tình trạng nêu trên, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
- Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương vùng ngập lũ rà soát, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải rắn, quy hoạch xử lý nước thải phù hợp với điều kiện của CTDC vượt lũ; có chính sách hỗ trợ triển khai đầu tư công trình xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt tại các CTDC vượt lũ.
- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý, xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt tại các CTDC vượt lũ đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường.
19. Cử tri các tỉnh Bắc Kạn, An Giang, Tiền Giang kiến nghị: Hiện nay Nhà nước đầu tư vào nhà máy giấy tại Hậu Giang, Cử tri đề nghị Nhà nước nên có chủ trương giám sát từ ban đầu trong việc bảo vệ an toàn môi trường, không chỉ cho Hậu Giang mà là cho toàn vùng. Tuyệt đối tránh tình trạng đã đi vào hoạt động sau đó phát hiện việc ảnh hưởng môi trường phải đóng cửa ngừng hoạt động, gây lãng phí.
Trả lời
- Đây là một vấn đề khá phổ biến hiện nay, đó là nhiều doanh nghiệp đã được cấp phép hoạt động nhưng không thực hiện nghiêm túc các quy định theo giấy phép mà vẫn ngang nhiên vi phạm và khi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì các cơ quan quản lý nhà nước mới vào cuộc, xử lý. Mặc dù pháp luật đã có quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước song trên thực tế việc thực thi còn rất nhiều bất cập. Khoản 2 Điều 19 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án và phải được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai xây dựng dự án; Khoản 2 Điều 27 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chủ dự án “Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường”. Như vậy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) chính là công cụ quan trọng để làm tốt công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động dự án đầu tư.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc sử dụng công cụ ĐTM còn có những
tồn tại, hạn chế sau: nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư, đã cấp giấy phép đầu tư trước khi đánh giá tác ĐTM, nên không lường trước được những rủi ro về môi trường và không có phương án phòng ngừa rủi ro và sự cố về môi trường. Mặt khác, còn có quy định không thống nhất, bất cập về ĐTM trong Luật bảo vệ môi trường với các Luật: đầu tư, xây dựng... Theo quy định, quá trình căn cứ để phê duyệt giấy phép đầu tư chính là phải có đánh giá tác động môi trường nhưng tại giai đoạn phê duyệt giấy phép đầu tư lúc đó mới chỉ là ý tưởng dự án nên chưa tính toán được đầy đủ toàn bộ quá trình, từ vấn đề về trình độ công nghệ cho đến các quy trình và công nghệ xử lý, cũng như vấn đề môi trường liên quan đến quá trình thi công, xây dựng và vận hành thử nghiệm. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ ĐTM của các tổ chức tư vấn còn thấp, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp. Năng lực thẩm định ĐTM của Hội đồng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó tính chịu trách nhiệm của Hội đồng và các thành viên của Hội đồng chưa quy định rõ. Hoạt động giám sát thực hiện ĐTM còn bất cập trong cả quá trình lập, phê duyệt, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức và chấm dứt hoạt động của dự án. Ô nhiễm môi trường thường phát sinh từ các nguồn thải lớn, được che giấu rất tinh vi, do đó hoạt động giám sát xả thải là rất khó khăn nếu thiếu công cụ kỹ thuật giám sát liên tục 24/24 giờ.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật về ĐTM theo hướng bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM; tiến hành ĐTM 2 bước ĐTM đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư và các dự án phức tạp nhạy cảm về môi trường. Tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến về dự án. Quá trình thẩm định ĐTM phải nhận diện được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đề xuất được mức độ giám sát sau ĐTM. Đặc biệt, trong trường hợp năng lực của tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định trong nước không đáp ứng được nhu cầu ĐTM của các dự án lớn, phức tạp, sẽ tính đến việc sử dụng tổ chức tư vấn và chuyên gia nước ngoài, trình độ cao để thực hiện ĐTM một cách chính xác, tin cậy. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giám sát thực hiện ĐTM bởi các tổ chức khoa học độc lập trong và ngoài nước.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn thanh tra công tác bảo vệ môi trường của dự án nhà máy Giấy Lee&Man Hậu Giang và yêu cầu Công ty chỉ được phép đưa Dự án sản xuất Giấy và các công trình bảo vệ môi trường vào vận hành thử nghiệm có tải sau khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định. Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các KCN tỉnh Hậu Giang kiểm tra, giám sát việc vận hành thử nghiệm dự án và xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án trước khi đi vào vận hành.
20. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Tại Khoản 1 Điều 13 Luật bảo vệ môi trường quy định đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược và giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Tuy nhiên, tại Phụ lục I, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ chưa quy định Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô cấp tỉnh. Đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn (chế biến nông sản; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung,..,) thuộc đối tượng lập Kế hoạch BVMT do UBND cấp huyện xác nhận, song nội dung và cấu trúc Kế hoạch BVMT thuộc đối tượng này không quy định cụ thể chương trình giám sát chất thải theo Điều 125, Luật bảo vệ môi trường, gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát ô nhiễm.
Trả lời
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu, nghiên cứu quy định chi tiết các nội dung của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP để khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên.
21. Cử tri các tỉnh, thành phố Bắc Kạn, Thái Nguyên, Long An, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội kiến nghị: Đề nghị tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với các dự án nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cần được công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường để người dân được biết, nhằm giúp kiểm tra việc chủ đầu tư dự án có thực hiện đúng quyết định đánh giá tác động môi trường đã được thẩm định hay không, từ đó giúp ngăn chặn các tác động tiêu cực đến môi trường của các dự án đầu tư.
Trả lời
Điều 131 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc đối tượng thông tin môi trường phải được công khai. Trách nhiệm cung cấp, công khai thông tin môi trường được quy định cụ thể tại Điều 130 Luật bảo vệ môi trường 2014, trong đó không phân biệt đối tượng chủ đầu tư trong nước hay nước ngoài đều phải thực hiện trách nhiệm công khai thông tin theo quy định pháp luật.
22. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri phán ánh nước sông Cầu bị ô nhiễm (do chất thải của các nhà máy ở hai bên lưu vực sông) gây ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất và sinh hoạt cũng như đời sống của người dân. Đây là vấn đề liên vùng, liên quan đến nhiều tỉnh nằm trong lưu vực sông Cầu. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp chỉ đạo giải quyết.
Trả lời
Trong các kỳ họp Ủy ban Bảo vệ môi trường (BVMT) lưu vực sông Cầu lần thứ 10, 11, 12 vào các năm 2014, 2015 và 2016, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra là kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn nước thải xả thải ra lưu vực sông Cầu, gồm: (1) Các nguồn nước thải từ sản xuất công nghiệp; (2) Các nguồn nước thải sinh hoạt; (3) Các nguồn nước thải từ làng nghề, đặc biệt đối với các nguồn xả thải lớn và nằm ở thượng nguồn và giáp ranh giữa hai tỉnh trên lưu vực sông Cầu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò là đầu mối, đã và đang tập trung chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục và ngăn chặn có hiệu quả ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông nói chung và lưu vực sông Cầu một cách tổng thể và mang tính liên vùng, liên ngành, như sau:
- Thống kê và kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả nước thải chính trên các lưu vực sông. Bộ đang tiến hành rà soát, thanh tra, kiểm tra toàn bộ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có lưu lượng xả thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn thải và kế hoạch quản lý, xử lý.
- Tăng cường các hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, kể cả biện pháp đình chỉ hoặc đóng cửa. Buộc tất cả các khu, cụm công nghiệp xây dựng mới phải hoàn thành hệ thống xử lý nước thải trước khi đi vào hoạt động. Tổ chức di dời và hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm xen lẫn trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Tăng cường công tác thẩm định, cấp phép nhằm phát huy hiệu quả trong công tác phòng ngừa ô nhiễm, đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm.
- Tiếp tục huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế, nguồn lực xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung tại các đô thị, cải tạo, phục hồi những đoạn sông, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án thu gom xử lý nước sinh hoạt từ các đô thị loại IV trở lên, xả trực tiếp ra lưu vực sông Cầu thuộc Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020.
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, xây dựng mô hình hợp tác công tư trong hoạt động xử lý chất thải tại các làng nghề, đặc biệt là các trạm xử lý nước thải làng nghề.
- Hoàn thiện và triển khai thực hiện giám sát, quản lý môi trường trực tuyến của toàn lưu vực sông Cầu. Khuyến khích xây dựng hệ thống giám sát nước thải tự động. Bắt buộc các khu công nghiệp, các nguồn xả nước thải lớn phải tuân thủ quan trắc tự động liên tục theo quy định của pháp luật.
- Đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp về bảo vệ môi trường và pháp luật về tài nguyên nước trên các lưu vực sông.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành liên quan và địa phương trên lưu vực sông Cầu có trách nhiệm:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường với vai trò đầu mối: Hướng dẫn và ban hành quy định về điều tra, đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông, xác định hạn ngạch xả nước thải vào sông; hướng dẫn điều tra thống kê nguồn nước thải trên lưu vực sông; lấy ý kiến các địa phương và hoàn thiện “Quy chế quản lý, chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường lưu vực sông Cầu trên cổng thông tin điện tử” để trình Chủ tịch Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu ban hành; Hướng dẫn các địa phương trong lưu vực chủ động thực hiện hoặc phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng các dự án nhằm thực hiện thành công Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Bộ Xây dựng chỉ đạo triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống thoát nước và xử lý nước thải khu vực dân cư, khu công nghiệp trên lưu vực sông Cầu đến năm 2030; Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Cầu đến năm 2030; hàng năm có tổng kết và đánh giá việc triển khai thực hiện.
- Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý và bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa; chủ động rà soát các dự án nạo vét luồng lạch, tận thu tài nguyên trên lưu vực sông Cầu; thường xuyên nạo vét, thanh thải chướng ngại vật nhằm đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ môi trường trên sông Cầu.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục có các chương trình hỗ trợ phát triển rừng đầu nguồn; quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc tập trung tương ứng với quy hoạch bảo vệ môi trường; kiểm soát các hoạt động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từng bước đưa công nghệ sinh học thân thiện với môi trường vào sản xuất nông nghiệp.
- Bộ Khoa học và Công nghệ có các nghiên cứu thử nghiệm, hướng dẫn mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn, nước thải khu đô thị, dân cư phù hợp quy mô nhỏ, lẻ tại các vùng nông thôn.
- Đối với các địa phương: lựa chọn những nhiệm vụ, hoạt động thực sự cụ thể và cấp thiết, đưa vào chương trình hoạt động, như: (1) Quản lý, kiểm soát ô nhiễm làng nghề, trong đó trọng tâm là kiểm soát và xử lý nước thải làng nghề; (2) Quản lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ưu tiên dây chuyền công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt phù hợp, hiệu quả, đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam (QCVN); (3) Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như: nhiệt điện, khai thác khoáng sản, các ngành nghề có sử dụng hóa chất gây nguy hiểm cho con người và môi trường…
- Ủy ban nhân dân các tỉnh trên lưu vực sông Cầu tập trung chỉ đạo và phối hợp với các tỉnh trên lưu vực sông triển khai đồng bộ các nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông theo các nội dung nêu trên; tập trung vào công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xả thải của các cơ sở sản xuất; xử lý dứt điểm các cơ sở khai thác cát, sỏi trái phép.
23. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh khói bụi của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đặt trẽn địa bàn tỉnh Hải Dương theo chiều gió bay sang khu vực huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân của một số xã thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, chỉ đạo giải quyết tình trạng trên.
Trả lời
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai việc theo dõi, đánh giá tình hình bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện trên phạm vi cả nước, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại. Về lâu dài, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tái sử dụng tro, xỉ thải nêu trên để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng các công trình xây dựng.
24. Cử tri tỉnh Bắc Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung kiểm tra những quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xả thải đã được cấp cho các dự án công nghiệp trong thòi gian ít nhất là 5 năm qua để có đánh giá chuẩn xác về những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả thực tế của các giải pháp kiểm soát ô nhiễm của các dự án này.
Trả lời
Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ đã giao “Các Bộ, ngành, địa phương rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư, nhất là các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời, hoàn thành trong năm 2017”. Hiện nay, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt công trình biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đã được đầu tư, tập trung vào các dự án lớn có nguy cơ cao tác động xấu đến môi trường để có điều chỉnh kịp thời ngay trong năm 2017. Theo đó, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát báo cáo đánh giá tác động môi trường tại 30 dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ khắc phục các tồn tại. Một số địa phương có nhiều dự án lớn (Hà Nội, Hậu Giang, Bình Dương, Nghệ An) cũng đã chủ động tổ chức kiểm tra các báo cáo đánh giá tác động của các dự án, nhà máy trên địa bàn. Các địa phương khác đều đã xây dựng kế hoạch và dự kiến tổ chức kiểm tra, rà soát trong năm 2017.
25. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Cử tri kiến nghị Nhà nước khi quy hoạch phát triển kinh tế ở các vùng miền, địa phương cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, không vì phát triển kỉnh tế mà đánh đổi môi trường thiên nhiên, môi trường sống của người dân trong khu vực.
Trả lời
Ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó thể hiện rõ quan điểm không đánh đổi môi trường vì mục tiêu kinh tế, đồng thời giao trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, cơ quan cấp phép môi trường: Thu hút đầu tư phải bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường; không cho phép đầu tư vào các loại hình sản xuất, sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu có nguy cơ cao gây ô nhiễm. Các Bộ, ngành, địa phương phối hợp đồng bộ, chặt chẽ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường từ khâu xét duyệt, thẩm định đến triển khai thực hiện và vận hành dự án. Chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường trên địa bàn.
26. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường cho cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngay 14/02/2015.
Trả lời
Trong năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng Thông tư quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ nghiệp vụ môi trường, trong đó có quy định hướng dẫn thực hiện việc cấp chứng chỉ tư vấn đánh giá tác động môi trường cho cán bộ thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) “nghiêm cấm ban hành quy định về thủ tục hành chính trong Thông tư của của Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, trừ trường hợp được giao trong Luật”, do đó nội dung nêu trên sẽ được lồng ghép tại Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng và dự kiến trình Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2017.
27. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện việc thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ theo quy định tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Chính phủ.
Trả lời
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện và ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, dự kiến ban hành trong năm 2017.
28. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Ban hành văn bản quy định thời gian chủ dự án phải chỉnh sửa, bổ sung (hoàn chỉnh hồ sơ) Báo cáo đánh giá tác động môi trường sau thời điểm nhận được kết quả thẩm định, nếu quá thời hạn quy định phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường để tránh tình trạng chủ đầu tư kéo dài thời gian chỉnh sửa quá lâu dẫn đến hiện trạng môi trường, các dự báo và tác động của dự án đến môi trường tại khu vực thực hiện dự án thay đổi so với thời gian thẩm định.
Trả lời
Đây là một tồn tại, hạn chế trong quy định pháp luật hiện hành. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát, chỉnh sửa các quy định pháp luật về ĐTM, trong đó sẽ quy định cụ thể thời hạn quy định phải lập lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2017.
29. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, hỗ trợ các trang thiết bị máy móc cho Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho công tác quan trắc tự động, kiểm soát ô nghiễm môi trường thượng nguồn lưu vực sông.
Trả lời
Thực hiện Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố liên quan tổ chức xây dựng hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 (sau đây viết tắt là Chương trình), trong đó có đề xuất hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung cho các đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Sau khi Chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan để tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình.
30. Cử tri các tỉnh, thành phố Bình Phước, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Vĩnh Long, Đăk Nông, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Hải Dương, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri bức xúc đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động của các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam để xảy ra tình trạng một số công ty trong đó có công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa đóng tại khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh có hành vi xả thải nguy hại ra môi trường, làm ô nhiễm môi trường và làm thiệt hại kinh tế, tính mạng, sức khỏe của nhân dân một số tỉnh miền trung. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền điều tra trách nhiệm của các cán bộ phụ trách công việc cấp phép, quản lý hoạt động của công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa, có biện pháp xử lý nghiêm để nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong công tác quản lý nhà nước, hạn chế thiệt hại xảy ra.
Trả lời
Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rà soát, kiểm điểm, nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm, xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân liên quan. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với đảng viên, công chức, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Môi trường theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời một Trưởng phòng đã được bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
31. Cử tri các tỉnh, thành phố Hà Nam, Cần Thơ kiến nghị: Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về môi trường; rà soát, đánh giá quy trình thủ tục cấp các loại giấy phép môi trường đối với các dự án đầu tư trên phạm vi cả nước, trong đó có Dự án nhà máy giấy Lee & Man Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang, đảm bảo môi trường luôn được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, tránh để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng như ở các tỉnh miền Trung vừa qua.
Trả lời
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước, cụ thể:
+ Triển khai thi hành Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát, phát hiện, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý, qua đó đã tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng giai đoạn đến năm 2020 tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với 13 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về bảo vệ môi trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 1.902 cơ sở, KCN, CCN trên phạm vi cả nước, xử phạt 1.433 cơ sở với số tiền phạt trên 174,4 tỷ đồng. Qua kết qua thanh tra trong những năm gần đây cho thấy, từ chỗ hầu hết doanh nghiệp vi phạm nhóm hành vi về quản lý chất thải nguy hại; tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường; xả chất thải (nước thải, khí thải) vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường, thì đến nay các nhóm hành vi nói trên đã giảm đi đáng kể, chỉ còn tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm về thủ tục hành chính.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ), trong đó quy định chi tiết, cụ thể các hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm, biện pháp đình chỉ, tạm đình chỉ, công khai thông tin các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
+ Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là biện pháp đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động hoặc buộc di dời cơ sở theo quy định của pháp luật. Đối với các vi phạm kéo dài, chậm được phát hiện, đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với cơ quan, cá nhân có liên quan, cương quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp có biểu hiện dung túng, bao che cho cơ sở vi phạm; chỉ đạo cơ quan tham mưu quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương tổ chức ký kết quy chế phối hợp với lực lượng cảnh sát môi trường nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai lực lượng trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
32. Cử tri các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên, Đồng Tháp, Gia Lai, Bình Dương, Quảng Trị, Quảng Bình, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Tây Ninh kiến nghị: Cử tri bày tỏ hết sức bức xúc về sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do Formosa Hà Tĩnh gây ra vừa qua. Cử tri đề nghị, Chính phủ sớm rà soát toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án với Formosa, đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải để xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm; bên cạnh đó, cũng cần làm rõ trách nhiệm cơ quan đánh giá tác động môi trường, hệ thống giám sát, quan trắc... Đồng thời, tiến hành xác định thiệt hại, thống kê, bồi thường phải đảm bảo khách quan, công bằng. Ngoài ra, đề nghị báo cáo cho cử tri biết là trong vòng bao nhiêu năm thì xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, giám sát chặt chẽ việc bồi thường cho người dân.
Trả lời
- Về xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra: Có thể khẳng định rằng, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải lớn tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường do Formosa gây ra đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực.
Bộ đã thành lập Tổ công tác do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp phối hợp với Bộ thành một ban theo dõi và giám sát 24/24 trong thời gian 03 năm, Tổ có trách nhiệm giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Công ty Formosa thải ra, định kỳ báo cáo kết quả với Bộ và UBND tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, xử lý nếu phát hiện vi phạm. Hiện tại, Công ty Formosa đang trong quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các biện pháp cải thiện công trình bảo vệ môi trường theo Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ. Bộ đã yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện một số công việc, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2017, gồm: (i) Cải tạo các công trình xử lý nước thải hiện hữu; xây lắp bổ sung Trạm xử lý nước thải tuần hoàn dập cốc; xây dựng hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học nuôi cá với diện tích 10ha để nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả xử lý ngay cả khi các Trạm xử lý nước thải gặp sự cố; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với 13 thông số, có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi, giám sát và công khai với người dân; (ii) Lắp đặt các công trình, thiết bị xử lý khí thải các ống khói và quan trắc tự động, liên tục khí thải với 08 thông số, có camera theo dõi và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; (iii) Kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và quản lý theo quy định; về lâu dài phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn riêng phục vụ dự án; (iv) phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2019.
- Về kiến nghị tiến hành xác định thiệt hại, thống kê, bồi thường phải đảm bảo khách quan, công bằng: Sau khi xảy ra sự cố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp tục bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo như: hỗ trợ tín dụng cho ngư dân đóng hoặc mua tàu đánh bắt xa bờ (cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp), duy trì đội tàu cá để đánh bắt hoặc chuyển sang phục vụ trồng, tái tạo lại san hô và hệ thủy sinh…; đảm bảo sử dụng tàu đánh bắt xa bờ hiệu quả lâu dài. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất về phương thức, cách thức quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí bồi thường do Công ty Formosa Hà Tĩnh chi trả đảm bảo công khai, minh bạch, chính xác, đúng đối tượng, tránh lợi dụng, thất thoát; có chính sách hỗ trợ tín dụng cho ngư dân và các đối tượng bị thiệt hại phục hồi, chuyển đổi nghề nghiệp, nhất là chuyển sang đánh bắt xa bờ.
- Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế), Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rà soát, kiểm điểm, nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm, xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân liên quan. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với đảng viên, công chức, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Môi trường theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời một Trưởng phòng đã được bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
33. Cử tri các tỉnh Đăk Nông, Tiền Giang kiến nghị: Hiện nay các vụ việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường diễn ra rất nghiêm trọng, như thế sẽ gây ra những hậu quả khôn lường không những cho hiện tại mà còn cho thế hệ sau. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ phải có các biện pháp kiểm tra xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với mọi đơn vị sản xuất kinh doanh cũng như các cơ quan, cán bộ, công chức có liên quan nếu để xảy ra sự cố môi trường.
Trả lời
- Về kiến nghị Chính phủ phải có các biện pháp kiểm tra xử lý kịp thời và nghiêm khắc đối với mọi đơn vị sản xuất kinh doanh: Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành triển khai các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, qua đó đã phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm và xử lý vi phạm nghiêm đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể: Trong thời gian từ năm 2011-2015, Bộ TNMT đã chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT trên phạm vi cả nước; đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 3.440 cơ sở, KCN và CCN (cơ sở), phát hiện 2.087 tổ chức vi phạm (chiếm 60%), với tổng tiền phạt trên 280 tỷ đồng, buộc truy thu phí BVMT đối với nước thải trên 127 tỷ đồng, bồi trường thiệt hại cho người dân gần 220 tỷ đồng, đồng thời buộc các tổ chức vi phạm phải đầu tư các công trình xử lý chất thải đạt QCVN với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2016, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 952 cơ sở (trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với 815 cơ sở tại 32 tỉnh/TP; thanh tra diện rộng đối với 137 cơ sở có nước thải trên 500 m3/ngày tại 22 tỉnh/TP và thanh tra đột xuất đối với 11 cơ sở). Kết quả thanh tra, kiểm tra nhận thấy có 203/952 cơ sở (chiếm 21,6%) không vi phạm, còn lại hầu hế các cơ sở đều có các vi phạm về thủ tục hành chính và quản lý chất thải với mức phạt tiền trên 140 tỷ đồng, buộc bồi thường thiệt hại cho người dân số tiền trên 1,4 tỷ đồng và 500 triệu USD.
Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tại các địa phương; vi phạm diễn ra khá phổ biến, tinh vi, một số địa phương xử lý chưa nghiêm; nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và yếu về nghiệp vụ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm chưa được đầu tư nên khó khăn trong việc phát hiện vi phạm.
Để khắc phục tồn tại nêu trên, Bộ TNMT sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu gồm: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về BVMT, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo cho hoạt động này chủ động, linh hoạt, đúng pháp luật, không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp; (ii) Tăng cường nhân lực, năng lực, cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm về môi trường theo quy định của Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ; (iii) Kiện toàn tổ chức và xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương, trước mắt kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012, trong đó bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành môi trường cho Chi cục BVMT thuộc Sở TN&MT tỉnh/TP.
- Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rà soát, kiểm điểm, nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm, xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân liên quan. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với đảng viên, công chức, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Môi trường theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời một Trưởng phòng đã được bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
34. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan làm rõ trách nhiệm giữa cơ quan Tài nguyên môi trường và Giao thông vận tải về thẩm quyền kiểm ra phương tiện giao thông chở xác súc vật chết gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh vì hiện nay chưa rõ cơ quan nào có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vấn đề này.
Trả lời
Mặc dù đã có cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, song hiện nay hoạt động thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực này thời gian qua còn bị bỏ ngỏ; cơ chế thanh tra, kiểm tra vẫn còn chồng chéo về thẩm quyền giữa lực lượng thanh tra môi trường lực lượng công an: lực lượng thanh tra môi trường không có chức năng thanh tra, kiểm tra các phương tiện vận tải đang lưu thông; trong khi đó lực lượng công an, cảnh sát lại chưa tập trung thanh tra vấn đề ô nhiễm môi trường do các phương tiện giao thông vận tải. Nguyên nhân của thực trạng này là do quan điểm xử lý giữa các Bộ, ngành chưa thống nhất, chưa có một cơ chế phối hợp xử lý hiệu quả vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực giao thông vận tải giữa các Bộ.
Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an xây dựng “Quy chế phối hợp giữa các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Giao thông vận tải trong công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với hoạt động giao thông vận tải tại các đô thị loại III trở lên” để sớm giải quyết tồn tại nêu trên.
35. Cử tri các tỉnh Đồng Tháp, Tây Ninh, Thái Bình, Lâm Đồng, Long An, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Bình, Hà Nam, Hải Dương kiến nghị: Cử tri bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do sinh hoạt, nguồn nước, rác thải, khí thải, do hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, làng nghề và nuôi trồng thủy sản gây ra. Cho nên cử tri tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm để đảm bảo việc phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, không vì lợi ích cục bộ mà hủy hoại môi trường sống ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Trả lời
Tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung, một số sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hiện đang được cộng đồng quan tâm. Chính phủ đã chỉ đạo một cách quyết liệt: các Bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của các cơ sở trong phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm; các địa phương cần có sự lựa chọn, sàng lọc các nhà đầu tư, các dự án đầu tư một cách kỹ lưỡng nhằm đảm bảo phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, đồng thời tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai các dự án đảm bảo an toàn cho môi trường. Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành các quy định liên quan tới công tác bảo vệ môi trường đối với các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề như: Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường KKT, KCN, KCX, KCNC; Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ. Các quy định này đưa ra yêu cầu cụ thể đối với về công tác bảo vệ môi trường cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải ra môi trường. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường và triển khai nhiều đợt thanh tra diện rộng về môi trường, rà soát các nguồn thải tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường và phòng ngừa các sự cố gây ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh ô nhiễm ra môi trường.
36. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri đề nghị tiến hành rà soát lại những nhà máy, xí nghiệp sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm và có lộ trình xóa bỏ dần các nhà máy, xí nghiệp này nhằm đảm bảo phát triển kinh tế đi đôi với công tác bảo vệ môi trường bền vững.
Trả lời
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư. Đây sẽ là cơ sở để sàng lọc, loại trừ dần các nhà máy sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
37. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Vấn đề ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn nói riêng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là môi trường nông thôn tập trung đông các các làng nghề và khu chăn nuôi tập trung, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Việc đầu tư các nhà máy, trạm xử lý nước thải tại một số địa phương còn thiếu quy hoạch, chưa hợp lý dẫn tới chưa phát huy hết tác dụng. Cử tri đề nghị cần có giải pháp trong vấn đề này để phát triển bền vững.
Trả lời
Để giải quyết vấn đề môi trường nông thôn hiện nay, cụ thể là vấn đề xử lý chất thải rắn và nước thải nông thôn cần có nhiều giải pháp.
Về chất thải rắn, cần quy hoạch, đầu tư các khu xử lý tập trung, có quy mô liên xã trở lên để tăng hiệu quả xử lý, tránh tình trạng đầu tư nhiều khu xử lý quy mô nhỏ (đặc biệt là các mô hình lò đốt công suất nhỏ), khó quản lý, vận hành, hoạt động thiếu bền vững. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân về việc phân loại rác tại nguồn, tận dụng những loại rác thải có khả năng tái chế, tái sử dụng nhằm giảm tải cho các khu xử lý, cũng như tránh lãng phí tài nguyên.
Đối với nước thải sinh hoạt, các địa phương cũng cần phải quy hoạch, xây dựng được hệ thống thu gom phù hợp, đảm bảo thu gom toàn bộ nước thải của các hộ dân. Đối với nước thải sản xuất từ các cơ sở trong làng nghề, khu chăn nuôi tập trung, theo quy định của pháp luật, các cơ sở này phải có trách nhiệm tự xử lý nước thải, do đó chính quyền địa phương cần kiên quyết cưỡng chế các cơ sở này thực hiện các biện pháp xử lý.
Một vấn đề quan trọng đối với việc duy trì vận hành các công trình xử lý nước thải, rác thải chính là kinh phí. Các địa phương cũng cần xây dựng cơ chế tài chính phù hợp, vận động người dân đóng phí vệ sinh để có nguồn kinh phí duy trì hoạt động của các khu xử lý.
38. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Có ý kiến cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đầu tư kinh phí nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý rác thải, khắc phục tình trạng chôn lấp như hiện nay gây ô nhiễm môi trường và lãng phí quỹ đất.
Trả lời
Trong thời gian qua, Chính phủ đã có chỉ đạo, phân công, phân cấp cụ thể cho các Bộ ngành và địa phương với chủ trương nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó có nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn hạn chế chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất, cụ thể như sau:
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó quy định rõ việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt phải được quản lý từ nguồn phát sinh, phân loại, lưu giữ, thu gom, vận chuyển đến tái chế, xử lý. Nghị định đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật, quy trình quản lý đối với việc vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải rắn và xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải rắn. Việc triển khai được các quy định quản lý chất thải rắn nêu trên sẽ tiết kiệm được tài nguyên, giảm thiểu chất thải phải chôn lấp.
- Thủ tướng chính phủ đã có chỉ đạo tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 17/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu, chuyển giao các công nghệ xử lý, công nghệ chế tạo, sản xuất các thiết bị và vật liệu mới phục vụ cho lĩnh vực quản lý tổng hợp chất thải rắn.
- Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo tại Công văn số 152/VPCP-KTN ngày 09/01/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo kết quả đánh giá các công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng tại Việt Nam, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét việc hỗ trợ nghiên cứu các nội dung chưa hoàn thiện của các công nghệ xử lý chất thải rắn.
- Ngày 31 tháng 08 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, các Bộ liên quan đề xuất công nghệ, thực hiện thí điểm xử lý chất thải rắn bằng công nghệ của Việt Nam, hoàn thành trong năm 2017.
- Bên cạnh đó, theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ, việc sản xuất thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt được khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ (Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường).
Để triển nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp, tăng cường tỷ lệ tái chế, tái sử dụng và thu hồi năng lượng từ chất thải. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ sẵn có tốt nhất (BAT), công nghệ thân thiện với môi trường.
- Tiếp tục kêu gọi, thu hút đầu tư nước ngoài tham gia phát triển cơ sở hạ tầng, nhà máy phục vụ quản lý, xử lý chất thải rắn. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và đào tạo trong hoạt động tái chế, tái sử dụng thu hồi năng lượng từ chất thải rắn nhằm giảm thiểu lượng chất thải rắn chôn lấp.
- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa trong lĩnh vực tái chế, xử lý và thu hồi năng lượng, trong đó có đầu tư kinh phí nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt tiên tiến, hạn chế chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất.
39. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri phản ánh nhà máy giấy Ba Nhất, nhà máy sản xuất giày da thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình giáp với xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng kiểm tra, xử lý, khắc phục tình trạng trên.
Trả lời
Ngày 25 tháng 11 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017, trong đó tập trung thanh tra các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, xả nước thải với lưu lượng từ 200 m3/ngày đêm trở lên. Theo kế hoạch thanh tra được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiến hành thanh tra các cơ sở trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, dự kiến Bộ sẽ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra ngay trong quý II năm 2017 nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp nhận ý kiến của cử tri tỉnh Hà Nội phản ánh về Nhà máy giấy Đa Nhất, Nhà máy sản xuất giày da thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình giáp với xã Mỹ Lương, huyện Chương Mỹ xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực. Bộ sẽ bổ sung các cơ sở này vào kế hoạch thanh tra và tiến hành kiểm tra cụ thể, nếu có vi phạm về môi trường sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
40. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn những nội dung quy định tại Điều 20, Điều 55, Điều 59 và Khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản. Đồng thời hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đăng ký khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi cát, sỏi từ dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch; việc thu tiền cấp quyền đối với trường hợp tận thu khoáng sản trong thực hiện các dự án nạo vét thông luồng các tuyến đường thủy, dự án san ủi mặt bằng các công trình có tận thu khoáng sản; về trách nhiệm, chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý khai thác khoáng sản; về điều khoản chuyển tiếp từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Trả lời
Tiếp thu các kiến nghị, phản ánh nêu trên của cử tri và các địa phương, trong quá trình xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/ NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012) Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa các nội dung quy định chi tiết cho các Điều 20, Điều 55 và Khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản vào nội dung Nghị định. Theo đó, đã hướng dẫn cụ thể về hồ sơ đăng ký khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch thu hồi cát, sỏi từ dự án nạo vét thông luồng các tuyến đường thủy, dự án san ủi mặt bằng các công trình có tận thu khoáng sản; quy định về trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước trong hoạt động quản lý khai thác khoáng sản.
Về điều Khoản chuyển tiếp từ xử lý vi phạm hành chính sang xử lý hình sự các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề xuất trong quá trình xây dựng Bộ Luật hình sự (sửa đổi).
41. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoại, quản lý chất thải công nghiệp thông thường và quản lý phế liệu (không phải phế liệu nhập khẩu) để các địa phương có cơ sở pháp lý thực hiện vì hiện tại trong công tác quản lý chất thải ở địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt ĐTM, đặc biệt là đối với Dự án Formosa. Hỗ trợ tỉnh đầu tư phần mềm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để cập nhật kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý, đồng thời đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu (Cử tri tỉnh Hà Tĩnh)
Trả lời
- Về kiến nghị xây dựng Thông tư hướng dẫn cụ thể về quản lý chất thải rắn sinh hoại, quản lý chất thải công nghiệp thông thường và quản lý phế liệu: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo “Thông tư quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, quản lý sản phẩm thải lỏng không nguy hại; quản lý điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ và tiêu huỷ xe ưu đãi, miễn trừ”. Hiện nay, dự thảo Thông tư đang được hoàn thiện, dự kiến ban hành trong năm 2017.
- Về kiến nghị thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn do Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt ĐTM, đặc biệt là đối với Dự án Formosa: Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2807/QĐ-BTNMT ngày 06 tháng 12 năm 2016 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 02 tháng 11 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5141/BTNMT-TCMT về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường năm 2017 gửi các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường năm 2017 trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào các đối tượng gồm: các dự án, cơ sở do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và một số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực: dệt nhuộm, sản xuất, chế biến và thuộc da, xi mạ, luyện kim và sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy và bột giấy, tinh bột sắn, sản xuất và chế biến cao su, chế biến thực phẩm mía đường, hóa chất....; các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm. Ngày 25 tháng 11 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT về việc Phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017 trong đó sẽ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên, dự kiến Bộ sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra ngay trong quý II năm 2017, tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2017.
Đối với vụ việc công ty Formosa, Bộ đã thành lập Tổ công tác do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trực tiếp phối hợp với Bộ thành một ban theo dõi và giám sát 24/24 trong thời gian 03 năm, Tổ có trách nhiệm giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Công ty Formosa thải ra, định kỳ báo cáo kết quả với Bộ và UBND tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, xử lý nếu phát hiện vi phạm. Hiện tại, Công ty Formosa đang trong quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các biện pháp cải thiện công trình bảo vệ môi trường theo Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT và quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Bộ. Bộ đã yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện một số công việc, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2017, gồm: (i) Cải tạo các công trình xử lý nước thải hiện hữu; xây lắp bổ sung Trạm xử lý nước thải tuần hoàn dập cốc; xây dựng hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học nuôi cá với diện tích 10ha để nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả xử lý ngay cả khi các Trạm xử lý nước thải gặp sự cố; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với 13 thông số, có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi, giám sát và công khai với người dân; (ii) Lắp đặt các công trình, thiết bị xử lý khí thải các ống khói và quan trắc tự động, liên tục khí thải với 08 thông số, có camera theo dõi và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; (iii) Kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và quản lý theo quy định; về lâu dài phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn riêng phục vụ dự án; (iv) phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2019.
- Về kiến nghị hỗ trợ tỉnh đầu tư phần mềm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường để cập nhật kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý: Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng "Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia". Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường” trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt và hiện đang được lồng ghép vào Đề án“Tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và Môi trường” dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.
- Về kiến nghị đẩy nhanh công tác cải cách thủ tục hành chính theo yêu cầu: Trong thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Năm 2016, Bộ đã thiết lập hệ thống, tạo và phân quyền cho người sử dụng, cập nhật kết quả xử lý và luân chuyển hồ sơ thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường; thực hiện đăng tải trên Cổng thông tin điện tử toàn bộ các thủ tục hành chính đã được Bộ công bố, đáp ứng yêu cầu ở mức độ 2; xây dựng và hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục hành chính về vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại, tích hợp cơ chế hải quan 1 cửa quốc gia. Bộ cũng đang tiến hành rà soát cơ sở pháp lý nhằm sửa đổi hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện chứng từ, hồ sơ điện tử thuộc lĩnh vực môi trường.
42. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị sớm ban hành quy định về bảo vệ môi trường trong thu gom, vận chuyển, xử lý tro xỉ ở các nhà máy nhiệt điện nhằm kịp thời xử lý lượng tro xỉ đang còn tồn đọng tại các nhà máy nhiệt điện nói chung và nhà máỵ nhiệt điện Formosa nói riêng.
Trả lời
Để giải quyết tình trạng tồn đọng tro xỉ các nhà máy nhiệt điện, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương sẽ triển khai các giải pháp sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: giám sát chặt chẽ các nhà máy nhiệt điện áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật về bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải, than và tro, xỉ thải theo yêu cầu, bảo đảm không để xảy ra các vấn đề môi trường như nêu ở trên.
- Bộ Công Thương: (i) Rà soát toàn bộ quy hoạch các Trung tâm nhiệt điện nhằm bảo đảm khả năng chịu tải của môi trường, đặc biệt là các trung tâm điện lực/NMĐT đặt gần các khu đông dân cư trên cơ sở đánh giá khả năng chịu tải về môi trường không khí và môi trường nước (nơi tiếp nhận nước làm mát từ nhà máy nhiệt điện); (ii) Đánh giá tác động tổng hợp của tất các nguồn khí và nước thải từ các nhà máy nhiệt điện của Trung tâm điện lực để xem xét khả năng chịu tải của môi trường xung quanh, từ đó điều chỉnh công suất, công nghệ của các nhà máy nhiệt điện đảm bảo môi trường không khí và nước xung quanh trung tâm điện lực/ nhà máy nhiệt điện không vượt quy chuẩn môi trường; (iii) Có kế hoạch và lộ trình yêu cầu các chủ đầu tư/dự án chuyển đổi công nghệ của các nhà máy nhiệt điện từ ngưng hơi truyền thống dưới tới hạn và tới hạn sang công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn[1] để bảo vệ và cải thiện môi trường ngày một tốt hơn.
- Bộ Xây dựng xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để tái sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng (gạch, xi măng, bê tông, san lấp) theo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23 tháng 9 năm 2014 để giải quyết tồn trữ tro xỉ tại của các trung tâm điện lực/NMĐT.
43. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Công ty Formosa khắc phục triệt để các tồn tại mà Đoàn Thanh tra đã kết luận; triển khai lắp đặt trạm quan trắc tự động và chỉ đạo Formosa triển khai thực hiện các nội dung về quản lý nuớc thải, khí thải và chất thải rắn theo kết quả làm việc ngày 08/9/2016 giữa Bộ Tải nguyên và Môi trường, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Công ty Formosa Hà Tĩnh.
Trả lời
Ngay sau khi Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường nêu trên, đã xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời đền bù thiệt hại cho người dân (đã chuyển 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam), Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ việc khắc phục hậu quả vi phạm của Công ty; đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 02 Trạm kiểm định môi trường di động vào giám sát các nguồn thải với tần suất 03 lần/ngày trước khi thải ra môi trường, trong thời gian 03 năm (cho đến khi Công ty hoàn thành việc chuyển đổi công nghệ tiên tiến).
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty xây dựng và thực hiện Kế hoạch khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường, đảm bảo hoàn thành trước ngày 31/3/2017, bao gồm: (1) Cải tạo các công trình xử lý nước thải hiện hữu; xây lắp bổ sung Trạm xử lý nước thải tuần hoàn dập cốc; xây dựng hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học nuôi cá với diện tích 10 ha; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với 13 thông số, có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi, giám sát và công khai với người dân; (2) Lắp đặt các công trình, thiết bị xử lý khí thải các ống khói và quan trắc tự động, liên tục khí thải với 08 thông số, có camera theo dõi và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; (3) Kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và quản lý theo quy định; về lâu dài phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn riêng phục vụ dự án; (4) Phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2019.
Đến nay, Công ty đã cải thiện, vận hành hệ thống xử lý nước thải và khí thải đạt quy chuẩn cho phép; phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây dựng bổ sung một số công trình xử lý chất thải nhằm kiểm soát môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Kết quả phân tích mẫu chất thải cho thấy, đến cuối tháng 10/2016, các hạng mục công trình xử lý nước thải, khí thải phục vụ Lò cao số 1 của FHS đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải, khí thải và quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định.
Sau khi hoàn thành các hạng mục công trình nêu trên, vấn đề môi trường của Công ty sẽ được kiểm soát an toàn theo quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế. Trường hợp Công ty tiếp tục vi phạm về xả thải ra môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ Việt Nam sẽ xử lý nghiêm theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự và các điều ước quốc tế, trong đó có hình thức đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động và truy tố theo quy định của pháp luật.
44. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Đề nghị nghiên cứu trình Ủy ban thường vụ Quốc Hội sửa đổi, bổ sung các nội dung về thủ tục lập, phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014.
Trả lời
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiến hành rà soát toàn bộ các quy định của pháp luật về môi trường, trong đó có các quy định về lập, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan; rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về xây dựng, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định về hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường.
45. Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Dương kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng nhiều nơi “cát tặc” hoành hành, khai thác trái phép diễn ra thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống nhân dân; đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề này.
Trả lời
Đầu năm 2016, khai thác khoáng sản trái phép còn diễn ra khá phổ biến tại gần 40 tỉnh, thành phố (riêng cát, sỏi lòng sông diễn tra tại 30 tỉnh, thành phố). Theo quy định (Điều 18 và Điều 82 Luật khoáng sản), trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các cấp chính quyền địa phương; thẩm quyền cấp phép khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên, quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông khá phức tạp; khai thác trái phép chưa được giải quyết triệt để, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái diễn; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trong khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép ngày càng khó khăn, phức tạp. Hậu quả là gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm nguồn nước, sạt lở bờ sông... gây bức xúc trong dư luận. Một số nguyên nhân chủ yếu, đó là:
- Nhiều địa phương chưa kiên quyết xử lý người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi buông lỏng trách nhiệm, thậm chí dung túng cho hoạt động khai thác trái phép;
- Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong quản lý khoáng sản ở khu vực có chung địa giới hành chính của hai huyện hoặc tỉnh trở lên; xử lý chưa kiên quyết, đồng bộ và kịp thời đối với hoạt động khai thác trái phép, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông; chưa kiểm soát chặt chẽ các bến bãi tập kết cát, sỏi.
- Một số khoáng sản có giá trị như khoáng sản kim loại, quý, hiếm, nhất là loại khoáng sản phân bố ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, hạ tầng kỹ thuật thấp kém và có loại dễ khai thác dễ chế biến, dễ sử dụng, dễ tiêu thụ, trong khi đó lực lượng quản lý còn thiếu người, phương tiện, kinh phí, chưa đủ năng lực giải tỏa, ngăn chặn triệt để hoạt động khai thác trái phép.
Biện pháp ngăn chặn đã thực hiện:
- Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, đã yêu cầu các Bộ, ngành, các địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ cương pháp luật; ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
- Ngày 27/10/2015, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển với sự tham gia của đại diện các Bộ liên quan; Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam; đại diện Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố cả nước để thống nhất các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, trong đó có những biện pháp nhằm xử lý những điểm nóng khai thác cát, sỏi trái phép ở một số địa phương.
- Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (để thay thế Nghị định số 15/2012/ NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2016), trong đó, đã bổ sung 01 Chương quy định cụ thể về trách nhiệm quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của Ủy ban nhân dân các cấp; nội dung phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung các hành vi cần xử phạt; tăng mức xử phạt đối với một số hành vi, nhất là cát, sỏi lòng sông; khai thác khoáng sản trái phép trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quy định đơn giản hơn về mạng lưới công trình khi thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp, nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, phê duyệt trữ lượng tại Thông tư số 01/TT-BTNMT ngày 13/01/2016.
Giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 158/2016/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó có Thông tư hướng dẫn quản lý cát, sỏi lòng sông để áp dụng thống nhất trong toàn quốc.
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg, nhất là các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; các địa phương có khoáng sản nằm chung ranh giới hành chính ban hành quy chế phối hợp trong quản lý, xử lý vi phạm để thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát; cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu xảy ra hoạt động khai thác trái phép.
46. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để phù hợp với các quy định theo Luật bảo vệ môi trường năm 2014, theo hướng tăng mức xử phạt để nâng cao tính răn đe đối với các cơ sở cố tình không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trả lời
Ngày 18 tháng 11 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó đã tăng mức xử phạt để nâng cao tính răn đe đối với các cơ sở cố tình không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
47. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tổng kiểm tra, đánh giá tác động đến môi trường đối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các dự án nhiệt điện, sản xuất thép, sản xuất xi măng,… sử dụng máy móc, công nghệ cũ của Trung Quốc.
Trả lời
Việc tiến hành đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư đã được quy định trong Luật bảo vệ môi trường năm 2014, Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. Đối với quá trình hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn, nhà nước cũng có các biện pháp kiểm soát thông qua quan trắc môi trường (bao gồm quan trắc định kỳ và quan trắc tự động), kiểm tra, thanh tra.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai hoạt động tổng điều tra các nguồn thải trên phạm vi cả nước, đối tượng bao gồm tất cả các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có phát thải lớn, làng nghề…, từ đó sẽ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác đánh giá tác động tới môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp hiện nay.
48. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp vơi Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trả lời
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế trong công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
49. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Trả lời
Từ trước đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một số dự án, nhiệm vụ; ban hành công văn, quyết định tạo nền tảng cho việc hoàn thiện và cập nhật cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia như triển khai thực hiện nhiệm vụ: “Xây dựng chuẩn các lớp thông tin cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia”, trong đó đã đưa ra khung dữ liệu về môi trường với đầy đủ các lĩnh vực về môi trường, trong đó có dữ liệu nền địa lý (năm 2009); xây dựng, chuẩn định dạng dữ liệu, tích hợp các dữ liệu và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu môi trường, trong đó quy định danh mục các lớp thông tin của cơ sở dữ liệu môi trường (năm 2010-2011); đã có Văn bản số 362/TCMT-TTTLMT ngày 29 tháng 3 năm 2012 gửi các Sở Tài nguyên Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường. Đồng thời, năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 34/2013/TT-BTNMT ngày 30 tháng 10 năm 2013 quy định về giao nộp, thu nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp dữ liệu môi trường.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc tìm kiếm và tiếp cận thông tin của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng "Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia". Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai xây dựng Đề án “Tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc môi trường” để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Đề án đã được lồng ghép vào Đề án “Tăng cường năng lực xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và Môi trường” dự kiến sẽ ban hành trong năm 2017.
50. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đối với các hoạt động du lịch, hàng hải; khu vực khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản; khu vực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; hoạt động thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển chưa được chú trọng kiểm tra. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan giám sát, kiểm tra, phòng ngừa ô nhiễm và các sự cố môi trường đối với các hoạt động này.
Trả lời
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường hoạt động kiểm tra, thanh tra về môi trường, qua đó đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Đối với hoạt động khoan, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 22/2015/TT-BTNMT ngày 28/5/2015 quy định về bảo vệ môi trường trong sử dụng dung dịch khoan, quản lý chất thải và quan trắc môi trường đối với hoạt động dầu khí trên biển, trong đó có quy định về hoạt động quan trắc đối với hoạt động dầu khí ngoài trời. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra và giám sát các hoạt động như cử tri đã nêu.
51. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Đề nghị các ngành chức năng xử lý nghiêm và triệt để các doanh nghiệp xả nguồn nước và rác thải chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân. Tình trạng này ở các khu công nghiệp và các làng nghề vẫn còn diễn ra nhân dân rất bức xúc.
Trả lời
- Quốc hội thông qua Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong đó đã quy định chi tiết hơn về bảo vệ môi trường tại Khu công nghiệp (Điều 66) và làng nghề (Điều 70); Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề tại Quyết định số 577/QĐ-TTg ngày 11/4/2013; Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012; xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, trong đó xác định vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, lưu vực sông và làng nghề là ba trong sáu vấn đề môi trường cấp bách sẽ được tập trung đồng bộ các giải pháp để giải quyết trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Theo quy định tại Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các khu công nghiệp đều phải hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, quy định cụ thể về quản lý nước thải, bố trí cán bộ chuyên môn về môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường trong khu công nghiệp. Việc các khu công nghiệp chưa hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động là chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; một số Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và cơ quan quản lý môi trường các cấp cũng chưa thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo theo chức năng.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang tiến hành và sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động của các khu công nghiệp, làng nghề, đặc biệt là những khu công nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các khu công nghiệp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Từ năm 2014 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện thanh tra, kiểm tra trách nhiệm đối với 13 Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về bảo vệ môi trường; tổ chức thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 1.902 cơ sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, xử phạt 1.433 cơ sở với số tiền phạt trên 174,4 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào cuộc quyết liệt; yêu cầu Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế và chủ đầu tư các khu công nghiệp thực hiện nghiêm túc cam kết đầu tư đồng bộ hạ tầng bảo vệ môi trường phù hợp với tiến độ lấp đầy của khu công nghiệp; kiên quyết xử lý, kể cả biện pháp tạm dừng hoạt động đối với những khu công nghiệp không tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất một số giải pháp sau đây:
+ Theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 thì cả nước sẽ có 142 khu công nghiệp được ưu tiên thành lập mới và mở rộng. Trong quá trình hoạt động, các khu công nghiệp mới vẫn tiếp tục được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch và thành lập mới. Do đó cần phải thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể về tác động môi trường việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay.
+ Trong số hơn 500 khu công nghiệp đã được đưa vào quy hoạch tới năm 2020 mới chỉ có 283 khu công nghiệp hoạt động. Như vậy, theo định hướng phát triển sẽ còn tới khoảng hơn 200 khu công nghiệp nữa sẽ được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này sẽ tạo ra áp lực môi trường rất lớn. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiên quyết yêu cầu khoảng 200 khu công nghiệp này thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đối với các khu công nghiệp hiện nay đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp hoặc thực hiện thủ tục mở rộng khu công nghiệp.
+ Tập trung thanh tra, kiểm tra các khu công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để giám sát chất lượng nước thải ra môi trường theo các quy định pháp luật hiện hành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
+ Xây dựng quy định hướng dẫn việc kết nối hệ thống quan trắc nước thải tự động từ các khu công nghiệp tới các Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định của pháp luật.
+ Các cơ quan quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương cần tiếp tục đôn đốc, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu kinh tế, khu công nghiệp; giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
52. Cử tri tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: Cử tri cũng đề nghị cần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác bảo vệ môi trường và tập trung đầu tư phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, để kịp thời phát hiện được những thủ đoạn tinh vi của doanh nghiệp thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường.
Trả lời
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án xác định phát triển đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu, cân đối theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền, gắn liền với yêu cầu của công việc, việc bố trí, sử dụng, nhằm phát huy đầy đủ năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương, trong đó đã xác định nhiệm vụ tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, cụ thể:
- Điều tra, đánh giá, xác định đối tượng và nhu cầu đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, các kỹ năng cơ bản và xác định các đối tượng, khu vực trọng tâm, nội dung trọng tâm, trọng điểm cần tăng cường năng lực quản lý môi trường.
- Thiết kế chương trình đào tạo, tập huấn cho các đối tượng, theo các nhu cầu đã được xác định, bao gồm: tài liệu đào tạo, tập huấn; đội ngũ giảng viên; chương trình đào tạo; kế hoạch đào tạo; các điều kiện bảo đảm thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn.
- Tổ chức thực hiện các chương trình, module đào tạo, tập huấn cho các cán bộ quản lý môi trường ở Trung ương và địa phương.
- Xây dựng và thực hiện các dự án cung cấp, đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác giám sát, quan trắc hiện trạng môi trường, cảnh báo các sự cố về môi trường.
- Tin học hoá và trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị thu nhận, phân tích, xử lý các số liệu, dữ liệu về môi trường.
53. Cử tri tỉnh Khánh Hòa kiến nghị: Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời sửa chữa, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong đó cần có chế tài kiên quyết đóng cửa các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, cần tăng quyền hạn cho tổ chức bảo vệ môi trường, nhất là của lực lượng Cảnh sát môi trường để phát huy hiệu quả hoạt động nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Khi xảy ra các sự cố về môi trường, cần truy cứu trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thẩm định và đánh giá tác động môi trường của dự án gây ra ô nhiễm môi trường vì hiện nay, công tác thẩm định đánh giá tác động môi trường còn mang nặng tính hình thức.
Trả lời
Trong năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan; đến nay đã hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó sẽ sửa đổi, bổ sung hoàn thiện những cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời, trong năm 2017, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ triển khai, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành để nhất quán vấn đề bảo vệ môi trường được gắn kết chặt chẽ, hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững; thực đúng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền; trả đúng và trả đủ”, “người sử dụng các dịch vụ về tài nguyên và môi trường thì phải chi trả” theo cơ chế thị trường.
- Có quy định về cơ chế trách nhiệm rõ ràng giữa các chủ thể: doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, người dân, khắc phục sự giao thoa, chồng chéo giữa các cơ quan khi xảy ra ô nhiễm môi trường.
- Tổ chức thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan, công khai, công bằng.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ tương xứng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
- Xây dựng, ban hành quy hoạch bảo vệ môi trường để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa môi trường với kinh tế, giữa bảo tồn và phát triển, cân bằng lợi ích của thế hệ hiện tại với thế hệ mai sau; hướng tới việc xây dựng nền kinh tế xanh.
- Tăng cường nguồn lực đầu tư từ Nhà nước, xã hội, hợp tác quốc tế để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường như: quan trắc, giám sát môi trường; xử lý chất thải...; huy động có hiệu quả sự tham gia của xã hội để giải quyết ô nhiễm môi trường.
- Có kế hoạch, lộ trình cụ thể, đồng bộ để xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường; thực hiện các biện pháp phòng ngừa bằng việc nâng cao các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng.
54. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đối với dự án Nhà máy nhiệt điện ở huyện Cần Giuộc và dự án bãi rác ở huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, cử tri cho rằng đây là những dự án dễ tác động xấu đến môi trường. Đề nghị Chính phủ cân nhắc việc triển khai dự án này, thực hiện đánh giá tác động môi trường chặt chẽ; tham vấn ý kiến chuyên gia và người dân trước khi thực hiện.
Trả lời
Việc cử tri có ý kiến về những dự án nhiệt điện ở huyện Cần Giuộc và dự án bãi rác ở huyện Thủ Thừa tỉnh Long An có thể dễ gây tác động đến môi trường và đời sống cộng đồng dân cư xung quanh các dự án này là hoàn toàn xác đáng. Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã quy định việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cụ thể:
- Đối với Dự án “Nhà máy nhiệt điện” ở huyện Cần Giuộc thuộc đối tượng phải thực hiện báo cáo ĐTM. Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện quyết định chủ trương đầu tư dự án. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo ĐTM của Dự án này. Trong quá trình thực hiện báo cáo ĐTM, Chủ dự án cần dự báo và đánh giá khả năng chịu tải của môi trường khu vực dự kiến triển khai dự án, các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường phù hợp, trong đó cần lưu ý đến khí bụi, thải và nước thải phát sinh.
- Đối với Dự án “Đầu tư xây dựng, vận hành cơ sở hạ tầng Khu công nghệ Môi trường Xanh và một số hạng mục công trình phục vụ xử lý chất thải” của Công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam - Long An (VWSLA) được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 3035/QĐ-BTNMT ngày 27 tháng 11 năm 2015. Hiện tại, Công ty mới chỉ cơ bản triển khai được hạng mục cầu và đường vào khu xử lý. Theo báo cáo của VWSLA, Công ty đang điều chỉnh lại dự án (sử dụng công nghệ đốt phát điện và sản xuất nhiên liệu khí nén, phần chôn lấp giảm xuống dưới 10%) và sẽ lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định.
Về kiến nghị của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận và sẽ lưu ý trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường lập lại của Dự án khi nhận được hồ sơ.
Ngoài ra, theo yêu cầu tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, trong quá trình thực hiện đánh giá ĐTM của các dự án nêu trên, Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.
55. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri lo ngại trước tình trạng ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên thiên nhiên do hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản và các làng nghề gây ra. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân buông lỏng trách nhiệm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Trả lời
Ô nhiễm môi trường và suy kiệt tài nguyên là một trong những vấn đề được cộng đồng rất quan tâm. Dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường cũng như giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác tài nguyên nói chung trong suốt thời gian qua. Bên cạnh việc kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành thanh tra, làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường của một số cơ quan có liên quan để qua đó phát hiện những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kịp thời xử lý, nhắc nhở, hướng dẫn và chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số tổ chức, cá nhân có liên quan.
56. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Hiện nay, khu nhà máy rác tại xã Vân Phú, thành phố Việt Trì đã quá tải trên 200%, gây khó khăn trong quá trình xử lý, thành phố Việt Trì đã quá tải trên 200 gây khó khăn trong quá trình xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết thực trạng này, Phú Thọ đang triển khai xây dựng mới khu xử lý rác thải tập trung tại Trạm Thản, huyện Phù Ninh nhưng việc xây dựng gặp rất nhiều trở ngại. Đề nghị xem xét hỗ trợ nguồn lực để đầu tư thông qua nguồn vốn hỗ trợ ngân sách trung ương từ chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và các nguồn vốn vay từ Quỹ bảo vệ môi trường.
Trả lời
Ngày 04/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cụ thể hóa tiêu chí lựa chọn các dự án ưu tiên trong giai đoạn 2016-2020 như sau:
a) Tiêu chí chung: phù hợp với quy hoạch, kế hoạch của trung ương và địa phương; có tính liên vùng, đa mục tiêu, có tác dụng lan tỏa; có tác động trực tiếp bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân; có/áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến; phù hợp với mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, tạo được sinh kế bền vững lâu dài trước các tác động của biến đổi khí hậu; phù hợp với Kế hoạch của Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris (giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu); ưu tiên các dự án được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo cụ thể bằng văn bản (đối với địa phương đề xuất nhiều dự án); có quy mô phù hợp, suất đầu tư hợp lý, phải hoàn thành dứt điểm trước năm 2020.
b) Tiêu chí ưu tiên theo vùng: đối với các tỉnh miền núi phía Bắc thì tiêu chí ưu tiên theo vùng bao gồm:
- Trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn, kết hợp phát triển hạ tầng kỹ thuật nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế bền vững;
- Xây dựng, nâng cấp hệ thống cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất; tăng cường khả năng cấp nước trong mùa khô và điều tiết lũ trong mùa mưa;
- Xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát lũ và kiểm soát lũ trên các hệ thống sông lớn.
Với các tiêu chí nêu trên, việc triển khai dự án xử lý rác thải tập trung thuộc tỉnh Phú Thọ chưa đủ các tiêu chí chung và ưu tiên theo vùng nằm trong phạm vi ưu tiên xem xét hỗ trợ dự án về biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường, Nghị định này đã quy định một chương ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó, có ưu đãi, hỗ trợ hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn; đồng thời Nghị định đã quy định các nguồn ưu đãi, hỗ trợ, trong đó, có nguồn ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường Việt nam, Quỹ bảo vệ môi trường địa phương và các tổ chức tín dụng khác. Do vậy, việc đầu tư xây dựng mới khu xử lý rác thải tập trung như kiến nghị của cử tri thuộc đối tượng ưu đãi, hỗ trợ các hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của Nghị định này.
57. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Nhiều cử tri phản ánh: Từ khi Công ty cổ phần Giấy An Hòa có trụ sở tại xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang đi vào hoạt động đã xả toàn bộ nước thải trực tiếp của nhà máy chưa được kiểm duyệt ra sông Lô (nguồn nước thải có những chỉ số vượt ngưỡng cho phép) làm ảnh hưởng đến các hộ dân sinh sống xung quanh và các địa phương phía hạ lưu (hiện nay toàn bộ người dân thành phố Việt Trì đang sử dụng nguồn nước sông Lô làm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày). Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm ra, xử lý nếu nhà máy có dấu hiệu vi phạm thì đề nghị cho dừng hoạt động.
Trả lời
Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành thanh tra đối với Công ty Cổ phần Giấy An Hòa. Kết quả thanh tra cho thấy Công ty đã có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Ngày 14 tháng 12 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 45/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường từ 02 đến dưới 05 lần áp dụng tình tiết tăng nặng do gây ô nhiễm môi trường trong thời gian dài, với hình thức xử phạt chính là phạt tiền với tổng mức phạt là 1.414.000.000 đồng và hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động hệ thống xử lý nước thải của Công ty trong thời hạn 06 tháng. Đồng thời, Bộ yêu cầu Công ty khắc phục hậu quả vi phạm; rà soát lại hệ thống xử lý nước thải; thực hiện cải tạo hồ sinh học đảm bảo nước thải sau xử lý phải đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra ngoài môi trường; lắp đặt hệ thống đo lưu lượng và quan trắc liên tục, tự động một số thông số ô nhiễm đặc trưng trong nước thải sau xử lý như: pH, COD, cặn lơ lửng, amonia, độ màu,....; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tuyên Quang chậm nhất là ngày 31/6/2017.
58. Cử tri tỉnh Phú Thọ kiến nghị: Cử tri kiến nghị: Công ty TNHH Môi trường Phú Hà đóng trên địa bàn xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh là doanh nghiệp có chức năng xử lý rác thải công nghiệp nguy hại; vị trí xử lý rác thải của Công ty gần với dòng chảy của sông Lô. Hiện nay, nguồn nước sông Lô được cung cấp và xử lý làm nguồn nước sinh hoạt hàng ngày của người dân thành phố Việt Trì và các vùng lân cận. Trước thông tin Công ty TNHH Môi trường Phú Hà vận chuyển, xử lý chất thải cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh và chất thải của các khu công nghiệp khác, cử tri càng thêm lo lắng trước vấn đề an toàn nguồn nước cũng như bảo vệ môi trường. Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh kiểm tra, xem xét hoạt động của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, nếu có hành vi vi phạm đề nghị có biện pháp xử lý.
Trả lời
Công ty TNHH Môi trường Phú Hà đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép xử lý CTNH mã số 1-2-3-4-5-6-7-8.016.VX ngày 27/5/2016, hoạt động với 01 Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế (duy nhất) tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Về quá trình cấp phép xử lý chất thải nguy hại (CTNH) cho Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, đồng thời đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra cấp phép cho Công ty TNHH Môi trường Phú Hà theo quy định tại Khoản 5 Điều 17 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý CTNH (trước đây là Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT).
Về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH của Công ty TNHH Môi trường Phú Hà:
Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có kế hoạch phối hợp với các cơ quan có chức năng khác để thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý CTNH và bảo vệ môi trường của các cơ sở xử lý CTNH đã được cấp phép, trong đó có Công ty TNHH Môi trường Phú Hà, cụ thể như sau:
- Ngày 12/5/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Quyết định số 976/QĐ-BTNMT ngày 02/5/2016) đã tiến hành thanh, kiểm tra Công ty. Theo biên bản, không ghi nhận Công ty có vi phạm về bảo vệ môi trường.
- Theo kết luận Thanh tra về bảo vệ môi trường số 437/KLTTr-TCMT ngày 02/6/2016 của Tổng cục môi trường, yêu cầu Công ty nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, các hồ chứa đảm bảo xử lý, lưu chứa an toàn nước thải của Công ty. Hiện nay, Công ty đã lập và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án điều chỉnh công suất hệ thống thiết bị hóa rắn và bổ sung phương pháp xử lý bùn thải của nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế, trong đó có kế hoạch nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý nước thải (đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức họp thẩm định, thông qua).
Ngoài Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, Công ty TNHH Môi trường Phú Hà cũng đã có sự kiểm tra, giám sát công tác quản lý CTNH và bảo vệ môi trường của nhiều cơ quan có thẩm quyền khác như:
- Ngày 25/3/2015, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ đã thanh tra, kiểm tra Công ty. Theo biên bản ghi nhận tại thời điểm tranh tra, Công ty chưa xả nước thải ra ngoài môi trường, nước thải phát sinh từ hoạt động của Công ty sau xử lý được lưu chứa trong 03 hồ chứa có chống thấm để tái sử dụng.
- Ngày 16/7/2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Phú Thọ đã thanh tra, kiểm tra Công ty. Theo biên bản, không ghi nhận Công ty không có vi phạm về bảo vệ môi trường.
59. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm xử lý nghiêm việc Công ty Fomorsa Hà Tĩnh xả nước thải gây ô nhiễm môi trường biển và chôn chất thải thải phép ở nhiều tỉnh trong cả nước.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra tại Công ty Formosa Hà Tĩnh theo đúng quy định của pháp luật, đã xác định 53 lỗi hành vi vi phạm hành chính của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Ngày 19/8/2016, đã lập Biên bản vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 53 lỗi vi phạm hành chính của Công ty Formosa Hà Tĩnh, đảm bảo chặt chẽ về căn cứ pháp lý của từng sai phạm và theo đúng quy định của pháp luật. Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-XPVPHC ngày 14/10/2016 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty với tổng mức tiền phạt là 4.485.000.000 đồng. Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung, cam kết thực hiện của Công ty Formosa Hà Tĩnh và thành lập Tổ giám sát Công ty trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung. Tổ giám sát có trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của Công ty Formosa Hà Tĩnh trong thời gian 03 năm kể từ ngày 22/7/2016.
60. Cử tri các tỉnh Quảng Bình, Hà Nam kiến nghị: Tăng cường kiểm tra, rà soát hoạt động xả thải của các nhà máy, các khu công nghiệp, kể cả những nhà máy chưa đi vào hoạt động để phòng ngừa và xử lý vấn đề môi trường.
Trả lời
Việc phát triển các khu công nghiệp, các nhà máy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhưng mặt khác cũng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường. Năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về quản lý chất thải và phế liệu, trong đó quy định cụ thể các yêu cầu về quản lý nước thải, khí thải và chất thải rắn đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp. Ngày 30 tháng 6 năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT về bảo vệ môi trường Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, khu công nghệ cao (KKT, KCN, KCX, KCNC), trong đó đưa ra một số quy định mới so với trước đây góp phần tăng cường công tác bảo vệ môi trường KCN như: quy định điểm xả nước thải của hệ thống xử lý nước thải tập trung, yêu cầu đối với việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, điều kiện cán bộ phụ trách môi trường tại ban quản lý KCN, KKT và của chủ đầu tư hạ tầng KCN. Đây là một trong những trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, luôn được ưu tiên thực hiện thường xuyên, liên tục và nghiêm túc.
Trong thời gian tới, để tăng cường công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các KCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để giám sát chất lượng nước thải ra môi trường theo các quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, Bộ sẽ xây dựng quy định hướng dẫn việc kết nối hệ thống quan trắc nước thải tự động từ các KCN tới các Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định của pháp luật.
61. Cử tri tỉnh Quảng Nam kiến nghị: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách tăng cường công tác bảo vệ nguồn tài nguyên biển, nhằm hạn chế những tác động đến môi trường biển và đời sống của Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Trả lời
Để tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nhằm hạn chế những tác động có hại đến môi trường biển, hải đảo nhằm phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, Quốc hội và Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách, pháp luật thực hiện nhiệm vụ này, cụ thể:
- Ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Luật số 82/2015/QH13). Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm có 10 chương 81 điều với phạm vi điều chỉnh là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây được xem là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tài nguyên nhằm phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Cụ thể hóa phương thức quản lý này, Luật quy định các cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, đó là: chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ, môi trường biển và hải đảo; thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,...
Ngoài ra, Luật cũng chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường biển, trong quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các nguồn gây ô nhiễm như từ đất liền, từ các hoạt động trên biển, từ tàu thuyền,…; quy định chi tiết công tác phối hợp trong việc thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu hóa chất độc ở biển; cấp phép và quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.
- Thực thi Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định[2]; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 06 Thông tư hướng dẫn thi hành[3].
- Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Chiến lược, kế hoạch nhằm thực hiện khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo[4]; ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTG ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, bao gồm cả môi trường biển để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường.
Trên đây là những chính sách, công cụ pháp lý quan trọng để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo và việc triển khai thực hiện có hiệu quả các công cụ này sẽ góp phần đảm bảo quản lý hiệu quả việc khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, hạn chế tác động có hại đến môi trường, góp phần phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo.
62. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Trong thời gian qua, việc thu gom và xử lý rác thải vùng nông thôn đã có sự quan tâm nhiều (nhất là quy định trong tiêu chí số 17.5 chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định về xây dựng nông thôn mới) và tạo sự chuyển biến tích cực. Chính sách xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường được chú trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyên truyền, xây dựng các hương ước, cam kết và các mô hình (thu gom tự quản do dân tự tổ chức, thu gom do xã, thôn tổ chức, hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần, công ty môi trường đô thị…). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa khuyến khích được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia công tác thu gom và xử lý rác thải vùng nông thôn. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu tăng cường các chính sách khuyến khích và cơ chế hỗ trợ phát triển các tổ chức dịch vụ môi trường nông thôn; có biện pháp về chế tài trong quản lý chất thải nông thôn; tăng cường công tác quản lý của nhà nước về môi trường của địa phương; nghiên cứu hỗ trợ về công nghệ xử lý môi trường, nhất là thiết bị, công nghệ tiện ích, cơ động, phù hợp với địa bàn phân tán ở nông thôn.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã, đang và sẽ tiếp tục cùng với các Bộ ngành khác (đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới) xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, kêu gọi, thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải vùng nông thôn. Thực hiện Thông báo số 270/TB-VPCP ngày 01/9/2016 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Đề án thí điểm về Xây dựng mô hình bảo vệ môi trường tại các xã xây dựng nông thôn mới khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa nhằm xây dựng và phổ biến những mô hình do chính doanh nghiệp, các đoàn thể, cộng đồng dân cư ở những vùng khó khăn, biên giới, hải đảo tự quản lý, vận hành, làm cơ sở đánh giá, tổng kết; từ đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách xã hội hóa các công trình về bảo vệ môi trường, nhất là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp, các đoàn thể, cộng đồng dân cư tự quản lý, vận hành các công trình về bảo vệ môi trường.
Có thể nói, việc thực thi công tác xã hội hóa về bảo vệ môi trường vùng nông thôn nói riêng và tại các địa phương trên cả nước nói chung cần có nỗ lực, quyết tâm rất lớn từ chính quyền và người dân mỗi địa phương.
63. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Cần tháo gỡ vướng mắc khó khăn do vướng Luật chuyên ngành như: Thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), kế hoạch bảo vệ môi trường, xác nhận hợp đồng bất động sản...
Trả lời
Đúng là công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) hiện nay còn nhiều bất cập. Đây là công cụ dự báo những rủi ro có thể xảy ra khi dự án vào hoạt động, là cơ sở để xem xét cấp phép đầu tư. Tuy nhiên, thực tế nhiều địa phương do ưu đãi đầu tư, đã cấp giấy phép đầu tư trước khi ĐTM, nên không lường trước được những rủi ro về môi trường và không có phương án phòng ngừa rủi ro và sự cố về môi trường. Mặt khác, còn có sự quy định không thống nhất, bất cập về ĐTM trong Luật bảo vệ môi trường với các Luật: đầu tư, xây dựng... Theo quy định, quá trình căn cứ để phê duyệt giấy phép đầu tư chính là phải có đánh giá tác động môi trường nhưng tại giai đoạn phê duyệt giấy phép đầu tư lúc đó mới chỉ là ý tưởng dự án nên chưa tính toán được đầy đủ toàn bộ quá trình, từ vấn đề về trình độ công nghệ cho đến các quy trình và công nghệ xử lý, cũng như vấn đề môi trường liên quan đến quá trình thi công, xây dựng và vận hành thử nghiệm. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ ĐTM của các tổ chức tư vấn còn thấp, nhất là đối với các dự án quy mô lớn, công nghệ phức tạp. Năng lực thẩm định ĐTM của Hội đồng cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, trong khi đó tính chịu trách nhiệm của Hội đồng và các thành viên của Hội đồng chưa quy định rõ. Hoạt động giám sát thực hiện ĐTM còn một số bất cập trong cả quá trình lập, phê duyệt, xây dựng, vận hành thử nghiệm, vận hành chính thức và chấm dứt hoạt động của dự án. Ô nhiễm môi trường thường phát sinh từ các nguồn thải lớn, được che giấu rất tinh vi, do đó hoạt động giám sát xả thải là rất khó khăn nếu thiếu công cụ kỹ thuật giám sát liên tục 24/24 giờ.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật về ĐTM theo hướng bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM; tiến hành ĐTM 2 bước ĐTM đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư và các dự án phức tạp nhạy cảm về môi trường. Tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến về dự án. Quá trình thẩm định ĐTM phải nhận diện được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đề xuất được mức độ giám sát sau ĐTM. Đặc biệt, trong trường hợp năng lực của tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định trong nước không đáp ứng được nhu cầu ĐTM của các dự án lớn, phức tạp, sẽ tính đến việc sử dụng tổ chức tư vấn và chuyên gia nước ngoài, trình độ cao để thực hiện ĐTM một cách chính xác, tin cậy. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giám sát thực hiện ĐTM bởi các tổ chức khoa học độc lập trong và ngoài nước.
64. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật bảo vệ môi trường, quy định kinh phí thẩm định phương án cải tạo phục hồi môi trường/phương án cải tạo phục hồi môi trường bổ sung do tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản chịu trách nhiệm chi trả theo quy định của pháp luật. Đến nay, chưa có hướng dẫn về việc chi trả nên tổ chức cá nhân khai thác khoáng sản không thực hiện. Do đó đã gây khó khăn trong việc mời các chuyên gia tham dự hội đồng và thực hiện các nội dung khác trong trường hợp cần thiết như điều tra kiểm chứng các thông tin, số liệu về hiện trạng môi trường, lấy ý kiến cộng đồng dân cư nơi khai thác, tổ chức các cuộc họp. Tại Khoản 4 Điều 33, chưa có văn bản quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiêm môi trường nghiêm trọng.
Trả lời
Phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung đã được quy định trong danh mục phí và lệ phí (phụ lục 01) ban hành kèm Luật phí và Lệ phí số 97/2015/QH13. Luật phí và lệ phí đã giao cho Bộ Tài chính quy định mức phí đối với hoạt động thẩm định do cơ quan trung ương thực hiện và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định đối mức phí với hoạt động thẩm định do cơ quan địa phương thực hiện.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi Bộ Tài chính đề án thu phí phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung để xem xét, ban hành Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định phương án cải tạo, phục hồi môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường bổ sung do cơ quan trung ương thực hiện thẩm định.
65. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, đồng thời hướng dẫn rõ về quy chuẩn kỹ thuật môi trưởng về thu gom, lưu giữ và vận chuyển sản phẩm thải bỏ; tổ chức hướng dẫn và quản lý việc thực hiện.
Trả lời
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện và ban hành Thông tư hướng dẫn Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Chính phủ về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, dự kiến ban hành trong năm 2017.
66. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Văn bản hướng dẫn thực hiện Luật bảo vệ môi trường đã ban hành nhưng trong quá trình triển khai thực hiện gặp khó khăn còn nhiều vướng mắc:
+ Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao: Tại Khoản 4 Điều 9 quy định: đã nêu một số trường hợp được miễn trừ đấu nối nhưng chưa nêu trách nhiệm thuộc đơn vị nào. Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể.
+ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chưa có sự công bằng, cụ thể:
QCVN 40:2011/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp: có nồng độ giới hạn C, cột A một số thông số thấp hơn so với quy chuẩn riêng cho từng ngành, cụ thể: Thông số Nitơ thấp hơn 2 lần so với QCVN 60:MT:2015/BTNMT - quy chuẩn nước thải ngành cồn nhiên liệu, QCVN 01-MT:2015/BTNMT - quy chuẩn nước thải cao su; thấp hơn 1,5 lần QCVN 1I-MT:2015/BTNMT- quy chuẩn nước thải thủy sản, cao hơn 1,3 lần QCVN 25:2009/BTNMT - quy chuẩn nước thải bãi chôn lấp; thông số Phốt pho thấp hơn 1,5 lần QCVN 11 -MT:2015/BTNMT và thông số COD cao hơn 1,5 lần so với QCVN 25:2009/BTNMT.
QCVN 13-MT:2015/BTNMT về nước thải ngành dệt nhuộm có thông số COD cao hơn 1,3 lần so với QCVN 40:2011/BTNMT về nước thải công nghiệp. Một số doanh nghiệp ngành dệt nhuộm hoạt động trong Khu công nghiệp đã xử lý nước thải đạt loại A QCVN 13-MT:2015/BTNMT và lắp đặt thiết bị quan trắc tự động được miễn trừ đẩu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung Khu công nghiệp, do đó nồng độ thông số COD trong nước thải của doanh nghiệp ngành dệt nhuộm được phép xả thải sẽ cao hơn Khu công nghiệp.
+ QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh: Căn cứ Phụ lục 2.3 Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, quy định về giám sát môi trường xung quanh chỉ áp dụng cho giai đoạn hoạt động của các dự án có phát sinh phóng xạ. Đê nghị xem xét lại Quy chuẩn này cho phù hợp với Thông tư 27.
Trả lời
1. Về quy định của Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT tại Khoản 5 Điều 9 đã quy định cụ thể yêu cầu về thủ tục thực hiện miễn trừ đấu nối đối với các cơ sở nằm trong khu công nghiệp. Chủ cơ sở phải thống nhất với chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp về giải pháp tách đấu nối để tự xử lý nước thải và gửi báo cáo theo quy định tại Khoản 7 Điều 16 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường để được xem xét, chấp thuận.
2. Về vấn đề Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường:
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức áp dụng, các Quy chuẩn này đều được đánh giá là phù hợp với hiện trạng công nghệ sản xuất đối với từng ngành công nghiệp tại Việt Nam, tương đương với các quy định tại một số tiêu chuẩn của các quốc gia khác và một số tổ chức quốc tế.
Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất ở Việt Nam có quy mô nhỏ, công nghệ sản xuất chỉ ở mức trung bình so với thế giới. Do đó, các thông số ô nhiễm trong quy chuẩn được quy định cho từng ngành công nghiệp đã được xem xét trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam; giới hạn cho phép của các thông số ô nhiễm đã được xem xét, đưa ra dựa trên mặt bằng trình độ công nghệ sản xuất thực tế tại Việt Nam. Vì vậy, mỗi ngành sản xuất khác nhau thì mức giới hạn các thông số có sự khác nhau, phù hợp với công nghệ hiện có tại Việt Nam.
67. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Tại Khoản 2, 3 Điều 39, Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu, quy định các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày/đêm trở lên (không bao gồm nước làm mát), phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hưởng dẫn cụ thể về các thông số kỹ thuật của các thiết bị trong hệ thông quan trắc nước thải tự động liên tục, cách thức truyền tải dữ liệu,... Cũng như chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không lắp đặt hệ thống quan trắc tự động trong Nghị định số 179/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó đã quy định cụ thể các thông số cần quan trắc tự động. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Thông tư quy định về hoạt động quan trắc môi trường, trong đó có các quy định về yêu cầu và đặc tính kỹ thuật của hệ thống quan trắc tự động, liên tục; quy định về truyền, nhận dữ liệu của hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục, dự kiến ban hành trong năm 2017.
Ngày 18 tháng 11 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP), tại Khoản 7 Điều 12 của Nghị định đã quy định chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về thực hiện giám sát môi trường, trong đó bao gồm hoạt động quan trắc tự động.
68. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị:Cử tri lo lắng vì thời gian qua hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh, các vùng miền trên cả nước gây lo lắng trong nhân dân vì hầu hết chưa rõ nguyên nhân. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ vấn đề này để có hướng xử lý kịp thời nếu xảy ra ô nhiễm nguồn nước, đồng thời có quy định cụ thể trong việc đánh bắt thủy hải sản, nghiêm cấm hành vi tận diệt nguồn thuỷ sản thông qua các hình thức đánh bắt tự phát của các tổ chức, cá nhân như dùng lưới cỡ nhỏ hay chích điện.
Trả lời
Một số sự cố môi trường xảy ra trong thời gian gần đây đã cho thấy hệ lụy của việc phát triển kinh tế mà không coi trọng đúng mức công tác bảo vệ môi trường trong đó khâu phòng ngừa chưa được chú trọng. Một số quy định còn thiếu đồng bộ, liên quan đến nhiều đạo luật khác nhau nên chưa gắn với cơ chế trách nhiệm. Sự cố môi trường xảy ra cho thấy nếu chúng ta không chủ động phòng ngừa hiệu quả thì khi sự cố xảy ra việc ứng phó sẽ rất bị động.
Để đảm bảo sự cố tương tự như Formosa không còn xảy ra trong tương lai, năm 2017 và các năm tiếp theo Bộ sẽ triển khai các nội dung chính tập trung vào:
- Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hiện hành như Luật bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành luật liên quan đến quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường, ứng phó sự cố môi trường, cảnh báo sự cố môi trường (ví dụ như quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng hệ thống trang thiết bị cảnh báo sự cố môi trường, quy định trách nhiệm của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong việc phòng ngừa ô nhiễm môi trường, phát hiện sự cố môi trường,...). Trong đó phải giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan nhằm nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư nhằm chủ động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trong quá trình các dự án này được xây dựng và vận hành. Trong đó cần tập trung vào công tác đánh giá nguy cơ ô nhiễm, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường liên quan đến công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, quá trình xây dựng và vận hành của dự án. Bộ cũng sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực thực hiện công tác quản lý môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, trong đó chú trọng khâu phòng ngừa và kiên quyết không thông qua hoặc kiến nghị loại bỏ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
- Tăng cường nguồn lực thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra nhằm kịp thời đánh giá, phát hiện rủi ro xảy ra ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường để chủ động có các biện pháp phòng ngừa, xử lý phù hợp.
- Xây dựng và thực hiện các cơ chế, giải pháp để tiếp tục nâng cao vai trò và huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và phát hiện ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường nói riêng.
69. Cử tri các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường công tác bảo vệ môi trường, việc phát triển kinh tế cần đi đôi với bảo vệ môi trường sống cho người dân; thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức có hành vi gây ô nhiễm môi trường nhằm mang tính răn đe, phòng ngừa, tránh để xảy ra như trường hợp gây ô nhiễm môi trường biển của Công ty Formosa gây hậu quả rất nặng nề.
Trả lời
Ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; trong đó khẳng định rõ quan điểm của Chính phủ là không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế. Bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân. Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên trên phạm vi cả nước; rà soát đánh giá tác động môi trường, công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án lớn, nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các Bộ, địa phương xây dựng kế hoạch thanh tra môi trường, bảo đảm không chồng chéo, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tổng điều tra, đánh giá, phân loại các nguồn thải trên phạm vi cả nước; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải, hoàn thành trong năm 2018.
70. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Đề nghị Chính phủ đảy nhanh tiến độ triển khai dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển.
Trả lời
Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ đã tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) sử dụng nguồn vốn từ các nhà tài trợ và các đối tác phát triển để đầu tư các dự án về thủy lợi, lâm nghiệp từ các địa phương. Tuy nhiên, giai đoạn này nguồn hỗ trợ từ các nhà tài trợ còn hạn chế, mới chỉ đáp ứng 30% nhu cầu của Chương trình. Do vậy, trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đang thực hiện (trong đó có các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh vên biển) thông qua chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, nhằm đảm bảo hoàn thành các dự án đang triển khai từ chương trình SP-RCC gia đoạn trước.
71. Cử tri các tỉnh Thanh Hóa, Hải Dương kiến nghị: Về công tác quản lý nhà nước về môi trường tuy đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu biện pháp ngăn ngừa, cảnh báo, khắc phục; việc đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư và giám sát thực hiện còn nhiều hạn chế; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Chính vì những hạn chế trên đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng trong thời gian vừa qua, như: sự cố ô nhiễm môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra; tình trạng cá chết hàng loạt ở Sông Bưởi Thanh Hoá do Nhà máy đường Hòa Bình xả thải gây ô nhiễm nước sông...Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại các chính sách, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường để điều chỉnh, bổ sung và giúp cho công tác quản lý môi trường được tốt hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thẩm định, thẩm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất xả thải về môi trường; khi phê duyệt xây dựng các khu công nghiệp, dự án kinh tế lớn cần đặt yếu tố môi trường lên hàng đầu.
Trả lời
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan[5]; hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; dự kiến Nghị định này sẽ trình Chính phủ xem xét, ban hành trong năm 2017. Bộ đã thành lập Tổ công tác rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải ngành sản xuất thép[6]; đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của một số nước trên thế giới, xây dựng lộ trình hoàn thiện, sửa đổi các quy chuẩn về môi trường trong thời gian tới.
72. Cử tri tỉnh Thanh Hóa kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 25 Luật Bảo vệ môi trường số 55/20I4/QH13 thì quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trưởng (ĐTM) là căn cứ để cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1, Điều 33, Luật Đầu tư số 67/2014/QHI3 và Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chỉ tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư thì hồ sơ đăng ký đầu tư không bao gồm quyết định phê duyệt ĐTM và cơ quan đăng ký đầu tư không được yêu cầu nhà dầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ đăng ký đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định này nên rất khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường cho phù hợp với quy định của Luật Đầu tư.
Trả lời
Theo quy định, quá trình căn cứ để phê duyệt giấy phép đầu tư chính là phải có đánh giá tác động môi trường nhưng tại giai đoạn phê duyệt giấy phép đầu tư lúc đó mới chỉ là ý tưởng dự án nên chưa tính toán được đầy đủ toàn bộ quá trình, từ vấn đề về trình độ công nghệ cho đến các quy trình và công nghệ xử lý, cũng như vấn đề môi trường liên quan đến quá trình thi công, xây dựng và vận hành thử nghiệm. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát lại hệ thống pháp luật về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo hướng bổ sung quy định về chế độ trách nhiệm cho người đứng đầu tổ chức tư vấn và thành viên Hội đồng thẩm định ĐTM; tiến hành ĐTM 2 bước ĐTM đối với các dự án thuộc đối tượng phải xin chủ trương đầu tư và các dự án phức tạp nhạy cảm về môi trường. Tăng cường công tác tham vấn cộng đồng theo hướng công khai thông tin cho chính quyền, nhân dân địa phương, các hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp, các đơn vị, cá nhân quan tâm và lắng nghe, tiếp thu ý kiến về dự án. Quá trình thẩm định ĐTM phải nhận diện được các vấn đề phức tạp, nhạy cảm và đề xuất được mức độ giám sát sau ĐTM. Đặc biệt, trong trường hợp năng lực của tổ chức tư vấn và hội đồng thẩm định trong nước không đáp ứng được nhu cầu ĐTM của các dự án lớn, phức tạp, sẽ tính đến việc sử dụng tổ chức tư vấn và chuyên gia nước ngoài, trình độ cao để thực hiện ĐTM một cách chính xác, tin cậy. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế giám sát thực hiện ĐTM bởi các tổ chức khoa học độc lập trong và ngoài nước.
73. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ có liên quan đánh giá công nghệ xử lý và giám sát việc xử lý chất thải tại nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải.
Trả lời
Các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) đang vận hành ở Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ là ngưng hơi truyền thống với thông số hơi dưới tới hạn và cận tới hạn, do nguồn than sử dụng trong nước có chất lượng thấp (nhiệt trị, hàm lượng chất bốc thấp). Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU đã triển khai và áp dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn và trên siêu tới hạn, sử dụng các loại than chất lượng tốt, có độ tro từ thấp đến cao, hiệu suất cao, mang lại nhiều lợi ích như: giảm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải thông thường, tiết kiệm các nguồn năng lượng nhờ giảm lượng tiêu thụ. Để có thể sử dụng được công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn đối với các NMNĐT ở Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được công nghệ, vốn đầu tư lớn và than có hàm lượng chất bốc cao (than nước ta có hàm lượng chất bốc thấp).
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất về môi trường hiện nay tại các NMNĐT là vấn đề xử lý nước thải, khí, bụi thải, xử lý tro xỉ thải, cụ thể như sau:
- Đối với nước thải: (i) các nhà máy sử dụng Clo, một số hóa chất để tiêu diệt hà hến và các loài thực vật bám vào đường ống, việc này nếu không kiểm soát chặt chẽ và tối ưu việc cho hóa chất sẽ gây những ảnh hưởng lớn đối với môi trường tiếp nhận; (ii) sự cố hư hỏng các thiết bị bơm, thiết bị lọc của các hệ thống xử lý nước thải sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường nếu không lưu trữ tạm thời mà thải thẳng ra môi trường; (iii) sự cố rò rỉ dầu trong quá trình sửa chữa thiết bị, rò rỉ tại bồn dầu, dầu rò rỉ có thể hòa lẫn vào nước mưa chảy tràn sẽ gây ô nhiễm môi trường nếu xả thẳng ra môi trường tự nhiên khi chưa có biện pháp xử lý.
- Đối với khí thải, bụi thải: (i) Trong quá trình khởi động, chạy thử nhà máy nhiệt điện hoặc vận hành nhà máy với công suất nhỏ hơn 40% công suất thiết kế, nhiều NMNĐT sử dụng dầu FO, HFO để đốt nên không đưa được hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động trong thời gian này, đã gây ô nhiễm bụi và ảnh hưởng tới dân cư khu vực xung quanh và gây ra các khiếu kiện; (ii) bụi phát sinh tại khu vực silo tro bay có thể xảy ra khi hệ thống trộn ẩm tro làm việc không hiệu quả, gây ô nhiễm bụi cục bộ tại khu vực silo tro bay; (iii) quá trình bốc dỡ than tại khu vực cảng than bằng gầu ngoạm có thể xảy ra trình trạng than rơi vãi tại khu vực cảng than. Than rơi vãi có thể cuốn vào nước mưa chảy tràn, gây ảnh hưởng tới môi trường nước tại khu vực.
- Đối với than và tro, xỉ thải: Hầu hết lượng tro xỉ không bán được, thải trực tiếp ra bãi thải tro xỉ. Tác động môi trường có thể xảy ra như chiếm diện tích lớn để lưu giữ, có thể rò rỉ nước từ bãi thải xỉ ra ngoài môi trường (trường hợp thải xỉ ướt), bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển từ NMNĐT đến bãi thải xỉ bằng xe tải hoặc tại khu vực bãi thải xỉ nếu không có biện pháp kiểm soát (trường hợp thải xỉ khô). Trong thời gian vừa qua, tại một số trung tâm điện lực (Vĩnh Tân, Duyên Hải) có phát sinh một số vấn đề môi trường liên quan đến việc xử lý tro xỉ. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thời gian đầu mới đưa vào vận hành thử nghiệm có xảy ra một số sự cố môi trường liên quan vận chuyển tro xỉ thải, bãi xỉ (xỉ thải ở bãi thải xỉ bị gió biển thổi gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân xung quanh bãi thải).
Trong thời gian tới, để kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường tại các NMNĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện một số biện pháp sau:
- Thắt chặt hơn nữa công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án NMNĐT và buộc chủ dự án phải tuân thủ đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt, trong đó buộc áp dụng các công nghệ mới, hiện đại trong công tác xử lý chất thải; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục đối với các nguồn thải và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường địa phương. Việc đánh giá tác động môi trường sẽ được xem xét một cách tổng thể trong mối tương quan đối với các dự án lân cận, đảm bảo giảm thiểu sự ô nhiễm do tác động tổng hợp từ các dự án. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để tái sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng (gạch, xi măng, bê tông, san lấp) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 để giải quyết tồn trữ tro xỉ tại của các trung tâm điện lực/NMĐT.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra đối với các NMNĐT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường để chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở này.
74. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, làm rõ việc chấp hành quy định pháp luật của nhà nước đối với Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải trong việc đánh giá tác động môi trường như: việc xả thải ngầm ra biển, xử lý bãi tro xỉ than…
Trả lời
Các nhà máy nhiệt điện than (NMNĐT) đang vận hành ở Việt Nam hiện nay chủ yếu sử dụng công nghệ là ngưng hơi truyền thống với thông số hơi dưới tới hạn và cận tới hạn, do nguồn than sử dụng trong nước có chất lượng thấp (nhiệt trị, hàm lượng chất bốc thấp). Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, EU đã triển khai và áp dụng công nghệ lò hơi siêu tới hạn và trên siêu tới hạn, sử dụng các loại than chất lượng tốt, có độ tro từ thấp đến cao, hiệu suất cao, mang lại nhiều lợi ích như: giảm chi phí vận hành, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải thông thường, tiết kiệm các nguồn năng lượng nhờ giảm lượng tiêu thụ. Để có thể sử dụng được công nghệ siêu tới hạn và trên siêu tới hạn đối với các NMNĐT ở Việt Nam đòi hỏi chúng ta phải làm chủ được công nghệ, vốn đầu tư lớn và than có hàm lượng chất bốc cao (than nước ta có hàm lượng chất bốc thấp).
Một trong những vấn đề nhức nhối nhất về môi trường hiện nay tại các NMNĐT là vấn đề xử lý nước thải, khí, bụi thải, xử lý tro xỉ thải, cụ thể như sau:
- Đối với nước thải: (i) các nhà máy sử dụng Clo, một số hóa chất để tiêu diệt hà hến và các loài thực vật bám vào đường ống, việc này nếu không kiểm soát chặt chẽ và tối ưu việc cho hóa chất sẽ gây những ảnh hưởng lớn đối với môi trường tiếp nhận; (ii) sự cố hư hỏng các thiết bị bơm, thiết bị lọc của các hệ thống xử lý nước thải sẽ gây ảnh hưởng tới môi trường nếu không lưu trữ tạm thời mà thải thẳng ra môi trường; (iii) sự cố rò rỉ dầu trong quá trình sửa chữa thiết bị, rò rỉ tại bồn dầu, dầu rò rỉ có thể hòa lẫn vào nước mưa chảy tràn sẽ gây ô nhiễm môi trường nếu xả thẳng ra môi trường tự nhiên khi chưa có biện pháp xử lý.
