6. Ủy ban Tài chính Ngân sách

24/05/2017 14:21

1. Cử tri các tỉnh Đồng Nai, TP. HCM, Gia Lai, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ kiến nghị: Cử tri kiến nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan, từ đó kịp thời đề ra các giải pháp điều chỉnh, khắc phục, tránh xảy ra tình trạng mất cân đối, gây vỡ nợ, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và đời sống của Nhân dân, thông tin kết quả cho cử tri được biết.

Trả lời: (Tại Công văn số 396/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nội dung giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Năm 2016, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức đoàn giám sát tại một số bộ ngành và địa phương về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban TCNS đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công, quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 trong đó xác định rõ các chỉ tiêu giới hạn nợ công như: nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP…

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba và thông qua vào kỳ họp thứ Tư. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật quản lý nợ công và kết quả giám sát trong thời gian qua, Ủy ban TCNS đang phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để tổ chức thẩm tra, báo cáo Quốc hội về Dự án luật này nhằm khắc phục những hạn chế của Luật quản lý nợ công hiện hành, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc vay, phân bổ và sử dụng vốn vay, đảm bảo quản lý nợ công hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần an toàn, lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ tiếp tục triển khai và đề xuất tăng cường công tác giám sát về nợ công, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đảm bảo thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn chỉnh dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.

2. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Cử tri phản ánh, thời gian qua công tác kiểm soát chất lượng văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương ban hành chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng văn bản ban hành và áp dụng trái quy định pháp luật, đến khi các cơ quan báo chí, các chuyên gia phát hiện văn bản vi phạm thì cơ quan ban hành mới cho dừng thi hành, sửa đổi, hủy bỏ và rút kinh nghiệm gây tốn kém nguồn ngân sách nhà nước. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát việc sử dụng ngân sách nhà nước trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 2010-2016, xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan để xảy ra tình trạng văn bản ban hành và áp dụng trái quy định pháp luật dẫn đến phải hủy bỏ hoặc sửa đổi.

Trả lời: (Tại Công văn số 395/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Trong thời gian qua, nội dung giám sát này đã được Ủy ban TCNS triển khai thực hiện thông qua nghiên cứu, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành về lĩnh vực tài chính, NSNN, tổ chức đoàn công tác đến làm việc với các bộ, ngành về các nội dung liên quan đến ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, các văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi,... Thông qua các cuộc làm việc, giám sát, Ủy ban đã chỉ ra một số quy định ban hành chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chưa đúng thẩm quyền,... Đồng thời, tại các nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN hàng năm, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước trong đó có kiến nghị về việc bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật trái quy định, không phù hợp với thực tiễn. Trong thời gian tới, Ủy ban sẽ tăng cường hơn nữa giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách và việc quản lý, sử dụng NSNN trong xây dựng, ban hành văn bản.

3. Cử tri các tỉnh An Giang, Bà Rịa – Vũng tàu kiến nghị: Cử tri đề nghị tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ việc kiểm toán dự án các công trình do nhà nước đầu tư đảm bảo chất lượng, nhất là tránh việc thất thoát tiền hàng tỷ đồng của ngân sách nhà nước như đã xảy ra trong thời gian qua.

Trả lời: (Tại Công văn số 388/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Việc kiểm toán các công trình do nhà nước đầu tư là rất quan trọng. Vì vậy, hàng năm, Thường trực Ủy ban TCNS đều tổ chức các phiên họp Thường trực Ủy ban, toàn thể Ủy ban để xem xét, cho ý kiến và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội vào kỳ họp cuối năm, tham mưu cho Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản đề