- Đối với khí thải, bụi thải: (i) Trong quá trình khởi động, chạy thử nhà máy nhiệt điện hoặc vận hành nhà máy với công suất nhỏ hơn 40% công suất thiết kế, nhiều NMNĐT sử dụng dầu FO, HFO để đốt nên không đưa được hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động trong thời gian này, đã gây ô nhiễm bụi và ảnh hưởng tới dân cư khu vực xung quanh và gây ra các khiếu kiện; (ii) bụi phát sinh tại khu vực silo tro bay có thể xảy ra khi hệ thống trộn ẩm tro làm việc không hiệu quả, gây ô nhiễm bụi cục bộ tại khu vực silo tro bay; (iii) quá trình bốc dỡ than tại khu vực cảng than bằng gầu ngoạm có thể xảy ra trình trạng than rơi vãi tại khu vực cảng than. Than rơi vãi có thể cuốn vào nước mưa chảy tràn, gây ảnh hưởng tới môi trường nước tại khu vực.
- Đối với than và tro, xỉ thải: Hầu hết lượng tro xỉ không bán được, thải trực tiếp ra bãi thải tro xỉ. Tác động môi trường có thể xảy ra như chiếm diện tích lớn để lưu giữ, có thể rò rỉ nước từ bãi thải xỉ ra ngoài môi trường (trường hợp thải xỉ ướt), bụi phát sinh trong quá trình vận chuyển từ NMNĐT đến bãi thải xỉ bằng xe tải hoặc tại khu vực bãi thải xỉ nếu không có biện pháp kiểm soát (trường hợp thải xỉ khô). Trong thời gian vừa qua, tại một số trung tâm điện lực (Vĩnh Tân, Duyên Hải) có phát sinh một số vấn đề môi trường liên quan đến việc xử lý tro xỉ. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thời gian đầu mới đưa vào vận hành thử nghiệm có xảy ra một số sự cố môi trường liên quan vận chuyển tro xỉ thải, bãi xỉ (xỉ thải ở bãi thải xỉ bị gió biển thổi gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân xung quanh bãi thải).
Trong thời gian tới, để kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường tại các NMNĐT, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thực hiện một số biện pháp sau:
- Thắt chặt hơn nữa công tác đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án NMNĐT và buộc chủ dự án phải tuân thủ đúng, đầy đủ các nội dung trong báo cáo ĐTM được phê duyệt, trong đó buộc áp dụng các công nghệ mới, hiện đại trong công tác xử lý chất thải; lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục đối với các nguồn thải và truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường địa phương. Việc đánh giá tác động môi trường sẽ được xem xét một cách tổng thể trong mối tương quan đối với các dự án lân cận, đảm bảo giảm thiểu sự ô nhiễm do tác động tổng hợp từ các dự án. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn để tái sử dụng tro, xỉ làm vật liệu xây dựng (gạch, xi măng, bê tông, san lấp) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg ngày 23/9/2014 để giải quyết tồn trữ tro xỉ tại của các trung tâm điện lực/NMĐT.
- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra đối với các NMNĐT, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường để chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở này.
75. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa danh mục kho thuốc bảo vệ thực vật phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào Chương trình mục tiêu khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2016 -2020 và bố trí kinh phí để xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng này, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Trả lời
Triển khai Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3779/BTNMT-TCMT ngày 01 tháng 9 năm 2016 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị rà soát, đề xuất danh mục các dự án trong Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2021 (sau đây viết tắt là Chương trình), gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 09 tháng 9 năm 2016 để tổng hợp, xây dựng nội dung Chương trình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngày 22 tháng 9 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Công văn số 7552/UBND-NN&MT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát đề xuất danh mục dự án trong Chương trình, trong đó mới chỉ đề xuất đưa tên danh mục kho thuốc bảo vệ thực vật phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cần ưu tiên xử lý mà chưa có hồ sơ dự án gửi kèm theo.
Căn cứ theo Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn từ nguồn vốn Chương trình thì để đảm bảo bố trí vốn tập trung, hiệu quả, đối với các dự án mới trong giai đoạn 2016-2020, vốn ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ cho các dự án nhóm B trở lên. Do đó để có cơ sở xem xét đưa danh mục kho thuốc bảo vệ thực vật phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vào hỗ trợ xử lý trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ủy ban chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, lập, thẩm định và phê duyệt dự án, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, tổng hợp.
76. Cử tri các tỉnh Đồng Tháp, An Giang kiến nghị: Tình trạng người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật xong vút bỏ chai lọ tràn lan gây ô nhiễm môi trường. Cử tri kiến nghị Nhà nước cần có quy định ràng buộc nhà sản xuất phải thu mua lại vỏ chai, lọ hoặc xây dựng nhà máy rác thải để thu gom xử lý hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trả lời
Ngày 16/5/2016, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2016. Theo đó, người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải có trách nhiệm thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng về các bể chứa và khu vực lưu chứa theo tiêu chuẩn, quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT nêu trên.
Điểm d Khoản 2 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT cũng gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp có phát sinh bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng phải trả chi phí cho việc xây dựng bể chứa, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.
77. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Hiện nay, cả nước có nhiều điểm ô nhiễm môi trường do các kho thuốc trừ sâu mà lịch sử để lại, ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng, sức khỏe của người dân. Đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp để giải quyết vấn đề này.
Trả lời
Để giải quyết các khó khăn, bất cập nêu trên và tiếp tục triển khai công tác xử lý các khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu hiệu quả cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
a) Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3281/VPCP-KGVX ngày 11 tháng 5 năm 2016 về triển khai Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21 tháng 10 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành và địa phương như sau:
* Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có liên quan xây dựng Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
- Chủ trì, cùng các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế hỗ trợ, ưu đãi đối với tổ chức, cá nhân trong xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực bị ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành;
- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ nhằm tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về tình hình nhập lậu hóa chất BVTV; tuyên truyền về tác hại của hóa chất BVTV không rõ nguồn gốc; thu gom, xử lý hóa chất BVTV nhập lậu, không rõ nguồn gốc, bao bì sau sử dụng;
- Ban hành “Danh mục các nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện Kế hoạch xử lý và phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước” giai đoạn 2016-2020.
* Đối với các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị và các tỉnh có nhiều khu vực bị ô nhiễm do hoá chất BVTV tồn lưu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể các khu vực ô nhiễm do hóa chất BVTV tồn lưu; trước mắt lựa chọn và xây dựng khu lưu chứa tập trung, bốc xúc hoá chất BVTV tồn lưu tại các vùng ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, nằm trong khu vực dân cư vào khu lưu chứa tập trung, chờ xử lý; cô lập, ngăn chặn phát tán ô nhiễm tại các khu vực ô nhiễm có rủi ro cao;
- Xây dựng các dự án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường theo từng cụm khu vực bị ô nhiễm để giảm thiểu chi phí xử lý, giám sát.
b) Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách trong đó quy định rõ trách nhiệm khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; hoàn thiện, bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về xứ lý, khắc phục ô nhiễm; xây dựng các chính sách ưu đã và thu hút các thành phần ngoài Nhà nước tham gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường;
c) Tăng cường công tác điều tra, đánh giá các khu vực ô nhiễm môi trường và lập kế hoạch quản lý, xử lý phù hợp;
d) Tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 trong đó có mục tiêu xử lý 70 điểm ô nhiễm hóa chất BVTV tồn lưu;
đ) Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực trong nước;
e) Tăng cường nguồn kinh phí cho công tác khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường để giải quyết dứt điểm các điểm nóng về ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn khác từ các nhà tài trợ, xã hội hóa…
78. Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm tổ chức thông báo mức độ ô nhiễm môi trường, hỉện trạng chất lượng môi trường trên lưu vực sông Gâm thuộc địa bàn huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng và huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang bị ảnh hưởng do vỡ bể chứa chất thải của Nhà máy tuyển nổi chì kẽm tại thị trấn Pác Miều, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng ngày 05/01/2016. Đồng thời định kỳ tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước sông Gâm lưu vực từ điểm xả của Nhà máy tuyển nổi chì kẽm đến địa bàn huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang theo đúng quy định để nhân dân yên tâm tiếp tục sử dụng nước sông Gâm phục vụ hoạt động sản xuất, sinh hoạt.
Trả lời
- Về mức độ ô nhiễm, hiện trạng chất lượng môi trường sông Gâm bị ảnh hưởng do vỡ bể chứa chất thải của Nhà máy tuyển nổi chì kẽm tại Pác Miều, Bảo Lâm, Cao Bằng:
Ngày 13/01/2016, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khảo sát, đánh giá thực tế tại một số địa điểm liên quan đến sự cố: khu vực hồ chứa chất thải của Công ty, khu vực bị sụt lún khu vực cống thải đầu ra chảy vào bể xử lý nước thải, khu vực suối Bản Khun và điểm cuối suối Bản Khun chảy ra sông Gâm.
Kết quả khảo sát thực tế tại một số cụm đá bên bờ sông Gâm cho thấy có hiện tượng bùn xám còn bám lại. Tiếp tục xuôi về hạ nguồn sông Gâm thuộc địa bàn tỉnh Hà Giang, cách điểm xả của suối Bản Khun khoảng 2,7 km vẫn phát hiện vệt bùn trên bờ sông Gâm. Như vậy, có thể kết luận bùn và nước thải đã di chuyển theo dòng chảy về hạ lưu sông Gâm và sang đến tỉnh Hà Giang. Tại thời điểm khảo sát, quan sát cảm quan cho thấy nước sông Gâm đã trở lại màu và mùi bình thường, không có màu đục, xanh hoặc có mùi lạ như thông tin báo cáo của đại diện tỉnh Hà Giang khi giám sát sự cố.
Đoàn công tác đã tiến hành lấy mẫu nước mặt tại một số vị trí trên sông Gâm, suối Bản Khun (đoạn trước và sau cống thải của Công ty), một số mẫu chất thải để đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường do sự cố. Kết quả quan trắc môi trường sau sự cố cho thấy đã phát hiện nồng độ chì là vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT trong mẫu nước thải lấy tại hồ chứa bùn thải (trước khi xử lý). Như vậy, có tồn tại một lượng chì kim loại hòa tan trong nước thải sau sản xuất. Đối với các mẫu nước sông lấy tại vị trí 50m về phía thượng nguồn và hạ lưu sông Gâm, nồng độ chì trong nước không vượt quy chuẩn QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Do đó, có thể nhận định rằng, tại thời điểm xảy ra sự cố, có thể có một lượng chì đã thoát ra môi trường nước sông Gâm, nhưng sau một thời gian bị pha loãng trong nước sông, nồng độ chì kim loại đã giảm xuống dưới tiêu chuẩn cho phép và do đó không còn khả năng gây tác hại môi trường cấp tính. Tuy nhiên, các hoạt động quan trắc, giám sát môi trường nước cần tiếp tục thực hiện để đánh giá hàm lượng chì có thể tiếp tục thôi nhiễm từ lượng bùn thải đã thoát ra sông Gâm. Nồng độ các kim loại nặng khác trong nước sông không phát hiện vượt tiêu chuẩn cho phép.
Kết quả quan trắc nêu trên đã được Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 682/BTNMT-TCMT ngày 3/3/2016 và thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết.
- Về kiến nghị tiếp tục quan trắc chất lượng môi trường nước sông Gâm lưu vực từ điểm xả của Nhà máy: Ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 682/BTNMT-TCMT ngày 3/3/2016 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sự cố, trong đó đã kiến nghị các giải pháp cần triển khai để giám sát, khắc phục hậu quả sự cố; trong đó có biện pháp quan trắc chất lượng nước sông. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 3621/VPCP-KTN ngày 18/5/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang tiếp tục quan trắc và giám sát môi trường đối với các mẫu nước và trầm tích đáy sông trong thời gian 12 tháng để kiểm soát môi trường nước sông Gâm; kịp thời thông báo trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu ô nhiễm nguồn nước.
79. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm liên quan đến việc Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) để xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn hóa chất, gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời
Ngày 24 tháng 7 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cử Đoàn công tác đến làm việc và ghi nhận sự cố môi trường tại Dự án. Căn cứ nội dung Biên bản làm việc và báo cáo của Ban Quản lý cho thấy: Trong quá trình vận hành chạy thử đã xảy ra sự cố tràn hóa chất kiềm từ khu vực chứa kiềm lỏng (A03) tràn qua cửa xả số 03 ra suối Đăk Yao vào ngày 22 tháng 7 năm 2016. Sự cố nêu trên đã làm chảy khoảng 9,58m3 kiềm ra môi trường, trong đó một phần đã thẩm thấu xuống nền đất xốp (có diện tích 600m2 liền kề) và một phần theo hệ thống thoát nước mưa chảy tràn chảy ra suối Đăk Yao qua cửa xả số 03.
Căn cứ kết quả kiểm tra của Tổ Giám sát môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông và các hồ sơ, tài liệu do Ban quản lý cung cấp cho thấy trong quá trình xây dựng và vận hành thử nghiệm, Ban Quản lý có một số vi phạm và tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
- Ban Quản lý đã kéo dài thời gian vận hành thử nghiệm (quá 12 tháng) đối với hạng mục đập, hồ chứa bùn sau tuyển rửa thuộc Dự án mà không có văn bản báo cáo và chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) theo quy định;
- Không lập và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định về kế hoạch vận hành thử nghiệm đối với Nhà máy tuyển quặng bauxite, tuyến băng tải;
- Đã thực hiện thay đổi một số nội dung so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt (xây dựng thêm công trình nhà ở phục vụ cho 600 cán bộ, công nhân viên; xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt cho khu nhà ở; xây dựng nhà máy tuyển quặng theo hướng không bố trí hệ thống thông gió);
- Gây sự cố môi trường (tràn đổ hóa chất kiềm ra môi trường đất và suối Đăk Yao vào ngày 23/7/2016).
Nhận thức được tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của các dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, sau khi phê duyệt các báo cáo ĐTM của các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ giám sát môi trường để giám sát quá trình thi công, xây dựng và vận hành các dự án, trong đó đã kịp thời yêu cầu chủ dự án Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ tại địa chỉ xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông khắc phục kịp thời sự cố để rò rỉ xút ra môi trường vào ngày 23 tháng 7 năm 2016. Bên cạnh đó, Bộ đã yêu cầu Chủ dự án: nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt cũng như các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường cho từng hạng mục hoặc toàn bộ Dự án và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, giải quyết; trường hợp để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường, Chủ Dự án phải dừng ngay hoạt động và báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết, đồng thời phải khắc phục sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tình hình hoạt động và thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án trong đó có tiến độ lắp đặt, vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của dự án; kiên quyết xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
80. Cử tri tỉnh Đăk Nông kiến nghị: Sau sự cố hóa chất xảy ra tại nhà máy Alumin Nhân Cơ nhân dân rất lo lắng, vì vậy cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tập đoàn Than - Khoáng sản và Bộ ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc vận hành thử và vận hành thương mại sau này của nhà máy. Đảm bảo không để xảy ra các sự cố môi trường trong tương lai.
Trả lời
Nhận thức được tầm quan trọng và tính chất nhạy cảm của các dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, sau khi phê duyệt các báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của các dự án, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ giám sát môi trường để giám sát quá trình thi công, xây dựng và vận hành các dự án, trong đó đã kịp thời yêu cầu chủ dự án Dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ tại địa chỉ xã Nghĩa Thắng, huyện Đăk R’Lấp, tỉnh Đăk Nông khắc phục kịp thời sự có để rò rỉ xút ra môi trường vào ngày 23 tháng 7 năm 2016. Bên cạnh đó, Bộ đã yêu cầu Chủ dự án: nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt cũng như các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; khẩn trương báo cáo kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường cho từng hạng mục hoặc toàn bộ Dự án và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, giải quyết; trường hợp để xảy ra sự cố gây ô nhiễm môi trường, Chủ Dự án phải dừng ngay hoạt động và báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để được hướng dẫn giải quyết, đồng thời phải khắc phục sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát tình hình hoạt động và thực hiện công tác bảo vệ môi trường của dự án trong đó có tiến độ lắp đặt, vận hành thử nghiệm và vận hành chính thức các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường của dự án; kiên quyết xử lý các vi phạm về bảo vệ môi trường (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
81. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị:Hiện nay hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có sự thay đổi về quy mô so với báo cáo tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, điều này ảnh hướng lớn đến vấn đề ô nhiễm môi trường xung quanh và xả thải, gây bức xúc trong nhân dân. Đê có cơ sở giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên vả Môi trường sớm triển khai việc thanh tra toàn diện về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác chế biên khoáng sản của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo .
Trả lời
Trong tháng 9 - 10/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, khoáng sản, đất đai và tài nguyên nước (Quyết định số 2191/QĐ-BTNMT ngày 21/9/2016). Đến nay, Đoàn thanh tra đã yêu cầu Công ty khắc phục các tồn tại, tạm dừng việc đổ thải một số loại chất thải vào hồ chứa đuôi quặng sunfua; đang hoàn thiện hồ sơ, xử phạt (nếu có).
82. Cử tri tỉnh Sóc Trăng kiến nghị: Sớm thành lập Đoàn kiểm tra quy chuẩn môi trường của Nhà máy giấy Lee & Man ở Hậu Giang để có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước trên sông Hậu.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại Dự án sản xuất Giấy và Dự án bột Giấy của Công ty TNMM Nhà máy bột giấy Lee&Man Việt Nam và Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (Quyết định số 759/QĐ-BTNMT ngày 22/6/2016), đã có Kết luận công tác thanh tra số 738/KLTTr-TCMT ngày 25/10/2016.
Để hạn chế các rủi ro về môi trường của các dự án, Bộ đã yêu cầu các chủ dự án khẩn trương thực hiện các công việc, gồm:
- Đối với Công ty Giấy Lee & Man: Yêu cầu lập lại báo cáo ĐTM cho dự án trình Bộ thẩm định, phê duyệt; xây lắp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hạng mục công trình cải thiện, bổ sung của Trạm xử lý nước thải hiện hữu (gồm: hệ thống hóa lý, khử màu và bể lọc bằng than hoạt tính trước khi xả vào hồ sinh học; bể sự cố và hồ sinh học, trong đó có bể chỉ thị sinh học (nuôi cá) trước khi xả bề mặt ra sông Hậu); lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi, giám sát và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, hệ thống thiết bị này phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật và Công ty chỉ được phép đưa Dự án sản xuất Giấy và các công trình bảo vệ môi trường vào vận hành thử nghiệm có tải sau khi đã hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định.
- Đối với Công ty Bột giấy Lee & Man: phải tạm dừng triển khai dự án và chỉ được thực hiện sau khi đã phù hợp quy hoạch và được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo ĐTM. Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu áp dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại; đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải riêng, đáp ứng quy chuẩn môi trường Việt Nam và tiêu chuẩn các nước phát triển.
83. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị Chính phủ tăng nguồn ngân sách Trung ương cho địa phương để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia về bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu; hỗ trợ ngân sách của tỉnh để xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc khu vực công ích.
Trả lời
Thực tế các nước trên thế giới thường bố trí 3-4% GDP để giải quyết các vấn đề về môi trường, bao gồm chi cho công tác quản lý nhà nước, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về môi trường, thanh tra, kiểm tra và quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, nguồn lực xã hội được huy động cho bảo vệ môi trường cũng thường lớn hơn rất nhiều. Thông thường, đối với các ngành công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì tỷ lệ đầu tư cho môi trường thường chiếm từ 30-40% tổng chi phí đầu tư cho sản xuất và chi phí vận hành cũng rất lớn. Do đó, phải sớm thực hiện cơ chế chính sách của nền kinh tế thị trường theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền; trả đúng và trả đủ”, “người sử dụng các dịch vụ về tài nguyên và môi trường thì phải chi trả” nhằm khuyến khích các lĩnh vực đầu tư sạch, tái tuần hoàn chất thải. Sớm hình thành ngành công nghiệp dịch vụ, xử lý môi trường, thúc đẩy đầu tư vào bảo vệ môi trường dưới các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đặc biệt trong lĩnh vực xử lý chất thải.
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc: “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải khắc phục, bồi thường thiệt hại”.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Luật đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 phê duyệt chủ trương đầu tư cá chương trình mục tiêu, trong đó Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh được phê duyệt 11.000 tỷ đồng huy động chủ yếu từ nguồn vốn ODA để triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu của các Bộ, ngành, địa phương. Do vậy, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ sẽ đàm phán, vận động nguồn vốn từ các nhà tài trợ cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó báo cáo Quốc hội cho phép tăng nguồn ngân sách Trung ương cho địa phương để triển khai các dự án về biến đổi khí hậu.
84. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Đề nghị sớm có chương trình hợp tác với Trung Quốc trong quản lý, chia sẻ thông tin nguồn tài nguyên nước sông Hồng. Để đảm bảo cho hoạt động quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho trạm quan trắc nước xuyên biên giới. Xem xét thành lập Trung tâm quan trắc vùng tại Lào Cai.
Trả lời
Hiện tại Việt Nam và Trung Quốc có hợp tác chia sẻ thông tin tài nguyên nước sông Hồng, bước đầu là Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam với Trung Quốc về chia sẻ thông tin, trong đó phía Việt Nam sẽ cấp cho Trung Quốc 3 trạm thủy văn, phía Trung Quốc sẽ cấp cho Việt Nam 5 trạm. Năm 2016, Bộ Ngoại giao của Việt Nam đã trình Chính phủ kế hoạch hợp tác chia sẻ về nội dung trên.
Để đảm bảo cho hoạt động quan trắc ô nhiễm xuyên biên giới, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới, tại tỉnh Lào Cai có hai trạm và kết quả đến nay như sau:
- Đối với trạm Tả Gia Khâu (sông Chảy): hiện đã xây dựng xong, đang tiến hành lắp đặt thiết bị. Dự kiến đưa vào vận hành trong năm 2017;
- Đối với trạm Trịnh Tường (sông Hồng): hiện vẫn đang thỏa thuận thủ tục đường biên với Trung Quốc trước khi tổ chức triển khai xây dựng. Tuy nhiên, việc chậm triển khai xây dựng trạm này đang được Bộ xem xét, có thể có phương án điều chỉnh lại việc xây dựng trạm này nếu phía bạn không có phản hồi.
Trong Quý I năm 2017, Bộ sẽ ban hành Thông tư quy định về giám sát tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước, trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm quan trắc của tổ chức, cá nhân; trách nhiệm giám sát tài nguyên nước của cơ quan quản lý nhà nước cả ở Trung ương và địa phương.
85. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đối với các dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư thì được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Nhưng theo quy định tại Khoản 2 Điều 173 Luật đất đai thì: các dự án này không có quyền thế chấp quyền sử dụng đất vay vốn ngân hàng mà chỉ được thế chấp tài sản gắn liền với đất. Đề nghị đối với các dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư được quyền thế chấp quyền sử dụng đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Trả lời
Theo quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 174 Luật đất đai 2013 tổ chức được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để thực hiện dự án đầu tư vì mục đích lợi nhuận (trừ các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở) mà được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai như trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với loại đất có mục đích sử dụng tương ứng (không được thế chấp quyền sử dụng đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam). Nếu Doanh nghiệp được miễn tiền sử đụng đất được phép thế chấp quyền sử dụng đất (trường hợp không trả được nợ thì sẽ bị xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật) thì dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không có năng lực tài chính nhưng lại được Nhà nước và xã hội hỗ trợ tài chính đến hai lần.
86. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có các cơ chế: Cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư tự tạo quỹ đất thông qua việc thuê đất lâu dài của người dân, nhà nước công nhận quyền sử dụng đất tạm thời của doanh nghiệp ứng với thời gian thuê và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư; Cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trực tiếp từ người dân, nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, nhà đầu tư mà không phải thông qua quy trình nhà nước thu hồi đất rồi mới giao lại cho doanh nghiệp; Địa phương tạo lập quỹ đất công, đất sạch “tích tụ ruộng đất” với diện tích lớn và thực hiện cơ chế ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi chuyển đổi mục đích sử dụng đất để mời gọi doanh nghiệp đầu tư.
Trả lời
Việc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất trực tiếp từ người dân đã được nhà nước quy định tại các Điều 167, 169, 174 và 176 Luật đất đai 2013. Về cơ chế tạo quỹ đất công, quỹ đất sạch, pháp luật về đất đai đã quy định việc thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và Quỹ phát triển đất để ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tổ chức phát triển quỹ đất đã được thành lập ở các tỉnh, thành phố trong đó có An Giang tuy nhiên việc tạo quỹ đất nông nghiệp sạch để cho nhà đầu tư thuê sản xuất nông nghiệp chưa được các địa phương chú trọng. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai thực hiện Đề án nghiên cứu cơ chế chích sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế xã hội trên có sở đó đề xuất tham mưu Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Đất đai trong thời gian tới.
87. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị nghiên cứu hướng dẫn, quy định giao chính quyền cấp tỉnh được phép cho tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê đất giới hạn trong 10 năm, tránh tình trạng cho thuê 50,70 năm sẽ gây ảnh hưởng không tốt về sau.
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật đất đai thời hạn cho thuê đất được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét, phê duyệt .
88. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị đơn giản hóa trong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trả lời
Trong thời gian qua, nằm trong xu hướng đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, ngành tài nguyên và môi trường đã rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính. Luật đất đai năm 2013 ra đời đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Thực hiện Luật đất đai năm 2013, số lượng thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giảm xuống chỉ còn 41 thủ tục so với 62 thủ tục ở nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận: Theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 thì thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu là không quá 50 ngày làm việc, thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận là không quá 20 ngày làm việc (Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Đến nay, theo quy định của pháp luật về đất đai năm 2013 thì thời gian tương ứng của các thủ tục nêu trên đã giảm xuống còn 30 ngày và 10 ngày (Điều 61 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai).
Sau khi Luật đất đai năm 2013 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận, tham mưu cho Chính phủ tiếp tục giảm thời gian thủ tục cấp giấy chứng nhận trong Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Đồng thời Nghị định cũng có quy định cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện quyền và trường hợp cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận đã tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm bớt chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
89. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có quy định hướng dẫn đối với trình tự, thủ tục thực hiện cấp phép san ủi, cải tạo mặt bằng đối với từng loại đất cụ thể.
Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu và nghiên cứu, đề xuất bổ sung quy định trong thời gian tới.
90. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Việc thực hiện chính sách bồi thường đất nông nghiệp trong khu dân cư thực hiện theo Luật đất đai năm 2013 chỉ áp dụng giá đất cụ thể và hỗ trợ chuyển đổi nghề đối với với các hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp từ 3-4 lần đơn giá trong bảng giá đất là rất thấp. Đề nghị Chính phủ xem xét quy định bổ sung về chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi xen kẽ trong khu dân cư để người dân đỡ bị thiệt thòi.
Trả lời
Luật đất đai năm 2013, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ không quy định về việc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trong khu dân cư theo giá đất ở nhưng quy định giá đất để tính bồi thường được xác định theo giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất (tại Điều 74, Điều 112 của Luật đất đai). Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Khoản tiền hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp trong khu dân cư theo Luật đất đai năm 2013 có thể thấp hơn so với các hộ gia đình, cá nhân có cùng loại đất thu hồi trước ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành. Để giải quyết vấn đề này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định áp dụng hỗ trợ khác theo quy định tại Điều 25 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP để đảm bảo công bằng cho người có đất bị thu hồi.
91. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Thực hiện Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với quy định về hành vi hủy hoại đất là phải thực hiện thu hồi đất nhưng thực tế rất khó thực hiện. Đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi đối với quy định trên theo hướng nên quy định mức phạt đối với hành vi hủy hoại đất để tiện cho việc quản lý và thực hiện.
Trả lời
Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, nghiên cứu để sớm tham mưu Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP trong thời gian tới.
92. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Điều 73 Luật đất đai thì việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất quy định tại Điều 61, Điều 62 mà phù hợp với quy hoạch được duyệt thì chủ đầu tư được thỏa thuận, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng Luật không quy định đối với trường hợp Nhà đầu tư thực hiện chuyển nhượng không thành công, hoặc thỏa thuận thành công, nhưng còn vướng mắc một số hộ trong phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án. Đề nghị có văn bản hướng dẫn thực hiện quy định này.
Trả lời
So với quy định của Luật đất đai năm 2003, Luật đất đai năm 2013 quy định cụ thể việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh theo 2 cơ chế sau:
1. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất (Điều 62).
2. Cơ chế Nhà nước không thu hồi đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất tự thỏa thuận việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 73 Luật đất đai, Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
Do vậy, trường hợp trong phạm vi dự án không thuộc trường hợp thu hồi đất còn một phần diện tích đất mà chủ đầu tư không thỏa thuận được với người sử dụng đất thì các cơ quan nhà nước không được áp dụng biện pháp thu hồi đất; chủ đầu tư và người sử dụng đất phải tìm giải pháp để đạt thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì không thực hiện dự án, chủ đầu tư có thể đề xuất điều chỉnh nhu cầu sử dụng đất thực hiện dự án đối với phần đã thỏa thuận trong quá trình các cơ quan nhà nước lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
93. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 3, Điều 191 Luật đất đai năm 2013 “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Quy định này là bất cập và nhân dân không đồng tình, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi với diện tích đất trồng lúa nhỏ lẻ, manh mún, nhiều hộ có nhu cầu được nhận chuyển nhượng để xây dựng phương án sử dụng đất với quy mô lớn hơn thì không thực hiện được. Mặt khác, hiện nay tại địa phương có nhiều trường hợp công chức, viên chức đến làm thủ tục nhận thừa kế đất trồng lúa từ bố mẹ ko thể thực hiện được.
Trả lời
Việc tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa tiềm năng đất đai thông qua mở rộng quy mô sản xuất là bước đi cần thiết và xu thế tất yếu. Chủ trương này đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, song song với mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước, Nhà nước phải bảo đảm hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và các mục tiêu về chính sách xã hội (đói nghèo, giải quyết việc làm…). Do đó, để đảm bảo cho người nông dân không bị mất đất, tránh tình trạng đầu cơ đất đai nhưng không đưa vào sản Khoản 3 Điều 191 của Luật Đất đai năm 2013 đã quy định “Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa”. Việc hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất có thể thành lập doanh nghiệp để nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện các dự án trên quy mô lớn theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với trường hợp nhận thừa kế đất trồng lúa từ bố mẹ, pháp luật đất đai hiện hành không quy định hạn chế đối với trường hợp này. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai để án nghiên cứu cơ chế chích sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế xã hội những vấn đề cử tri nêu sẽ được nghiên cứu để hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai trong thời gian tới.
94. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Luật đất đai thì căn cứ thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không quy định việc bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất, bổ sung, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực hiện có phát sinh một số công trình, dự án xác định được nguồn vốn và cần phải triển khai thực hiện ngay nhưng không nằm trong danh mục các dự án thu hồi đất, danh mục các dự án cần chuyển mục đích sử dụng đất đã được HĐND tỉnh thông qua và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nên không đủ cơ sở thực hiện công tác thu hồi, giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án. Đề nghị Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn lập điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
Trả lời
Vấn đề cử tri kiến nghị đã được giải quyết theo quy định tại Khoản 10 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, theo đó có quy định về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, chấp thuận cho phép thực hiện dự án, công trình phải điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
95. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Tại Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức thuê đất của Nhà nước đối với diện tích đang sử dụng”. Song quy định này chưa được thực hiện tại các tỉnh miền núi vì một số hộ không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nhưng do nhận thừa kế quyền sử dụng đất có nguồn gốc của ông, cha để lại từ lâu đời nên mặc nhiên tiếp tục sử dụng đất và không thể phân chia cho các hộ khác canh tác. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành liên quan hướng dẫn để việc thực hiện các quy định này trên thực tế khả thi, phù hợp với đặc điểm lịch sử.
Trả lời
Tại Khoản 1 Điều 54 của Luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất không thu tiền đối với đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 129 của Luật này. Tại các điểm a và b Khoản 1 Điều 55 của Luật đất đai quy định hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối và hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức được giao quy định tại Điều 129 của Luật đất đai thì được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.
Căn cứ các quy định nêu trên thì hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được sử dụng đất dưới hình thức thuê đất. Do đó, quy định tại Điều 20 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ là phù hợp với Luật đất đai. Quy định này cũng nhằm bảo đảm tạo điều kiện cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất nông nghiệp.
96. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Tại Điều 9 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: “Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai để báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách Nhà nước cấp cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm HĐND tỉnh”. Nhưng, trên thực tế việc xác định mức vốn ngân sách cấp cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án thường không chính xác, bởi vì khi lập dự án thì kinh phí giải phóng mặt bằng thường là tạm tính; có những dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư, chưa xác định cụ thể về quy mô, mới chỉ cấp vốn để lập dự án, chưa thực hiện đo đạc địa chính nên chưa thể có số liệu chính xác về loại đất, diện tích phải thu hồi, nhưng nếu không trình HĐND thì khi bố trí được nguồn vốn không đủ cơ sở để thu hồi đất theo quy định của luật.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 4 Điều 40 Luật đất đai và khoản 6 Điều 67 Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường các công trình, dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được xác định cụ thể về quy mô, địa điểm công trình, dự án; vị trí, diện tích khu vực sử dụng đất vào các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật đất đai làm cơ sở để thu hồi đất, đủ cơ sở để trình HĐND quyết định mức vốn giải phóng mặt bằng và kế hoạch chi ngân sách hàng năm.
97. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định của Luật đất đai 2013 thì tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính, phải chuyển từ hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất sang thuê đất. Nội dung này, tỉnh Bắc Kạn chưa triển khai được. Lý do: Tuy Luật đã quy định các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính phải chuyển từ hình thức giao đất sang thuê đất, nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể quy định tỷ lệ phần trăm tự chủ tài chính của từng đơn vị sự nghiệp, các loại hình tự chủ về tài chính, diện tích cho thuê đối với trường hợp sử dụng không đúng với quyết định giao đất, việc kiểm tra, rà soát, xử lý và kinh phí thực hiện... nên chưa có cơ sở thực hiện. Đề nghị Bộ có văn bản hướng dẫn.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 54, điểm đ khoản 1 Điều 56 Luật Đất đai năm 2013 thì tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất theo hình thức Nhà nước cho thuê đất, tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Vấn đề xác định tổ chức sự nghiệp công lập loại nào là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính không quy định trong pháp luật về đất đai mà thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến quản lý, hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Do vậy, để giải quyết vấn đề cử tri nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm triển khai rà soát, xác định lại tổ chức sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh làm cơ sở xác định hình thức sử dụng đất cho phù hợp.
98. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Theo quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ: “Căn cứ vào hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp tỉnh để phê duyệt xong trước ngày 31 tháng 12”. Tuy nhiên, Thông tư số 29/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định về lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất và lập kế hoạch sử dụng đất năm đầu của Quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Theo đó, việc lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất và lập kế hoạch sử dụng đất năm đầu của Quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện phải thực hiện đồng thời. Trong hồ sơ Quy hoạch, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã có kế hoạch sử dụng đất năm đầu.
Theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì các chỉ tiêu sử dụng đất của cấp dưới do cấp trên phân bổ, vì vậy tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch của cấp dưới phụ thuộc vào việc phân bổ chỉ tiêu của cấp trên. Trong quá trình thực hiện gặp vướng mắc do các chỉ tiêu sử dụng đất của cấp trên không phân bổ kịp thời cho cấp dưới. Mặt khác, kỳ họp cuối năm Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức trước kỳ họp cuối năm của HĐND cấp huyện, mà phương án lập, điều chỉnh Quy hoạch cấp huyện phải thông qua HĐND cấp huyện. Nếu hoàn thiện hồ sơ lập, điều chỉnh quy hoạch thực hiện đồng thời với kế hoạch sử dụng đất năm đầu của Quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch cấp huyện thì không kịp trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp huyện trước ngày 31/12 theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP. Đề nghị Bộ có văn bản giải quyết vướng mắc khi lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và lập Kế hoạch sử dụng đất năm đầu.
Trả lời
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4389/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 16 tháng 10 năm 2015 về việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2016 và Công văn số 3221/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 05 tháng 8 năm 2016 gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc lập kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cấp huyện.
99. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Theo Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, một trong các biện pháp khắc phục hậu quả đối với các trường hợp sử dụng sai mục đích là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, trong thực tế có trường hợp sử dụng đất sai mục đích nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định “trường hợp sử dụng đất sai mục đích nhưng phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì ngoài hình thức phạt chính là tiền, thì biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”.
Trả lời
Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận để nghiên cứu đề xuất phương án xử lý tại Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 102/2014/NĐ-CP trong thời gian tới.
100. Cử tri tỉnh Bình Dương kiến nghị: Theo quy định của Luật đất đai 2013 và Điều 29 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở, không quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp gây lúng túng, khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Cử tri kiến nghị Chính phủ nên giao cho UBND cấp tỉnh thêm thẩm quyền quy định diện tích tách thửa tối thiểu đối với đất nông nghiệp.
Trả lời
Vấn đề của tri phản ánh đã được quy định tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 quy định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, trong đó đã có quy định “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
101. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bù Gia Mập để thành lập mới huyện Phú Riềng, khi đổi lại sổ đăng ký quyền sử dụng đất từ huyện Bù Gia Mập thành huyện Phú Riềng thì mất một Khoản phí đổi sổ. Đề nghị Chính phủ quy định không thu phí trường hợp đổi tên địa chỉ trong sổ đăng ký quyền sử dụng đất khi điều chỉnh địa giới hành chính.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận để quy định vào Thông tư hướng dẫn Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai theo hướng quy định đăng ký biến động thông tin trên Giấy chứng nhận. Trường hợp đổi tên đường không phải thực hiện đăng ký điều chỉnh để người dân không phải nộp phí.
102. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì: “Giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành”. Tuy nhiên qua thực tế áp dụng quy định trên có trường hợp nhà, công trình của tổ chức đã hết thời gian khấu hao theo quy định (giá trị hiện có bằng 0), nhưng còn thời hạn thuê đất. Tuy nhiên thực tế nhà, công trình vẫn còn đang sử dụng (trong quá trình sử dụng các tổ chức có thể cải tạo, sửa chữa), khi thu hồi đất mà Nhà nước không bồi thường hỗ trợ thì thiệt thòi cho tổ chức. Ngoài ra, đối với các công trình như: Hàng rào, sân bê tông… hiện chưa có quy định thời gian khấu hao nên gặp khó khăn khi thực hiện. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành đơn giá cụ thể theo căn cứ tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành, đồng thời nghiên cứu sửa đổi cách tính tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để tránh gây thiệt thòi cho nhân dân khi bị thu hồi đất.
Trả lời
Tại Điều 9 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất đã quy định mức bồi thường nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó; giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó nhân (x) với giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành; khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng mức bồi thường không quá 100% giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương với nhà, công trình bị thiệt hại; đối với nhà, công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Căn cứ quy định của pháp luật nêu trên, việc xác định mức bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất thực hiện thực hiện quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành có liên quan tham mưu xác định đơn giá về nhà, công trình xây dựng tại địa phương trình Ủy ban nhân dân Tỉnh quyết định để làm cơ sở tính bồi thường tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Đối với công trình xây dựng không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của Bộ quản lý chuyên ngành ban hành thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định mức bồi thường cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
103. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Hiện nay, việc thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều bất cập, gây khó khăn cho công tác thực hiện của các cơ quan chuyên ngành tại địa phương. Cụ thể: Theo quy định của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ, Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16/3/2012 và Thông tư số 02/2015/TT-BTC ngày 05/01/2015 của Bộ Tài chính thì Cơ quan tham mưu xác định giá khởi điểm là Sở Tài chính. Tuy nhiên Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP ngày 04/4/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp, Hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 1078/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 30/7/2015 và Công văn số 2572/BTNMT-TCCQLĐĐ ngày 28/6/2016 thì Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu xác định giá khởi điểm. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp ban hành văn bản hướng dẫn quy định đối với cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất để việc thực hiện được thống nhất.
Trả lời
Để thống nhất trong tổ chức thực hiện, Chính phủ đã quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (có hiệu lực từ ngày 03 tháng 3 năm 2017), theo đó Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê quy định tại Khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất gắn với tài sản thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”.
104. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 118 Luật đất đai năm 2013 quy định các dự án thuộc trường hợp được miễn tiền thuê đất thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên quy định này chỉ ghi miễn tiền thuê đất nói chung, không quy định cụ thể là miễn theo mức nào thì thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất, do đó địa phương rất khó thực hiện. Vấn đề này đã được Tổng cục Quản lý Đất đai trả lời tại Công văn số 1184/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 24/8/2015, tuy nhiên nội dung trả lời chung chung không cụ thể. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện vấn đề này.
Trả lời
Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 118 của Luật đất đai năm 2013, đối với các trường hợp sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định tại Điều 110 của Luật đất đai thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất. Do đó, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 (Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành) đối với các dự án sử dụng đất thuộc trường hợp được miễn tiền tiền thuê đất theo quy định tại Điều 110 của Luật đất đai năm 2013 thì được Nhà nước cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
105. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và cơ quan xác định người trực tiếp sản xuất có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp để việc thực hiện quy định tại Khoản 30, Điều 3, Luật đất đai năm 2013 và điểm b, Khoản 5, Điều 20 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ được thống nhất.
Trả lời
Kiến nghị của cử tri đã được quy định tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định có hiệu thi hành từ ngày 03 tháng 3 năm 2017.
106. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Hiện tại việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; đất nông nghiệp trong đô thị hoặc đất nông nghiệp dọc các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ có giá rất cao, khi khảo sát giá đất thực tế thì đơn giá cao hơn rất nhiều lần so với khung giá đất Chính phủ quy định nên khó khăn trong việc xác định hệ số làm cơ sở tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể về việc bồi thường khi thu hồi đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; đất nông nghiệp trong đô thị hoặc đất nông nghiệp dọc các tuyến đường Quốc lộ, tỉnh lộ.
Trả lời
Luật đất đai năm 2013 quy định giá đất để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường tại thời điểm quyết định thu hồi đất (quy định tại các Điều 74, 112 và 114 của Luật đất đai năm 2013). Việc xác định giá đất cụ thể để tính bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất (bao gồm cả đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư; đất nông nghiệp trong đô thị hoặc đất nông nghiệp dọc các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ) đã được quy định cụ thể tại Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất.
107. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Quy trình khảo sát, xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất tại điểm a và điểm b Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ làm cơ sở xác định hệ số bồi thường và hệ số điều chỉnh giá đất do tỉnh ban hành hàng năm là tương tự nhau (giá đất khảo sát trong thời gian 02 năm). Do đó, khi xác định hệ số bồi thường cũng không thể vượt so với hệ số điều chỉnh do UBND tỉnh ban hành hàng năm. Đề nghị áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền bồi thường khi nhà nước thu hồi đất theo hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm do Sở Tài chính chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành (theo điểm a Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ).
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74, Điểm đ Khoản 4 Điều 114 của Luật đất đai thì giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm thu hồi đất để đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi. Theo quy định tại Điểm b Khoản 2 và Khoản 3 Điều 18 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất thì việc xác định giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất thực hiện tại dự án có các thửa đất liền kề nhau, có cùng mục đích sử dụng, khả năng sinh lợi và thu nhập từ việc sử dụng đất tương tự nhau và tại thời điểm Nhà nước quyết định thu hồi đất.
Để rút ngắn thời gian định giá đất để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai theo hướng mở rộng việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với trường hợp không bảo đảm yêu cầu về thông tin để áp dụng các phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư khi xác định giá đất cụ thể của từng thửa đất và việc áp dụng phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất theo khu vực để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Việc đề nghị áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất cho các trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 18 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP là không bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 74 của Luật đất đai.
108. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề bồi thường đối với đất hành lang đường bộ, đất lấn chiếm để việc thực hiện Khoản 2, Điều 77, Luật đất đai năm 2013 được thống nhất.
Trả lời
Về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận để nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư mà Bộ đã ban hành trước đây.
109. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Theo quy định tại Điều 108 và 109, Luật đất đai năm 2013, khi chuyển mục đích sử dụng đất có phát sinh nghĩa vụ tài chính thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định và căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, nếu giải quyết đúng thủ tục đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép mà có phát sinh nghĩa vụ tài chính thì cơ quan có thẩm quyền không phải ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, vì vậy không thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, gây thất thu ngân sách (không đúng theo nguyên tắc tại Điều 109 Luật đất đai 2013). Nếu thực hiện đúng theo nguyên tắc các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép mà có phát sinh nghĩa vụ tài chính thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định, cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mới có căn cứ tính tiền sử dụng đất, vì vậy các trường hợp không xin phép này trở thành phải xin phép (mà không thuộc các trường hợp phải xin phép theo quy định tại Khoản 01 Điều 57 của Luật đất đai 2013). Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này, để việc thực hiện được thống nhất.
Trả lời
Theo quy định điều 108 và 109 Luật đất đai năm 2013 khi chuyển mục đích sử dụng đất có phát sinh nghĩa vụ tài chính thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất tiền thuê đất theo quy định và căn cứ để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của cơ quan có thẩm quyền. Tại Khoản 2 Điều 107 Luật đất đai giao Chính phủ quy định chi tiết việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Việc nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện theo quy định tại Điều 5 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất. Quy định này thống nhất với quy định của Luật đất đai.
110. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Điểm d, Khoản 2, Điều 10 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác”. Tuy nhiên, Điều 56, Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp được nhà nước cho thuê đất lại không quy định đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê đất xây dựng công trình sự nghiệp. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thuê đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Trả lời
Theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 10 Luật đất đai năm 2013 thì loại đất xây dựng công trình sự nghiệp gồm có đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác. Đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, do đó để được thuê đất xây dựng công trình sự nghiệp hộ gia đình, cá nhân cần thành lập doanh nghiệp.
111. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đối với trường hợp tổ chức kinh tế sử dụng đất để thực hiện dự án trồng cây cao su thì thuộc đối tượng được Nhà nước cho thuê đất theo quy định tại điều 56 Luật đất đai 2013. Tuy nhiên, trường hợp tổ chức kinh tế của Đảng được giao đất quản lý, khai thác vườn cây cao su để tạo quỹ an sinh xã hội của tỉnh mà không nhằm mục đích kinh doanh thì có được xem xét theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hay không? hay cũng phải thuê đất như các tổ chức kinh tế khác?
Trả lời
Theo quy định tại điều 54 Luật đất đai thì các đối tượng được giao đất không thu tiền gồm: Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối được giao đất nông nghiệp trong hạn mức; người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất xây dựng trụ sở cơ quan, đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa không thuộc trường hợp để chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hạ tầng; tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp; tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước; cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; cơ sở tôn giáo sử dụng đất phi nông nghiệp gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
Đối với tổ chức kinh tế sử dụng đất theo quy định tại Khoản 27 Điều 3 và điểm đ Khoản 1 Điều 56 Luật đất đai năm 2013 thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất và tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự (trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Do vậy, trường hợp tổ chức kinh tế của Đảng nêu trên mà được xác định là doanh nghiệp thì thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất.
112. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp muốn được cấp GCNQSD đất. Tuy nhiên khi rà soát quy định tại Điều 54 và Điều 56 Luật đất đai 2013 không quy định đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính khi thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp được giao đất không thu tiền sử dụng đất hay thuê đất.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 54, điểm đ Khoản 1 Điều 56 Luật đất đai năm 2013 thì tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính sử dụng đất theo hình thức Nhà nước cho thuê đất, tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính sử dụng đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Vấn đề xác định tổ chức sự nghiệp công lập loại nào là tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính và tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính không quy định trong pháp luật về đất đai mà thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến quản lý, hoạt động của đơn vị sự nghiệp. Do vậy, để giải quyết vấn đề cử tri nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm triển khai rà soát, xác định lại tổ chức sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh làm cơ sở xác định hình thức sử dụng đất cho phù hợp.
113. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn đối với trường hợp đất của các tổ chức kinh tế được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, cho thuê đất trả tiền hàng năm mà nguồn gốc đất do các tổ chức kinh tế mua tài sản gắn liền với đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác mà tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền mua tài sản gắn liền với đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và khi các tổ chức kinh tế xin không tiếp tục thực hiện dự án (tổ chức kinh tế không giải thể) thì hướng xử lý đối với khu đất này như thế nào?
Trả lời
Trường hợp tổ chức kinh tế sử dụng đất để thực hiện dự án mà không có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án và có văn bản trả lại đất thì Nhà nước thu hồi đất của tổ chức kinh tế đó theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 65 của Luật đất đai. Trình tự, thủ tục thực hiện thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ. Việc thu hồi đất đối với trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều 64 và khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định tại khoản 14 Điều 12 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ.
114. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi quy định liên quan đến thời hạn cho thuê đất đối với người nước ngoài. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp nước ngoài thuê đất để kinh doanh tại Việt Nam từ 50 đến 70 năm là quá dài, vì vấn đề này có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật đất đai thời hạn cho thuê đất được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét, phê duyệt và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
115. Cử tri thành phố Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri phản ảnh tình trạng người nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) mua đất sinh sống ven biển tại địa bàn nhiều tỉnh, thành trong cả nước, thậm chí có những khu vực nhạy cảm về quốc phòng - an ninh. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, xử lý tình trạng này.
Trả lời
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản chỉ đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo và cử các đoàn công tác… kiểm tra thực tế tại địa phương theo chỉ đạo của Ban Kinh tế Trung ương. Đã có báo cáo Ban Kinh tế Trung ương và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
116. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét lại chủ trương cho các doanh nghiệp Trung Quốc thuê đất, thuê rừng thời gian vừa qua, nhất là các dự án có thời gian thuê đất, thuê rừng trong thời hạn 50 năm và tại những vị trí có thể ảnh hưởng đến Quốc phòng - An ninh quốc gia.
Trả lời
Pháp luật về đất đai hiện hành đã có các quy định giải quyết vấn đề cử tri nêu trên như: Khoản 2 Điều 58 Luật đất đai quy định đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ có liên quan. Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai đã quy định chi tiết các điều kiện cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư nói chung, trong đó có dự án có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, các dự án này trước khi quyết định thuê đất đều phải được xem xét, đánh giá toàn diện, trong đó có yêu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh như phản ánh của cử tri.
117. Cử tri tỉnh Đắk Lắk kiến nghị: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 134/2016/QH13 về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (giai đoạn 2012-2020) cấp quốc gia. Theo đó, đề nghị sớm phê duyệt, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong đó có tỉnh Đắk Lắk để tỉnh có cơ sở tiếp tục thực hiện chính sách bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho dân cư vùng biên giới, dân di cư tự do, đồng bào dân tộc thiểu sổ… nhằm đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng và giải quyết kiến nghị của cử tri.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, trong đó có tỉnh Đắk Lắk theo Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02 tháng 11 năm 2016. Ngày 16 tháng 11 năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai có Công văn số 2309/TCQLĐĐ-CQHĐĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc địa phương sớm hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt.
118. Cử tri tỉnh Đồng Nai kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ làm rõ vụ việc vì sao cấp phép cho công ty Formosa tại tỉnh Hà Tĩnh thuê đất với thời hạn 70 năm và thông tin cho cử tri.
Trả lời
Theo quy định của pháp luật về đất đai, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm. Đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Việc xem xét, quyết định cho thuê đất đối với đối tượng là tổ chức thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
119. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị: Việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 15/2015/TTLT-BTMNT-BNV-BTC ngày 04/4/2015 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cử tri có nhiều ý kiến băn khoăn về hiệu quả sau khi thành lập, hợp nhất các văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện vì cho rằng đối với địa bàn các tỉnh miền núi là không phù hợp, khoảng cách địa lý giữa Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh với các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện khá xa, nên gặp khó khăn trong việc phối hợp giải quyết công việc, tốn kém chi phí vận chuyển hồ sơ, bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này còn yếu kém, chưa phát triển, dẫn đến việc giải quyết các thủ tục hành chính về lĩnh vực này sẽ không kịp thời, kém hiệu quả.
Trả lời
Để giải quyết khó khăn trong việc phối hợp giải quyết công việc, vận chuyển hồ sơ khi thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, thực hiện Luật đất đai, trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017), trong đó có quy định sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, cụ thể là “ Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh", "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của Văn phòng đăng ký đất đai để quy định việc cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này". Nghị định sau khi có hiệu lực thi hành sẽ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ các vướng mắc mà cử tri đã nêu.
120. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật đất đai năm 2013 theo hướng tăng hạn điền trồng cây hằng năm lên 05 ha nhằm tạo điều kiện cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến (hiện nay hạn điền là 02 ha, nếu vượt hạn điền thì thuê đất nên người dân không an tâm). Bên cạnh đó, Luật đất đai năm 2013 không quy định hạn mức công nhận (theo thực tế người dân đã có hàng chục năm rồi) mà chỉ quy định hạn mức giao đất theo hạn điền, là không phù hợp với thực tế nên cần bổ sung quy định “công nhận hạn mức sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm” đối với hộ gia đình.
Trả lời
1. Về tăng hạn điền lên 05 ha
Theo quy định tại Điều 129, 130 của Luật đất đai và Điều 44 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai thì ngoài hạn mức được giao theo quy định của từng vùng thì hộ gia đình, cá nhân có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất thêm không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp. Ngoài ra, hộ gia đình, cá nhân còn được Nhà nước cho thuê đất trong thời gian tối đa là không quá 50 năm và nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất khi hết thời hạn thì được Nhà nước tiếp tục xem xét cho thuê tiếp. Do đó, việc quy định của Luật đất đai đối với hạn mức giao đất và hạn mứcnhận chuyển quyền sử dụng đấtlà phù hợp với nhu cầu về hạn mức sử dụng đất mà cử tri đã nêu.
2. Về hạn mức công nhận quyền sử dụng đất: kiến nghị của cử tri đã được pháp luật đất đai quy định, cụ thể:
Khoản 1 Điều 15 của Luật đất đai đã quy định: “Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất gồm hạn mức giao đất nông nghiệp, hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.”
Tại điểm a Khoản 4 Điều 103 của Luật đất đai đã quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán tại địa phương quy định hạn mức công nhận đất ở cho mỗi hộ gia đình phù hợp với tập quán ở địa phương theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình;”
121. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi quy định của Luật đất đai năm 2013 theo hướng việc đăng ký, thay đổi, thực hiện giao dịch có liên quan các quyền của người sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân đều do Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận để bảo đảm kịp thời và thuận tiện cho người dân (thay thế cho quy định khi có thay đổi hoặc thực hiện giao dịch các quyền sử dụng đất đều phải do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận).
Trả lời
Theo quy định tại Điều 19 của Thông tư số 23/2014/TT-BTNMT ngày 19 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì thẩm quyền xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai mà không thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Do đó, các chi nhánh của Văn phòng đăng ký ở các huyện có thẩm quyền xác nhận thay đổi trên giấy chứng nhận do phân công công việc trong Văn phòng đăng ký đất đai.
Hiện nay, trong bối cảnh cả nước đã căn bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất, việc cấp giấy chứng nhận cho các đối tượng nói chung và hộ gia đình, cá nhân nói riêng chủ yếu là khi người sử dụng đất thực hiện quyền của mình. Các trường hợp này đã được cấp giấy chứng nhận lần đầu - đã một lần được cơ quan Nhà nước (Ủy ban nhân dân cấp huyện) xác lập quyền ban đầu thông qua việc cấp giấy chứng nhận. Do đó, khi thực hiện quyền của người sử dụng đất không nhất thiết yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước một lần nữa xác lập quyền sử dụng đất lần thứ hai thông qua việc cấp giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi, làm tăng gánh nặng cho bộ máy hành chính ở địa phương.
Mặt khác, đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai được thành lập và hoạt động theo mô hình một cấp. Mô hình này có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, gắn với việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý kịp thời hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai, tiến tới thực hiện giao dịch điện từ về đất đai; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã giảm so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân khi tham gia giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Để tránh áp lực lên bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời để tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới thì không nên quy định việc đăng ký thay đổi khi thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân tại những nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện mà nên giữ thẩm quyền như quy định hiện hành là các Văn phòng đăng ký đất đai, trong đó có các chi nhánh Văn phòng đăng ký ở cấp huyện.
122. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Nhân dân thống nhất và đánh giá cao chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ và tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, quản lý đất lâm nghiệp. Song đề nghị Chính phủ xem xét, cho chuyển đổi diện tích đất lâm nghiệp sang mục đích khác phù hợp với yêu cầu thực tế như: quy hoạch trường học, nghĩa trang, xây dựng các công trình theo chương trình nông thôn mới.
Trả lời
Thực hiện Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09 tháng 4 năm 2016 của Quốc hội về điều quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016–2020) cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02 tháng 11 năm 2016 về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, trong đó đất trường học, đất nghĩa trang, đất xây dựng các công trình theo chương trình nông thôn mới nằm trong đất phi nông nghiệp đã được cân đối, tính toán đầy đủ và phân bổ đến từng vùng kinh tế - xã hội.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức thẩm định việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, trong đó có thẩm định về chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 để đảm bảo yêu cầu đáp ứng các nhu cầu sử dụng đất như để làm trường học, nghĩa trang, các công trình theo chương trình nông thôn mới mà cử tri nêu.
123. Cử tri thành phố Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng chặt chẽ hơn việc cho người nước ngoài thuê đất, mua đất tại Việt Nam, dặc biệt tại các khu liên quan đến an ninh quốc gia.
Trả lời
Pháp luật đất đai không cho phép tổ chức, cá nhân người nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Việt Nam. Trường hợp thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam thì sẽ được Nhà nước Việt Nam giao đất, cho thuê đất và phải đáp ứng các điều kiện quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 58 của Luật đất đai, theo đó, đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan. Trình tự, thủ tục lấy ý kiến đã được quy định cụ thể tại Điều 13 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.
Trường hợp người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở thì được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 99 của Luật đất đai. Pháp luật đất đai hiện hành đã quy định chặt chẽ việc người nước ngoài được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, trường hợp được tặng cho để thừa kế mà không thuộc đối tượng sở hữu nhà tại Việt Nam thì chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở mà không được cấp Giấy chứng nhận nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho theo quy định tại khoản 3 Điều 186 Luật đất đai.
124. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri kiến nghị về sửa đổi Luật đất đai, banh hành các chính sách để khuyến khích tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất. Đề nghị sửa đổi Nghị định 64 về nội dung: Người chết, người chuyển đi địa phương khác phải thu hồi đất và người trưởng thành nơi khác đến sinh sống thì phải được cấp đất.
Trả lời
Về vấn đề cử tri nêu Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời như sau:
- Nghị định 64/CP ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành.
- Đối với việc thu hồi đất do có người chết mà không có người thừa kế, người chuyển đi địa phương khác không sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Điều 64, Điều 65 của Luật đất đai và pháp luật về dân sự.
- Căn cứ giao đất, cho thuê đất và việc giao đất, cho thuê đất được quy định tại Điều 52, 54, 55 và 56 của Luật đất đai.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và trình Chính phủ Đề án “Điều tra, đánh giá xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội”, trên cơ sở kết quả tổ chức thực hiện Đề án sẽ có đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
125. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh thời kỳ 2016-2020 để các địa phương thực hiện lập quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh cấp tỉnh và phân bổ chỉ tiêu cho cấp huyện lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2016-2020.
Trả lời
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có hướng dẫn cụ thể vấn đề cử tri nêu như:
- Ngày 02 tháng 11 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1927/TTg-KTN về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 cấp quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Ngày 16 tháng 11 năm 2016, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý đất đai có Công văn số 2309/TCQLĐĐ-CQHĐĐ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn chỉnh hồ sơ điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt chậm nhất vào ngày 31 tháng 12 năm 2016.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 3221/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 05 tháng 8 năm 2016 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc kế hoạch sử dụng đất năm 2017 cấp huyện để đảm bảo đủ căn cứ thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
126. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Đề nghị có cơ chế phù hợp để các địa phương thuê lại đất của các hộ nông dân, tích tụ diện tích đất nông nghiệp để cho doanh nghiệp thuê lại (hỗ trợ doanh nghiệp tích tụ diện tích đất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp).
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 73 của Luật đất đai năm 2013 thì việc sử dụng đất để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật đất đai mà phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì Nhà nước khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật. Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai đã quy định các nguyên tắc của việc sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa pháp luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện Đề án “Điều tra, đánh giá xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” và Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học về việc cho nhà đầu tư nước ngoài nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp”.
127. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Theo quy định tại Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Tuy nhiên, thẩm quyền ký giấy chứng nhận sau khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu phải cấp đổi hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại điểm b, Khoản 1 Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 14/4/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai là chưa phù hợp, vì Sở Tài nguyên và Môi trường không phải là đơn vị trực tiếp quản lý, nắm tình hình tại địa phương, do vậy việc xác minh, kiểm tra thực tế hiện trạng sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, kéo dài thời gian, tốn kém chi phí (đặc biệt là tại các tỉnh miền núi, biển đảo có các huyện xa trung tâm tỉnh, thành phố thì việc đi lại càng khó khăn, chi phí càng lớn). Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi điều 105 Luật đất đai theo hướng quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân cấp huyện, không giao thẩm quyền cho Sở Tài nguyên và Môi trường cho phù hợp tình hình thực tế, đồng thời đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định tại Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.
Trả lời
Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 thì UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường không phải cơ quan thực hiện và cũng không phải thực hiện việc xác minh, kiểm tra thực tế hiện trạng sử dụng đất trong trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
Về thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ là không quá 30 ngày làm việc với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận bị mất và không quá 20 ngày làm việc với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận. Theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai thì trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận là không quá 7 ngày và cấp lại Giấy chứng nhận là không quá 10 ngày. Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định hiện nay đã rút ngắn rất nhiều so với trước đây.
Trong trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận bị mất cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay mà trước đây là do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại. Đây là cơ quan trực tiếp quản lý hồ sơ địa chính vì vậy có đầy đủ thông tin nhất để thực hiện.
128. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Tình trạng nông dân bỏ ruộng trên địa bàn nông thôn đang diễn ra tại nhiều địa phương, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang là rất lớn, trong khi đó nhiều cá nhân, doanh nghiệp cần đất nông nghiệp để thực hiện, triển khai các dự án sản xuất nông nghiệp thì khó khăn để tích tụ diện tích lớn do vướng mắc về thủ tục, quy định pháp luật. Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp về việc thu mua, thuê lại quyền sử dụng đất nông nghiệp bị bỏ hoang để cá nhân, doanh nghiệp tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Trả lời
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu và sẽ nghiên cứu để đưa nội dung này vào quá trình sửa đổi pháp luật đất đai trong thời gian tới.
129. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Công tác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu giá quy định sát giá thị trường, hiện nay giá đất do Nhà nước quy định vẫn chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế. Chưa tổ chức hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường để làm cơ sở định giá đất phù hợp. Công tác thẩm định giá đất còn hạn chế, đội ngũ cán bộ định giá đất chưa được đào tạo cơ bản, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm. Chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai thiếu điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước; chưa trở thành công cụ quản lý thị trường, chống đầu cơ về đất đai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan có giải pháp điều chỉnh.
Trả lời
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về tài chính đất đai trong thời gian tới.
130. Cử tri tỉnh Hưng Yên kiến nghị: Nhà nước rà soát các dự án lấy đất của nhân dân, quá thời hạn cho phép nhưng chưa đi vào hoạt động hoặc chuyển đổi mục đích không theo quy định của pháp luật. Chuyển cho các dự án khác hiệu quả hơn để Nhà nước không bị thất thu.
Trả lời
Đề khắc phục tình trạng các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, pháp luật về đất đai hiện hành đã có các quy định như: Điều 58 Luật đất đai quy định về các điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; để xử lý dứt điểm tình trạng này, điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013 quy định chế tài đối với chủ đầu tư như phải nộp thêm tiền trong thời gian 24 tháng cho phép gia hạn, thu hồi đất mà không bồi thường nếu hết 24 tháng gia hạn nhưng chủ đầu tư vấn tiếp tục vi phạm; quỹ đất thu hồi trong trường hợp này được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, đưa vào kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
131. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh: Tại Khoản 6, Điều 19, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất đối với người sử dụng đất có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, Nghị định 43 không quy định cụ thể đối với các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có được thực hiện các quyền của người sử dụng đất hay không? Dẫn tới tình trạng người sử dụng đất đã có thông báo thu hồi đất nhưng họ vẫn yêu cầu được thực hiện quyền chuyển nhượng, cho, tặng... Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu có hướng dẫn đối với các trường hợp trên để địa phương triển khai thực hiện.
Trả lời
Đối với khu vực dự án đã có thông báo thu hồi đất thì người sử dụng đất trong khu vực dự án vẫn được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 của Luật đất đai. Trong trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển quyền sử dụng đất thì thực hiện theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 5 Điều 95, Điều 167 và Điều 188 của Luật đất đai; cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) có trách nhiệm giải thích cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất không được cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đã có thông báo thu hồi đất theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 của Nghị định số 43/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Trường hợp người sử dụng đất vẫn có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký và ghi nhận việc đăng ký chuyển quyền vào Sổ địa chính nhưng không cấp Giấy chứng nhận cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất.
132. Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị: Cử tri phản ánh: Khoản 2, Điều 49, Luật đất đai quy định: “Trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và thực hiện các quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Trường hợp đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng cây lâu năm; nếu người sử dụng đất có nhu cầu cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật”.
Theo các nội dung trên không quy định đến thời điểm nào (giới hạn thời gian) thì người sử dụng đất không được thực hiện các quyền của mình đối với khu vực có trong kế hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt và phải thu hồi ( như đã có thông báo, quyết định thu hồi đất). Cử tri đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương dễ áp dụng pháp luật.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu đã được quy định trong Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành như sau:
Khoản 2 Điều 49 Luật đất đai năm 2013 quy định về nguyên tắc hạn chế quyền của người sử dụng đất trong khu vực đất sẽ phải thu hồi theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt.
Theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 và Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai: khi quyết định thu hồi đất của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì chấm dứt việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Tại Khoản 6 Điều 19 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật đất đai đã quy định Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong trường hợp: “Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”
133. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thêm kinh phí cho Lâm Đồng để hoàn thành Dự án hoàn thiện hồ sơ địa chính để cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân và quản lý dữ liệu đất đai (hiện nay mỗi năm chỉ cấp 2-3 tỷ; tỷ lệ đáp ứng theo kế hoạch khoảng 5%).
Trả lời
Việc đầu tư cho công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương. Vì vậy, đề nghị Tỉnh chủ động sử dụng số kinh phí ngân sách Trung ương đã hỗ trợ, đồng thời bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo yêu cầu tại Chỉ thị số 1474/CT-TTg ngày 24/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch triển khai thực hiện các Thiết kế kỹ thuật – Dự toán phải căn cứ vào khả năng bố trí kinh phí, không triển khai dàn trải, tránh tình trạng nợ đọng kéo dài không có kinh phí thanh toán cho đơn vị thi công.
Về việc hỗ trợ kinh phí: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổng hợp, xác định nhu cầu kinh phí của các địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ cho các địa phương theo khả năng ngân sách Trung ương. Riêng năm 2016 đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương không tự chủ được kinh phí, trong đó hỗ trợ cho tỉnh Lâm Đồng 3 tỷ đồng (do Tỉnh bố trí dưới 2% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để thực hiện dự án).
Đối với kinh phí thực hiện năm 2017, căn cứ khả năng cân đối ngân sách trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ cho Tỉnh để thực hiện dự án.
134. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Theo quy định của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận (cấp lần 2) cho hộ gia đình cá nhân nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường. Cử tri đề nghị xem xét, sửa đổi Nghị định số 43/2014/NĐCP, cần quy định lại thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Chủ tịch UBND cấp huyện nhằm tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Trả lời
Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013 thì UBND cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường không phải cơ quan thực hiện và cũng không phải thực hiện việc xác minh, kiểm tra thực tế hiện trạng sử dụng đất trong trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận.
Về thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ là không quá 30 ngày làm việc với trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận bị mất và không quá 20 ngày làm việc với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận. Còn theo quy định tại Khoản 40 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai thì trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận là không quá 7 ngày và cấp lại Giấy chứng nhận là không quá 10 ngày. Như vậy, thời gian giải quyết thủ tục cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định hiện nay đã rút ngắn rất nhiều so với trước đây.
Trong trường hợp cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận bị mất cho hộ gia đình, cá nhân thì Văn phòng đăng ký đất đai hiện nay mà trước đây là do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thực hiện kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị cấp đổi, cấp lại. Đây là cơ quan trực tiếp quản lý hồ sơ địa chính vì vậy có đầy đủ thông tin nhất để thực hiện.
135. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý việc sử dụng đất theo kế hoạch 5 năm và Quy hoạch sử dụng đất 10–20 năm là phù hợp, bỏ công tác lập KHSD đất hàng năm vì tạo thêm nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp và cản trở cho công tác thu hút đầu tư.
Trả lời
Luật đất đai năm 2013 đã quy định việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ duy nhất vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện (Điều 52). Việc quy định như vậy đã hạn chế việc giao đất tràn lan, gây lãng phí đất đai; đồng thời nâng cao được chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đưa đất vào sử dụng hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, thời gian thực hiện quy định mới này, thực tiễn triển khai tại các địa phương còn có một số nội dung phản ánh như: do xuất hiện một số công trình, dự án mới nhưng không được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được duyệt nên không thể giao đất, cho thuê đất ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của các địa phương.
Để khắc phục bất cập nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ đưa những nội dung trên vào Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 của Chính phủ, hướng xử lý cụ thể như sau:
- Cho phép điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện theo hướng cho bổ sung các công trình, dự án mới vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm.
- Loại bỏ những dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm nhưng không thực hiện được.
- Cho điều chỉnh quy mô, địa điểm, số lượng dự án, công trình phù hợp với khả năng đầu tư của các dự án, công trình.
Những nội dung điều chỉnh nêu trên sẽ được cập nhật vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện của năm tiếp theo và đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi về chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và khu vực sử dụng đất theo chức năng trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Trường hợp có bổ sung dự án, công trình mà phải thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật đất đai thì phải được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua.
Với giải pháp nêu trên sẽ giúp giải quyết vấn đề thu hút đầu tư tại các địa phương đồng thời đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất tại các địa phương sẽ thuận lợi hơn do việc tổ chức thực hiện được tiến hành hàng năm.
136. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sửa đổi quy định giao trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giá đất cụ thể tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và giá đất tái định cư.
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 114 của Luật đất đai, Điều 16 của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về giá đất thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất cụ thể. Pháp luật về đất đai không quy định cơ quan có thẩm quyền định giá đất được ủy quyền cho cơ quan cấp dưới.
Theo quy định tại Điều 14 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì trong trường hợp cần thiết, cơ quan hành chính nhà nước cấp trên có thể ủy quyền bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp dưới thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khoảng thời gian xác định kèm theo các điều kiện cụ thể; cơ quan hành chính nhà nước cấp trên phải đảm bảo các nguồn lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã ủy quyền, chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã ủy quyền.
137. Cử tri tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Cử tri kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, do quy định như hiện nay rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi thực hiện.
Trả lời
Trong thời gian qua, quy định trình tự, thủ tục làm hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục chuyển nhượng, thừa kế, tặng, cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số của Luật Đất đai và đã được đơn giản hóa theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát để đơn giản thủ tục theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 19-NQ/CP.
138. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 2 Điều 31 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm cả chi phí đo đạc và kê biên, kiểm đếm, áp giá. Tuy nhiên, thực tế một số dự án không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 trên, nhưng chi phí hợp đồng đo đạc lớn dẫn đến mức trích không quá 2% không bù đắp được chi phí kê biên kiểm đếm và đo đạc cho đơn vị cung cấp dịch vụ này. Đặc biệt nhất là đối với trường hợp dự án thực hiện vận động nhân dân đóng góp quyền sử dụng đất nhiều thì mức trích 2% theo quy định không được tính mặc dù vẫn phải thực hiện kê biên, kiểm đếm, áp giá, đo đạc. Do đó, kiến nghị nên tách riêng quy định mức trích đối với 02 khoản chi phí kê biên, kiểm đếm, áp giá và chi phí đo đạc, đồng thời đề nghị cho tính mức trích 2% kể cả đối với trường hợp vận động nhân dân đóng góp.
Trả lời
Tại Khoản 4 Điều 31 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có Công văn số 942/BTNM-TCQLĐĐ ngày 24 tháng 3 năm 2015 góp ý dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán chi phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của Bộ Tài chính xây dựng, trong đó đề nghị đối với các dự án, tiểu dự án phát sinh đo đạc, xác định diện tích đất và kinh phí định giá đất cụ thể không tính vào kinh phí 2% tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ của dự án.
Do vậy, đề nghị cử tri có ý kiến với Bộ Tài chính để được giải đáp theo chức năng và thẩm quyền đã được Chính phủ giao.
139. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đối với sự cố môi trường biển do công ty Formosa gây ra, nhiều Cử tri lo ngại, đề nghị làm rõ việc khắc phục hậu quả và xem xét xử lý trách nhiệm công vụ của các cơ quan có liên quan trong sự cố này. Kiến nghị Chính phủ rà soát, xử lý về vấn đề môi trường, đặc biệt sau sự cố Formosa ở Hà Tĩnh và một số địa phương.
Trả lời
1. Hiện tại, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã cơ bản khắc phục 45/53 lỗi hành chính, 08 lỗi còn lại đang trong quá trình khắc phục theo cam kết với Chính phủ và theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, cụ thể như sau:
(1) Liên quan đến 45 lỗi về thủ tục hành chính đã được khắc phục:
a) Đối với 12 lỗi về việc thực hiện lập báo cáo định kỳ tình hình phát sinh và quản lý chất thải nguy hại (CTNH), kê khai chứng từ CTNH, lập báo cáo kết quả thực hiện công trình bảo vệ môi trường của dự án và cung cấp thông tin cho Đoàn kiểm tra liên ngành: Sau khi có ý kiến của Đoàn kiểm tra liên ngành, Công ty Fomosa Hà Tĩnh đã cung cấp hồ sơ, tài liệu về tình hình hoạt động của dự án cho Đoàn kiểm tra; lập hồ sơ báo cáo kết quả thực hiện công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành đối với các hạng mục đã hoàn thành gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và cam kết thực hiện đúng quy trình kê khai, sử dụng chứng từ CTNH và báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh theo đúng thực tế phát sinh.
b) Đối với 20 lỗi về quản lý chất thải rắn thông thường và CTNH, gồm: 06 lỗi về bố trí khu vực lưu giữ tạm thời CTNH chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; 07 lỗi về thu gom, phân loại, tự xử lý CTNH; 07 lỗi về chuyển giao chất thải rắn thông thường và CTNH cho đơn vị không có chức năng.
- Về bố trí khu vực lưu giữ CTNH và thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý CTNH: Hiện tại, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã bố trí 16 khu vực lưu giữ tạm thời CTNH cho từng Bộ phận, Nhà máy có phát sinh và thực hiện thu gom CTNH về các kho để phân loại, lưu giữ; đã ngừng việc tự xử lý hóa chất thải súc rửa đường ống và dầu thải trái quy định, các loại CTNH này đang được lưu giữ an toàn trong kho.
- Về chuyển giao chất thải: Sau khi có ý kiến của Đoàn kiểm tra, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã ngừng chuyển giao các loại chất thải rắn thông thường và CTNH (tro bay, thạch cao, bùn thải, hóa chất thải súc rửa đường ống,...) cho các đơn vị không có chức năng; các loại chất thải phát sinh hiện đang được lưu giữ an toàn trong khuôn viên nhà máy. Công ty Formosa Hà Tĩnh đang thỏa thuận và ký hợp đồng với Công ty Chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh (là đơn vị mới được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép xử lý CTNH) để thực hiện chuyển giao, xử lý một số loại chất thải, đồng thời đang tiếp tục tìm kiếm các đơn vị có chức năng khác để thực hiện chuyển giao theo quy định.
c) Đối với 10 lỗi về vận hành các công trình xử lý chất thải và thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước. Tại thời điểm kiểm tra, một số công đoạn xử lý nước thải, khí thải của Công ty chưa được vận hành thường xuyên theo quy định, hiện Công ty đã khắc phục các nội dung này như sau:
- Đối với khí thải: Công ty Formosa Hà Tĩnh đã lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục một số thông số ô nhiễm tại các ống khói của các hạng mục đang hoạt động và cam kết việc lắp đặt bổ sung cho các ống khói còn lại trước khi hoạt động. Bên cạnh đó, kết quả giám sát khí thải tại các ống khói của Nhà máy điện, Xưởng luyện cốc, Xưởng cán nóng, Xưởng cán dây do Đoàn kiểm tra liên ngành và Đoàn kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường lấy, phân tích đều cho kết quả đạt các quy chuẩn kỹ thuật.
- Đối với nước thải: Công ty Formosa Hà Tĩnh đã tích cực làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và Đài Loan để cải tiến và hoàn thiện quy trình vận hành của các trạm xử lý nước thải, đặc biệt là Trạm xử lý nước thải sinh hóa. Căn cứ kết quả phân tích mẫu nước thải sau xử lý tại Trạm xử lý nước thải sinh hóa trước khi dẫn về Trạm xử lý nước thải công nghiệp (do Viện Công nghệ Môi trường thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lấy, phân tích với tần suất 03 lần/ngày, từ ngày 27/7/2016 đến 08/10/2016) cho thấy: từ ngày 27/7/2016 đến ngày 13/8/2016 một số thông số còn vượt quy chuẩn kỹ thuật như độ Màu vượt từ 1,0-1,4 lần, Fe vượt từ 1,1-3,3 lần, Mn vượt từ 1,0-2,0 lần, Phenol vượt từ 1,0-4,0 lần và Xyanua vượt từ 1,0-4,0 lần. Tuy nhiên, từ ngày 14/8/2016 đến nay, các mẫu nước thải sau xử lý đều đạt các quy chuẩn, gồm: QCVN 14:2008/BTNTM, QCVN 52:2013/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT. Đồng thời, kết quả phân tích mẫu nước thải tại Trạm quan trắc online trước khi thải ra biển đều đạt quy chuẩn.
Bên cạnh đó, Công ty cam kết sẽ hoàn thành việc xây lắp bổ sung các công trình, thiết bị cho các trạm xử lý nước thải, khí thải theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Thông báo số 78/TB-BTNMT.
d) Nhóm lỗi hành chính về sự cố môi trường (03 lỗi) gồm sự cố tràn dầu, tràn khí cốc và sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loạt:
Sự cố tràn dầu với khối lượng dầu tràn khoảng 500 kg đã xảy ra từ năm 2015 và được Công ty phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh Hà Tĩnh để khắc phục. Sự cố tràn khí cốc do lỗi chip quạt hút xảy ra tại thời điểm Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại Công ty; Công ty đã phân công bộ phận an toàn phải chịu trách nhiệm giám sát, báo cáo kịp thời cho các cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp khắc phục đối với những sự cố tương tự có thể xảy ra trong thời gian tới. Liên quan đến sự cố môi trường làm hải sản chết hàng loại, FHS thực hiện cam kết đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện các công trình xử lý chất thải đảm bảo chất thải được xử lý đạt quy chuẩn và an toàn với môi trường trong thời gian hoạt động tiếp theo của dự án.
(2) Đối với 08 lỗi hành chính đang trong quá trình khắc phục:
Liên quan đến 08 lỗi hành chính Công ty Formosa Hà Tĩnh đang thực hiện khắc phục được phân theo các nhóm gồm: chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô (01 lỗi); trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cho Nhà máy điện (01 lỗi) và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận hoàn thành cho một số hạng mục của dự án (06 lỗi). Cụ thể tiến độ xử lý đến nay như sau:
- Về chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc: Công ty Formosa Hà Tĩnh đã tích cực nghiên cứu và phối hợp với các chuyên gia, nhà cung cấp thiết bị để lập kế hoạch xây lắp hệ thống CDQ cho các lò luyện cốc, việc chuyển đổi này sẽ hoàn thành trong thời hạn 03 năm theo đúng yêu cầu của Chính phủ Việt Nam. Trong thời gian sử dụng phương pháp làm nguội cốc ướt, Công ty Formosa Hà Tĩnh sẽ xây lắp bổ sung Trạm xử lý nước dập cốc tuần hoàn, đảm bảo xử lý nước dập cốc đạt quy chuẩn trước khi tuần hoàn, tái sử dụng.
- Về Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu: Công ty Formosa Hà Tĩnh đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đối với Cảng Sơn Dương. Tuy nhiên, theo đề nghị của tỉnh, Công ty đã lập Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu cho toàn bộ Dự án và trình Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt.
- Về xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với một số hạng mục đã hoàn thành của dự án: Căn cứ kiến nghị của Đoàn kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, Công ty Formosa Hà Tĩnh đã nghiêm túc tiếp thu và khắc phục các tồn tại, hạn chế đối với các công trình bảo vệ môi trường và đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Về việc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến sự cố môi trường nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế), Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rà soát, kiểm điểm, nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiểm điểm, xử lý hành chính các tổ chức, cá nhân liên quan. Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước về thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với đảng viên, công chức, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015-2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng cục Môi trường theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hai Trưởng phòng, một Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời một Trưởng phòng đã được bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan[7]; hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Bộ đã thành lập Tổ công tác rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải ngành sản xuất thép[8]; đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của một số nước trên thế giới, xây dựng lộ trình hoàn thiện, sửa đổi các quy chuẩn về môi trường trong thời gian tới.
140. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Theo quy định của Luật đất đai thì các trường hợp giao dịch về đất đai như chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế... khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người dân được nộp về một trong 2 cơ quan là UBND xã và văn phòng công chứng trên địa bàn để chứng thực hợp đồng mua bán, cho tặng... Tuy nhiên khi công dân đến văn phòng công chứng làm hợp đồng thì văn phòng công chứng không biết được cụ thể về thửa đất (ví dụ như đang có tranh chấp...) do vậy vẫn làm hợp đồng, chỉ đến khi đến UBND xã thì xã mới biết được cụ thể. Do vậy đã có những trường hợp phát sinh mâu thuẫn. Đề nghị Bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể và có quy định khi làm hợp đồng tại văn phòng công chứng thì vẫn phải có giấy xác nhận của UBND xã phường nơi có thửa đất đó.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 167 của Luật đất đai thì việc công chứng hoặc chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất là do người sử dụng đất lựa chọn. Trong trường hợp cơ quan thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất chưa có đầy đủ thông tin về thửa đất thì có thể đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin về đất đai, tài sản gắn liền với đất trước khi thực hiện việc công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, việc đề nghị có hướng dẫn và có quy định khi làm hợp đồng tại Văn phòng công chứng thì vẫn phải có giấy xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi có thửa đất đó là làm tăng thêm thời gian, thủ tục hành chính không cần thiết. Trường hợp người dân đến văn phòng công chứng mà văn phòng công chứng không biết được cụ thể về thửa đất thì có thể đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất để thực hiện chứng thực hợp đồng theo quy định.
141. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đề nghị có các giải pháp để phân chia lại việc giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993, thực tế có người đã mất lâu năm và có hộ đã chuyển giai đình đi nơi khác vẫn còn đất, trong khi đó những người trẻ tuổi đã lập gia đình và tách hộ không được giao đất để canh tác.
Trả lời
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31 tháng 10 năm 2012 của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đã đề ra chủ trương “Không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình và cá nhân”. Trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế, người chuyển đi địa phương khác không sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Điều 64, Điều 65 của Luật đất đai và pháp luật về dân sự.
142. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri phản chủ trương sáp nhập Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện về cấp tỉnh là bất hợp lý, không hiệu quả và gây phức tạp trong quy trình cải cách thủ tục hành chính, không thuận lợi cho người dân. Đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tiễn và xu thế phân cấp, cải cách thủ tục hành chính để thuận lợi cho cơ sở và người dân.
Trả lời
Tại Khoản 5 Điều 5 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai quy định:
“5. Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất phải được thành lập hoặc tổ chức lại trước ngày 31 tháng 12 năm 2015. Trong thời gian chưa thành lập hoặc tổ chức lại các tổ chức theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất đã thành lập được tiếp tục hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao”.
Hiện nay trên địa bàn cả nước có 53/63 tỉnh đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định của Luật đất đai năm 2013. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo mô hình một cấp là phù hợp với xu thế quản lý đất đai theo hướng hiện đại. Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giúp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai, giúp bắt kịp mô hình quản lý đất đai của nhiều nước tiên tiến như Thuỵ Điển, Australia, Hàn Quốc..., cụ thể:
- Văn phòng Đăng ký đất đai thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận với bộ máy tổ chức được sắp xếp theo các nhóm chuyên môn và theo từng vị trí công việc chuyên sâu; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng.
- Hoạt động đăng ký đất đai đã có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất. Chất lượng thực hiện giải quyết thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận được nâng cao, bảo đảm sự thống nhất trong toàn tỉnh, thành phố do Văn phòng đăng ký đất đai đã thường xuyên kiểm soát, phát hiện những sai sót để điều chỉnh, hướng dẫn các Chi nhánh. Thực hiện thủ tục giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đã đảm bảo được tiến độ theo quy định,tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt.
- Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là cơ sở nền tảng cho việc liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới Chính phủ điện tử. Hiện nay đã có 7 tỉnh, thành phố liên thông dữ liệu với cơ quan thuế để thực hiện việc chuyển thông tin địa chính sang cơ quan thuế, thu nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện thủ tục là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.
- Các Văn phòng đăng ký đất đai đã có điều kiện hơn về lực lượng chuyên môn, chủ động hơn trong việc điều phối nguồn nhân lực trong toàn hệ thống, đã quan tâm, chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; đồng thời tăng cường kiểm tra, chỉ đạo việc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính ở các cấp huyện, xã để bảo đảm sự thống nhất của hồ sơ địa chính theo quy định.
Nhiều Văn phòng Đăng ký đất đai hiện nay hoạt động khá tốt với cơ cấu tổ chức lên đến hơn nghìn cán bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội... một số Văn phòng Đăng ký đất đai đã thực hiện tốt hoạt động cung cấp dịch vụ công với doanh thu lên đến hàng chục tỷ đồng một năm như Đồng Nai, Đắk Lắk.
Trong xu thế rà soát cải cách thủ tục hành chính, phân cấp trong việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017), trong đó có quy định sửa đổi, bổ sung Điều 37 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP theo hướng “Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì việc chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh", "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất của Văn phòng đăng ký đất đai để quy định việc cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này". Việc bổ sung quy định nêu trên là một bước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cơ sở và người dân như cử tri đề nghị.
143. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Về các Nghị định thi hành Luật đất đai năm 2013, Cử tri cho rằng còn nhiều điểm bất hợp lý. Tại Khoản 1, Điều 6 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP của Chính Phủ có quy định đất không có giấy tờ (đất khai hoang, tự lấn chiếm) ở ổn định trước ngày 15/10/1993 được cấp hạn mức đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất. Điều 23 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định đối với đất đai cấp sai thẩm quyền thì phải nộp tiền sử dụng đất 40%. Như vậy, dẫn đến mâu thuẫn là người dân khai hoang, tự ý lấn chiếm được cấp giấy, còn người dân nộp tiền mua đất lại nộp thêm 40% để được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cử tri đề nghị Chính phủ có sự điều chỉnh phù hợp, đảm bảo công bằng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trả lời
Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP được áp dụng cho các trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đã sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 (không bao gồm các trường hợp lấn chiếm, vi phạm pháp luật đất đai), đây là các trường hợp đất cha, ông để lại nhưng do không đăng ký hoặc không lưu giữ các giấy tờ cần thiết. Đối với các trường hợp giao đất trái thẩm quyền được thu tiền theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Nghị định số 45/2014/NĐ-CP và được chia ra nhiều trường hợp để xử lý trong đó có cả trường hợp không phải nộp tiền sử dụng đất và có những trường hợp phải nộp một phần tiền sử dụng đất (căn cứ vào thời điểm được giao đất).Việc thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp này cũng để thể hiện chế tài của pháp luật xử lý đối với trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức cá nhân vi phạm các quy định của nhà nước về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất.
Hiện nay, Chính sách thu tiền sử dụng đất khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thực hiện theo Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 05 năm 2014 của Chính phủ do Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành. Vì vậy, đề nghị cử tri có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính để xem xét, báo cáo Chính phủ sửa đổi cho hợp lý.
144. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh, hiện nay nhiều lao động ở nông thôn có nhu cầu sản xuất nông nghiệp nhưng không có ruộng đất, trong lúc đó, nhiều hộ gia đình có ruộng đất nhưng không có lao động, hoặc không có nhu cầu sản xuất nên để ruộng đất hoang hóa hoặc cho thuê kiếm lời. Đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với thực tiễn tình hình.
Trả lời
Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sử dụng đất nông nghiệp đã được thay thế bởi Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật đất đai 2003. Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã được thay thế bởi Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013. Quy định về hạn mức giao đất nông nghiệp được thực hiện theo quy định tại Điều 129 Luật đất đai năm 2013. Pháp luật đất đai hiện hành không đặt vấn đề điều chỉnh lại ruộng đất.
145. Cử tri tỉnh Quảng Trị kiến nghị: Để đảm bảo an ninh kinh tế, cử tri đề nghị Chính phủ cần cân nhắc chủ trương cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài thuê đất với thời hạn dài (trên 50 năm).
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 126 Luật đất đai thời hạn cho thuê đất được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư xem xét, phê duyệt và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định.
146. Cử tri tỉnh Sơn La kiến nghị: Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (gồm Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về giá đất và Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất). Do Quá trình triển khai thực hiện Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành còn một số nội dung vướng mắc như sau:
+ Chưa quy định cụ thể các tổ chức vi phạm theo điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai được gia hạn sử dụng đất 24 tháng và phải nộp cho nhà nước Khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án thì phải có văn bản đề nghị được gia hạn sử dụng đất và thành phần hồ sơ phải nộp khi đề nghị gia hạn sử dụng đất. Chế tài xử lý trong trường hợp tổ chức có vi phạm, cơ quan Nhà nước đã có văn bản yêu cầu lập hồ sơ gia hạn nhưng tổ chức vi phạm không phối hợp lập hồ sơ.
+ Chưa quy định trường hợp thu hồi đất và xử lý tài sản trên đất khi tổ chức bị chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định (thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư).
+ Chưa quy định việc cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, do đó, trên thực tế, nhiều tổ chức kinh tế cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuê lại trụ sở để kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm nhưng không theo quyết định cho thuê đất. Điều 175 Luật đất đai mới quy định các tổ chức này được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình, bán tài sản thuộc sở hữu của mình, góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình, cho thuê lại quyền sử dụng đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với đất được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
Trả lời
Ngày 06 tháng 01 năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và có hiệu lực từ ngày 03 tháng 3 năm 2017. Trong đó, quy định cụ thể các nội dung đề cập tại Phần 62 được quy định như sau:
- Trường hợp vi phạm quy định tại điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai được quy định bổ sung tại Khoản 12 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
- Đối với trường hợp thu hồi đất và xử lý tài sản trên đất khi tổ chức bị chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định về đầu tư được quy định tại Khoản 14 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
- Đối với trường hợp việc cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, đất thuê lại trả tiền thuê đất hàng năm được quy định bổ sung tại Khoản 24 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP.
147. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn thực hiện cho thuê đất trả tiền hàng năm đối với các Công ty Hạ tầng Khu Công nghiệp theo luật đất đai 2013.
Trả lời
Vấn đề cử tri phản ánh đã được quy định trong pháp luật về đất đai hiện hành như: quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 56, Điều 149 Luật đất đai, Điều 51 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai thì Nhà nước cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp. Đối với phần diện tích thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thì người được Nhà nước cho thuê đất có quyền cho thuê lại đất với hình thức trả tiền thuê đất hàng năm và có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 75 Luật đất đai. Nhà đầu tư được miễn tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sử dụng chung trong khu công nghiệp.
148. Cử tri tỉnh Tây Ninh kiến nghị: Liên quan đến trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại trong việc thông báo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được qui định tại điểm b Khoản 4 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013, như sau: Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra cùng cấp thẩm tra; nếu kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do; sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người sử dụng đất mà không có đơn khiếu nại thì ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; nhưng không qui định rõ trong trường hợp có đơn khiếu nại thì giải quyết theo trình tự, thủ tục nào, cơ quan nào giải quyết, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc tiếp nhận và xử lý khi công dân khiếu nại. Đề nghị qui định rõ điểm b Khoản 4 Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 đối với trường hợp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất có đơn khiếu nại thì có được thụ lý giải quyết hay không; thẩm quyền giải quyết của cơ quan nào; giải quyết theo trình tự, thủ tục của pháp luật nào? Sau khi có quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp, tiếp tục khiếu nại, có thụ lý, giải quyết hay không…
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 204 của Luật đất đai thì khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là quyền của người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất.
Đồng thời theo quy định tại Khoản 2 Điều 204 của Luật đất đai thì trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
149. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Hiện nay, theo cách tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với người dân các vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn là không hợp lý, còn cao so với mức thu nhập. Đề nghị Chính phủ quan tâm điều chỉnh cách tính tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phù hợp với điều kiện và mức thu nhập của người dân từng vùng, miền.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 3 và Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định về thu tiền sử dụng đất thì khi người sử dụng đất được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Luật đất đai và được xác định căn cứ vào diện tích, mục đích sử dụng đất, giá đất tính thu tiền sử dụng đất (trong đó giá đất được tính theo Bảng giá đất đối với hộ gia đình, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất ở trong hạn mức) là phù hợp với thực tế của nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.
150. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng lãng phí trong quy hoạch sử dụng đất hiện nay còn nhiều, lãng phí quá lớn. Đề nghị cần kiểm tra, xử lý nghiêm những dự án đã được phê duyệt nhiều năm nhưng không thực hiện nên xóa quy hoạch và giao lại cho người dân.
Trả lời
Căn cứ Điều 52, Khoản 3 Điều 49 Luật Đất đai năm 2013: Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, huỷ bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, huỷ bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất.
Do vậy, đối với những dự án, công trình đã có trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 3 năm không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền (chủ yếu là chính quyền địa phương) phải điều chỉnh, huỷ bỏ và phải công bố công khai việc điều chỉnh, huỷ bỏ.
151. Cử tri tỉnh Bình Định kiến nghị: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người dân, phát sinh nhiều khiếu nại, khiếu kiện của cao đẳng đối với các Quyết định hành chính về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư. Một trong những nguyên nhân chủ yếu tồn tại, hạn chế nêu trên là do cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn có những quy định bất cập, thiếu đồng bộ, chừa phù hợp với tình hinh thực tế, lại thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn vướng mắc, thiếu nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện. Đề nghị nghiên cứu xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Trả lời
Sau hai năm triển khai thi hành Luật đất đai, theo báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được thể chế trong Luật đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ để các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất một cách công khai, dân chủ, đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, góp phần giảm khiếu kiện trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cũng còn một số vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai, như: xác định giá đất tính bồi thường, xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã trả, bồi thường về tài sản, chi phí đầu tư vào đất còn lại, đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm khi Nhà nhà nước thu hồi đất, sự tham gia chủ đầu tư trong quá trình thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Đối với các nội dung vướng mắc nêu trên, đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
152. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Cử tri bày tỏ sự lo lắng trước quá trình đô thị hóa gây ảnh hưởng đến diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Cử tri đề nghị khi lấy đất nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương có sự tính toán kỹ lưỡng, xử lý nghiêm đối với các công trình dự án bỏ hoang đất, chậm tiến độ.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu đã được giải quyết theo các quy định của Luật đất đai như:
- Việc chuyển mục đích đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp để thực hiện các công trình, dự án phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 20 tháng 5 năm 2015 chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của địa phương để có căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích; (đặc biệt là chuyển mục đích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích đất phi nông nghiệp); để quản lý việc chuyển mục đích đất trồng lúa Chính phủ đã ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa.
- Quy định tại Khoản 3 Điều 49, Điều 52 Luật đất đai năm 2013: Diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Do vậy, đối với những dự án, công trình đã có trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 3 năm không thực hiện thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố công khai.
- Mặt khác, để khắc phục tình trạng chuyển đất nông nghiệp sang thực hiện dự án phi nông nghiệp tràn lan, không hiệu quả, Luật đất đai đã có quy định cụ thể các dự án phát triển kinh tế sử dụng đất thông qua hình thức nhà nước thu hồi đất (Điều 62) và các dự án phát triển kinh tế sử dụng đất thông qua hình thức chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của người sử dụng đất (Điều 73).
- Đề khắc phục tình trạng các dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, chậm đưa vào sử dụng, pháp luật về đất đai hiện hành đã có các quy định như: để ngăn chặn tình trạng này, Điều 58 Luật đất đai quy định về các điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; để xử lý dứt điểm tình trạng này, điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật đất đai năm 2013 quy định chế tài đối với chủ đầu tư như phải nộp thêm tiền trong thời gian 24 tháng cho phép gia hạn, thu hồi đất mà không bồi thường nếu hết 24 tháng gia hạn nhưng chủ đầu tư vấn tiếp tục vi phạm; quỹ đất thu hồi trong trường hợp này được giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, đưa vào kế hoạch tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.
153. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Đề nghị cần tăng cường năng lực, khả năng dự báo khí tượng thủy văn ở nước ta để phục vụ công tác phòng, tránh thiên tai, giảm thiệt hại thấp nhất về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Trả lời
1. Thực trạng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) tại Việt Nam và trên thế giới
Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều loại thiên tai nhất ở Châu Á, bao gồm tất cả các loại thiên tai vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, gió mạnh, sóng lớn, sương mù... Những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho các hiện tượng KTTV nguy hiểm ở nước ta xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều hơn, cường độ ngày càng khốc liệt, với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường ở hầu khắp mọi vùng, miền trên cả nước.
Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành KTTV để phục vụ công tác dự báo KTTV. Về cơ bản, các hoạt động cảnh báo, dự báo KTTV đã đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, cụ thể như sau:
- Về dự báo, cảnh báo bão: Các cơn bão đều được theo dõi sát và phát tin dự báo từ rất sớm (khi bão còn ở vùng biển phía Đông Philippin hoặc khi còn là vùng áp thấp trên Biển Đông). Sai số dự báo vị trí bão trước 24, 48 và 72 giờ lần lượt trong khoảng 100km, 180km và 280km; sai số dự báo cường độ bão trước 24 và 48 giờ lần lượt là 1-2 cấp và 2-3 cấp (dự báo của Hồng Kông lần lượt là 125, 250, 350km).
- Dự báo, cảnh báo mưa lớn: Có khả năng dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng với thời hạn trước 2-3 ngày, một số trường hợp trước 5-7 ngày với độ tin cậy khoảng 75% (3/4 số lần cảnh báo đúng). Tuy nhiên, dự báo lượng mưa cực trị cho khu vực mưa cụ thể vẫn là một thách thức của khoa học dự báo; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông mới chỉ có khả năng cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
- Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: Cảnh báo sớm các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại với thời hạn trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Cảnh báo trước 5-10 ngày các đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm có độ tin cậy khoảng 65-70%.
- Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Cảnh báo trước các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, cảnh báo thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ chính xác từ 80-90%.
- Các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá,… là những hiện tượng xảy ra ở quy mô nhỏ, thời gian xảy ra rất nhanh nên chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ sóng ra đa thời tiết.
- Dự báo, cảnh báo thủy văn: Dự báo thủy văn hạn ngắn đạt từ 80-85%, hạn vừa đạt từ 75-80%; dự báo, cảnh báo đỉnh lũ với mức đảm bảo từ 70-80%. Dự báo, cảnh báo lũ, hạn hán, xâm nhập mặn từng bước được cải tiến và nâng cao chất lượng, hạn dự báo đối với đỉnh lũ trên các sông, nhất là các sông ở vùng núi và miền Trung, Tây Nguyên đã được kéo dài hơn với độ chính xác cao hơn.
Đặc biệt, trong năm 2016 là năm có rất nhiều loại hình thiên tai hoạt động bất thường, phức tạp, Trung tâm KTTV quốc gia đã dự báo sát với thực tế, thông tin cụ thể đến các cấp phòng chống, thiên tai và người dân. Tiêu biểu có thể kể đến việc dự báo tốt các đợt mưa lớn liên tiếp gây ra 5 đợt lũ trên báo động cấp 3, xấp xỉ lũ lịch sử kéo dài nhiều ngày liên tục và gây ngập lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Trung Bộ.
Tuy nhiên, công tác dự báo mới chỉ có tiến bộ nhiều về mặt định tính (khu vực, thời gian, hướng di chuyển, ảnh hưởng gián tiếp của thiên tai), về dự báo định lượng (như cường độ bão, cường độ mưa lớn) vẫn còn có những hạn chế. Những hạn chế này có thể do những nguyên nhân khách quan và chủ quan sau:
- Tại các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... mạng lưới ra đa thời tiết, hệ thống quan trắc tự động dày đặc, phủ kín lãnh thổ, thu thập các dữ liệu thông qua cảm biến được gắn trên các thiết bị như: máy bay, phao cứu sinh trên biển, khí cầu, vệ tinh... Số liệu liên tục được truyền về hệ thống thông qua mạng internet hoặc vệ tinh với tần suất 1 phút/1 lần hoặc 10 phút/1 lần tùy theo nhu cầu về sử dụng số liệu. Quá trình giải mã, phân tích cũng được siêu máy tính thực hiện, các dự báo viên chỉ là người tiếp nhận các kết quả và đưa ra quyết định. Tại Việt Nam, các trạm KTTV tự động, yếu tố đo được tự động hóa như: mưa, gió trên mạng lưới có thể truyền số liệu về Trung ương qua hệ thống internet, GPRS, SMS hoặc vệ tinh với tần suất theo nhu cầu về sử dụng số liệu. Tuy nhiên, do số lượng trạm KTTV tự động còn ít nên nguồn số liệu tự động vẫn còn hạn chế. Đối với các trạm KTTV quan trắc truyền thống, số liệu quan trắc theo quy định có thể 6 giờ/lần, 3 giờ/lần hoặc thậm chí 30 phút/lần khi có hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm. Số liệu từ các trạm quan trắc truyền thống được chuyển về Trung ương qua internet hoặc điện thoại. Do đó, việc cập nhật nguồn số liệu từ các trạm truyền thống ít hơn về tần suất và chậm hơn so với các trạm tự động. Khi tiếp nhận được thông tin điện báo truyền về, hệ thống sẽ giải mã sẽ cập nhật dữ liệu đưa vào mô hình dự báo, dự báo viên sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo dựa trên số liệu nhận được. Thêm vào đó, để tăng xác suất dự báo, số liệu quan trắc của từng quốc gia sẽ được đưa vào mô hình để đồng hóa các số liệu cho phù hợp, công đoạn này ở nước ta đang được thực hiện bán tự động.
- Ở Việt Nam, mạng lưới quan trắc KTTV còn thưa nên việc quan trắc thu thập số liệu KTTV trên toàn lãnh thổ chưa được đầy đủ, đặc biệt là thiếu số liệu quan trắc trên biển. Do vậy, mặc dù đã có một số mô hình hiện đại trên thế giới, nhưng kết quả dự báo ở các mô hình vẫn chưa đủ độ tin cậy do thiếu số liệu đầu vào. Ngoài số liệu quan trắc, Trung tâm KTTV quốc gia đã dùng kết hợp các phương pháp khác để hỗ trợ và dự báo như ảnh vệ tinh, ra đa thời tiết...
- Các thiết bị quan trắc KTTV tự động, bán tự động và thủ công đan xen nhau, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng tới quá trình truyền số liệu, thu thập số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV.
- Hệ thống xử lý số liệu để đưa ra các bản tin dự báo đòi hỏi hệ thống máy tính hiệu năng cao, nhân lực có trình độ kỹ thuật, nguồn số liệu đầy đủ, trong khi hạ tầng cơ sở ở nước ta cũng như nguồn số liệu quan trắc còn nhiều hạn chế, hệ thống máy tính hiệu năng cao hiện có không đủ mạnh để xử lý khối lượng tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dự báo bão.
- Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật trạm KTTV vẫn tiếp diễn. Ý thức người dân chưa cao nên việc bảo vệ thiết bị quan trắc tự động gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra mất mát, hư hỏng thiết bị.
2. Các giải pháp tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo KTTV trong thời gian tới
Với thực trạng, hạn chế, tồn tại trong công tác dự báo, cảnh báo KTTV nêu trên, để nâng cao chất lượng dự báo bão trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia sẽ tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp, triển khai các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với trọng tâm tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao công nghệ dự báo KTTV, đặc biệt là dự báo bão, đầu tư trang thiết bị phục vụ thám sát bão, đào tạo cán bộ có năng lực cao, cụ thể như:
a) Về công nghệ dự báo, cảnh báo (mô hình, phần mềm, phương pháp...)
- Trung tâm KTTV quốc gia đã tiến hành rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn các sản phẩm dự báo với chất lượng tốt hơn hiện nay khi bão vào Biển Đông. Đồng thời triển khai xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam.
- Phát triển mô hình nhóm dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hỗ trợ các Đài KTTV khu vực. Tổ chức các tổ công tác chuyên biệt nhằm đánh giá các công nghệ dự báo, hỗ trợ ứng dụng các sản phẩm, công nghệ dự báo hiện đại nhất của các nước trên thế giới, trên cơ sở kết quả đánh giá có thể đề xuất phương án tự phát triển hay nhập trọn gói công nghệ dự báo KTTV để ứng dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
- Chú trọng đặc biệt đến xây dựng, hoàn thiện và giám sát việc thực hiện các quy trình dự báo từ Trung ương đến các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số (digital forecasting) để tăng cường năng lực dự báo từ hạn cực ngắn đến hạn dài. Xây dựng hệ thống mô hình khu vực phân giải cao (có thể đến 1-2km) cũng như hệ thống tổ hợp cho bài toán dự báo hạn ngắn (12-72h) và hạn vừa (3-7 ngày), đồng hóa số liệu từ nguồn số liệu từ ra đa thời tiết, vệ tinh, trạm thám không vô tuyến, phục vụ dự báo thời tiết, dự báo lũ cực ngắn, dự báo thuỷ văn, ngập úng đô thị, dự báo hải văn, nâng chất lượng dự báo tương đương các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á (Malaisia, Thái Lan và Singapore).
- Xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
- Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng dự báo: Dự báo thời tiết hạn ngắn đạt độ chính xác 80-85%; tăng thời hạn dự báo bão, KKL lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2-3 ngày, ở Trung Bộ và Tây Nguyên lên đến 1-3 ngày (tùy thuộc vào lưu vực sông), ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80-85%; nâng cao chất lượng dự báo KTTV 5-10 ngày, 1 tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước; dự báo KTTV biển hàng ngày và 5-7 ngày; dự báo KTTV cực ngắn (3-12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo nguy cơ lốc, tố, vòi rồng, lũ quét, sạt lở đất...
b) Về hệ thống thu nhận, thiết bị tính toán, xử lý thông tin, hiển thị sản phẩm (bao gồm cả số liệu ra đa thời tiết, vệ tinh, trạm đo KTTV)
- Thực hiện hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ xây dựng 1.545 trạm quan trắc KTTV, 6.347 điểm quan trắc KTTV tự động và 1.557 công trình quan trắc nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu.
- Đầu tư "siêu máy tính" để có đủ năng lực đồng hoá số liệu, tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dự báo bão.
- Ưu tiên hiện đại hóa hệ thống radar Doppler trên toàn quốc.
- Tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, ra đa. Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển của bão chính xác hơn.
- Phát triển và hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc, thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp tư liệu KTTV từ cấp Trung ương tới địa phương.
c) Về công tác đào tạo nâng cao năng lực và tuyên truyền, phổ biến các kiến thức KTTV
- Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật KTTV và các thông tư ban hành các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về KTTV.
- Kiện toàn tổ chức bộ máy Ngành KTTV theo hướng tái thành lập Tổng cục KTTV nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KTTV, nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản và dự báo KTTV.
- Nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các Đài KTTV khu vực và đặc biệt là ở các Đài KTTV tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương, chủ động phòng, tránh thiên tai có nguồn gốc KTTV. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao công tác trong ngành.
- Cải tiến nội dung các bản tin dự báo bão theo hướng chi tiết, rõ ràng, và dễ hiểu hơn để phục vụ người dân, cộng đồng.
- Tăng cường tuyên truyền kiến thức về KTTV, về công tác dự báo KTTV qua việc phát triển các kênh truyền thông của KTTV (như truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hành các tờ rơi...), thường xuyên tổ chức các Hội nghị truyền thông phổ biến các thông tin cảnh báo, dự báo KTTV tới các thành phần khác nhau nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền và nhân dân; giúp người dân hiểu đúng và sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV để phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.
- Thực hiện hiệu quả các đề án, dự án như: Đề án “Hiện đại hóa ngành KTTV đến năm 2025”; dự án “Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng và sóng”; dự án “Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo lũ, lũ quét cho các tỉnh miền núi”...
- Phối hợp tốt với các Bộ, Ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu quan trắc và vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi phục vụ công tác dự báo KTTV.
154. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri cho rằng theo quy định tại Khoản 4, Điều 154 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Tuy nhiên, hiện nay một số Thông tư, Nghị định căn cứ vào Luật đã hết hiệu lực như: Thông tư số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2007 của liên Bộ Tài nguyên và Môi trường - Bộ Tài chính về việc hướng dẫn phương pháp lập dự toán kinh phí đo đạc và bản đồ và quản lý đất đai có căn cứ vào Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá. Tuy nhiên, Pháp lệnh Giá đã hết hiệu lực từ khi Luật Giá có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003. Tuy nhiên, hiện nay Luật đất đai 2003 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật đất đai 2013. Nhưng hiện nay các Bộ chưa có Thông tư thay thế các Thông tư nêu trên nên khó khăn cho địa phương trong việc hướng dẫn các đơn vị thực hiện. Cử tri đề nghị sớm có văn bản hướng dẫn các nội dung nêu trên.
Trả lời
Về vấn đề này, ngày 26 tháng 11 năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 4849/BTNMT-TC gửi Bộ Tài chính đề nghị hợp nhất Thông tư liên tịch hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với các nhiệm vụ chi ngành tài nguyên và môi trường, trong đó có sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 04/2007/TTLT-BTNMT-BTC.
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo Thông tư liên tịch quy định phân cấp nhiệm vụ chi và hướng dẫn quản lý sự nghiệp kinh tế đối với các nhiệm vụ chi về tài nguyên và môi trường, gửi Bộ Tài chính tại Công văn số 4568/BTNMT-TC ngày 21 tháng 10 năm 2014, bản dự thảo Thông tư liên tịch đã điều chỉnh, bổ sung những căn cứ hiện hành có liên quan. Qua nhiều lần làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện sửa đổi, bổ sung Thông tư gửi Bộ Tài chính xem xét ban hành theo thẩm quyền, tại Công văn số 4378/BTNMT-TC ngày 05 tháng 10 năm 2016. Từ ngày 01 tháng 07 năm 2016 theo quy định của Luật ban hành văn bản 2015 không quy định hình thức văn bản là Thông tư liên tịch giữa các Bộ trưởng, vì vậy thẩm quyền ban hành Thông tư nêu trên thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện dự thảo Thông tư để lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
155. Cử tri tỉnh Bắc Kạn kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ tỉnh Bắc Kạn các trang thiết bị cần thiết, đầu tư nâng cao cơ sở vật chất trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý tài nguyên môi trường, tạo điều kiện để địa phương quản lý tốt lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Trả lời
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu xem xét, nghiên cứu để có hướng dẫn cơ chế, chính sách phù hợp.
156. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ ban hành quy định giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý, tận thu nguyên liệu cát, sỏi ở ven suối để giải quyết cho nhân dân làm nhà ở.
Trả lời
Điều 82 Luật khoáng sản năm 2010 chỉ quy định thẩm quyền cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Kiến nghị cử tri nêu trên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, do đó, Chính phủ không có cơ sở pháp lý quy định việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, tận thu nguyên liệu cát, sỏi ở ven suối để giải quyết cho nhân dân làm nhà ở.
157. Cử tri tỉnh Hà Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ máy lọc nước cho nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn nước sạch, giúp đồng bào giảm bớt khó khăn về nước ăn, uống, nhằm giảm sử dụng chất đốt, góp phần khoanh nuôi, bảo vệ rừng.
Trả lời
1. Việc đảm bảo nước sạch cho nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn nước sạch, giúp đồng bào giảm bớt khó khăn về nước uống thuộc nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn bao gồm cả việc cung cấp, lắp đặt và hỗ trợ máy lọc nước, hiện do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.
2. Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang phối hợp các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện “Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước” (theo Quyết định 264/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 02 tháng 3 năm 2015), thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2015 đến năm 2020. Theo đó, các Bộ được giao nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện Dự án số 1 “Điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”;
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện Dự án số 2 “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện Dự án số 3 “Xây dựng thí điểm hệ thống cấp nước tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước đặc trưng”.
Nội dung chính của Chương trình nhằm tìm kiếm các nguồn nước dưới đất có trữ lượng, chất lượng phù hợp, đáp ứng yêu cầu cung cấp nước phục vụ sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng một số mô hình công trình cấp nước đặc trưng phù hợp với điều kiện ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt bền vững, an toàn cho nhân dân.
158. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Để giảm tác động của việc xâm nhập mặn, thành phố Hải Phòng đã đề xuất Dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Thái Bình (với tổng mức đầu tư là 900 tỷ đồng) trình Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 thuộc Chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu. Cử tri đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, chấp thuận Dự án Xây dựng đập ngăn mặn trên sông Thái Bình do thành phố Hải Phòng đề xuất.
Trả lời
Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp dự án nêu trên vào Danh mục các dự án ưu tiên thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
159. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, ban hành văn bản nhằm thống nhất mô hình, tổ chức hoạt động, cơ chế tài chính của Quỹ Bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương.
Trả lời
Theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường là tổ chức tài chính được thành lập ở trung ương, ngành, lĩnh vực, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 45 Quỹ Bảo vệ môi trường đã được thành lập. Qua phản ánh của các địa phương và qua theo dõi, nắm bắt cho thấy tổ chức và hoạt động của các Quỹ đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh. Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành kiểm tra thực tế tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập quỹ bảo vệ môi trường, đã báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ chủ trì xây dựng, trình ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh và rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và cơ chế tài chính của quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
Tuy nhiên, ngày 18 tháng 5 năm 2016, tại Công văn số 3587/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có ý kiến “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan Trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước theo Chỉ thị số 22/CT ngày 27 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước và Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015, định hướng và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giai đoạn 2016-2020 (Thông báo số 75/TB-VPCP ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Văn phòng Chính phủ). Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thực hiện Chỉ thị số 22/CT-TTg nêu trên về các nội dung liên quan đến Quỹ bảo vệ môi trường”. Như vậy, sau khi có báo cáo rà soát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước và có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ khẩn trương xây dựng văn bản nêu trên, trong đó có việc hướng dẫn vị trí pháp lý, tổ chức, mô hình hoạt động có liên quan đến quỹ bảo vệ môi trường cấp tỉnh.
160. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Thời gian qua, hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên, dự báo khí tượng thủy văn, hoạt động quản lý nhà nước và dự báo cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu chưa hiệu quả. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp phù hợp tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quan trắc tài nguyên và môi trường; đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu, các phòng phân tích thí nghiệm, đồng thời đào tạo, bổ sung đội ngũ quan trắc viên, chuyên gia cho công tác dự báo, khai thác và xử lý các nguồn thông tin quan trắc.
Trả lời
1. Hoạt động điều tra cơ bản về tài nguyên, dự báo khí tượng thủy văn (KTTV), quản lý nhà nước và dự báo, cảnh báo, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai và ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu:
a) Thực trạng hoạt động quan trắc, điều tra cơ bản KTTV
- Mạng lưới trạm KTTV ngày càng được mở rộng, phát triển với 194 trạm khí tượng bề mặt (có 63 trạm khí tượng tự động), 755 điểm đo mưa (trong đó có 475 trạm tự động), 354 trạm thủy văn (114 trạm đo mực nước tự động, 24 trạm hải văn, 91 điểm quan trắc xâm nhập mặn vùng cửa sông, 07 trạm ra đa thời tiết, 06 trạm vô tuyến thám không, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 02 trạm thu ảnh vệ tinh phân giải cao. Đặc biệt đã xây dựng được một số hệ thống quan trắc và truyền số liệu tự động hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc tự động hoá toàn bộ mạng lưới quan trắc KTTV.
- Tuy nhiên mạng lưới trạm quan trắc KTTV ở nước ta còn rất thưa so với một số nước tiên tiến trong khu vực và so với khuyến cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới. Tại các trạm KTTV, quan trắc thủ công vẫn còn chiếm tỷ trọng khá lớn, việc lắp đặt các trạm quan trắc tự động còn gặp nhiều khó khăn, nguồn kinh phí hạn hẹp; do ý thức người dân chưa cao nên việc bảo vệ thiết bị quan trắc tự động gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra mất mát, hư hỏng thiết bị. Đến nay, mức độ tự động hóa vẫn còn chậm: Trạm khí tượng tự động mới đạt 18,04%, đo mưa tự động đạt 49,27%, khí tượng cao không đạt 66,67%, thủy văn (đo mực nước) đạt 42,09%, thủy văn (đo lưu lượng nước) đạt 31,33% trên tổng số các trạm từng loại.
b) Về công nghệ truyền tin
Công nghệ truyền tin đã có bước tiến nhảy vọt, chuyển dần sang việc truyền tin tự động, đảm thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; đã triển khai các giải pháp giám sát, thu nhận, giải mã thông tin KTTV từ các trạm quan trắc về đơn vị xử lý, quản lý dữ liệu của Trung tâm; hệ thống tích hợp thông tin hỗ trợ công tác dự báo, các phần mềm xử lý thông tin đã được triển khai để phục vụ công tác dự báo, công tác tư liệu KTTV và tăng cường năng lực điều tra cơ bản.
c) Về công tác dự báo, cảnh báo KTTV
- Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng phát triển công nghệ dự báo số (digital forecasting) để tăng cường năng lực dự báo từ hạn cực ngắn đến hạn dài và dự tính biến đổi khí hậu. Một số phần mềm đã được triển khai để tự động hóa và thay thế cho nhiều tác nghiệp thủ công trước đây. Xây dựng được công nghệ dự báo thủy văn cho các sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Hoàn thiện hệ thống phần mềm xử lý số liệu thủy văn vùng sông ảnh hưởng thủy triều, hệ thống phần mềm xử lý số liệu khí tượng, hải văn góp phần tự động hóa quá trình xử lý số liệu, nâng cao chất lượng số liệu, phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai. Khai thác hiệu quả các thông tin ra đa, vệ tinh góp phần quan trọng để phát hiện cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm phát triển công nghệ dự báo, cảnh báo thời tiết hạn cực ngắn.
- Thời gian qua, độ chính xác của công tác dự báo, cảnh báo thiên tai tại Trung tâm KTTV quốc gia đã có bước tiến đáng kể, cụ thể như sau:
+ Về dự báo, cảnh báo bão: Các cơn bão đều được theo dõi sát và phát tin dự báo từ rất sớm (khi bão còn ở vùng biển phía Đông Philipin hoặc khi còn là vùng áp thấp trên Biển Đông). Sai số dự báo vị trí bão trước 24, 48 và 72 giờ lần lượt trong khoảng 100km, 180km và 280km; sai số dự báo cường độ bão trước 24 và 48 giờ lần lượt là 1-2 cấp và 2-3 cấp (dự báo của Hồng Kông lần lượt là 125, 250, 350km).
+ Dự báo, cảnh báo mưa lớn: Có khả năng dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng với thời hạn trước 2-3 ngày, một số trường hợp trước 5-7 ngày với độ tin cậy khoảng 75% (3/4 số lần cảnh báo đúng). Tuy nhiên, lượng mưa cực trị và khu vực mưa cụ thể vẫn là một thách thức của khoa học dự báo; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông mới chỉ có khả năng cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
+ Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: Cảnh báo sớm các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại với thời hạn trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Cảnh báo trước 5-10 ngày các đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm có độ tin cậy khoảng 65-70%.
+ Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Cảnh báo trước các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, cảnh báo thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ chính xác từ 80-90%.
+ Các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá,… là những hiện tượng xảy ra ở quy mô nhỏ, thời gian xảy ra rất nhanh nên chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ sóng ra đa thời tiết.
+ Dự báo, cảnh báo thủy văn: Dự báo thủy văn hạn ngắn đạt từ 80-85%, hạn vừa đạt từ 75-80%; dự báo, cảnh báo đỉnh lũ với mức đảm bảo từ 70-80%. Dự báo, cảnh báo lũ, hạn hán, xâm nhập mặn từng bước được cải tiến và nâng cao chất lượng, hạn dự báo đối với đỉnh lũ trên các sông, nhất là các sông ở vùng núi và miền Trung, Tây Nguyên đã được kéo dài hơn với độ chính xác cao hơn.
Tuy nhiên, công tác dự báo mới chỉ có tiến bộ nhiều về mặt định tính (khu vực, thời gian, hướng di chuyển, ảnh hưởng gián tiếp của thiên tai), về dự báo định lượng (như cường độ bão, cường độ mưa lớn) vẫn còn có những hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia sẽ tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp, triển khai các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với trọng tâm tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao công nghệ dự báo KTTV, đặc biệt là dự báo bão, đầu tư trang thiết bị phục vụ thám sát bão, đào tạo cán bộ có năng lực cao về công tác quan trắc và dự báo KTTV.
d) Công tác quản lý Nhà nước về công tác quan trắc, dự báo KTTV
- Lần đầu tiên trong lịch sử, nước ta có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tương đối hoàn chỉnh về KTTV, bằng việc Quốc hội Khoá XIII thông qua Luật khí tượng thủy văn năm 2015, Chính phủ ban hành 02 Nghị định, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 11 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phát triển ngành KTTV.
- Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào việc xây dựng và ban hành các Thông tư quy định quy trình, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật trong lĩnh vực KTTV, đặc biệt là về công tác quan trắc, dự báo KTTV nhằm đáp ứng và thực thi hiệu quả Luật khí tượng thủy văn.
2. Đối với đề nghị có giải pháp phù hợp tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm quản lý và xử lý dữ liệu tài nguyên và môi trường; tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu, các phòng phân tích thí nghiệm, đồng thời đào tạo, bổ sung đội ngũ quan trắc viên, chuyên gia cho công tác dự báo, khai thác và xử lý các nguồn thông tin quan trắc:
Thông tin và dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý môi trường. Trong thời gian vừa qua, lĩnh vực KTTV và lĩnh vực môi trường đã có những bước tiến bộ trong công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ được giao.
a) Đối với việc tăng cường năng lực truyền tin giữa các trạm quan trắc, các trung tâm quản lý và xử lý dữ liệu tài nguyên và môi trường
- Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chú trọng chuẩn hóa định dạng dữ liệu đo đạc tại các trạm truyền tin; lựa chọn công nghệ truyền thích hợp, xử lý số liệu, lưu trữ và khai thác hiệu quả nguồn số liệu thu thập. Cung cấp sản phẩm có chất lượng và độ tin cao tới cộng đồng với thời gian nhanh nhất có thể.
- Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống thông tin chuyên ngành, phát triển và hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc, thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp số liệu tài nguyên môi trường từ cấp Trung ương tới địa phương. Song song với đó là đồng bộ hóa hệ thống thông tin theo hướng tự động hóa nhằm tích hợp được số liệu giữa các trạm, phục vụ hiệu quả công tác.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng mạng diện rộng ngành tài nguyên và môi trường nhằm kết nối đồng bộ hệ thống thông tin, dữ liệu trong toàn ngành tài nguyên và môi trường (trong đó có các đơn vị làm công tác khí tượng thủy văn), đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong môi trường điện tử.
b) Đối với việc tạo lập, quản lý và khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường
- Về cơ chế:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 102/2008/NĐ-CP về việc thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu về tài nguyên và môi trường. Nghị định thay thế quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong công tác thu thập, tạo lập, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu. Các cá nhân, tổ chức có thể khai thác hiệu quả, thuận tiện thông tin, dữ liệu về tài nguyên và môi trường thông qua mạng điện tử.
+ Điều 31 Luật khí tượng thủy văn đã quy định về Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia: (1) Cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia là tập hợp, thống nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu quy định tại Điều 29 và Khoản 2 Điều 34 của Luật này trong phạm vi cả nước, được chuẩn hóa theo chuẩn quốc gia, được số hóa để cập nhật, quản lý, khai thác bằng hệ thống công nghệ thông tin. (2) Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các bộ dữ liệu, chuẩn dữ liệu; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu khí tượng thủy văn quốc gia. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia thực hiện nhiệm vụ này.
- Về kỹ thuật, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện Đề án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường”, Bộ đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án này đã thu nhận, tích hợp đầy đủ, thống nhất cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên môi trường, các đối tượng liên quan có thể chia sẻ, khai thác thông tin, dữ liệu một cách thuận tiện, đáp ứng theo thời gian thực, phục vụ đa mục đích, đa ngành, đa lĩnh vực, đặc biệt góp phần phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, quản lý môi trường, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
c) Đối với việc đầu tư, nâng cấp, hiện đại hoá các trung tâm xử lý và quản lý dữ liệu, các phòng phân tích thí nghiệm, đồng thời đào tạo, bổ sung đội ngũ quan trắc viên, chuyên gia cho công tác dự báo, khai thác và xử lý các nguồn thông tin quan trắc":
- Về hiện đại hoá cơ sở vật chất: Sau khi rà soát, quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa các trung tâm xử lý dữ liệu, các phòng phân tích thí nghiệm bằng nguồn vốn trong nước và chủ động tiếp cận, vận động các chương trình, dự án có nguồn vốn nước ngoài . Tăng cường mở rộng và triển khai có hiệu quả các dự án hợp tác quốc tế về tài nguyên môi trường.
- Về đào tạo, bổ sung đội ngũ quan trắc viên, chuyên gia cho công tác dự báo, khai thác và xử lý các nguồn thông tin quan trắc:
+ Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao công tác trong ngành.
+ Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến qua các hình thức: Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền khoa học công nghệ về KTTV phát triển nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến và đào tạo nguồn lực; thúc đẩy cơ chế hợp tác đối tác và hợp tác chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm thay cho việc thuần túy hợp tác tiếp nhận; tăng cường hợp tác mời các dự báo viên cao cấp ở ngoài nước hợp tác trực tiếp làm việc và trao đổi nghiệp vụ tại các phòng dự báo tác nghiệp của Việt Nam trong thời gian từ 3-6 tháng.
161. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thể chế hóa và tăng cường hiệu quả nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo ĐTM, như: xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho báo cáo ĐTM của các dự án đặc thù, xác định rõ các loại tác động của dự án theo các giai đoạn đầu tư, xây dựng, vận hành, quỵ định rõ về trách nhiệm và chế tài đối với chủ đầu tư và cơ quan thẩm quyền về tiếp nhận, phản hồi thông tin và xây dựng cơ chế giám sát cụ thể.
Trả lời
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thể chế hóa và tăng cường hiệu quả nội dung tham vấn trong quá trình thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), như: xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật cho báo cáo ĐTM của các dự án đặc thù, xác định rõ các loại tác động của dự án theo các giai đoạn đầu tư, xây dựng, vận hành, quy định rõ về trách nhiệm và chế tài đối với chủ đầu tư và cơ quan thẩm quyền về tiếp nhận, phản hồi thông tin và xây dựng cơ chế giám sát cụ thể.
162. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Tại Khoản 1, Điều 79 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định không được phép xây dựng những công trình trong phạm vi 100m tính từ mức nước triều cao trung bình nhiều năm vào đất liền; theo Điều 37, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ thì chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển tối thiểu phải là 100m (trừ các khu vực có bề rộng tự nhiên nhỏ hơn 100m thì lấy bằng với bề rộng tự nhiên). Tuy nhiên, với quy định trên tỉnh Kiên Giang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư (phần lớn các đảo đều có vị trí đất liền nằm sát mức triều, nếu cách 100m sẽ đến rừng phòng hộ). Do đó,Cử tri đề nghị Chính phủ xem xét lại quy định trên nhằm tạo thuận lợi cho việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trên các đảo.
Trả lời
Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển (Khoản 1 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo). Như vậy, hành lang bảo vệ bờ biển không phải được thiết lập trên toàn bộ bờ biển.
Tại Khoản 2 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định cụ thể các nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tại Điều 31, 32, 33, 34, 35 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP đã quy định cụ thể về việc xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; lập và phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Theo các quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển căn cứ vào yêu cầu, mục tiêu thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển để xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển.
Những nơi không nằm trong Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thì vẫn được phép xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các tổ chức, cá nhân vẫn được hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên theo các quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Khoản 2 Điều 24 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cũng đã quy định các công trình phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và các công trình xây dựng khác phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển quyết định chủ trương đầu tư thì vẫn được phép xây dựng mới hoặc mở rộng trong hành lang bảo vệ bờ biển.
163. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 79, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 quy định:“Trong thời hạn 18 tháng kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý”. Tuy nhiên, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 có hiệu lực từ ngày 01/7/2016 nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn để địa phương thực hiện. Do đó, cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Thông tư hướng dẫn để triển khai thực hiện.
Trả lời
Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Điều 81 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Chương V của Nghị định gồm 13 điều đã quy định chi tiết về hành lang bảo vệ bờ biển, hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển (từ Điều 31 đến Điều 43), quy định cụ thể về: lập, phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm; chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; công bố, cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển; điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển; trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thiết lập, quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển.
Ngày 12/10/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Ngày 28/10/2016, Bộ đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm.
Căn cứ các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và hướng dẫn tại Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển xác định và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trong phạm vi địa phương làm cơ sở để xác định, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Theo quy định tại Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vị quản lý.
164. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ: (1) tăng cường biên chế về môi trường cho các tỉnh và; (2) đầu tư kinh phí cho ngành môi trường để kiểm tra, giám sát các dự án ô nhiễm về môi trường; (3) Hoàn thiện hệ thống pháp luật với chế tài đủ mạnh, bảo đảm tính thống nhất về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Trả lời
1. Về kiến nghị tăng cường biên chế về môi trường cho các tỉnh: Để tăng cường số lượng cán bộ làm công tác môi trường ở địa phương, nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Thủ tướng Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030”; trong đó có các nội dung nhằm tăng cường số lượng cán bộ làm công tác môi trường ở địa phương như: Ở cấp tỉnh, thành lập phòng quản lý về bảo tồn đa dạng sinh học theo mức độ và tính đa dạng sinh học của địa phương để tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật đa dạng sinh học 2008; Ở cấp huyện, các Phòng Tài nguyên và Môi trường, tùy theo điều kiện thực tế bố trí từ 02 đến 03 công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước bảo vệ môi trường; Ở cấp xã, Ủy ban nhân dân xã bố trí 01 cán bộ hợp đồng thực hiện nhiệm vụ quản lý môi trường, sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn chi ngân sách sự nghiệp môi trường. Đề án dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2017.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường, trong đó đã quy định cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã được sử dụng nguồn chi sự nghiệp môi trường để ký hợp đồng lao động cán bộ cấp xã làm nhiệm vụ quản lý môi trường. Đây là một điểm mới, tạo điều kiện lớn cho địa phương để tăng cường nguồn nhân lực làm công tác môi trường.
2. Về kiến nghị đầu tư kinh phí cho ngành môi trường để kiểm tra, giám sát các dự án ô nhiễm về môi trường: Quán triệt quan điểm “Đầu tư bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển”, những năm qua, đầu tư cho bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến tích cực. Từ năm 2006, ngân sách cho bảo vệ môi trường đã được bố trí thành một nguồn riêng với mức khoảng 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng dần qua từng năm. Riêng năm 2016, tổng chi sự nghiệp môi trường là 12.290 tỷ đồng, đạt 1% tổng chi ngân sách nhà nước, trong đó ngân sách Trung ương 1.700 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 10.590 tỷ đồng.
Kinh phí đầu tư phát triển cho công tác bảo vệ môi trường cũng đã được quan tâm bố trí hơn so với giai đoạn 2006-2010, đáp ứng cơ bản được nhu cầu, nhất là đối với nhu cầu triển khai một số dự án có vốn đầu tư lớn về hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường; khắc phục, cải tạo ô nhiễm tại các lưu vực sông, khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, kinh phí để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và một số đề án lớn về bảo vệ môi trường đã được quan tâm, bố trí như Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 với kinh phí 485 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2015, ngân sách sự nghiệp môi trường trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích ở các địa phương là trên 2.200 tỷ đồng (chiếm 30% tổng chi ngân sách sự nghiệp môi trường ở trung ương); hỗ trợ xử lý ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu theo Quyết định số 1946/QĐ-TTg với tổng kinh phí trên 240 tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt về mặt nguyên tắc 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó có 02 Chương trình trong lĩnh vực môi trường: Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích; Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Tổng nguồn vốn thực thực hiện 2 Chương trình là 20.514 tỷ đồng.
Thời gian qua, việc huy động vốn hỗ trợ, vốn vay của các quốc gia, tổ chức quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam có bước tiến đáng kể. Các nguồn vốn huy động được đã đóng góp một phần quan trọng cho đầu tư các công trình xử lý môi trường tập trung ở các địa phương (bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, lò đốt chất thải y tế,...). Nguồn vốn ODA dành cho các dự án có liên quan đến môi trường giai đoạn 2011-2015 khoảng 3.739 triệu USD; giai đoạn 2015-2016 khoảng 152 triệu USD. Từ năm 2012 đến nay, nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường liên tục tăng ổn định qua các năm. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy nguồn vốn xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường; bước đầu hình thành hệ thống dịch vụ môi trường ngoài công ích, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Về kiến nghị hoàn thiện hệ thống pháp luật với chế tài đủ mạnh, bảo đảm tính thống nhất về nghĩa vụ của doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường: Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan[9]; hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường. Bộ đã thành lập Tổ công tác rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải và nước thải ngành sản xuất thép[10]; đã tiến hành nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của một số nước trên thế giới, xây dựng lộ trình hoàn thiện, sửa đổi các quy chuẩn về môi trường trong thời gian tới. Đồng thời, Bộ đang triển khai xây dựng và dự kiến ban hành 08 quy chuẩn kỹ thuật về bảo vệ môi trường[11]. Trong năm 2017, dự kiến xây dựng các quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; phối hợp với Bộ Y tế sửa đổi 04 quy chuẩn kỹ thuật[12] và ban hành mới 03 quy chuẩn kỹ thuật[13] trong hoạt động y tế; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng các quy chuẩn để quản lý phân bón hữu cơ. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về phòng ngừa sự cố môi trường; rà soát các tiêu chuẩn môi trường và các quy định về đánh giá tác động môi trường liên quan đến công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu các kinh nghiệm quốc tế, dự kiến tháng 5/2017 sẽ hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương hướng đề xuất xây dựng quy định pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường của Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã bố trí kinh phí để triển khai xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất trong thu hút đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
165. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Trước tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, dự báo còn tiếp tục kéo dài với mức độ ảnh hưởng lớn, cử tri đề nghị Trung ương có giải pháp đối phó hiệu quả hơn; kịp thời thông tin tình hình xâm nhập mặn để người dân chủ động trong sản xuất nông nghiệp.
Trả lời
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nguyên nhân chủ yếu là từ cuối năm 2014, El Nino đã ảnh hưởng đến nước ta, làm cho nền nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mưa trong cả mùa lũ năm 2015 và từ đầu mùa cạn năm 2016. Mùa lũ 2015, hầu hết các lưu vực sông ở khu vực miền Trung chỉ có một số trận lũ nhỏ. Lượng dòng chảy trong mùa lũ đều thiếu hụt từ 20% - 70%. Từ cuối năm 2015, toàn bộ lưu vực sông Mê Công phải đối mặt với một mùa khô rất khắc nghiệt, trong đó vùng ĐBSCL đang phải chịu các tác động nghiêm trọng của hạn hán và xâm nhập mặn lịch sử và có diễn biến cực kỳ phức tạp. Tổng lượng mưa trong năm 2015 trên lưu vực thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN) khoảng 30%. Đầu mùa khô năm 2016, tình hình mưa có xu thế giảm mạnh và đầu mùa khô hầu như không có mưa hoặc mưa rất ít. Dòng chảy trong mùa lũ năm 2015 nhỏ hơn TBNN, có thời gian còn nhỏ hơn cả mức lịch sử. Dòng chảy sông Mê Công vào ĐBSCL trong mùa khô năm 2016 đạt mức nhỏ nhất, thậm chí đạt mức lịch sử: tổng lượng dòng chảy tại Tân Châu và Châu Đốc tháng 12/2015 giảm 50%, tháng 01/2016 giảm 45%, tháng 02/2016 giảm 32%, tháng 3 (tính đến ngày 28/3/2016) giảm 24% so với TBNN. Ở ĐBSCL, độ mặn lớn nhất mùa khô 2015-2016 đều cao hơn so với TBNN và vượt quá độ mặn lớn nhất cùng kỳ đã từng quan trắc được trong lịch sử. Nguồn nước dưới đất bị nhiễm mặn ở nhiều nơi, suy giảm mực nước liên tục chưa có dấu hiệu hồi phục. Theo kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích xâm nhập mặn trong tầng chứa qp2-3 cho thấy diện tích nước nhạt bị giảm từ 20.070 km2 xuống còn 17.213 km2 (từ năm 2003 đến năm 2013).
Bên cạnh nguyên nhân do biến đổi khí hậu đang diễn ra sớm và mạnh hơn so với dự báo, gây ra thời tiết cực đoạn là hiện tượng El Nino mạnh và kéo dài kỷ lục từ năm 2014 đến nay, tình trạng trên còn có nguyên nhân từ việc gia tăng sử dụng nước, trữ nước ở các quốc gia thượng nguồn làm cho mặn xâm nhập sâu hơn vào trong nội đồng. Thêm vào đó, việc phát triển 08 đập thủy điện ở ở Trung Quốc trên sông Mê Công (đoạn thuộc Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) giai đoạn I, trong đó 06 đập thủy điện đã hoàn thành (Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Mãn Loan, Đại Triệu Sơn, Nộ Trác Độ và Cảnh Hồng); giai đoạn II dự kiến 06 đập thủy điện nữa ở thượng nguồn sông Lan Thương (Wu Nong Long, Li Di, Tuo Ba, Huang Deng, Da Hua Qiao, Miao Wei); và kế hoạch phát triển 11 công trình thủy điện thuộc Lào, Thái Lan và Campuchia (Pắc Beng, Luông Phra-bang, Xay-nha-bu-ly, Pắc Lay, Sa-na-kham, Pắc Chom, Bản Kủm, Lạt Sửa, Đôn sa-hông, Stung Treng, Sảm Bo) cũng gây ra những ảnh hưởng to lớn đến ĐBSCL của Việt Nam. Như vậy, tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian gần gần đây, ngoài những yếu tố về thiên tai còn do nhân tai. Đó là do việc vận hành điều tiết nước của các hồ chứa trên dòng chính (Trung Quốc) và cả trên dòng nhánh. Với tổng dung tích của các hồ chứa ở Trung Quốc và Lào hiện nay trữ nước khoảng 52 tỷ m3, khả năng kiểm soát dòng chảy về ĐBSCL là rất lớn.
Để giải quyết những vấn đề về sử dụng nguồn nước ở khu vực này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện những giải pháp sau đây:
Đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan chuẩn bị các nội dung để đề nghị Trung Quốc xả nước trong chương trình Hội nghị Cấp cao Mê Công - Lan Thương tổ chức vào ngày 23/3/2016 tại Trung Quốc; chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế thống nhất các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và đảm bảo dòng chảy về hạ du; có thư đề nghị Trung Quốc tăng cường xả nước từ các công trình thủy điện ở Vân Nam trong mùa khô năm 2016. Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, nhận định về khí tượng thủy văn, nguồn nước. Giao Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, thiết bị để thực hiện tìm kiếm nguồn nước ngọt; hỗ trợ các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau, mỗi địa phương 500 triệu đồng. Xây dựng tiểu Dự án “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL” thuộc Dự án Sinh kế bền vững cho vùng đồng bằng sông Cửu Long với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công” do Tư vấn quốc tế DHI của Đan Mạch thực hiện, kết thúc vào tháng 12/2015 tạo cơ sở khoa học để trao đổi với các quốc gia ven sông về kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính hướng tới sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Công.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế để giải quyết hài hòa các vấn đề về các công trình thủy điện trên dòng chính. Tiếp tục đưa vấn đề phát triển thuỷ điện dòng chính vào các thoả thuận cấp cao với Lào và Campuchia; huy động nguồn lực của quốc gia để tập trung đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp, ít nhất cũng bằng mức trung bình như chúng ta đã và đang làm như vậy khi vận hành các hồ trên lưu vực sông Sê San, Srêpôk để bảo đảm nguồn nước cho Campuchia. Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát các tác động của thuỷ điện dòng chính thông qua mạng giám sát của Uỷ hội sông quốc tế; chủ động đối thoại với các nước bạn về kế hoạch và tình hình triển khai các công trình thuỷ điện dòng chính theo các kênh hợp tác đa phương và song phương; chủ động xây dựng Kế hoạch hành động thích ứng với các tác động; tăng cường hoạt động xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: tăng cường mạng theo dõi giám sát tác động trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu vực; xây dựng các công cụ theo dõi, giám sát và đánh giá tác động… Thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ. Tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, gắn với kịch bản BĐKH và các khuyến nghị của chuyên gia Hà Lan trong Kế hoạch châu thổ ĐBSCL. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các Kịch bản đã được công bố, nhất là những khuyến nghị của Hà Lan trong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.
166. Cử tri tỉnh Trà Vinh kiến nghị: Đề nghị đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Trả lời
Thực hiện Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, định hướng ưu tiên của Chính phủ về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020. Trong đó, tỉnh Trà Vinh có 02 dự án ưu tiên đầu tư mới là: (1) Xây dựng hồ điều hòa chống ngập úng thành phố Trà Vinh; (2) Nạo vét hệ thống kênh trục và xây dựng công trình điều tiết trên kênh, tỉnh Trà Vinh (Theo đề nghị ưu tiên đầu tư của UBND tỉnh tại Văn bản số 2363/UBND-KTTH ngày 18/7/2016 và số 3070/UBND-KTTH ngày 12/9/2016) đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hiện nay, ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ là có hạn, bên cạnh đó nhu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu tại các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác cũng rất lớn. Do đó, đối với dự án “Xây dựng hồ chứa nước ngọt ở xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh”, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, tiếp tục vận động các nhà tài trợ quốc tế đầu tư và sẽ tiến hành bổ sung khi có nguồn vốn mới nếu thấy phù hợp.
167. Cử tri tỉnh Bình Thuận kiến nghị: Cử tri kiến nghị sửa Luật tài nguyên nên phân cấp lại việc cấp phép khai thác tài nguyên thông thường như cát, vật liệu xây dựng cho cấp huyện để thuận tiện cho việc quản lý nhà nước tại địa phương.
Trả lời
Hiện tại trong hệ thống pháp luật của nước ta chưa có Luật chung cho các loại tài nguyên mà chỉ có Luật riêng cho từng loại (Dầu khí, Khoáng sản, Tài nguyên nước v.v..). Tuy nhiên, vấn đề mà cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trả lời như sau:
Tại khoản 2 Điều 82 Luật khoáng sản năm 2010 quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản" mà chưa phân cấp thẩm quyền cấp phép khai thác cát, sỏi cho cấp huyện.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tổ chức rà soát, đánh giá 05 năm thực hiện Luật khoáng sản. Trên cơ sở kết quả đánh giá những bất cập, tồn tại của Luật sau 05 năm thực hiện Luật khoáng sản; các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các địa phương; đánh giá năng lực quản lý của từng cấp, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn công tác quản lý trong thời gian tới.
168. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Cử tri đề nghị cần tăng cường công tác quản lý rừng và biển để bảo vệ nguồn tài nguyên không những trước mắt mà trong lâu dài, giữ vững việc bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước.
Trả lời
a) Về công tác quản lý rừng: Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ thuộc trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tuy nhiên, với trách nhiệm được giao trong quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành trong đó hoàn thiện các quy định về giao đất có rừng để đảm bảo diện tích đất rừng có chủ quản lý, bảo vệ; quy định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý, bảo vệ diện tích đất có rừng. Đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ hơn trong các trường hợp chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng vào các mục đích khác. Theo đó đối với các dự án mà không thuộc trường hợp được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 20 héc ta đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên hoặc Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới dưới 20 héc ta.
Bộ cũng đã trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia trong đó xác định diện tích đất có rừng đến năm 2020 là 16.245,25 nghìn ha, trong đó đất có rừng phòng hộ là 4.618,44 nghìn ha, đất có rừng phòng hộ 2.358,87 nghìn ha, đất có rừng sản xuất 9.267,94 nghìn ha. Trên cơ sở chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu phân bổ để các địa phương bảo vệ và phát triển rừng.
b) Về quản lý tài nguyên biển và hải đảo: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường biển trước mắt mà trong lâu dài, giữ vững việc bảo vệ an ninh quốc phòng của đất nước, trong thời gian vừa qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ giải pháp, cụ thể:
- Về thể chế, chính sách, pháp luật:
+ Ngày 25 tháng 6 năm 2015, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Theo Luật này thì quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo là việc hoạch định và tổ chức thực hiện các chính sách, cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng để bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được khai thác, sử dụng hiệu quả, duy trì chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái nhằm phát triển bền vững, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây được xem là một trong những công cụ quan trọng để quản lý tài nguyên nhằm phát triển bền vững tài nguyên biển và hải đảo. Cụ thể hóa phương thức quản lý này, Luật quy định các cơ chế, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, đó là: chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ; quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo,...Ngoài ra, Luật cũng chú trọng vào công tác bảo vệ môi trường biển, trong quy định về kiểm soát ô nhiễm môi trường từ các nguồn gây ô nhiễm như từ đất liền, từ các hoạt động trên biển, từ tàu thuyền,…; quy định chi tiết công tác phối hợp trong việc thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc ở biển; cấp phép và quản lý hoạt động nhận chìm ở biển.
+ Chính phủ đã ban hành 03 Nghị định[14]; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 06 Thông tư hướng dẫn thi hành[15].
- Về chỉ đạo, tổ chức thực hiện:
+ Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các chiến lược, kế hoạch nhằm thực hiện khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo[16]; ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTG ngày 31 tháng 8 năm 2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, bao gồm cả môi trường biển để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhằm tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tích cực triển khai các biện pháp thực hiện công tác quản lý nhà nước về biển và hải đảo, trong đó: tập trung triển khai công tác điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển để nắm chắc, quản lý chặt chẽ và bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên biển một cách hiệu quả, bền vững; nghiên cứu các phương thức tiếp cận mới trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; xây dựng Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong quá trình xây dựng các quy hoạch này sẽ phải tính đến việc gắn kết các quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm hài hòa trong khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển biền vững nguồn tài nguyên biển; lồng ghép các yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng….
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương triển khai tổng kết Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 để đề xuất xây dựng chiến lược biển cho giai đoạn tới nhằm quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phát huy tiềm năng, lợi thế về biển cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.
169. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Cử tri lo ngại quản lý, khai thác khoáng sản hiện nay còn nhiều hạn chế, như: cấp phép khai thác tràn lan; dựa vào khai thác khoáng sản để tăng trưởng; dùng công nghệ lạc hậu làm tổn hao khoáng sản (đi ngược với Luật khoáng sản năm 2010 về chủ trương khuyến khích đầu tư chế biến sâu khoáng sản trước khi xuất khẩu), hầu hết doanh nghiệp khai khoáng chủ yếu lọc quặng và tinh quặng rồi xuất thô, nên ít tạo ra giá trị gia tăng. Những hạn chế trên nếu chậm được khắc phục sẽ gây lãng phí nguồn khoáng sản, thất thoát nguồn thu ngân sách nhà nước, thiếu hụt khoáng sản phục vụ phát triển trong tương lai,…Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình để có chính sách trước mắt và dài hạn trong quản lý và khai thác tài nguyên có hiệu quả.
Trả lời
Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật khoáng sản, để được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải có đủ các điều kiện: Có dự án đầu tư khai thác khoáng sản ở khu vực đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng phù hợp với quy hoạch khoáng sản; dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp; đối với khoáng sản độc hại còn phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép bằng văn bản; phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ngày 30/3/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động khai thác khoáng sản, xử lý nghiêm các hành vi khai thác khoáng sản gây tổn thất lớn tài nguyên; khai thác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP); trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 để thay thế Nghị định số 142/2013/ NĐ-CP ngày 24/10/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Theo đó, bổ sung quy định xử phạt hành chính đối với hành vi không lập sổ sách, chứng từ để xác định sản lượng khai thác thực tế hoặc khai báo không trung thực; hành vi khai thác khoáng sản vượt quá tổn thất định mức v.v... nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý, khai thá, sử dụng tiết kiệm, hợp lý khoáng sản của các doanh nghiệp. Hiện nay, Bộ đang chỉ đạo soạn thảo Thông tư quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế (dự kiến ban hành trong quý IV năm 2017 để thực hiện).
Hàng năm theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền (năm 2015 thanh tra chuyên đề đá vôi làm nguyên liệu xi măng; năm 2016 thanh tra chuyên đề đá ốp lát) và theo kế hoạch năm 2017 sẽ tiến hành thanh tra đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Ngoài ra Bộ cũng thực hiện các đợt kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản); thanh tra trách nhiệm trong quản lý nhà nước về khoáng sản. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về khoáng sản hàng chục tỷ đồng.
170. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị thống nhất quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản, Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường để xác định rõ quy trình, trình tự đồng bộ trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, khoáng sản.
Trả lời
- Đối với thủ tục về đất đai, thực hiện Luật đất đai năm 2013: Luật đất đai năm 2013 ra đời đã tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, trong đó có công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận). Thực hiện Luật đất đai năm 2013, số lượng thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giảm xuống chỉ còn 41 thủ tục so với 62 thủ tục ở nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai; thời gian thực hiện thủ tục hành chính giảm so với quy định trước đây đối với tất cả các thủ tục; thành phần hồ sơ được đơn giản hóa. Để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ tiếp tục giảm thời gian thủ tục cấp giấy chứng nhận trong Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
- Về thống nhất quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường để xác định rõ quy trình, trình tự đồng bộ trong lĩnh vực môi trường. Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường trong Luật bảo vệ môi trường và các luật có liên quan (Quyết định số 3118/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường); hoàn thành việc rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật bảo vệ môi trường và các Nghị định hướng dẫn thi hành trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương; đã báo cáo Chính phủ cho phép đưa vào Chương trình công tác năm 2017 của Chính phủ về ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường; dự kiến sẽ hoàn thành và trình Chính phủ xem xét, ban hành trong quý IV năm 2017.
- Về thống nhất quy định chi tiết thi hành Luật khoáng sản để xác định rõ quy trình, trình tự đồng bộ trong lĩnh vực khoáng sản, ngày 29/11/2016 Chính phủ ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản.
Để đảm bảo liên thông thủ tục trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng một cửa, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Bộ trưởng quy trình giải quyết thủ tục đồng bộ, liên thông giữa các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ để thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện như ý kiến kiến nghị của cử tri.
171. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét điều chỉnh chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản theo hướng xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe và phòng ngừa vi phạm.
Trả lời
- Về nội dung xem xét điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu, nghiên cứu để tham mưu Chính phủ xây dựng, ban hành Nghị định thay thế Nghị định 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trong thời gian tới.
- Về nội dung điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc ban hành Nghị định 155/2016/NĐ-CP sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường; buộc các cá nhân, tổ chức phải đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trước đây, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đã có tính răn đe cao, tuy nhiên Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện nay còn có tính răn đe cao hơn đối với các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường (như trước đây hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép trên 10 lần với lưu lượng nước thải trên 10.000 m3/ngày.đêm thì mức phạt tiền là tối đa, hiện nay chỉ cần xả nước thải vượt trên 10 lần với lưu lượng lớn hơn 5.000m3/ngày.đêm nhưng dưới mức tội phạm môi trường theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đã bị xử phạt ở mức tối đa). Bên cạnh hình thức phạt tiền, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, tịch thu tang vật vi phạm), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khắc phục lại tình trang ô nhiễm môi trường đã bị ô nhiễm và phục hồi môi trường bị ô nhiễm) và công khai thông tin đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường hoặc tác động xấu đến xã hội,…
Ngoài công cụ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định số 155/2016/NĐ-CP nêu trên, ngày 27/11/2015 Quốc hội đã thông qua Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, trong đó đã định lượng các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường để xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Hiện tại Bộ Luật hình sự đang được Ủy ban Tư pháp Quốc hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đây là một công cụ hữu hiệu để răn đe cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh trách nhiệm để thực hiện các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường.
- Về nội dung điều chỉnh chế tài xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực khoáng sản, Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, đã đề xuất tăng mức xử phạt, bổ sung các hành vi cần xử phạt vi phạm hành chính nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Đối với hành vi tàng trữ, mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp đã được quy định hình thức và mức xử phạt bằng tiền tại Điều 21 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 25/12/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được điều chỉnh, bổ sung tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015).
172. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, tình hình khai thác và xuất khẩu cát bán sang Singapore hiện nay đang diễn ra ngày càng phức tạp trên vùng biển Phú Quốc, tình trạng này nếu kéo dài sẽ gây nguy cơ sạt lở núi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân sống trên đảo.Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng Trung ương sớm giải quyết vấn đề nêu trên.
Trả lời
Vấn đề mà cử tri đề nghị đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng với các Bộ: Quốc phòng, Xây dựng, Giao Thông vận tải, Công an và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang kiểm tra từ ngày 18 đến ngày 20/5/2016. Kết quả kiểm tra của Đoàn đã gửi tới Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải Quân để xem xét và xử lý. Theo đó, để bảo đảm Dự án nạo vét thực hiện đúng khối lượng, tiến độ đã duyệt và tuân thủ quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản yêu cầu Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân:
- Yêu cầu các đơn vị thi công tạm dừng công tác nạo vét; tiến hành đánh giá bổ sung tác động của hoạt động nạo vét tới khu vực sạt lở bờ biển, đề xuất diện tích, khối lượng nạo vét phù hợp; cùng với các đơn vị thi công hoàn thành thủ tục đăng ký khối lượng nạo vét, khối lượng cát nhiễm mặn có thể thu hồi theo quy định của pháp luật về khoáng sản. Công tác thi công Dự án nạo vét chỉ được tiếp tục thực hiện sau khi đã hoàn thành các công việc nêu trên và Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân gửi Báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang.
- Trong quá trình thực hiện Dự án, thường xuyên quan trắc, theo dõi khu vực sạt lở bờ biển để kịp thời có giải pháp xử lý; báo cáo đầy đủ khối lượng cát nhiễm mặn đã thu hồi để thực hiện nghĩa vụ thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định; phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Kiên Giang kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ; yêu cầu các đơn vị thi công thực hiện đúng vị trí, trình tự nạo vét, chuẩn tắc theo thiết kế đã duyệt.
173. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010, thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tuy nhiên, để được giấy phép, các tổ chức, cá nhân phải triển khai các thủ tục như: thăm dò, đánh giá trữ lượng, cấp phép... với tổng thời gian ước tính là 390 ngày. Với thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết nêu trên chỉ phù hợp cho những dự án đầu tư có quy mô, công suất khai thác lớn hoặc kim loại quý. Những trường hợp khai thác nhỏ, lẻ hoặc để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, đặc biệt là xây dựng chương trình nông thôn mới thì với thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết theo quy định sẽ kéo dài, lập nhiều thủ tục và phát sinh chi phí. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, sửa đổi thủ tục hành chính giảm bớt thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn dưới 01 ha.
Trả lời
Theo quy định của Luật khoáng sản, để có cơ sở lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, bao gồm cả vật liệu xây dựng thông thường thì tổ chức, cá nhân phải tiếp hành thăm dò khoáng sản để đánh giá, xác định trữ lượng, chất lượng khoáng sản làm cơ sở lập dự án đầu tư khai thác; đánh giá tác động tới môi trường trước khi làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác. Tuy nhiên, theo quy định của Luật khoáng sản, có một số trường hợp được phép khai thác khoáng sản mà không nhất thiết phải thông qua bước lập thủ tục cấp phép thăm dò khoáng sản, cụ thể là:
- Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó (Khoản 2 Điều 64 Luật khoáng sản). Theo đó, tổ chức, cá nhân không phải làm thủ tục đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản mà chỉ thực hiện thủ tục đăng ký khối lượng, phương pháp khai thác tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình mà phát hiện có khoáng sản (bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác quyết định việc thăm dò, khai thác trước khi dự án phê duyệt; khu vực chưa được điều tra, đánh giá về khoáng sản mà trong quá trình xây dựng công trình phát hiện có khoáng sản thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép quyết định việc khai thác hoặc không khai thác trong phạm vi xây dựng công trình. Trong các trường hợp khi khai thác không bắt buộc phải tiến hành thăm dò khoáng sản (Khoản 1, Khoản 2 Điều 65 Luật khoáng sản).
Về việc đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ. Trong thực tế, đầu tư thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phức tạp so với khoáng sản khác nên Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã đề xuất Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền một số văn bản nhằm đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục khi cấp phép thăm dò, khai thác loại khoáng sản này. Cụ thể:
- Đã ban hành Thông tư số 01/2016/TT-BTNMT ngày 13/01/2016 quy định kỹ thuật về công tác thăm dò cát, sỏi lòng sông và đất, đá làm vật liệu san lấp. Theo đó, đơn giản hóa yêu cầu về mạng lưới công trình thăm dò, phương pháp thăm dò phù hợp với loại khoáng sản này nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu công tác quản lý nhà nước về khoáng sản.
- Đề nghị bỏ yêu cầu xác nhận vốn chủ sở hữu đối với hộ kinh doanh khi thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, khai thác tận thu khoáng sản (Khoản 1 Điều 26, Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản).
Về thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản. Quy định về thời gian giải quyết hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trong Luật khoáng sản cũng như Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ nêu trên là thời gian tối đa mà cơ quan có thẩm quyền được phép giải quyết thủ tục hành chính). Trong thực tế, khi giải quyết hồ sơ, nếu đủ điều kiện theo quy định thì không nhất thiết phải giải quyết đủ trong thời gian nêu trên và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể chủ động quy định thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường ngắn hơn quy định của Luật mà không phải sửa Luật hoặc Nghị định.
174. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý kiên quyết tình trạng khai thác than, vàng trái phép và nạn xuất lậu than qua biên giới.
Trả lời
Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương: tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản; đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản không thực hiện theo cam kết và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết xử lý hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép, nhất là khu vực biên giới; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Trong đó, Chính phủ đã tăng mức xử phạt, bổ sung các hành vi cần xử phạt vi phạm hành chính nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản; ngăn chặn hành vi khai thác khoáng sản trái phép, nhất là đối với cát, sỏi lòng sông, khoáng sản quý, hiếm (vàng, đá quý).
175. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước cân nhắc trong việc khai thác tài nguyên trong lòng đất, tránh làm cạn kiệt nguồn tài nguyên quý báu của đất nước. Đề nghị Nhà nước tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nhà đầu tư khai thác cát, không nên để khai thác bừa bãi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực đất liền tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Trả lời
Tài nguyên khoáng sản là “tài sản công”, thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản lý. Mặt khác, đây là loại tài sản hầu hết không tái tạo, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước nên phải được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước trong quản lý khoáng sản. Để tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ trong quản lý khoáng sản, sau khi Luật khoáng sản năm 2010 được ban hành, Chính phủ đã ban hành 05 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Quyết định, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ có liên quan đã ban hành gần 40 Thông tư, Thông tư liên tịch.
Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khoáng sản (thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ-CP), ban hành Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 (thay thế Nghị định số 142/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản với nhiều quy định chặt chẽ nhằm tăng cường trách nhiệm trong quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm khoáng sản của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang soạn thảo Thông tư quy định quy trình, phương pháp xác định và các mẫu biểu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế nhằm ngăn chặn tình trạng khai báo không đúng sản lượng khai thác thực tế, gây thất thoát ngân sách Nhà nước (dự kiến Thông tư sẽ ban hành trong quý III năm 2017).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác, nạo vét cát lòng sông, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực khoáng sản, nhất là đối với các tổ chức, cá nhân khai thác cát, sỏi lòng sông; hoạt động thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Hà Nội, Quảng Bình... Theo kế hoạch năm 2017 đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra nội dung trên tại các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Vĩnh Long, Long An. Theo đó, kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép, khai thác khoáng sản gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
176. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Hiện nay, Luật khoáng sản quy định "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường". Cử tri đề nghị Chính phủ nên có chủ trương để địa phương được sử dụng nguồn khoáng sản sẵn có như cát, sỏi để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 82 Luật khoáng sản thì thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, không cấm địa phương sử dụng nguồn khoáng sản sẵn có như cát, sỏi để phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, việc sử dụng vào mục đích nêu trên của địa phương phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về khoáng sản, phải có Giấy phép thăm dò/khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và pháp luật khác có liên quan; đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ về thuế và tài chính theo quy định hiện hành.
177. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi ngày càng phức tạp là do chính con người gây ra: các cơ sở, doanh nghiệp, công ty sản xuất xả thải ra môi trường... Tuy nhiên, các cơ quan quản lý không phát hiện mà do các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thì các cơ quan mới vào cuộc, bên cạnh việc xử lý chưa nghiêm nên việc xả thải vẫn tiếp diễn. Cử tri đề nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm minh, nhằm hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường; cũng cần quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm.
Trả lời
1. Về tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm minh, nhằm hạn chế thấp nhất việc xả thải ra môi trường:
Trong thời gian gần đây, các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp, tinh vi, đặc biệt là các vi phạm về xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường. Các doanh nghiệp tìm cách trốn tránh nghĩa vụ đầu tư hệ thống xử lý chất thải, chi phí vận hành xử lý nên che đậy bằng các phương thức tinh vi (xả lén, xả về đêm hoặc trời mưa,…) rất khó kiểm soát; trong khi hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước bị ràng buộc thực hiện trong giờ hành chính, phải thông báo trước cho cơ sở được kiểm tra, trình tự thủ tục phải tuân theo Luật thanh tra, nên các cơ sở có biện pháp đối phó gây khó khăn trong việc bắt quả tang các hành vi nêu trên. Do đó, việc phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường cần có sự phối hợp tham gia của cộng đồng, cơ quan truyền thông. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã khẩn trương, tích cực, xử lý nghiên các hành vi vi phạm cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, dự án sản xuất trên phạm vi cả nước rất lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có thể thanh, kiểm tra luân phiên 02 năm/lần/dự án. Để kiểm soát, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, Luật bảo vệ môi trường đã quy định các nguồn thải lớn (từ 1.000m3/ngày và các KCN tập trung) phải có hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại điểm xả thải và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi xảy ra sự cố ô nhiễm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải vào cuộc để xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp (quy định phải có hệ thống quan trắc tự động, lắp camera theo dõi, có hồ sinh học, điểm xả thải phải dễ kiểm soát,…). Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi quy định pháp luật để hoạt động thanh tra môi trường được chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động; ngoài ra, bổ sung giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền cho cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.
2. Về trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng ô nhiễm:
Đối với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý, đã có các quy định cụ thể tại Luật bảo vệ môi trường năm 2014 (Khoản 16 Điều 7 - Những hành vi bị nghiêm cấm: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vượt quá quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm của người có thẩm quyền để làm trái quy địh về quản lý môi trường; Điều 143 - Trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của Ủy ban nhân dân nhân dân các cấp) và Bộ luật hình sự (Chương XXIII – Các tội phạm về chức vụ). Bên cạnh đó, để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, ngày 31/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó yêu cầu chủ đầu tư, cơ quan quyết định, phê duyệt đầu tư, thẩm định công nghệ sản xuất, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường của dự án. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về các vấn đề môi trường xảy ra trên địa bàn.
178. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri bức xúc trước nhiều dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, dẫn đến hủy hoại môi trường như ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành, các cấp có liên quan quan tâm đến vấn đề này, không để tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục tái diễn.
Trả lời
Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp nước ngoài mặc dù có hệ thống xử lý chất thải, nhưng để tiết kiệm chi phí xử lý đã có hành vi lén lút xả thải ra môi trường. Qua công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm vi pháp luật bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp nước ngoài; đã tiến hành xử phạt nghiêm các doanh nghiệp vi phạm điển hình như: Công ty Vedan Việt Nam, Công ty Tungkuang, Công ty TNHH Miwon, Công ty thuộc da Hào Dương, Công ty giấy Việt Trì, Công ty TNHH Tân Phát Tài, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH Miwon, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa, Công ty TNHH Eclat Fabrics, Công ty TNHH NEW TOYO... Cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đặc biết đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường hoặc không xây lắp các công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường theo quy định, áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động để khắc phục các vi phạm theo quy định của pháp luật. Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp, kịp thời xử lý các vi phạm, đình chỉ hoạt động đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
179. Cử tri tỉnh Bắc Giang kiến nghị: Cử tri phản ánh mặc dù đã có dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông Cầu, nhưng nước sông Cầu hiện nay vẫn bị ô nhiễm, một số đoạn chảy qua địa phận các huyện Việt Yên, Yên Dũng của tỉnh Bắc Giang có tình trạng cá, tôm chết hàng loạt, nước sông có mùi khó chịu...
Trả lời
Dự án Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước lưu vực sông bắt đầu triển khai từ tháng 1 năm 2016 bởi tổ chức JICA (Nhật Bản). Mục tiêu dài hạn của dự án là cải thiện chất lượng môi trường nước lưu vực sông tại Việt Nam thông qua việc tăng cường năng lực quản lý cho các cơ quan Trung ương và địa phương. Trong năm 2016, dự án JICA đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thành công các lớp tập huấn cơ bản cho 03 tỉnh trên lưu vực sông Cầu là Bắc Giang, Bắc Ninh và Thái Nguyên và 01 chương trình tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm quản lý môi trường nước lưu vực sông giữa các tỉnh trên lưu vực sông Cầu và các tỉnh, thành phố trên lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tại lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Ngoài ra, trong các năm qua, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều văn bản nhằm triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu. Hàng năm, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra tình hình triển khai Đề án, tình hình thống kê, quản lý các nguồn thải của các tỉnh trên lưu vực sông Cầu, những khó khăn vướng mắc và kiến nghị của các địa phương được ghi nhận và hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, với các vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra đột xuất, Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu luôn phối hợp với Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường kịp thời thành lập đoàn công tác để giải quyết các vấn đề nóng, vấn đề ô nhiễm môi trường lưu vực sông liên tỉnh. Trong năm 2016, thành lập đoàn công tác đi kiểm tra, khảo sát đoạn giáp ranh 02 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang theo đơn khiếu kiện về cá chết từ người dân tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, đến nay, môi trường nước lưu vực sông Cầu vẫn còn bị ô nhiễm, nước sông có mùi khó chịu, nguyên nhân là do:
- Hoạt động của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu còn nhiều hạn chế. Việc kết nối thông tin và phối hợp công tác chủ yếu giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương còn thiếu sự tham gia của các Bộ, ngành khác;
- Các địa phương chưa thống kê, kiểm soát được đầy đủ các nguồn thải trên địa bàn, vì vậy chưa xác định được nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giám sát, quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn hạn chế, chưa quyết liệt và triệt để;
- Vai trò của cộng đồng trong việc tham gia công tác bảo vệ môi trường tuy đã chuyển biến tích cực như chủ động thu gom rác, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, nhưng chưa được phát huy mạnh mẽ trong công tác giám sát, phản ánh các hành động gây ô nhiễm môi trường.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với dự án JICA cũng như chủ động tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu, cụ thể:
- Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao vai trò của Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu trong công tác chỉ đạo, điều phối các hoạt động bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai Đề án tổng thể lưu vực sông tại các địa phương thuộc lưu vực sông Cầu;
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế tăng cường nguồn lực tài chính để triển khai Đề án;
- Hướng dẫn các tỉnh thực hiện hoạt động kiểm kê, xác định các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường, thống nhất các chỉ số môi trường cần thống kê, theo dõi và báo cáo;
- Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin môi trường cho lưu vực sông Cầu; chủ trì rà soát, tăng cường hệ thống quan trắc, nhất là hệ thống quan trắc tự động và giám sát môi trường trên toàn lưu vực, ban hành định mức kỹ thuật quan trắc môi trường đối với nước thải sinh hoạt và sản xuất;
- Phối hợp dự án JICA triển khai thực hiện các dự án thí điểm, xây dựng và ban hành được các văn bản về quản lý môi trường nước lưu vực sông.
180. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Thời gian qua vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Formosa đã gây bức xúc cho nhân dân cả nước vì những thiệt hại lớn về môi trường, tài sản và sức khỏe, tính mạng của nhân dân do việc ô nhiễm môi trường gây ra. Cử tri đồng tình với chính sách thu hút đầu tư của nước ta để phát triển kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường để lại hậu quả nặng nề cho nhân dân và đất nước, cử tri đề nghị Chính phủ cần xử lý triệt để, nghiêm khắc để răn đe; đồng thời có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bồi thường thiệt hại cho nhân dân để nhân dân yên tâm tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống (Cử tri tỉnh Bình Phước).
Trả lời
1. Về xử lý triệt để, nghiêm khắc để răn đe đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS):
Sau quá trình nghiên cứu, đấu tranh, nỗ lực chung của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, ngày 28/6/2016, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Công ty Formosa) đã thừa nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường, làm hải sản chết hàng loạt tại 04 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế. Công ty Formosa cũng đã cam kết thực hiện việc bồi thường thiệt hại về kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; bồi thường xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam với tổng số tiền tương đương trên 11.500 tỷ đồng (500 triệu đô la Mỹ). Bên cạnh đó, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 40/QĐ-XPVPHC ngày 14/10/2016 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty với tổng mức tiền phạt là 4.485.000.000 đồng.
Để kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của FHS, Bộ đã thành lập Hội đồng liên ngành gồm các nhà khoa học của các Viện có uy tín trong cả nước để cùng nhau xem xét và đánh giá kế hoạch để yêu cầu FHS phải có các biện pháp khắc phục và lộ trình xử lý cụ thể. Trong quá trình Công ty Formosa khắc phục, thực hiện Kế hoạch này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng giám sát việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại một số tỉnh miền Trung và cam kết thực hiện của FHS và thành lập Tổ giám sát Công ty trong việc thực hiện cam kết khắc phục sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung. Tổ giám sát có trách nhiệm thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện của FHS trong thời gian 03 năm kể từ ngày 22/7/2016. Đồng thời, ngày 26/7/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đưa 02 Trạm kiểm định môi trường di động lắp đặt tại Trạm xử lý nước thải công nghiệp của FHS để giám sát nước thải của Công ty trước khi thải ra biển 24/24 giờ trong thời gian là 03 năm. Tổ có trách nhiệm giám sát liên tục về chất lượng nước thải, khí thải cũng như giám sát và quản lý lượng chất thải rắn và chất thải nguy hại của Công ty Formosa thải ra, định kỳ báo cáo kết quả với Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để xem xét, xử lý nếu phát hiện vi phạm.
Bộ đã yêu cầu Công ty Formosa phải xây dựng và thực hiện Kế hoạch khắc phục các tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường, bao gồm: (i) Cải tạo các công trình xử lý nước thải hiện hữu; xây lắp bổ sung Trạm xử lý nước thải tuần hoàn dập cốc; xây dựng hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học nuôi cá với diện tích 10ha để nâng cao khả năng kiểm soát, đảm bảo hiệu quả xử lý ngay cả khi các Trạm xử lý nước thải gặp sự cố; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục với 13 thông số, có camera theo dõi và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để theo dõi, giám sát và công khai với người dân; (ii) Lắp đặt các công trình, thiết bị xử lý khí thải các ống khói và quan trắc tự động, liên tục khí thải với 08 thông số, có camera theo dõi và truyền dữ liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh; (iii) Kiểm soát chất thải rắn, chất thải nguy hại phát sinh và quản lý theo quy định; về lâu dài phải xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn riêng phục vụ dự án; (iv) phối hợp với các hãng sản xuất trên thế giới lựa chọn công nghệ tiên tiến để thực hiện chuyển đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30/6/2019. Hiện tại, Công ty Formosa đang tích cực phối hợp với các chuyên gia, nhà thầu trong nước và quốc tế để triển khai các hạng mục cải thiện này.
2. Đối với kiến nghị có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm:
- Xác định phạm vi ô nhiễm và khôi phục môi trường biển: Với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải lớn tại khu vực tỉnh Hà Tĩnh và do cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đã giảm theo thời gian. Chất lượng môi trường nước biển tại tất cả các khu vực được quan trắc đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10-MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi hải sản ở khu vực sau những tác động của sự cố môi trường bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô, nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Ngày 25/01/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 380/BTNMT-TCMT gửi Ủy ban nhân dân 04 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế về hiện trạng môi trường biển miền Trung, trong đó đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ kết quả quan trắc, thông tin kịp thời cho cộng đồng.
- Bồi thường thiệt hại cho nhân dân để nhân dân yên tâm, tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống:
Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 và Quyết định số 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 để hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, đã xuất cấp không thu tiền cho 4 tỉnh là 15.027,762 tấn gạo để hỗ trợ ngay các gia đình bị ảnh hưởng; cấp kinh phí hỗ trợ ngư dân là 59 tỷ đồng để ổn định đời sống, chuyển đổi nghề,... Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 về việc định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 điều chỉnh, bổ sung đối tượng, định mức bồi thường thiệt hại đã quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các đối tượng nêu trên được sử dụng từ nguồn kinh phí do FHS bồi thường.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn các đối tượng được hỗ trợ thực hiện kê khai, tổ chức thẩm tra, tổng hợp, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Đến nay, Chính phủ đã chuyển tiền tạm ứng 2 đợt cho các địa phương để thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân: đợt 1 với số tiền là 3.000 tỷ vào tháng 10 năm 2016 (Quảng Bình: 1.100 tỉ đồng, Hà Tĩnh: 1.000 tỉ đồng, Quảng Trị: 500 tỉ đồng và Thừa Thiên Huế: 400 tỉ đồng); đợt 2 vào tháng 01 năm 2017 với số tiền là 1.680 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 560 tỉ đồng, Quảng Bình: 760 tỉ đồng, Quảng Trị: 160 tỉ đồng và Thừa Thiên Huế: 200 tỉ đồng). Tính đến ngày 14/02/2017, 04 tỉnh đã giải ngân được 3.330,3 tỷ đồng trong tổng số 4.680 tỷ đồng được tạm cấp, đạt 71,2%.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017; đang chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tích cực triển khai thực hiện.
181. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: Vừa qua, nhiều địa phương lúng túng trong đầu tư xử lý rác do chưa có hướng dẫn cụ thể về lựa chọn công nghệ xử lý rác thải nên mỗi địa phương tự kêu gọi, lựa chọn, gây tốn kém. Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu Chính phủ ban hành quy định hướng dẫn lựa chọn thống nhất công nghệ xử lý rác thải của Việt Nam để các địa phương thực hiện.
Trả lời
Để xử lý vấn đề chất thải rắn sinh hoạt, trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu. Nghị định đã quy định cụ thể về quản lý chất thải, tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng từ chất thải rắn đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường. Tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP đã nêu rõ tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Căn cứ quy định nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc chủ đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với điều kiện của địa phương mình. Bên cạnh đó, năm 2014, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã xây dựng dự thảo về tiêu chí cụ thể đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn đang áp dụng và đề xuất giải pháp công nghệ phù hợp với điều kiện Việt Nam. Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (QCVN 61-MT:2016/BTNMT).
Điểm i Khoản 6 Điều 2 Nghị định số 20/2013/NĐ-CP ngày 26/02/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định trách nhiệm trong hướng dẫn việc đánh giá, thẩm định công nghệ. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 3 Điều 27 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam. Ngoài ra, tại Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 25/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư xử lý chất thải rắn giai đoạn 2011 - 2020 trong đó giao Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá, tổ chức nghiên cứu, đề xuất công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiệu quả để triển khai áp dụng. Như vậy, với quy định nêu trên, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan được giao chủ trì hướng dẫn việc đánh giá, thẩm định công nghệ nói chung, thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và áp dụng lần đầu ở Việt Nam và đề xuất công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, hiệu quả để triển khai áp dụng nói riêng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về quản lý chất thải, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, ban hành quy định hướng dẫn lựa chọn công nghệ xử lý rác thải phù hợp với điều kiện của Việt Nam để các địa phương thực hiện.
182. Cử tri thành phố Cần Thơ kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công khai kết quả thanh tra, kiểm tra Dự án Giấy Lee&Man Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang; kết quả xử lý và công khai trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm của Formosa để cử tri giám sát, tránh lập lại vụ việc tương tự.
Trả lời
1. Về công khai kết quả thanh tra, kiểm tra Dự án Giấy Lee&Man Việt Nam tại tỉnh Hậu Giang:
Ngay sau khi có thông tin báo chí nêu về 02 dự án sản xuất giấy và bột giấy tại tỉnh Hậu Giang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Hậu Giang và các chuyên gia khoa học thuộc lĩnh vực có liên quan tiến hành thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 02 dự án của Công ty TNHH Giấy Lee&Man Việt Nam (chủ dự án sản xuất giấy) và Công ty TNHH Nhà máy bột giấy Lee&Man Việt Nam (chủ dự án bột giấy). Kết quả, Bộ đã yêu cầu Công ty Giấy Lee&Man phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường cho Dự án trình Bộ thẩm định, phê duyệt theo quy định; điều chỉnh nội dung Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo hướng giảm lưu lượng xả thải; xây lắp bổ sung các công trình bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hạng mục công trình cải thiện, bổ sung của Trạm xử lý nước thải hiện hữu; lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục có camera theo dõi, giám sát và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, hệ thống thiết bị này phải được kiểm định, hiệu chuẩn theo quy định của pháp luật; hiện Bộ đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang thành lập Tổ giám sát quá trình vận hành thử nghiệm đối với Công ty, Tổ có Nhóm kỹ thuật thường trực do Ủy ban nhan dân tỉnh Hậu Giang thành lập sẽ thực hiện giám sát hàng ngày quá trình vận hành thử nghiệm này (dự kiến trong thời gian 06 tháng). Đối với Công ty Bột giấy Lee&Man phải tạm dừng triển khai Dự án bột Giấy do đã quá 24 tháng nhưng dự án chưa triển khai thực hiện; Dự án chỉ được triển khai xây dựng sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch và Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; đồng thời Dự án này phải có Trạm xử lý nước thải riêng, công nghệ sản xuất và công nghệ xử lý chất thải của Dự án bột Giấy là công nghệ mới và tiên tiến, đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về môi trường Việt Nam và tiêu chuẩn các nước phát triển.
Ngày 25/10/2016, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kết luận thanh tra đối với 02 đơn vị này. Việc công khai Kết luận thanh tra đã được thực hiện bằng 03 hình thức theo đúng quy định tại Điều 39 Luật thanh tra.
2. Về công khai kết quả xử lý và công khai trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sai phạm của Fomosa:
Với vai trò là cơ quan giúp Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rà soát, kiểm điểm nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân và đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời yêu cầu Đảng ủy Bộ chỉ đạo kiểm tra, xử lý kỷ luật đảng và Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm điểm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các cơ quan có liên quan để kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra, thực hiện quy định của Đảng và Nhà nước thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính đối với đảng viên, công chức, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đã thi hành kỷ luật đảng bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Tổng cục Môi trường nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thi hành kỷ luật hành chính bằng hình thức giáng chức, bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc đối với một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường. Đảng ủy và Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường theo thẩm quyền đã thi hành kỷ luật 02 Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng thuộc Tổng cục Môi trường bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo, đồng thời được bố trí, điều động sang đơn vị khác làm việc.
Sau sự cố môi trường do Công ty Formosa gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm, chấn chỉnh và thực hiện nhiều biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế khuyết điểm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
183. Cử tri các tỉnh Đồng Tháp, Ninh Thuận kiến nghị: Cử tri bức xúc trước tình trạng ô nhiễm môi trường do sinh hoạt, nguồn nước, rác thải, khí thải, do hoạt động vi phạm của các nhà máy, khu công nghiệp và chăn nuôi gia súc, nuôi trồng thủy sản gây ra ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, biện pháp xử lý hành chính, phạt tiền chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi này gây ra. Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xử lý nghiêm nâng mức chế tài và cần thiết có thể áp dụng chế tài hình sự đối với những vi phạm nêu trên.
Trả lời
Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường không ngừng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Trung ương và địa phương để đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trên phạm vi cả nước. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ lớn, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường trên diện rộng; trên cơ sở kết quả rà soát đã thành lập các Tổ công tác liên ngành, chương trình kiểm tra định kỳ, chế độ giám sát đặc biệt như quan trắc online tự động liên tục và kết nối số liệu trực tuyến với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở Trung ương cũng như địa phương, xây dựng hồ sinh học để kiểm chứng chất lượng nước thải sau xử lý khi thải ra ngoài môi trường đảm bảo chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố, thảm họa môi trường từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Hiện nay, cùng với việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung hoàn thiện các thể chế, chính sách có liên quan; đặc biệt đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghị định này sẽ có tác động mạnh mẽ đến ý thức và nhận thức của cá nhân, tổ chức trong công tác bảo vệ môi trường; buộc các cá nhân, tổ chức phải đầu tư kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam. Hiện nay, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong các lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính ở Việt Nam (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Trước đây, Nghị định số 179/2013/NĐ-CP đã có tính răn đe cao, tuy nhiên Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ hiện nay còn có tính răn đe cao hơn đối với các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường (như trước đây hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép trên 10 lần với lưu lượng nước thải trên 10.000 m3/ngày.đêm thì mức phạt tiền là tối đa, hiện nay chỉ cần xả nước thải vượt trên 10 lần với lưu lượng lớn hơn 5.000 m3/ngày.đêm nhưng dưới mức tội phạm môi trường theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đã bị xử phạt ở mức tối đa). Bên cạnh hình thức phạt tiền, Nghị định còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, tịch thu tang vật vi phạm), biện pháp khắc phục hậu quả (buộc khắc phục lại tình trang ô nhiễm môi trường đã bị ô nhiễm và phục hồi môi trường bị ô nhiễm) và công khai thông tin đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường hoặc tác động xấu đến xã hội,…
Ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ nêu trên, ngày 27/11/2015 Quốc hội đã thông qua Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, trong đó đã định lượng các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường để xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm. Hiện tại Bộ Luật hình sự đang được Ủy ban Tư pháp Quốc hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan để sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Đây là một công cụ hữu hiệu để răn đe cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh trách nhiệm để thực hiện các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường.
184. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Cử tri trong tỉnh tiếp tục đề nghị nhà nước chỉ đạo Bộ, ngành có biện pháp nhằm giảm tình trạng ô nhiễm nước, sông Đáy, sông Nhuệ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Trả lời
Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều cố gắng, nỗ lực như: thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông (sau đây gọi tắt là Ủy ban BVMT LVS) Nhuệ - sông Đáy; phê duyệt và triển khai Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trên lưu vực sông đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường nước của lưu vực sông. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai nội dung của các Đề án Bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đã được phê duyệt.
Hiện nay, xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ - Đáy đã và đang được phối hợp và tích cực triển khai đồng bộ ở cấp trung ương và địa phương, đặc biệt thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý ô nhiễm môi trường nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ - sông Đáy vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng môi trường nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ - sông Đáy vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt đáng báo động đối với các đoạn sông chảy qua các đô thị. Nguyên nhân là do nguồn thải từ các làng nghề, cơ sở sản xuất dịch vụ; nước thải sinh hoạt từ các đô thị chưa có biện pháp đầu tư xử lý ô nhiễm, vẫn tiếp tục đổ ra sông. Việc huy động nguồn lực để xử lý vào khu vực này là rất khó khăn do nguồn vốn lớn và chưa rõ trong cơ chế hoạt động của Ủy ban bảo vệ môi trường lưu vực sông cũng như chưa rõ trong trách nhiệm huy động nguồn lực của các địa phương.
Về giải pháp, trước tiên cần làm rõ cơ chế phân công triển khai giữa các địa phương trong lưu vực. Đối với sông Nhuệ - sông Đáy, 90% nước thải ra lưu vực là từ Hà Nội, 10% còn lại xuất phát từ Hòa Bình, Hà Nam và một số địa phương khác. Như vậy, Hà Nội phải là địa phương chịu trách nhiệm chính về vấn đề môi trường của sông Nhuệ - sông Đáy.
Thứ hai, về công nghệ và huy động nguồn lực. Bên cạnh các mô hình xử lý nước thải tập trung, cần tính toán tới giải pháp xây dựng các mô hình xử lý nước thải phân tán, công nghệ phân tán, thu gom nước thải dọc theo bờ sông. Đồng thời, phải có giải pháp bổ sung nguồn nước, khơi thông dòng chảy, bảo vệ môi trường các vùng thủy sinh, kè bờ sông v.v. Để huy động được nguồn lực, bên cạnh việc tăng cường nguồn vốn ODA, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần xem xét lựa chọn mô hình phù hợp để khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư như mô hình hợp tác công tư để giải quyết vấn đề thu gom, xử lý nước thải (tuy nhiên cần lưu ý tới việc thường sẽ có những áp đặt nhất định về công nghệ nếu sử dụng nguồn vốn ODA). Rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong triển khai thực hiện dự án đầu tư theo mô hình hợp tác công tư. Dần dần tiếp cận nguyên tắc người gây ô nhiễm thì phải trả tiền, theo đó tất cả các làng nghề phải xử lý tập trung từ rác thải, nước thải và phải chi trả chi phí xử lý. Đối với nước thải sinh hoạt, Nhà nước phải đảm bảo kinh phí để có thể vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, đối với mỗi dòng sông, nếu có đầy đủ các điều kiện về vốn, công nghệ, cách thức thu gom, xử lý cho đến các mô hình quản trị, các mô hình 3 bên thì trong vòng 5 năm có thể khắc phục được tình trạng ô nhiễm. Hiện nay Hà Nội đang tổ chức thực hiện theo hình thức này và Bộ đang theo rất sát để sớm tổng kết, nhân rộng mô hình.
185. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công, phân cấp rõ quản lý môi trường nhất là ô nhiễm tại các KCN; hỗ trợ, trang bị giúp Hà Tĩnh các hệ thống quan trắc môi trường cảnh báo, dự báo đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm tại thượng nguồn các hồ chứa nước lớn và các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất.
Trả lời
1. Đối với kiến nghị phân công, phân cấp rõ quản lý môi trường nhất là ô nhiễm tại các KCN:
Theo quy định tại Điều 66 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 “Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tổ chức kiểm tra hoạt động về bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường các KCN đối với Ban quản lý các KCN. Do đó, hiện nay, đối với công tác bảo vệ môi trường KCN tại địa phương có 02 cơ quan quản lý thực hiện là cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương (Cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường) và Ban quản lý các KCN.
2. Đối với kiến nghị hỗ trợ, trang bị giúp Hà Tĩnh các hệ thống quan trắc môi trường cảnh báo, dự báo đặc biệt là hệ thống cảnh báo sớm tại thượng nguồn các hồ chứa nước lớn và các vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất:
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 04 tỉnh miền Trung” tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017. Nội dung chính của Dự án gồm 01 hợp phần đầu tư tại Trung ương và 04 hợp phần đầu tư tại 04 tỉnh miền Trung, trong đó có 01 hợp phần đầu tư tại tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 25/01/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ chủ trương đầu tư Dự án. Nhằm hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án theo ý kiến thẩm định của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã gửi lấy ý kiến của Uỷ ban nhân dân 04 tỉnh (trong đó có tỉnh Hà Tĩnh) để đóng góp cho nội dung của Báo cáo. Sau khi nhận được ý kiến của các tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt dự án và triển khai trên thực tế. Kết quả của dự án theo nội dung đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hỗ trợ, trang bị cho tỉnh Hà Tĩnh: (1) Thiết bị quan trắc hiện trường và phân tích trong phòng thí nghiệm; (2) Phương tiện chuyên dụng phục vụ quan trắc môi trường; (3) trạm tổng hợp quan trắc môi trường nước biển 04 tỉnh miền Trung (xây dựng trên mặt bằng 6000 m2 liền kề khuôn viên Công ty Formosa và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh cấp đất); đồng thời hỗ trợ tỉnh trong thực hiện chương trình quan trắc định kỳ môi trường biển 04 tỉnh miền Trung.
186. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri đề nghị các Bộ, ngành chức năng có giải pháp ngăn chặn và xử lý ô nhiễm môi trường sông Kẻ Sặt là ranh giới giữa 2 tỉnh Hải Dương, Hưng Yên do một số khu công nghiệp của 02 tỉnh đổ nước thải ra gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu, hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 35/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 về bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, trong đó đã quy định các yêu cầu đối với các khu công nghiệp thực hiện các biện pháp kiểm soát ô nhiễm phát sinh từ các khu công nghiệp gồm có: yêu cầu hoàn thành các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN, lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải tự động, liên tục... Bên cạnh đó, năm 2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 về bảo vệ môi trường đối với CCN, khu kinh doanh dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trong đó đã quy định về quan trắc, giám sát môi trường đối với tất cả các cơ sở (bao gồm các cơ sở nằm trong KCN).
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Hải Dương và Hưng Yên để tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm tại các KCN trên địa bàn 2 tỉnh.
187. Cử tri tỉnh Kiên Giang kiến nghị: Cử tri tỉnh Kiên Giang tiếp tục phản ánh tình hình nước biển dâng gây sạt lở bờ biển khu vực các xã bãi ngang ven biển các huyện: An Biên, An Minh diễn ra ngày càng phức tạp, lún sâu vào đất liền và một số khu vực rừng phòng hộ làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cử tri đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo có biện pháp khắc phục để tạo điều kiện cho người dân an tâm và ổn định cuộc sống.
Trả lời
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mực nước biển dâng cũng như những tác động khác của biến đổi khí hậu. Hiện tượng nước biển dâng gây sạt lở bờ biển diễn ra tại nhiều địa phương trong đó có tỉnh Kiên Giang. Trước thực trạng đó, Chính phủ đã coi việc thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục, hạn chế tình trạng nước biển dâng gây sạt lở bờ biển là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Chính phủ đã có những hành động cụ thể như: ban hành Nghị quyết số 73NQ-CP ngày 26/8/2016 về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình, mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành 42 dự án trồng rừng ngập mặn ven biển; xây dựng, nâng cấp 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của trên 03 triệu người dân ở khu vực ven sông, ven biển; xây dựng 01 hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, 01 hệ thống giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2044/QĐ-TTg ngày 27/10/2016 về việc phê duyệt khung chính sách năm 2016 (bổ sung khung chính sách năm 2017 và văn kiện hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài ra, để đảm bảo việc quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ, trong đó có việc giảm thiểu hiện tượng sạt lở bờ biển, các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản như Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và các văn bản hướng dẫn thi hành, các hướng dẫn kỹ thuật đã quy định nhiều biện pháp tổng thể như:
- Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển
Hành lang bảo vệ bờ biển là dải đất ven biển được thiết lập ở những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển (Khoản 1 Điều 23).
Hiện nay, Luật tài nguyên và môi trường biển, hải đảo quy định việc tổ chức thiết lập, công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển được giao cho Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển thực hiện đối với phạm vi do địa phương quản lý (Khoản 4 Điều 23), đồng thời Luật cũng quy định trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý (Khoản 2 Điều 79).
Để đảm bảo thực hiện công tác này, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đầy đủ các văn bản làm cơ sở pháp lý và hướng dẫn kỹ thuật, cụ thể:
+ Tại khoản 2 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định cụ thể các nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Tại Điều 31, 32, 33, 34, 35 Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; lập và phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
+ Ngày 12/10/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
+ Ngày 28/10/2016, Bộ đã ban hành Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT công bố Danh mục các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và ban hành Hướng dẫn kỹ thuật xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm.
Căn cứ các điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam và hướng dẫn tại Quyết định số 2495/QĐ-BTNMT, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển xác định và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trong phạm vi địa phương làm cơ sở để xác định, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.
Như vậy, căn cứ các quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn Luật, hướng dẫn kỹ thuật đã được ban hành, các địa phương ven biển nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng cần sớm triển khai thực hiện theo quy định để giảm thiểu hiện tượng nước biển dâng gây sạt lở bờ biển.
- Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực xây dựng Đề án Quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển Việt Nam; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trong quá trình xây dựng các quy hoạch này sẽ phải tính đến việc lồng ghép các yêu cầu phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng… Việc các cơ quan có thẩm quyền ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch này sẽ góp phần giảm thiểu hiện tượng nước biển dâng gây sạt lở bờ biển đang diễn ra tại các địa phương ven biển.
- Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ
Việc lập Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ được thực hiện cho các khu vực vùng bờ trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trong đó có khu vực “Có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái và dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, nước biển dâng” (Điểm c khoản 2 Điều 34).
Điều 36 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quy định “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển tổ chức lập, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi quản lý, lấy ý kiến bằng văn bản Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt”. Do đó, để giảm thiểu hiện tượng nước biển dâng gây sạt lở, địa phương cần xem xét, xác định các khu vực cần thiết để lập Chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ theo quy định.
Do vậy, để khắc phục tình hình nước biển dâng gây sạt lở bờ biển khu vực các xã bãi ngang ven biển như phản ánh của cử tri tỉnh Kiên Giang, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang sớm triển khai thực hiện các quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, thực hiện các chương trình, kế hoạch trên nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ biển để tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người dân ở các khu vực bãi ngang ven biển an tâm và ổn định cuộc sống.
188. Cử tri tỉnh Ninh Bình kiến nghị: Hiện nay, một số Khu công nghiệp, các nhà máy, cơ sở sản xuất xả nước thải và khói bụi chưa qua xử lý ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Cử tri đề nghị Chính phủ cần phải xem xét kỹ lưỡng khâu quy hoạch các dự án, không xây dựng các nhà máy sản xuất sắt thép, phân bón, xi măng, khu công nghiệp, làng nghề gần khu dân cư. Đồng thời, các cơ quan chức năng có giải pháp quyết liệt tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường.
Trả lời
1. Về quy hoạch các dự án, không xây dựng các nhà máy sản xuất sắt thép, phân bón, xi măng, khu công nghiệp, làng nghề: Theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường 2014, Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường thì đối với các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu thương mại, làng nghề, dự án xây dựng cơ sở sản xuất sắt thép, xi măng, dự án xây dựng kho chứa thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều thuộc đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường. Khoản 2 Điều 19 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định các dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường trong giai đoạn chuẩn bị dự án và phải được các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai xây dựng dự án; Khoản 2 Điều 27 Luật bảo vệ môi trường năm 2014 quy định chủ dự án “Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường”. Tùy thuộc vào quy mô của dự án, các cơ quan trung ương hoặc địa phương sẽ tiến hành thẩm định đảm bảo dự án tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường khi triển khai xây dựng, trong đó sẽ có các quy định về vị trí xây dựng phải đảm bảo cách xa khu dân cư theo quy định pháp luật; đồng thời tổ chức kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với dự án trước khi đi vào vận hành chính thức.
Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn (có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày và các KCN tập trung; các cơ sở có lưu lượng xả khí thải lớn thuộc các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm như: sản xuất sắt thép, phân bón, xi măng,...), đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải có hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải tại điểm xả thải và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trường hợp không thực hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Về giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường: Trong thời gian từ năm 2011-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT trên phạm vi cả nước; đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 3.440 cơ sở, KCN và CCN (cơ sở), phát hiện 2.087 tổ chức vi phạm (chiếm 60%), với tổng tiền phạt trên 280 tỷ đồng, buộc truy thu phí BVMT đối với nước thải trên 127 tỷ đồng, bồi trường thiệt hại cho người dân gần 220 tỷ đồng, đồng thời buộc các tổ chức vi phạm phải đầu tư các công trình xử lý chất thải đạt QCVN với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2016, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 952 cơ sở (trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đối với 815 cơ sở tại 32 tỉnh/thành phố; thanh tra diện rộng đối với 137 cơ sở có nước thải trên 500 m3/ngày tại 22 tỉnh/thành phố và thanh tra đột xuất đối với 11 cơ sở). Kết quả thanh tra, kiểm tra nhận thấy có 203/952 cơ sở (chiếm 21,6%) không vi phạm, còn lại hầu hế các cơ sở đều có các vi phạm về thủ tục hành chính và quản lý chất thải với mức phạt tiền trên 140 tỷ đồng, buộc bồi thường thiệt hại cho người dân số tiền trên 1,4 tỷ đồng và 500 triệu USD. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là tại các địa phương; vi phạm diễn ra khá phổ biến, tinh vi, một số địa phương xử lý chưa nghiêm; nguồn nhân lực làm công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu và yếu về nghiệp vụ; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm chưa được đầu tư nên khó khăn trong việc phát hiện vi phạm.
Để khắc phục tồn tại nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu gồm: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo cho hoạt động này chủ động, linh hoạt, đúng pháp luật, không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp; (ii) Tăng cường nhân lực, năng lực, cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm về môi trường theo quy định của Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ; (iii) Kiện toàn tổ chức và xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương, trước mắt kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012, trong đó bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành môi trường cho Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn (có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày và các KCN tập trung; các cơ sở có lưu lượng xả khí thải lớn thuộc các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm như: sản xuất sắt thép, phân bón, xi măng,...), đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải có hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải tại điểm xả thải và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trường hợp không thực hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
189. Cử tri tỉnh Ninh Thuận kiến nghị: Hiện nay, việc sử dụng túi ni lông chưa được quản lý tốt nên đang gây ô nhiễm cho môi trường. Cử tri kiến nghị các Bộ, ngành chức năng quan tâm, sớm có giải pháp hữu hiệu để hạn chế việc sử dụng túi ni lông; đồng thời có kế hoạch cụ thể về việc sản xuất túi đựng bằng vật liệu thay thế khác để bảo vệ môi trường.
Trả lời
Để thống nhất xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, ngày 11/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 582/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020, trong đó xác định các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về kinh tế, xã hội cũng như xử lý ô nhiễm môi trường. Đến nay, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt… Cụ thể:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện quy định công nhận các loại túi ni lông thân thiện với môi trường; tổ chức phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp trong việc tăng cường sản xuất và sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, lưu trú thay thế cho các loại túi ni lông khó phân hủy; xây dựng và công bố các tiêu chuẩn đánh giá mức độ thân thiện với môi trường của túi ni lông… Tính đến tháng 3 năm 2017, cả nước đã có 34 sản phẩm túi ni lông của 30 doanh nghiệp được công nhận thân thiện với môi trường được lưu thông và sử dụng trong sinh hoạt tại các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ. Khoảng 70% - 80% số siêu thị và trung tâm thương mại đã sử dụng các loại túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho các loại túi ni lông khó phân hủy.
- Bộ Tài chính đã và đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường, trong đó quy định nâng mức thuế đối với túi ni lông khó phân hủy, không phải là túi thân thiện với môi trường; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện với môi trường như hỗ trợ về đất đai, miễn giảm thuế,…
- Bộ Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn các phòng thử nghiệm trong nước nâng cao hiệu quả đầu tư thiết bị thử nghiệm sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng cơ hội thử nghiệm sản phẩm thân thiện với môi trường trong nước.
Để từng bước hạn chế sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy, tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường ở các chợ dân sinh và các hoạt động đô thị khác, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường trong nước, bao gồm:
- Hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường, xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học.
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
190. Cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị: Theo quy định của Luật bảo vệ môi trường tại Điều 101 (Hệ thống xử lý nước thải), Khoản 2 Điểm d (Hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu sau:… Cửa xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát). Tuy nhiên, hiện Nghị định, Thông tư hướng dẫn, các quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường có liên quan thì chưa có điều khoản nào quy định cụ thể cho phép hay không cho phép việc các doanh nghiệp lắp đặt hệ thống xả thải ngầm hoặc không ngầm, nên các doanh nghiệp lợi dụng vấn đề này để lắp đặt hệ thống xả thải ngầm ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường, tác hại đến sức khỏe nhân dân và khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng. Đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, rà soát lại quy định trên để tham mưu cho Chính phủ ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm xử lý có hiệu quả vấn đề xả thải ra môi trường.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu thì các KCN, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trước khi thải ra môi trường, không phân biệt hệ thống xử lý nước thải và nổi hay ngầm. Đồng thời, hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp dù thải nổi hay ngầm đều được giám sát chặt chẽ, cụ thể theo Điều 37 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, hoạt động xả nước thải của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu công nghiệp phải được quan trắc định kỳ theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận hoặc các hồ sơ, giấy tờ tương đương theo quy định của pháp luật. Các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm ngoài khu công nghiệp có quy mô xả nước thải từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương. Như vậy, việc thu gom, xử lý nước thải tại các cơ sở, KCN đều phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn về môi trường; được cơ quan quản lý nhà nước về môi giám sát thường xuyên thông qua theo dõi quan trắc tự động của doanh nghiệp cũng như hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về xả thải.
Trong trường hợp cần thiết, căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 101 Luật bảo vệ môi trường năm 2014, trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án (hoặc kiểm tra các đề án bảo vệ môi trường hoặc trong quá trình kiểm tra, thanh tra), cơ quan quản lý môi trường có quyền xem xét, yêu cầu chủ dự án (hoặc chủ cơ sở) xây dựng, lắp đặt hệ thống xả thải nổi (hoặc nửa nổi) đảm bảo vừa phù hợp thực tế vừa thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát.
191. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn, ô nhiễm nguồn nước, không khí trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề đang rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Cử tri đề nghị có giải pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng trên; đặc biệt là bảo vệ nguồn nước ngầm và cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân.
Trả lời
1. Đối với ô nhiễm môi trường nông thôn, làng nghề:
Môi trường nông thôn đang bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, các loại vỏ bao thuốc thuốc bảo vệ thực vật, nước thải, chất thải trong nông nghiệp và chăn nuôi, các nghĩa trang, nhà tiêu không hợp vệ sinh, chất thải y tế khu vực nông thôn, hoạt động của các làng nghề, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, nguồn nước không hợp vệ sinh. Để từng bước khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ thực hiện một số biện pháp cụ thể như sau:
- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nông thôn, trong đó tập trung vào việc quy định tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên cơ sở lượng hóa các nội dung đánh giá và công nhận đạt chuẩn; xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật để các địa phương áp dụng;
- Trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, bên cạnh việc tập trung tái cấu trúc nông nghiệp, tăng năng suất, phải chú trọng công tác bảo vệ môi trường nông thôn;
- Quy hoạch khu vực sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khu vực nông thôn; chú ý đầu tư thu gom, xử lý nước thải; ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến cấp nước sạch, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đầu tư nghiên cứu, xây dựng và phát triển các mô hình quản lý, xử lý chất thải phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn, trong đó cần bố trí diện tích phù hợp để chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh hoặc tái chế chất thải tại các cụm dân cư; tránh tình trạng chất thải sinh hoạt nông thôn được xử lý thiếu quy hoạch. Kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thu gom xử lý chất thải y tế. Sớm nghiên cứu giải quyết vấn đề chất thải nông nghiệp như rơm, rạ sau thu hoạch;
- Triển khai phân loại rác tại nguồn, đặc biệt là tại các hộ gia đình để giảm tổng lượng chất thải cần xử lý; tận dụng chất thải hữu cơ để tái chế thành phân bón sử dụng trong trồng trọt;
- Huy động nguồn tài chính, tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước và các nguồn khác cho hoạt động bảo vệ môi trường khu vực nông thôn; lồng ghép trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường trong công nhận nông thôn mới. Bên cạnh đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường nông thôn nói chung và cho việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (trong đó có vấn đề về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường làng nghề…) nói riêng;
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất thải; tập trung xử lý dứt điểm những điểm nóng về môi trường, công khai thông tin vi phạm theo quy định của pháp luật để tạo áp lực buộc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường;
- Quy hoạch các khu làng nghề tập trung. Rà soát, đánh giá các công nghệ, giải pháp phù hợp với điều kiện sản xuất tại làng nghề hoặc các mô hình đã vận hành bảo đảm có hiệu quả trước khi phổ biến, nhân rộng; ưu tiên các biện pháp giảm thiểu chất thải tại nguồn phát sinh, tăng cường tận thu, tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề. Áp dụng các quy định xử lý chất thải tại làng nghề như của cụm công nghiệp tập trung;
2. Đối với ô nhiễm môi trường tại các KCN, CCN:
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước, trong đó có các KCN, đồng thời phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kiểm tra, đôn đốc các KCN nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường của KCN. Tỷ lệ các KCN đã hoạt động và có hệ thống xử lý nước thải tập trung (XLNTTT) đã tăng lên đáng kể. Mặc dù đã có những cải thiện nhưng thực tế vẫn tồn tại một số KCN có cơ sở thứ cấp đi vào hoạt động, chưa hoàn thành hệ thống XLNTTT. Thực tế này có một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do lịch sử để lại, song chủ yếu vẫn là do ý thức tuân thủ, năng lực của đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn tới hoạt động đầu tư hạ tầng diễn ra chậm, không đáp ứng quy định. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư cho các dự án đầu tư vào KCN mặc dù KCN chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
Từ thực tế này, để giải quyết tồn tại đối với những KCN đang hoạt động nhưng chưa có hệ thống XLNTTT theo quy định, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời đôn đốc các KCN này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo đúng quy định. Vì vậy, vấn đề xử lý nước thải của KCN cần có thời gian và lộ trình để giải quyết triệt để. Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 đã đặt ra mục tiêu tỷ lệ khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu đến năm 2015 là 75% và đến năm 2020 đạt 95%.
Để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương thực hiện tốt các giải pháp sau đây:
- Theo Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 thì cả nước sẽ có 142 khu công nghiệp được ưu tiên thành lập mới và mở rộng. Trong quá trình hoạt động, các khu công nghiệp mới vẫn tiếp tục được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch và thành lập mới. Do đó cần phải thực hiện việc rà soát, đánh giá tổng thể về tác động môi trường việc phát triển các khu công nghiệp hiện nay.
- Trong số hơn 500 khu công nghiệp đã được đưa vào quy hoạch tới năm 2020 mới chỉ có 283 khu công nghiệp hoạt động. Như vậy, theo định hướng phát triển còn khoảng hơn 200 khu công nghiệp nữa sẽ được thành lập và đi vào hoạt động. Điều này sẽ tạo ra áp lực môi trường rất lớn. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiên quyết yêu cầu các khu công nghiệp này thực hiện đúng quy định pháp luật, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Đối với các khu công nghiệp hiện nay đã đi vào hoạt động nhưng chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không cho phép thu hút các dự án đầu tư vào khu công nghiệp hoặc thực hiện thủ tục mở rộng khu công nghiệp.
- Tập trung thanh tra, kiểm tra các khu công nghiệp còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung để giám sát chất lượng nước thải ra môi trường theo các quy định pháp luật hiện hành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
- Xây dựng quy định hướng dẫn việc kết nối hệ thống quan trắc nước thải tự động từ các khu công nghiệp tới các Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư hệ thống quan trắc nước thải tự động theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với các địa phương đôn đốc, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành kịp thời hệ thống xử lý nước thải tập trung của các khu kinh tế, khu công nghiệp; giám sát chặt chẽ việc thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt để giảm thiểu rủi ro trong quá trình thiết kế, thi công và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
192. Cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Cử tri cả nước tiếp tục phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do các hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của con người gây ra ngày càng nhiều và phức tạp. Đề nghị Nhà nước, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp ngăn chặn, khắc phục và xử lý kịp thời có hiệu quả các hành vi gây ô nhiễm môi trường.
Trả lời
Trong thời gian gần đây, các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn biến phức tạp, tinh vi, đặc biệt là các vi phạm về xả thải vượt quy chuẩn. Các doanh nghiệp tìm cách trốn tránh nghĩa vụ đầu tư hệ thống xử lý chất thải, chi phí vận hành xử lý nên che đậy bằng các phương thức tinh vi (xả lén, xả về đêm hoặc trời mưa,…) rất khó kiểm soát; trong khi hoạt động kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước bị ràng buộc thực hiện trong giờ hành chính, phải thông báo trước cho cơ sở được kiểm tra, trình tự thủ tục phải tuân theo Luật thanh tra, nên các cơ sở có biện pháp đối phó gây khó khăn trong việc bắt quả tang các hành vi nêu trên. Do đó, việc phát hiện hành vi gây ô nhiễm môi trường cần có sự phối hợp tham gia của cộng đồng, cơ quan truyền thông. Khi phát hiện vi phạm, cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã khẩn trương, tích cực, xử lý nghiên các hành vi vi phạm cũng như trách nhiệm của các bên liên quan.
Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, dự án sản xuất trên phạm vi cả nước rất lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có thể thanh, kiểm tra luân phiên 02 năm/lần/dự án. Để kiểm soát, hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, Luật bảo vệ môi trường đã quy định các nguồn thải lớn (từ 1.000m3/ngày và các KCN tập trung) phải có hệ thống quan trắc tự động, liên tục tại điểm xả thải và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường. Khi xảy ra sự cố ô nhiễm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải vào cuộc để xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các vi phạm. Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở địa phương đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường, đặc biệt là các cơ sở có nguồn thải lớn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; tăng cường kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp (quy định phải có hệ thống quan trắc tự động, lắp camera theo dõi, có hồ sinh học, điểm xả thải phải dễ kiểm soát,…). Về lâu dài, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi quy định pháp luật để hoạt động thanh tra môi trường được chủ động, linh hoạt hơn trong hoạt động; ngoài ra, bổ sung giao chức năng thanh tra chuyên ngành cho Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường để tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền cho cơ quan quản lý môi trường ở địa phương.
193. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Cử tri kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường lập các Đoàn kiểm tra việc ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp.
Trả lời
Trong thời gian từ năm 2011-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về BVMT trên phạm vi cả nước; đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với hơn 400 KCN, CCN. Qua thanh tra, kiểm tra đã chấn chỉnh, yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đồng thời hướng dẫn các cơ sở được thanh tra thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN đã có những bước chuyển biến tích cực, hiện tại, đã có khoảng 75% các KCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn lại khoảng 25% các KCN đang tiến hành đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Trong số các KCN này, chủ yếu là các KCN ở những địa bàn khó khăn, thu hút đầu tư chậm, tỷ lệ lấp đầy thấp, chưa huy động được nguồn vốn đầu tư (chủ yếu dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước), lượng nước thải phát sinh ít, do vậy các địa phương đang yêu cầu các dự án đầu tư vào KCN phải tự xử lý nước thải phát sinh.
Ngày 25/11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017 trong đó sẽ thanh tra các KCN, CCN trên địa bàn cả nước, dự kiến Bộ sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra ngay trong quý II năm 2017, tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện các KCN, CCN có vi phạm về bảo vệ môi trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
194. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri rất quan tâm đến các nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó chủ yếu là nhà máy nhiệt điện, phân bón, khai thác nhôm, sản xuất thép, dệt may. Đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Trả lời
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở có nguồn thải lớn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường; đang tiến hành rà soát, lập danh sách đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng để đưa vào giám sát đặc biệt trong năm 2017 nhằm tăng cường hơn nữa việc kiểm soát hoạt động xả thải của doanh nghiệp (quy định phải có hệ thống quan trắc tự động, lắp camera theo dõi, có hồ sinh học, điểm xả thải phải dễ kiểm soát,…) và tiếp tục thực hiện một số giải pháp để tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu gồm: (i) Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, thanh tra, kiểm tra, đảm bảo cho hoạt động này chủ động, linh hoạt, đúng pháp luật, không chồng chéo, không làm ảnh hưởng đến doanh nghiệp; (ii) Tăng cường nhân lực, năng lực, cơ sở vật chất và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm về môi trường theo quy định của Nghị định số 165/2013/NĐ-CP của Chính phủ; (iii) Kiện toàn tổ chức và xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành môi trường từ Trung ương đến địa phương, trước mắt kiến nghị Chính phủ cho phép sửa đổi, bổ sung Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012, trong đó bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành môi trường cho Chi cục bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tăng cường công tác giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn (có lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày và các KCN tập trung; các cơ sở có lưu lượng xả khí thải lớn thuộc các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm như: sản xuất sắt thép, phân bón, xi măng, nhiệt điện ...), đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải có hệ thống quan trắc tự động, liên tục nước thải, khí thải tại điểm xả thải và kết nối với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Thông tư số 31/2016/TT-BTNMT ngày 14/10/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc bảo vệ môi trường cụm công nghiệp, khu kinh doanh, dịch vụ tập trung, làng nghề và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; trường hợp không thực hiện sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
195. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri cho rằng, tình hình xử lý Formosa hiện nay còn chậm, công tác đền bù cho người dân cần được triển khai thực hiện nhanh chóng.
Trả lời
1. Đối với tình hình xử lý Formosa: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan có liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với FHS. Kết quả đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật của FHS trong quá trình hoạt động. Bộ đã lấy ý kiến của Bộ Tư pháp, Công an, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh để lấy ý kiên thống nhất và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của FHS theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời đã buộc FHS phải nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường và chịu đền bù thiệt hại cho người dân là 500 triệu USD. Hiện nay, FHS đã chấp hành xong việc nộp tiền phạt vi phạm hành chính, chuyển 500 triệu USD cho Chính phủ Việt Nam và đang thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh.
2. Đối với công tác đền bù cho người dân: Ngay sau khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 722/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 và Quyết định số 1138/QĐ-TTg ngày 25/6/2016 để hỗ trợ khẩn cấp cho ngư dân tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường. Theo đó, đã xuất cấp không thu tiền cho 4 tỉnh là 15.027,762 tấn gạo để hỗ trợ ngay các gia đình bị ảnh hưởng; cấp kinh phí hỗ trợ ngư dân là 59 tỷ đồng để ổn định đời sống, chuyển đổi nghề,... Tiếp sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1880/QĐ-TTg ngày 29/9/2016 về việc định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bị thiệt hại do sự cố môi trường biển; Quyết định số 309/QĐ-TTg ngày 9/3/2017 điều chỉnh, bổ sung đối tượng, định mức bồi thường thiệt hại đã quy định tại Quyết định số 1880/QĐ-TTg. Nguồn kinh phí bồi thường thiệt hại về kinh tế cho các đối tượng nêu trên được sử dụng từ nguồn kinh phí do FHS bồi thường.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn các đối tượng được hỗ trợ thực hiện kê khai, tổ chức thẩm tra, tổng hợp, xác định kinh phí bồi thường của từng địa phương gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo. Đến nay, Chính phủ đã chuyển tiền tạm ứng 2 đợt cho các địa phương để thực hiện bồi thường thiệt hại cho người dân: đợt 1 với số tiền là 3.000 tỷ vào tháng 10 năm 2016 (Quảng Bình: 1.100 tỉ đồng, Hà Tĩnh: 1.000 tỉ đồng, Quảng Trị: 500 tỉ đồng và Thừa Thiên Huế: 400 tỉ đồng); đợt 2 vào tháng 01 năm 2017 với số tiền là 1.680 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 560 tỉ đồng, Quảng Bình: 760 tỉ đồng, Quảng Trị: 160 tỉ đồng và Thừa Thiên Huế: 200 tỉ đồng). Tính đến ngày 14/02/2017, 04 tỉnh đã giải ngân được 3.330,3 tỷ đồng trong tổng số 4.680 tỷ đồng được tạm cấp, đạt 71,2%.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017; đang chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương tích cực triển khai thực hiện.
196. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ có những giải pháp chỉ đạo quyết liệt để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường như hiện nay.
Trả lời
Để sớm khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo tăng trưởng kinh tế phải song hành với bảo vệ môi trường, hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thực hiện thành công Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cần tập trung vào 08 nhóm giải pháp cơ bản sau:
- Tập trung xây dựng, hoàn hiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như việc tổ chức triển khai pháp luật trên thực tế, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó sửa đổi ngay các bất cập về đánh giá tác động môi trường, cấp phép môi trường, quản lý chất thải, thực hiện cải cách đơn giản hoá thủ tục hành chính; thể chế hoá các chính sách áp dụng công cụ kinh tế trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, khôi phục cảnh quan, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý các bãi thải trong khai thác khoáng sản. Rà soát, đề xuất điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường cho phù hợp với điều kiện trong nước và yêu cầu hội nhập quốc tế, kết hợp với thải lượng chất ô nhiễm và sức chịu tải của môi trường tiếp nhận. Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.
- Coi trọng nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý về môi trường; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực thi nhiệm vụ công vụ, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý trong tình hình mới; đề xuất phương án cho cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ trách nhiệm giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý môi trường, đặc biệt trong bảo vệ môi trường môi trường làng nghề, nông thôn, xử lý các làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng.
- Tiếp tục tăng cường cải cách hành chính, hướng về địa phương và cơ sở. Đây là chủ trương, quyết tâm lớn của Chính phủ nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; hoàn thiện các quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính.
- Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch môi trường, trong đó điều chỉnh các quy hoạch về chất thải rắn, chất thải nguy hại làm căn cứ điều chỉnh các quy hoạch ngành, thẩm định, đánh giá và cho phép triển khai các dự án nhạy cảm về môi trường.
- Tổ chức điều tra, đánh giá, lập danh sách các lĩnh vực công nghiệp, các loại hình, địa bàn nhạy cảm có khả năng xảy ra sự cố môi trường để có kế hoạch kiểm tra, giám sát, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu sự cố môi trường. Trên cơ sở đó xác định các đối tượng chính có tiềm ẩn gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường yêu cầu các dự án này thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường (quan trắc, lấy mẫu tự động; xây dựng hồ điều hòa, áp dụng chỉ thị sinh học;...).
- Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường. Thông qua đó xử lý nghiêm, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm, đồng thời kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chính sách, pháp luật, giúp các địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn. Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong năm 2017, đặc biệt tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm trở lên trên phạm vi cả nước, các đối tượng do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ sản xuất lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm.
- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đột phá trong huy động nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực trên nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, "Người hưởng lợi từ môi trường phải trả chi phí” để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường.
- Tăng cường phối hợp giữa Trung ương và địa phương; đẩy mạnh thực hiện giao chỉ tiêu môi trường, tăng cường chế độ thông tin, báo cáo và đánh giá kết quả triển khai theo quy định của Luật bảo vệ môi trường năm 2014 để kết nối hệ thống trong việc thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa Trung ương, cơ quan môi trường cấp vùng với địa phương. Xây dựng cơ chế đối thoại, phối hợp giữa cơ quan môi trường Trung ương và địa phương trong lĩnh vực môi trường, trong đó chú trọng giải quyết tốt các thủ tục hành chính về môi trường; kịp thời lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc, góp ý của địa phương và có biện pháp tháo gỡ về cả chuyên môn và tài chính trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
197. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Đề nghị Chính phủ có chủ trương nâng mức hạn điền để nông dân tích tụ ruộng đất tái cơ cấu trong nông nghiệp.
Trả lời
Luật đất đai năm 2013 quy định hạn mức nhận chuyển nhượng sử dụng đất đối với đất với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối là không quá 30 ha ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 20 ha ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Đối với đất trồng cây lâu năm là không quá 100 ha ở các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá năm mươi 300 ha ở các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Đối với đất rừng sản xuất là rừng trồng là không quá năm mươi 150 ha ở các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng, không quá một trăm 300 ha ở các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Hạn điền được đặt ra để đảm bảo kiểm soát quá trình tích tụ đất đai phù hợp với chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, đảm bảo quy mô mà nông dân có thể quản lý, sản xuất sử dụng hiệu quả đất đai.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai sơ kết đánh giá 05 năm tình hình thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và tình hình thi hành Luật đất đai trên cơ sở đó sẽ nghiên cứu mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng phù hợp nhằm đẩy nhanh tích tụ, tập trung đất đai cho phát triển nông nghiệp hàng hóa; đồng thời Bộ cũng triển khai xây dựng đề án về “điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” để sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp cho phù hợp.
198. Cử tri tỉnh Bình Phước kiến nghị: Theo quy định của Luật đất đai năm 2013 thì thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm, cử tri nhận thấy thời gian này quá ngắn, không tạo được tính ổn định cho công việc sản xuất, kinh doanh của nhân dân. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm, nghiên cứu sửa đổi quy định tăng thời hạn giao đất, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp lên 70 năm để người dân yên tâm, ổn định sản xuất nông nghiệp.
Trả lời
Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thời hạn giao đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 20 năm, nhưng đến nay theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật đất đai năm 2013 thì thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là 50 năm; về chủ trương này đã được thể chế hóa trong nhiều văn bản và Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, mặc dù quy định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm nhưng Điều 126 Luật đất đai quy định khi hết thời gian sử dụng đất (50 năm) hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nếu có nhu cầu thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn nêu trên. Như vậy, hộ gia đình cá nhân hoàn toàn có thể yên tâm đầu tư, sản xuấy nông nghiệp trên đất được giao. Hơn nữa, đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhà nước thu hồi đất thì việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không căn cứ thời gian còn lại của việc sử dụng đất.
199. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Đối với việc dồn đổi đất nông nghiệp cử tri đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền về dồn đổi ruộng đất phù hợp để người dân hiểu rõ chủ trương của nhà nước có cơ chế hỗ trợ phù hợp đối với người nông dân.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu, trong thời gian tới sẽ xây dựng kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai nhất là công tác dồn điền đổi thửa đến các hộ gia đình, cá nhân.
200. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện và có chính sách hỗ trợ cho việc thực hiện thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo Luật đất đai.
Trả lời
Người sử dụng đất nông nghiệp cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể trong Luật đất đai như: Điều 131, Điều 132 Điều 133, Điều 167, Điều 169, Điều 179, Điều 188, Điều 190, Điều 191 và Điều 193.
Đối với các chủ đầu tư dự án được quy định tại Khoản 2 Điều 73 Luật đất đai và Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai và Khoản 15 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi Luật đất đai năm 2013.
201. Cử tri các tỉnh, thành phố Hà Tĩnh, Hải Phòng kiến nghị:Qua thực tiễn thực hiện việc cơ cấu lại nông nghiệp cho thấy điểm nghẽn then chốt nhất chính là vấn đề đất đai. Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật đất đai năm 2013 thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đối với mỗ loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 129 của Luật này. Theo quy định trên, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối của hộ gia đình không vượt quá 30 ha, với quy định hạn mức như vậy sẽ rất khó khăn để các hộ gia đình phát triển sản xuất theo quy mô lớn và đầu tư công nghệ cao để đảm bảo tăng năng suất lao động. Vì vậy, cử tri đề nghị sửa đổi Điều 129, 130 của Luật Đất đai theo hướng tăng hạn điền hoặc không quy định hạn điền để tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất đưa nông nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa.
Trả lời
Về nội dung hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã được nhiều chuyên gia, nhà khoa học các nhà quản lý thực hiện nhiều công trình nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án để rút ra các bài học, kinh nghiệm trước khi trình nội dung này để đưa vào Luật đất đai năm 2013. Qua các nội dung nghiên cứu và tổng hợp nội dung vướng mắc của người sử dụng đất, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Luật nhận thấy hạn mức nhận chuyển nhượng không quá 10 lần là phù hợp với quy mô sản xuất, năng lực quản trị của quy mô nông hộ trong sản xuất phát triển nông nghiệp. Khi có nhu cầu đầu tư, phát triển mạnh hơn hộ gia đình, cá nhân có thể thành lập các tổ chức kinh doanh để thực hiện sản xuất, phát triển. Vì theo quy định của pháp luật đất đai thì không hạn chế hạn mức đối với tổ chức thực hiện dự án để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp và quá trình tích tụ ruộng đất của hộ gia đình, cá nhân có hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế và phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang xây dựng đề án về “điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội” để sửa đổi, bổ sung chính sách quy định về hạn mức tích tụ đất nông nghiệp cho phù hợp.
202. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết thi hành Luật đất đai, nhằm tháo gỡ vướng mắc, bất cập triển khai thực hiện Luật đất đai năm 2013 trong đó cần quy định chế tài xử lý, xử phạt vi phạm trong lĩnh vực đất đai cho rõ ràng, cụ thể và mạnh hơn để đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu, ngày 06/01/2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 03/3/2017 quá trình triển khai đã tháo gỡ được rất nhiều khó khăn vướng mắc trong thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương.
Về kiến nghị liên quan đến tăng cường chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đối với nội dung sửa đổi Nghị định này theo ý kiến của cử tri, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu và sẽ tiến hành việc tổng hợp các nội dung vướng mắc để đưa vào kế hoạch sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
203. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri cho rằng một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đất đai năm 2013 chậm được ban hành gây khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Luật đất đai có hiệu lực từ ngày 01/7/2014, tuy nhiên đến ngày 22 tháng 6 năm 2016 mới có Thông tư hướng dẫn nội dung thẩm định giá đất cụ thể của Hội đồng thẩm định giá đất và Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ giữa các cơ quan liên quan.
Trả lời
Vấn đề cử tri kiến nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật và Nghị định kịp thời với thời điểm Luật và Nghị định có hiệu lực thi hành để đảm bảo thống nhất ngày văn bản cấp trên có hiệu lực thì văn bản hướng dẫn cũng có hiệu lực đồng thời.
204. Cử tri tỉnh Hải Dương kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 về chế độ, chính sách trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất, đối với trường hợp thu hồi đất vườn trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở. Vì theo quy định về thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở nhưng không được công nhận là đất ở, chỉ phải nộp chênh lệch bằng 50% giá đất ở cùng vị trí.
Trả lời
Đối với phản ánh của cử tri về việc đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật đất đai năm 2013 do không thống nhất trong việc bồi thường đất nông nghiệp trong khu dân cư (theo quy định của Luật đất đai năm 2013 và Nghị định 47/2014/NĐ-CP) với quy định về thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư (theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 45/2014/NĐ-CP), Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
205. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Để thực hiện hiệu quả Đề án 404 của Chính phủ về “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập, tư thục ở khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2020”. Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để hỗ trợ nữ công nhân lao động có con nhỏ yên tâm lao động.
Trả lời
Theo quy định tại Điều 149 Luật đất đai “việc sử dụng đất xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Khi quy hoạch, thành lập khu công nghiệp, khu chế xuất phải đồng thời lập quy hoạch, xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng nằm ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Do vậy, để giải quyết vấn đề cử tri nêu trên, thực hiện Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016 của Quốc hội về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02/11/2016 về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia, có đất xây dựng cơ sở giáo dục - đào tạo, trong đó có đất cơ sở giáo dục mầm non. Trên cơ sở chỉ tiêu cấp quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành thẩm định phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh, trong đó có đất cơ sở giáo dục mầm non cho các khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trong đất đất cơ sở giáo dục - đào tạo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng đất (trong đó có việc quản lý, sử dụng đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất), lập các đoàn kiểm tra thi hành Luật đất đai và tiếp nhận ý kiến của nhân dân phản ảnh qua đường dây nóng. Tuy nhiên để đảm bảo hiệu quả phát huy được vai trò của cả hệ thống chính trị trong triển khai Đề án quan trọng này, Chính phủ đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các thành viên của Mặt trận tăng cường công tác giám sát, theo dõi để các địa phương triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chính phủ.
206. Cử tri thành phố Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh năm 2003 trên địa bàn huyện Hải An (cũ) đang thực hiện một số dự án giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân theo Luật đất đai năm 1993; tuy nhiên, sau khi quận Hải An được thành lập (tách từ huyện Hải An cũ, nay là huyện An Dương); trên địa bàn quận Hải An còn tồn tại trên 100 hộ dân chưa được giao đất theo quy định của Luật đất đai năm 1993, Luật đất đai năm 2003 và hiện nay là Luật đất đai năm 2013 (theo quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 118 Luật đất đai năm 2013 thẩm quyền giao đất cho các trường hợp này thuộc Thủ tướng Chính phủ). Ủy ban nhân dân quận Hải An đã báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổng hợp chung gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết vướng mắc trên, sớm giao đất cho các hộ dân thuộc trường hợp trên theo đúng quy định của pháp luật, để các hộ dân ổn định cuộc sống.
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu không rõ dự án cụ thể tại Văn bản nào của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng nên Bộ không có cơ sở để trả lời.
Trước đây, Bộ đã nhận được Công văn số 803/UBND-ĐC2 ngày 14/11/2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng về việc xin ý kiến giải quyết tồn tại trong giao đất tại xã An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với huyện An Dương và đã có công văn trả lời Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
207. Cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Theo quy định tại Điều 5, Điều 37 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai về việc sát nhập Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai của Sở Tài nguyên và Môi trường hiện bộc lộ nhiều khó khăn gây phiền hà cho nhân dân cụ thể như: Theo quy định, đối với thủ tục cấp đất lần đầu sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của UBND cấp huyện; còn đối với thủ tục về cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đăng ký biến động sau khi cấp giấy chứng nhận sẽ chuyển đến Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh giải quyết; trong đó nhiều hồ sơ phải chuyển cho tỉnh nhưng được trả về nhiều lần vì còn sai sót. Tốn thời gian, trễ hẹn hồ sơ chính là nguyên nhân khiến người dân không hài lòng. Theo quy định, thời gian phải gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh phải được giải quyết kết quả trong vòng 5 ngày là không thực hiện được, nhiều hồ sơ kéo dài vài tháng gây bức xúc cho nhân dân. Trong khi đó trước khi có Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì những hồ sơ thủ tục đất đai thường được giải quyết đúng hạn, trong thời gian 3 ngày. Nếu thuộc cấp huyện giải quyết như trước đây, sai sót chỗ nào được các bộ phận liên quan giải đáp, tư vấn kịp thời cho người dân, có khi chỉ trong một buổi đã giải quyết xong hồ sơ. Còn thủ tục như hiện nay, hồ sơ tồn đọng rất nhiều. Do đó, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định như thủ tục và quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước đây: Văn phòng đăng ký QSDĐ cấp huyện (do UBND huyện quản lý) sẽ thuận lợi hơn trong thực hiện Luật đất đai năm 2013 và phục vụ người dân tốt hơn.
Trả lời
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai đã được pháp luật đất đai năm 2013 quy định trên cơ sở thực tế (tổng kết đề án thí điểm kiện toàn hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành một cấp trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) và cơ sở khoa học, phù hợp với xu hướng trên Thế giới. Mô hình Văn phòng đăng ký đất đai có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh; tránh tình trạng phân tán trong quản lý đất đai và nâng cao tính chuyên nghiệp trong các tác nghiệp chuyên môn về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; quy trình giải quyết công việc được thực hiện thống nhất, thuận tiện trong vận hành cơ sở dữ liệu đất đai và tổ chức thực hiện một cách linh hoạt trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố; bảo đảm đúng thời gian; nâng cao chất lượng dịch vụ công, góp phần giảm bớt tình trạng nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hiện nay. Khi hoạt động theo mô hình Văn phòng đăng ký đất đai, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận vẫn là nhân lực của Văn phòng đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nên không ảnh hưởng đến thời gian thực hiện các bước công việc của thủ tục đến trước khi trình ký Giấy chứng nhận và từ đó không bị tác động bởi thẩm quyền ký Giấy chứng nhận.
Việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai là bước cải tiến trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, cụ thể như: số lượng thủ tục hành chính trong cấp giấy chứng nhận đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai giảm xuống chỉ còn 41 thủ tục so với 62 thủ tục ở nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai. Về thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận: Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì thời gian thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu là không quá 50 ngày làm việc, thủ tục cấp đổi giấy chứng nhận là không quá 20 ngày làm việc (Điều 12 của Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Theo Luật đất đai năm 2013 thì thời gian tương ứng của các thủ tục nêu trên đã giảm xuống còn 30 ngày và 10 ngày (Điều 61 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai) và tiếp tục được giảm xuống còn 7 ngày đối với trường hợp cấp đổi giấy chứng nhận (quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017). Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp giấy chứng nhận như đã nêu nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm bớt chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong thời gian mới thành lập Văn phòng đăng ký đất đai không thể tránh khỏi những khó khăn ban đầu như ý kiến của cử tri đã nêu, nhất là đối với địa phương chưa hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và địa bàn rộng. Để giảm thiểu áp lực cho các địa phương về trình tự, thủ tục luân chuyển hồ sơ và cơ quan ký giấy chứng nhận, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai (Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017), trong đó bổ sung quy định việc cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp người sử dụng đất thực hiện quyền và khi cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận (Khoản 23 Điều 2 của Nghị định này). Việc bổ sung quy định sẽ giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn như cử tri đã nêu, nhằm phục vụ tốt hơn nữa cho tổ chức và người dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Về phản ánh của cử tri về tình trạng chậm trễ hồ sơ tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin ghi nhận và sẽ có kế hoạch thanh tra, kiểm tra cụ thể tại địa phương.
208. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đất đai vùng Tây Nguyên, khi sản xuất nông nghiệp, làm nhà ở, cần thiết phải san ủi để tạo mặt bằng. Đặc biệt ở thành phố Đà Lạt, khi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao người dân phải tiến hành san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, Luật đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định lập thủ tục về việc này. Do đó nhiều trường hợp san ủi để cải tạo mặt bằng tự do làm ảnh hưởng đến địa hình khu vực, nhưng do không có cơ sở pháp lý nên các huyện, thành phố không xử lý hành chính được. Cử tri đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung thủ tục hành chính này vào Nghị định bổ sung để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.
Trả lời
Điều 170 Luật đất đai năm 2013 quy định các nghĩa vụ chung của người sử dụng đất trong đó:
"4. Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.
5. Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan."
Do đó, việc san lấp mặt bằng để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao phải đảm bảo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với đề nghị bổ sung thủ tục, Bộ Tài nguyên và Môi trường xin tiếp thu để sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.
209. Cử tri tỉnh Lâm Đồng kiến nghị: Đối với các dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái có diện tích xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng để xây dựng các công trình đảm bảo tỷ lệ diện tích và mật độ xây dựng; không gây phá vỡ cảnh quan chung khu vực dự án; đơn vị chủ dự án thực hiện đầy đủ trách nhiệm trồng rừng thay thế. Cử tri kiến nghị Chính phủ cho phép giải quyết thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sử dụng đất rừng để các doanh nghiệp triển khai dự án đúng tiến độ đầu tư; góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương và khai thác tài nguyên rừng bền vững gắn với tiềm năng du lịch sinh thái.
Trả lời
Các dự án du lịch nghỉ dưỡng sinh thái mà có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về đất đai (Điều 52, Điều 57, Khoản 1 Điều 58, Điều 135, Điều 136, Điều 137 Luật đất đai năm 2013....) và pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (Luật bảo vệ và phát triển rừng, Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững Vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, đóng cửa rừng tự nhiên....).
210. Cử tri tỉnh Nam Định kiến nghị: Theo quy định của Luật đất đai thì các trường hợp giao dịch về đất đai như chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế...khi đã có giấy chứng nhận sử dụng đất thì người dân được nộp về một trong 2 cơ quan là UBND xã và văn phòng công chứng trên địa bàn để công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán, tặng cho...Tuy nhiên khi công dân đến văn phòng công chứng làm hợp đồng thì văn phòng công chứng không biết được cụ thể về thửa đất (ví dụ như đang có tranh chấp...) nhưng vẫn làm hợp đồng, chỉ đến khi đến UBND xã thì mới biết được cụ thể. Do vậy, đã có trường hợp phát sinh mẫu thuẫn. Cử tri đề nghị Bộ ngành cần có hướng dẫn cụ thể và có quy định khi làm hợp đồng tại văn phòng công chứng thì vẫn phải có giấy xác nhận của UBND xã phường nơi có thửa đất đó.
Trả lời
Theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 17 Luật công chứng năm 2014 thì Công chứng viên được quyền: "Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;”. Theo đó, khi người sử dụng đất làm thủ tục công chứng hợp đồng tại văn phòng công chứng, thì công chứng viên có quyền yêu cầu người sử dụng đất cung cấp đầy đủ các thông tin cụ thể về thửa đất để thực hiện việc công chứng.
211. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định của Luật đất đai năm 2013 cho phù hợp với thực tế, khắc phục đối với vướng mắc bất cập:
Về giá đất đền bù đất nông nghiệp trong địa giới hành chính phường, xã chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp và hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định (không còn khoản hỗ trợ 30% giá đất ở trung bình của khu vực). Điều này đã gây khó khăn trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Việc cưỡng chế thu hồi đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản, nhưng thực tế có nhiều trường hợp cố tình không chấp hành bàn giao đất gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đến gần thời điểm chuẩn bị cưỡng chế, người vi phạm mới chấp hành và yêu cầu phải chờ họ ban giao đất trong thời hạn trên;
Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai gặp vướng mắc: chỉ có quy định cưỡng chế thực hiện đối với trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư mà không quy định việc cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai.
Vướng mắc liên quan đến việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp không đúng diện tích tại Điều 106 của Luật đất đai.
Trả lời
Chính sách pháp luật đất đai năm 2013 không quy định hỗ trợ đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp trong khu dân cư mà áp dụng chung chính sách hỗ trợ đối với đất nông nghiệp, nhằm bảo đảm nguyên tắc cùng một loại đất thì không thể có hai chính sách hỗ trợ khác nhau, bảo đảm bình đẳng giữa người sử dụng đất nông nghiệp. Mặt khác, theo quy định của Luật đất đai năm 2013, đất nông nghiệp được bồi thường theo giá đất cụ thể phù hợp với giá thị trường và việc xác định giá đất nông nghiệp còn căn cứ vị trí và khả năng sinh lợi đất nên việc bỏ hỗ trợ đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư là phù hợp.
Đối với trường hợp cố tình không chấp hành bàn giao đất thì thực hiện vận động, thuyết phục người có đất bị thu hồi thực hiện bàn giao đất theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Sau khi vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi không thực hiện quyết định thu hồi đất thì Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Khoản 42 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp đã vận động, thuyết phục theo quy định tại Khoản 43 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật, theo đó Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Khoản 42 và Khoản 43 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai.
Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật đất đai thì một trong những trường hợp cấp giấy chứng nhận trái pháp luật là giấy chứng nhận được cấp không đúng diện tích, đó là các trường hợp diện tích của thửa đất được ghi trên giấy chứng nhận không đúng với diện tích đã được đo đạc theo quy định của pháp luật tại thời điểm đo đạc. Các trường hợp cấp giấy chứng nhận trước đây có sử dụng số liệu đo đạc được đo vẽ thủ công mà pháp luật đất đai tại thời điểm đó cho phép sử dụng tài liệu đo đạc thủ công để cấp giấy chứng nhận, đến nay diện tích thửa đất tăng lên hoặc giảm đi so với số liệu đo đạc thủ công do thay đổi công nghệ đo đạc thì không thuộc trường hợp cấp giấy chứng nhận trái pháp luật.
212. Cử tri tỉnh Vĩnh Phúc kiến nghị: Cử tri đề nghị xem xét sửa đổi Luật đất đai năm 2013 vì qua hai năm thực hiện Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập về quy hoạch phát triển kinh tế vùng, thời gian xác định giá đất tái định cư kéo dài có nhiều ảnh hưởng đến bồi thường; văn bản hướng dẫn không thống nhất, chồng chéo; chênh lệch giữa giá bồi thường đất do Nhà nước thu hồi và dự án do doanh nghiệp tự thoả thuận, chênh lệch giá đất nông nghiệp giữa các địa phương; thủ tục cấp Giấy chứng nhận phức tạp, áp dụng thủ tục hành chính, xử lý vi phạm còn khó khăn. Điều 71 Luật đất đai năm 2013 chỉ áp dụng cưỡng chế thu hồi đất khi có vi phạm Luật đất đai .v.v.
Trả lời
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 51/VPCP-PL ngày 04/01/2017, Thông báo số 441/TB-VPCP ngày 28/12/2016, Công văn số 10285/VPCP-ĐMDN ngày 29/11/2016, Công văn số 9792/VPCP-TH ngày 14/11/2016 của Văn phòng Chính phủ và Nghị quyết số 97/NQ-CP ngày 04/11/2016 của Chính phủ về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai sơ kết đánh giá 05 năm năm tình hình triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai trên cơ sở đó sẽ xem xét báo cáo Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, bổ sung các nội dung chưa phù hợp với thực tiễn.
213. Cử tri tỉnh Long An kiến nghị: Đề nghị nghiên cứu sửa đổi quy định chỉ người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa của Luật đất đai năm 2013.
Trả lời
Quy định người trực tiếp sản xuất nông nghiệp mới được nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa được ban hành nhằm đảm bảo đất đai được sử dụng hiệu quả tránh đầu cơ gom đất trồng lúa nhưng không sản xuất mà chờ quy hoạch chuyển mục đích sử dụng đất; đồng thời đảm bảo đất đai cho người trực canh. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai sơ kết đánh giá 05 năm năm tình hình triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Đất đai và triển khai đề án về “điều tra, đánh giá, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai, phát huy tiềm năng đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội”. Các nội dung cử tri phản ánh đang được thảo luận, nghiên cứu để hoàn thiện trong quá trình sửa đổi Luật đất đai.
214. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng lãng phí đối với việc giao đất để đầu tư các dự án nhiều năm trước đây nhưng đến nay chưa thực hiện, trong khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp của nông dân ngày càng bị thu hẹp. Cử tri kiến nghị Bộ xem xét, rà soát lại việc giao đất, cho thuê đất nông nghiệp đối với các dự án nhằm quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên này?
Trả lời
Vấn đề cử tri nêu đã được đánh giá khi tổng kết 10 năm triển khai thực hiện Luật đất đai năm 2003. Để khắc phục hạn chế cử tri nêu Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật đất đai năm 2013 trong đó bổ chế tài xử lý đối với các dự án được giao đất, cho thuê đất trước đây mà chậm đưa vào sử dụng, chậm tiến độ; đồng thời bổ sung quy định để ngăn ngừa tình trạng này, cụ thể:
- Đối với dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư được gia hạn thêm 24 tháng để thực hiện dự án nhưng phải nộp thêm một khoản tiền tính tương ứng với 24 tháng được gia hạn; hết 24 tháng mà vẫn vi phạm thì Nhà nước thu hồi đất và không bồi thường về đất, không bồi thường về tài sản trên đất (Điểm i Khoản 1 Điều 64, Điều 82 và Điều 92 Luật đất đai).
- Quy định về căn cứ quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để đảm bảo tính khả thi của việc sử dụng đất (Điều 52 Luật đất đai). Bổ sung quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, trong đó để được giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Đối với dự án có sử dụng đất trồng lúa, đất có rừng phòng hộ, rừng đặc dụng phải có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tùy theo quy mô dự án. Đồng thời, thu hẹp và kiểm soát chặt chẽ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội (Điều 62 Luật đất đai).
- Quy định để xử lý các trường hợp nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp đã thuê đất của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp nhưng không sử dụng đất hoặc tiến độ sử dụng đất chậm thì cũng thu hồi đất trả lại cho doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (Khoản 36 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CPngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai).
- Quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải rà soát và xử lý, công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai về danh sách các dự án được gia hạn, dự án bị thu hồi đất (Khoản 3 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP)
- Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc thực thị pháp luật, trong đó có công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư, đặc biệt là công tác thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế- xã hội theo hướng thu hẹp và kiểm soát chặt chẽ hơn các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để giao, cho thuê đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, xử lý đối với dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư. Bộ cũng đã chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các cấp triển khai lập quy hoạch sử dụng đất và tăng cường công tác, kiểm tra giám sát việc sử dụng đất của các tổ chức sau khi được Nhà nước giao, cho thuê để đảm bảo sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Không xét duyệt quy hoạch mới các cụm công nghiệp nếu không đảm bảo đủ các điều kiện: có trong Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đã được phê duyệt và các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, về bảo vệ môi trường, về tỷ lệ lấp đầy. Kiên quyết không cho thành lập mới hoặc mở rộng các Khu công nghiệp nếu không đảm bảo các yêu cầu phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghiệp đã được phê duyệt; tổng diện tích đất công nghiệp của các khu công nghiệp đã được thành lập trên địa bàn lãnh thổ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cho các dự án đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư thuê đất, thuê lại đất (lấp đầy) ít nhất là 60%.
215. Cử tri thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đề nghị cần rà roát lại việc quy hoạch sử dụng đất phục vụ giáo dục ở các địa phương trên cả nước, hiện nay nhiều cơ quan đơn vị lãng phí và sử dụng đất không đúng mục đích.
Trả lời
Việc quy hoạch sử dụng đất phục vụ giáo dục ở các địa phương trên cả nước còn lãng phí và sử dụng đất không đúng mục đích đã được Chính phủ rà soát và có Tờ trình số 46/TTr-CP ngày 27/02/2016 trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016, trong đó đất cơ sở giáo dục - đào tạo đến năm 2020 điều chỉnh giảm 13,31 nghìn ha so với Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02/11/2016 về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho cấp tỉnh và hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đôn đốc, chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) để trình Chính phủ phê duyệt (trong đó có đất cơ sở giáo dục - đào tạo ở các địa phương trên cả nước).
216. Cử tri tỉnh Yên Bái kiến nghị: Cử tri kiến nghị, việc quy hoạch sử dụng đất để phát triển kinh tế là cần thiết nhưng đề nghị Chính phủ hạn chế tối đa việc quy hoạch đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp và khu dân cư.
Trả lời
Để khắc phục vấn đề cử tri nêu, Chính phủ đã rà soát và có Tờ trình số 46/TTr-CP ngày 27/02/2016 trình Quốc hội điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp quốc gia, được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 09/4/2016, trong đó đất khu công nghiệp điều chỉnh giảm 8,59 nghìn ha và đất ở tại đô thị giảm 3,31 nghìn ha so với Nghị quyết số 17/2011/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 1927/TTg-KTN ngày 02/11/2016 về việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho cấp tỉnh và sau đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để làm khu công nghiệp và khu dân cư vào phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp tỉnh để trình Chính phủ phê duyệt.
Theo quy định của Luật đất đai, thì vấn đề cử tri nêu đã được quy định chặt chẽ như: Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, việc chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tùy theo diện tích chuyển mục đích theo quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật đất đai.
Sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích phi nông nghiệp thì UBND cấp tỉnh, cấp huyện mới xem xét quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích để thực hiện dự án đầu tư.
217. Cử tri tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị Trung tâm, Đài Truyền hình cần dự báo thời tiết riêng cho vùng Côn Đảo; đồng thời nâng cao tính chính xác của dự báo thời tiết để tạo điều kiện cho các ngành và người dân chủ động trong sản xuất.
Trả lời
a) Đối với ý kiến "Đề nghị Trung tâm KTTV quốc gia, Đài Truyền hình cần dự báo thời tiết riêng cho vùng Côn Đảo"
Huyện đảo Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ trước tới nay, Đài KTTV tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Trạm Khí tượng Hải văn Côn Đảo thuộc Đài KTTV khu vực Nam Bộ luôn theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn, hải văn trên địa bàn tỉnh, ban hành các bản tin dự báo ngày, thông báo tuần, tháng; kịp thời ban hành các bản tin thời tiết nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới theo đúng quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin tại Quyết định số 46/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ; làm tốt công tác dự báo phục vụ địa phương.
Bắt đầu từ ngày 02/12/2016, nhằm phục vụ tốt hơn cho bà con nhân dân huyện đảo Côn Đảo, Đài KTTV tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa thêm phần dự báo thời tiết khu vực huyện đảo Côn Đảo vào bản tin thời tiết của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bản tin thời tiết được thông báo cho các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, trong đó có nhân dân huyện đảo Côn Đảo bằng các hình thức sau:
- Bản tin được ban hành lúc 15h00 hàng ngày, sau đó được gửi ngay bằng đường fax tới Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
- Bản tin được gửi ngay đến Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để phát vào lúc 06h55 và 18h55 hàng ngày trên sóng truyền hình của Đài.
- Bản tin được đăng tải trên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu hàng ngày.
Chính vì vậy, các Sở, ban, ngành chức năng của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đặc biệt là Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh và bà con nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, nhân dân trên cả nước nói chung đều có thể biết thông tin dự báo về thời tiết, thủy văn, hải văn trên địa bàn huyện đảo Côn Đảo qua các hình thức báo tin hoặc trên sóng phát thanh, truyền hình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
b) Đối với ý kiến "Nâng cao tính chính xác của dự báo thời tiết để tạo điều kiện cho các ngành và người dân chủ động sản xuất"
- Thực trạng công tác dự báo, cảnh báo KTTV tại Việt Nam và trên thế giới:
Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều loại thiên tai nhất ở Châu Á, bao gồm tất cả các loại thiên tai vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, gió mạnh, sóng lớn, sương mù... Những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho các hiện tượng KTTV nguy hiểm ở nước ta xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều hơn, cường độ ngày càng khốc liệt, với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường ở hầu khắp mọi vùng, miền trên cả nước.
Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành KTTV để phục vụ công tác dự báo KTTV. Về cơ bản, các hoạt động cảnh báo, dự báo KTTV đã đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, cụ thể như sau:
+ Về dự báo, cảnh báo bão: Các cơn bão đều được theo dõi sát và phát tin dự báo từ rất sớm (khi bão còn ở vùng biển phía Đông Philippin hoặc khi còn là vùng áp thấp trên Biển Đông). Sai số dự báo vị trí bão trước 24, 48 và 72 giờ lần lượt trong khoảng 100km, 180km và 280km; sai số dự báo cường độ bão trước 24 và 48 giờ lần lượt là 1-2 cấp và 2-3 cấp (dự báo của Hồng Kông lần lượt là 125, 250, 350km).
+ Dự báo, cảnh báo mưa lớn: Có khả năng dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng với thời hạn trước 2-3 ngày, một số trường hợp trước 5-7 ngày với độ tin cậy khoảng 75% (3/4 số lần cảnh báo đúng). Tuy nhiên, dự báo lượng mưa cực trị cho khu vực mưa cụ thể vẫn là một thách thức của khoa học dự báo; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông mới chỉ có khả năng cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
+ Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: Cảnh báo sớm các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại với thời hạn trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Cảnh báo trước 5-10 ngày các đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm có độ tin cậy khoảng 65-70%.
+ Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Cảnh báo trước các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, cảnh báo thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ chính xác từ 80-90%.
+ Các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá,… là những hiện tượng xảy ra ở quy mô nhỏ, thời gian xảy ra rất nhanh nên chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ sóng ra đa thời tiết.
+ Dự báo, cảnh báo thủy văn: Dự báo thủy văn hạn ngắn đạt từ 80-85%, hạn vừa đạt từ 75-80%; dự báo, cảnh báo đỉnh lũ với mức đảm bảo từ 70-80%. Dự báo, cảnh báo lũ, hạn hán, xâm nhập mặn từng bước được cải tiến và nâng cao chất lượng, hạn dự báo đối với đỉnh lũ trên các sông, nhất là các sông ở vùng núi và miền Trung, Tây Nguyên đã được kéo dài hơn với độ chính xác cao hơn.
Đặc biệt, trong năm 2016 là năm có rất nhiều loại hình thiên tai hoạt động bất thường, phức tạp, Trung tâm KTTV quốc gia đã dự báo sát với thực tế, thông tin cụ thể đến các cấp phòng chống, thiên tai và người dân. Tiêu biểu có thể kể đến việc dự báo tốt các đợt mưa lớn liên tiếp gây ra 5 đợt lũ trên báo động cấp 3, xấp xỉ lũ lịch sử kéo dài nhiều ngày liên tục và gây ngập lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Trung Bộ.
- Các giải pháp tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo KTTV trong thời gian tới. Để nâng cao chất lượng dự báo bão trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia sẽ tiến hành thực hiện đồng bộ các biện pháp, triển khai các kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn với trọng tâm tập trung vào việc ứng dụng, nâng cao công nghệ dự báo KTTV, đặc biệt là dự báo bão, đầu tư trang thiết bị phục vụ thám sát bão, đào tạo cán bộ có năng lực cao, cụ thể như:
+ Rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão, áp thấp nhiệt đới hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn các sản phẩm dự báo với chất lượng tốt hơn hiện nay khi bão vào Biển Đông. Đồng thời triển khai xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam.
+ Phấn đấu đạt các chỉ tiêu chất lượng dự báo: Dự báo thời tiết hạn ngắn đạt độ chính xác 80-85%; tăng thời hạn dự báo bão, KKL lên đến 3 ngày với độ chính xác ngang mức tiên tiến của khu vực châu Á; tăng thời hạn dự báo, cảnh báo lũ cho các hệ thống sông lớn ở Bắc Bộ lên đến 2-3 ngày, ở Trung Bộ và Tây Nguyên lên đến 1-3 ngày (tùy thuộc vào lưu vực sông), ở Nam Bộ lên đến 10 ngày với độ chính xác 80-85%; nâng cao chất lượng dự báo KTTV 5-10 ngày, 1 tháng, mùa cho các khu vực trong cả nước; dự báo KTTV biển hàng ngày và 5-7 ngày; dự báo KTTV cực ngắn (3-12 giờ), đặc biệt là dự báo định lượng mưa; cảnh báo nguy cơ lốc, tố, vòi rồng, lũ quét, sạt lở đất...
+ Thực hiện hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ xây dựng 1.545 trạm quan trắc KTTV, 6.347 điểm quan trắc KTTV tự động và 1.557 công trình quan trắc nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu.
+ Đầu tư "siêu máy tính" để có đủ năng lực đồng hoá số liệu, tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dự báo bão.
+ Tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, ra đa. Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển của bão chính xác hơn.
+ Nâng cao năng lực đội ngũ dự báo viên ở Trung ương, các Đài KTTV khu vực và đặc biệt là ở các Đài KTTV tỉnh nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương, chủ động phòng, tránh thiên tai có nguồn gốc KTTV. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao công tác trong ngành.
+ Cải tiến nội dung các bản tin dự báo bão theo hướng chi tiết, rõ ràng, và dễ hiểu hơn để phục vụ người dân, cộng đồng.
+ Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Luật KTTV và các thông tư ban hành các quy định kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế-kỹ thuật về KTTV.
+ Kiện toàn tổ chức bộ máy Ngành KTTV theo hướng tái thành lập Tổng cục KTTV nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KTTV, nâng cao chất lượng công tác điều tra cơ bản và dự báo KTTV.
+ Tăng cường tuyên truyền kiến thức về KTTV, về công tác dự báo KTTV qua việc phát triển các kênh truyền thông của KTTV (như truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hành các tờ rơi...), thường xuyên tổ chức các Hội nghị truyền thông phổ biến các thông tin cảnh báo, dự báo KTTV tới các thành phần khác nhau nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai của các cấp chính quyền và nhân dân; giúp người dân hiểu đúng và sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo KTTV để phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc KTTV gây ra.
+ Phối hợp tốt với các Bộ, Ban, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc chia sẻ các thông tin, dữ liệu quan trắc và vận hành hồ chứa thủy điện, thủy lợi phục vụ công tác dự báo KTTV.
218. Cử tri tỉnh Bến Tre kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm về chính sách nước ngọt cho Bến Tre, bởi lẽ với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay và theo kịch bản thì đến năm 2030 Bến Tre bị ngập mặn hoàn toàn là chuyện chắc chắn xảy ra, nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ thì đến lúc đó sẽ không có nguồn nước ngọt sử dụng cho sinh hoạt và sản xuất.
Trả lời
Để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giải quyết những vấn đề về sử dụng nguồn nước tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó có tỉnh Bến Tre, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang thực hiện những giải pháp sau đây:
Đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành liên quan chuẩn bị các nội dung để đề nghị Trung Quốc xả nước trong chương trình Hội nghị Cấp cao Mê Công - Lan Thương tổ chức vào ngày 23/3/2016 tại Trung Quốc; chỉ đạo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thúc đẩy Ủy hội sông Mê Công quốc tế thống nhất các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm và đảm bảo dòng chảy về hạ du; có thư đề nghị Trung Quốc tăng cường xả nước từ các công trình thủy điện ở Vân Nam trong mùa khô năm 2016.
Chỉ đạo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia theo dõi sát diễn biến thời tiết; tăng cường dự báo, nhận định về khí tượng thủy văn, nguồn nước. Giao Cục Quản lý tài nguyên nước và Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Quốc gia sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, nhân lực, thiết bị để thực hiện tìm kiếm nguồn nước ngọt; hỗ trợ các tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng và Cà Mau, mỗi địa phương 500 triệu đồng.
Xây dựng tiểu Dự án “Đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước mặt tại ĐBSCL” thuộc Dự án Sinh kế bền vững cho vùng ĐBSCL với sự tài trợ của Ngân hàng thế giới. Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công” do Tư vấn quốc tế DHI của Đan Mạch thực hiện, kết thúc vào tháng 12/2015 tạo cơ sở khoa học để trao đổi với các quốc gia ven sông về kế hoạch xây dựng các công trình thuỷ điện dòng chính hướng tới sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mê Công.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế để giải quyết hài hòa các vấn đề về các công trình thủy điện trên dòng chính. Tiếp tục đưa vấn đề phát triển thuỷ điện dòng chính vào các thoả thuận cấp cao với Lào và Campuchia; huy động nguồn lực của quốc gia để tập trung đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp, ít nhất cũng bằng mức trung bình như chúng ta đã và đang làm như vậy khi vận hành các hồ trên lưu vực sông Sê San, Srêpôk để bảo đảm nguồn nước cho Campuchia. Đẩy mạnh công tác theo dõi, giám sát các tác động của thuỷ điện dòng chính thông qua mạng giám sát của Uỷ hội sông quốc tế; chủ động đối thoại với các nước bạn về kế hoạch và tình hình triển khai các công trình thuỷ điện dòng chính theo các kênh hợp tác đa phương và song phương; chủ động xây dựng Kế hoạch hành động thích ứng với các tác động; tăng cường hoạt động xây dựng các công cụ hỗ trợ ra quyết định như: tăng cường mạng theo dõi giám sát tác động trong nước; xây dựng cơ sở dữ liệu lưu vực; xây dựng các công cụ theo dõi, giám sát và đánh giá tác động…
Thành lập Ủy ban lưu vực sông Cửu Long để tăng cường công tác điều phối, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra trên đồng bằng nhằm giải quyết hài hòa, có hiệu quả, bền vững các vấn đề về tài nguyên nước giữa các bên liên quan, giữa thượng lưu, hạ lưu và giữa khai thác với bảo vệ. Tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước ĐBSCL, gắn với kịch bản BĐKH và các khuyến nghị của chuyên gia Hà Lan trong Kế hoạch châu thổ ĐBSCL. Rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, trên cơ sở khả năng thực tế của nguồn nước và những dự báo về biến động nguồn nước, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng theo các Kịch bản đã được công bố, nhất là những khuyến nghị của Hà Lan trong Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long.
219. Cử tri tỉnh Hà Nam kiến nghị: Cử tri đề nghị Nhà nước tổng rà soát, thanh kiểm tra, xử lý trách nhiệm các dự án có nguy cơ tới an ninh quốc phòng, các dự án vi phạm cam kết môi trường, khai thác khoáng sản trái phép...
Trả lời
Thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 2807/QĐ-BTNMT ngày 06/12/2016 về việc ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường đối với các dự án lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngày 02/11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 5141/BTNMT-TCMT về việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường năm 2017 gửi các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường năm 2017 trên cả nước, trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung vào các đối tượng gồm: các dự án, cơ sở do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường và đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và một số cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc các lĩnh vực: dệt nhuộm, sản xuất, chế biến và thuộc da, xi mạ, luyện kim và sản xuất thép, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, giấy và bột giấy, tinh bột sắn, sản xuất và chế biến cao su, chế biến thực phẩm mía đường, hóa chất....; các đối tượng có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày.đêm.
Ngày 25/11/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban Quyết định số 2704/QĐ-BTNMT về việc Phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2017 trong đó sẽ tập trung vào các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nêu trên, dự kiến Bộ sẽ triển khai thanh tra, kiểm tra ngay trong quý II năm 2017, tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Qua thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm về bảo vệ môi trường, sẽ xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trên cơ sở kết quả thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường và của các Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2017.
Ngày 30/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản, theo đó Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về khoáng sản, thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, các cơ sở chế biến có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ khâu hoàn thiện thể chế quản lý khoáng sản. Theo đó, đã đề xuất đưa nội dung công tác quản lý bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại Chương III Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản; hướng dẫn nội dung Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, quy định rõ trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu các địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép hoặc khai thác trái phép kéo dài mà không xử lý. Mặt khác, Bộ đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về khoáng sản; đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm của Bộ nội dung thanh tra, kiểm tra chuyên đề theo từng loại khoáng sản; thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân để xử lý đối với các hành vi gây tổn thất lớn khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; phối hợp với các địa phương trong việc nắm bắt thông tin, kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.
Về phía các địa phương, thời gian vừa qua đã tiến hành xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã; chủ động xây dựng cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở chung địa giới hành chính, đồng thời Ủy ban nhân dân các cấp cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn, nhờ đó, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đã giảm liên tục từ năm 2012 đến nay.
220. Cử tri tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị: Cử tri đề nghị Chính phủ kiểm tra, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu có đầu tư nguồn lực đề phòng chống hậu quả, nhất là đối với các tỉnh miền Trung.
Trả lời
Vùng Duyên Hải miền Trung là một trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai, hiểm họa tự nhiên như bão lũ, lụt...Đặc biệt dưới tác động của biến đổi khí hậu, các nguy cơ tiềm tàng này diễn biến bất thường và với cường độ mạnh hơn. Nhận thức được thách thức đặt ra, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nguồn lực hỗ trợ miền Trung phòng tránh, thích ứng và khắc phục các hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra.
- Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 407/TB-VPCP ngày 08/11/2013, trong năm 2014 Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, tổ chức Đoàn công tác gồm đại diện các bộ, ngành Việt nam và các đối tác phát triển quốc tế (như Ngân hàng Thế giới, cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản...) triển khai khảo sát, kiểm tra đột xuất các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu tại một tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long nhằm giám sát tiến độ, thẩm tra mục tiêu và kết quả ban đầu đạt được của các dự án đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm tính hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãnh phí, tiêu cực.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; trong đó tập trung vào nội dung “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”. Cụ thể như sau:
+ Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ chủ động ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, quản lý tài nguyên, khoáng sản và bảo vệ môi trường, bảo đảm lồng ghép các nội dung về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư. Xây dựng đề án và triển khai hiệu quả phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu theo tùng lĩnh vực. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phổ cập đến toàn dân về các phương án ứng phó và thích nghi từng cấp độ của quá trình tác động biến đổi khí hậu.
+ Tập trung xây dựng và hiện đại hóa hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống ngập úng đô thị và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; trong đó đặc biệt tập trung hoàn thành các dự án khắc phục hạn hán, xâm ngập mặn, nước biển dâng ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, các dự án cấp bách chống xâm ngập mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long. Kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia trong quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công. Triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu về phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng, phòng chống sa mạc hóa.
Trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai Kế hoạch thích ứng quốc gia và Đề án thích ứng với biến đổi khí hậu phát triển bền vững vùng Duyên hải miền Trung.
- Từ nay đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai “Chương trình mục tiêu Ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh” theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ với các mục tiêu cụ thể như sau:
+ Xây dựng 01 hệ thống giám sát biến đổi khí hậu, 01 giám sát, dự báo xâm nhập mặn thuộc Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn 2030 theo Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Xây dựng, nâng cấp từ 6 đến 10 công trình hồ, đập với dung tích 100 triệu m3 nhằm điều tiết lũ trong mùa mưa, chống hạn trong mùa khô ở các khu vực có mức độ hạn hạn gia tăng.
+ Xây dựng, ngâng cấp 200 km đê, kè sông, biển xung yếu ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống của trên 03 triệu dân ở những khu vực ven sông, ven biển.
+ Xây dựng 01 hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu và cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của quốc gia.
221. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri phản ánh tình trạng dự báo bão và thiên tai của các cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế, dự báo thiếu chính xác gây thiệt hại cho người dân, đặc biệt là trong nuôi, trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Cử tri đề nghị Nhà nước có chính sách đầu tư kinh phí nâng cấp trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn các cơ quan này để hoạt động chất lượng hiệu quả hơn.
Trả lời
1. Thực trạng công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn (KTTV) tại Việt Nam và trên thế giới
Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều loại thiên tai nhất ở Châu Á, bao gồm tất cả các loại thiên tai vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc, nắng nóng, rét đậm, rét hại, gió mạnh, sóng lớn, sương mù... Những năm gần đây, biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm cho các hiện tượng KTTV nguy hiểm ở nước ta xuất hiện với tần xuất ngày càng nhiều hơn, cường độ ngày càng khốc liệt, với diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường ở hầu khắp mọi vùng, miền trên cả nước.
Trong những năm qua, Nhà nước đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho ngành KTTV để phục vụ công tác dự báo KTTV. Về cơ bản, các hoạt động cảnh báo, dự báo KTTV đã đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra. Độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được nâng cao hơn, cụ thể như sau:
- Về dự báo, cảnh báo bão: Các cơn bão đều được theo dõi sát và phát tin dự báo từ rất sớm (khi bão còn ở vùng biển phía Đông Philippin hoặc khi còn là vùng áp thấp trên Biển Đông). Sai số dự báo vị trí bão trước 24, 48 và 72 giờ lần lượt trong khoảng 100km, 180km và 280km; sai số dự báo cường độ bão trước 24 và 48 giờ lần lượt là 1-2 cấp và 2-3 cấp (dự báo của Hồng Kông lần lượt là 125, 250, 350km).
- Dự báo, cảnh báo mưa lớn: Có khả năng dự báo, cảnh báo sớm được các đợt mưa lớn xảy ra trên diện rộng với thời hạn trước 2-3 ngày, một số trường hợp trước 5-7 ngày với độ tin cậy khoảng 75% (3/4 số lần cảnh báo đúng). Tuy nhiên, dự báo lượng mưa cực trị cho khu vực mưa cụ thể vẫn là một thách thức của khoa học dự báo; đối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông mới chỉ có khả năng cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ.
- Dự báo, cảnh báo rét đậm, rét hại gây ra bởi không khí lạnh: Cảnh báo sớm các đợt không khí lạnh gây rét đậm, rét hại với thời hạn trước 2-3 ngày với độ tin cậy 80-90%. Cảnh báo trước 5-10 ngày các đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm có độ tin cậy khoảng 65-70%.
- Dự báo, cảnh báo các đợt nắng nóng diện rộng: Cảnh báo trước các đợt nắng nóng diện rộng trước từ 2-3 ngày có độ tin cậy 70%, cảnh báo thời điểm kết thúc các đợt nắng nóng diện rộng có độ chính xác từ 80-90%.
- Các loại hình thiên tai khác như lốc, sét, mưa đá,… là những hiện tượng xảy ra ở quy mô nhỏ, thời gian xảy ra rất nhanh nên chỉ có thể đưa ra cảnh báo khả năng xuất hiện trên vùng rộng, khu vực chi tiết chỉ cảnh báo trước được từ 30 phút đến 1 giờ, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở khu vực có phủ sóng ra đa thời tiết.
- Dự báo, cảnh báo thủy văn: Dự báo thủy văn hạn ngắn đạt từ 80-85%, hạn vừa đạt từ 75-80%; dự báo, cảnh báo đỉnh lũ với mức đảm bảo từ 70-80%. Dự báo, cảnh báo lũ, hạn hán, xâm nhập mặn từng bước được cải tiến và nâng cao chất lượng, hạn dự báo đối với đỉnh lũ trên các sông, nhất là các sông ở vùng núi và miền Trung, Tây Nguyên đã được kéo dài hơn với độ chính xác cao hơn.
Đặc biệt, trong năm 2016 là năm có rất nhiều loại hình thiên tai hoạt động bất thường, phức tạp, Trung tâm KTTV quốc gia đã dự báo sát với thực tế, thông tin cụ thể đến các cấp phòng chống, thiên tai và người dân. Tiêu biểu có thể kể đến việc dự báo tốt các đợt mưa lớn liên tiếp gây ra 5 đợt lũ trên báo động cấp 3, xấp xỉ lũ lịch sử kéo dài nhiều ngày liên tục và gây ngập lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Trung Bộ.
2. Những hạn chế trong công tác dự báo thiên tai
Thời gian qua, công tác dự báo có một số hạn chế. Những hạn chế này có thể do những nguyên nhân khách quan và chủ quan sau:
- Tại các nước tiên tiến trên thế giới như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... mạng lưới ra đa thời tiết, hệ thống quan trắc tự động dày đặc, phủ kín lãnh thổ, thu thập các dữ liệu thông qua cảm biến được gắn trên các thiết bị như: máy bay, phao cứu sinh trên biển, khí cầu, vệ tinh... Số liệu liên tục được truyền về hệ thống thông qua mạng internet hoặc vệ tinh với tần suất 1 phút/1 lần hoặc 10 phút/1 lần tùy theo nhu cầu về sử dụng số liệu. Quá trình giải mã, phân tích cũng được siêu máy tính thực hiện, các dự báo viên chỉ là người tiếp nhận các kết quả và đưa ra quyết định. Tại Việt Nam, các trạm KTTV tự động, yếu tố đo được tự động hóa như: Mưa, gió trên mạng lưới có thể truyền số liệu về Trung ương qua hệ thống internet, GPRS, SMS hoặc vệ tinh với tần suất theo nhu cầu về sử dụng số liệu. Tuy nhiên, do số lượng trạm KTTV tự động còn ít nên nguồn số liệu tự động vẫn còn hạn chế. Đối với các trạm KTTV quan trắc truyền thống, số liệu quan trắc theo quy định có thể 6 giờ/lần, 3 giờ/lần hoặc thậm chí 30 phút/lần khi có hiện tượng thời tiết, thủy văn nguy hiểm. Số liệu từ các trạm quan trắc truyền thống được chuyển về Trung ương qua internet hoặc điện thoại. Do đó, việc cập nhật nguồn số liệu từ các trạm truyền thống ít hơn về tần suất và chậm hơn so với các trạm tự động. Khi tiếp nhận được thông tin điện báo truyền về, hệ thống sẽ giải mã sẽ cập nhật dữ liệu đưa vào mô hình dự báo, dự báo viên sẽ phân tích và đưa ra các cảnh báo dựa trên số liệu nhận được. Thêm vào đó, để tăng xác suất dự báo, số liệu quan trắc của từng quốc gia sẽ được đưa vào mô hình để đồng hóa các số liệu cho phù hợp, công đoạn này ở nước ta đang được thực hiện bán tự động.
- Ở Việt Nam, mạng lưới quan trắc KTTV còn thưa nên việc quan trắc thu thập số liệu KTTV trên toàn lãnh thổ chưa được đầy đủ, đặc biệt là thiếu số liệu quan trắc trên biển. Do vậy, mặc dù đã có một số mô hình hiện đại trên thế giới, nhưng kết quả dự báo ở các mô hình vẫn chưa đủ độ tin cậy do thiếu số liệu đầu vào. Ngoài số liệu quan trắc, Trung tâm KTTV quốc gia đã dùng kết hợp các phương pháp khác để hỗ trợ và dự báo như ảnh vệ tinh, ra đa thời tiết...
- Các thiết bị quan trắc KTTV tự động, bán tự động và thủ công đan xen nhau, thiếu đồng bộ đã ảnh hưởng tới quá trình truyền số liệu, thu thập số liệu phục vụ dự báo, cảnh báo KTTV.
- Hệ thống xử lý số liệu để đưa ra các bản tin dự báo đòi hỏi hệ thống máy tính hiệu năng cao, nhân lực có trình độ kỹ thuật, nguồn số liệu đầy đủ, trong khi hạ tầng cơ sở ở nước ta cũng như nguồn số liệu quan trắc còn nhiều hạn chế, hệ thống máy tính hiệu năng cao hiện có không đủ mạnh để xử lý khối lượng tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dự báo bão.
- Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm hành lang an toàn kỹ thuật trạm KTTV vẫn tiếp diễn. Ý thức người dân chưa cao nên việc bảo vệ thiết bị quan trắc tự động gặp nhiều khó khăn, dễ xảy ra mất mát, hư hỏng thiết bị.
3. Các giải pháp để nâng cao chất lượng dự báo bão
Nhằm nâng cao năng lực công tác dự báo KTTV nói chung và dự báo bão nói riêng, Trung tâm KTTV quốc gia tập trung vào các giải pháp sau:
- Rà soát, đánh giá lại công nghệ dự báo bão hiện có và nâng cao năng lực khoa học công nghệ trong dự báo bão bằng các mô hình hiện đại với hệ thống siêu máy tính để có nhiều hơn các sản phẩm dự báo với chất lượng tốt hơn hiện nay khi bão vào Biển Đông. Đồng thời triển khai xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam.
- Tiếp tục đầu tư xây dựng các hệ thống hỗ trợ kỹ thuật, phát triển công nghệ dự báo số (digital forecasting) để tăng cường năng lực dự báo từ hạn cực ngắn đến hạn dài. Xây dựng hệ thống mô hình khu vực phân giải cao (có thể đến 1-2km) cũng như hệ thống tổ hợp cho bài toán dự báo hạn ngắn (12-72h) và hạn vừa (3-7 ngày), đồng hóa số liệu từ nguồn số liệu từ ra đa thời tiết, vệ tinh, trạm thám không vô tuyến, phục vụ dự báo thời tiết, dự báo lũ cực ngắn, dự báo thuỷ văn, ngập úng đô thị, dự báo hải văn, nâng chất lượng dự báo tương đương các nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á (Malaisia, Thái Lan và Singapore).
- Triển khai xây dựng và đưa vào dự báo nghiệp vụ mô hình dự báo bão chuyên dụng của Việt Nam.
- Cải tiến nội dung các bản tin dự báo bão theo hướng chi tiết, rõ ràng, và dễ hiểu hơn để phục vụ người dân, công đồng.
- Đầu tư "siêu máy tính" để có đủ năng lực đồng hoá số liệu, tính toán đối với các mô hình khí tượng với độ phân giải cao hoặc mô hình chuyên dụng dự báo bão.
- Ưu tiên hiện đại hóa hệ thống radar Doppler trên toàn quốc.
- Tăng cường số liệu bão trên biển với hệ thống các trạm phao, lắp đặt các trạm đo trên giàn khoan, cột BTS của các mạng viễn thông, các trạm đo mưa tự động trên khu vực có địa hình phức tạp, các trạm quan trắc cao không, ra đa. Trong tương lai, xem xét đến khả năng bay thám sát bão bằng máy bay nhằm xác định vị trí, cường độ, tốc độ, hướng di chuyển của bão chính xác hơn.
- Phát triển và hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc, thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp tư liệu KTTV từ cấp Trung ương tới địa phương.
- Phát triển mô hình nhóm dự báo khu vực của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) ở Việt Nam nhằm nâng cao năng lực và hỗ trợ các Đài KTTV khu vực. Tổ chức các tổ công tác chuyên biệt nhằm đánh giá các công nghệ dự báo, hỗ trợ ứng dụng các sản phẩm, công nghệ dự báo hiện đại nhất của các nước trên thế giới, trên cơ sở kết quả đánh giá có thể đề xuất phương án tự phát triển hay nhập trọn gói công nghệ dự báo KTTV để ứng dụng trong điều kiện thực tế của Việt Nam.
4. Các chính sách đầu tư kinh phí nâng cấp trang thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn
- Chính sách đầu tư kinh phí nâng cấp trang thiết bị, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Nhà nước, của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang chú trọng đầu tư cho ngành KTTV để thực hiện hiện đại hoá ngành KTTV thông qua các dự án đầu tư từ nguồn vốn trong nước và vốn nước ngoài (vốn ODA) nhằm tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ yêu cầu phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Mạng lưới trạm KTTV ngày càng được mở rộng, phát triển với 194 trạm khí tượng bề mặt (có 63 trạm khí tượng tự động), 755 điểm đo mưa (trong đó có 475 trạm tự động), 354 trạm thủy văn (156 trạm đo mực nước tự động, 24 trạm hải văn, 07 trạm ra đa thời tiết, 06 trạm vô tuyến thám không, 08 trạm đo gió trên cao bằng máy kinh vĩ quang học, 02 trạm thu ảnh vệ tinh phân giải cao. Đặc biệt đã xây dựng được một số hệ thống quan trắc và truyền số liệu tự động hoàn chỉnh để làm cơ sở cho việc tự động hoá toàn bộ mạng lưới quan trắc KTTV (mạng lưới 12 trạm khí tượng tự động, 89 trạm mực nước kèm theo đo mưa tự động lắp đặt tại khu vực Nam Bộ; mạng lưới 16 trạm khí tượng tự động, 01 trạm khí tượng hải văn tự động, 42 trạm thủy văn tự động, 15 trạm đo mưa tự động lắp đặt cho khu vực Trung Trung Bộ; mạng lưới 353 điểm đo mưa tự động lắp đặt tại 54 tỉnh thuộc 9 Đài KTTV khu vực trên phạm vi cả nước).
+ Công nghệ truyền tin đã có bước tiến nhảy vọt, chuyển dần sang việc truyền tin tự động, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; đã triển khai các giải pháp giám sát, thu nhận, giải mã thông tin KTTV từ các trạm quan trắc về đơn vị xử lý, quản lý dữ liệu của Trung tâm; hệ thống tích hợp thông tin hỗ trợ công tác dự báo, các phần mềm xử lý thông tin phục vụ công tác dự báo, công tác tư liệu KTTV và tăng cường năng lực điều tra cơ bản. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chú trọng chuẩn hóa định dạng dữ liệu đo đạc tại các trạm truyền tin; lựa chọn công nghệ truyền thích hợp, xử lý số liệu, lưu trữ và khai thác hiệu quả nguồn số liệu thu thập. Cung cấp sản phẩm có chất lượng và độ tin cao tới cộng đồng với thời gian nhanh nhất có thể. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho hệ thống thông tin chuyên ngành, phát triển và hiện đại hoá hệ thống thông tin liên lạc, thu nhận, xử lý, lưu trữ và cung cấp số liệu tài nguyên môi trường từ cấp Trung ương tới địa phương. Song song với đó là đồng bộ hóa hệ thống thông tin theo hướng tự động hóa nhằm tích hợp được số liệu giữa các trạm, phục vụ hiệu quả công tác.
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia đã và sẽ tiếp tục tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ để thực hiện Chiến lược phát triển ngành KTTV trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung được quy định tại Luật KTTV đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2015, đó là: Thực hiện các dự án lớn thuộc Đề án Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc KTTV, giai đoạn 2010-2012; thực hiện các dự án ODA, vay vốn Ngân hàng thế giới, chính phủ Italia …; thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới trạm KTTV theo quy hoạch tại Quyết định số 16/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV phục vụ yêu cầu phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
+ Tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030" của Thủ tướng Chính phủ, theo đó sẽ xây dựng 1.545 trạm quan trắc KTTV, 6.347 điểm quan trắc KTTV tự động và 1.557 công trình quan trắc nhằm phục vụ hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu. Hợp tác với Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel xây dựng Đề án để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó đầu tư mới 367 trạm khí tượng tự động, 3.829 điểm đo mưa tự động theo Quy hoạch được phê duyệt tại Quyết định số 90/QĐ-TTg; phối hợp với Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam để xây dựng hệ thống mạng lưới trạm định vị toàn cầu lồng ghép vào nhà trạm KTTV.
- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ chuyên môn:
+ Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm KTTV quốc gia sẽ chú trọng đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và học tập kinh nghiệm các nước tiên tiến qua các hình thức: Tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế với các quốc gia có nền khoa học, công nghệ tiên tiến về KTTV phát triển nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận công nghệ cao và đào tạo nguồn lực; thúc đẩy cơ chế hợp tác đối tác và hợp tác chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm thay cho việc thuần túy hợp tác tiếp nhận; tăng cường hợp tác mời các dự báo viên cao cấp ở ngoài nước hợp tác trực tiếp làm việc và trao đổi nghiệp vụ tại các phòng dự báo tác nghiệp của Việt Nam trong thời gian từ 3-6 tháng.
+ Tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của dự báo viên ở Trung ương, các Đài KTTV khu vực và đặc biệt là ở các Đài KTTV tỉnh khu vực ven biển nhằm phục vụ tốt hơn cho các địa phương thường xuyên có bão và các loại thiên tai khác. Xây dựng cơ chế đặc thù khuyến khích và thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao công tác trong ngành khí tượng thủy văn.
+ Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền về bão và các hiện tượng nguy hiểm kèm theo bão qua việc phát triển các kênh truyền thông của KTTV (như truyền hình, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, phát hành các tờ rơi...) đến các đối tượng sử dụng bản tin bão như: Các cơ quan, cán bộ làm công tác chỉ đạo phòng chống bão, các phóng viên báo chí, nhân dân được hiểu đúng và sử dụng hiệu quả các bản tin dự báo bão.
[1] Hiện nay, Dự án “Nhà máy điện Quảng Trị 1” áp dụng công nghệ nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, công suất 2x660 MW, thông số hơi siêu siêu tới hạn với nhiên liệu chính là than, nhiên liệu phụ là dầu DO được sử dụng để khởi động và đốt phụ ở chế độ tải thấp.
[2] Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam).
[3] (Thông tư số 10/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 18/2016/TT-BTNMT ngày 25/7/2016 quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên, hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT ngày 25/8/2016 quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Thông tư số 26/2016/TT-BTNMT ngày 29/9/2016 quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 27/2016/TT-BTNMT ngày 29/9/2016 quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển).
[4] Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 về kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2013); Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quản lý Tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2295/QĐ-TTg ngày 17 tháng 12 năm 2014).
[5] Quyết định số 3118/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2016.
[6] Quyết định số 1176/QĐ-BTNMT ngày 25/5/2016.
[7] Quyết định số 3118/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2016.
[8] Quyết định số 1176/QĐ-BTNMT ngày 25/5/2016.
[9] Quyết định số 3118/QĐ-BTNMT ngày 30/12/2016.
[10] Quyết định số 1176/QĐ-BTNMT ngày 25/5/2016.
[11] Bao gồm: QCVN về công nghiệp lọc hóa dầu đối với bụi và các chất vô cơ; QCVN về dung dịch khoan và mùn khoan thải từ các công trình dầu khí trên biển; QCVN về nước khai thác thải ra từ các công trình dầu khí trên biển; QCVN về nước thải của kho và cửa hàng xăng dầu; QCVN về nước thải công nghiệp; QCVN về nước thải y tế; QCVN về tiếng ồn; QCVN về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.
[12] Bao gồm: QCVN 28:2010/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế; QCVN 02:2012/BTNMT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn y tế; QCVN 07:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại; QCVN 55/2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị hấp chất thải lây nhiễm.
[13] Bao gồm: Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị vi sóng xử lý chất thải lây nhiễm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chôn lấp chất thải y tế nguy hại; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xử lý chất thải lây nhiễm bằng phương pháp vi sinh, hóa chất.
[14] Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21/5/2014 quy định việc giao các khu vực biển nhát định cho tổ chức, cá nhân khi thác, sử dụng tài nguyên biển; Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định 41/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết việc cấp phép cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam).
[15] Thông tư số 10/2016/TT-BTNMT ngày 16/5/2016 quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 18/2016/TT-BTNMT ngày 25/7/2016 quy định chi tiết về hồ sơ tài nguyên, hải đảo, hướng dẫn việc lập và quản lý hồ sơ tài nguyên hải đảo; Thông tư số 20/2016/TT-BTNMT ngày 25/8/2016 quy định về xây dựng, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; Thông tư số 26/2016/TT-BTNMT ngày 29/9/2016 quy định chi tiết tiêu chí phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 27/2016/TT-BTNMT ngày 29/9/2016 quy định chi tiết bộ chỉ số và việc đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển).
[16] Quyết định số 798/QĐ-TTg ngày 11/5/2016 về kế hoạch thực hiện Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 914/QĐ-TTg ngày 27/5/2016 về phê duyệt Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quản lý Tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 .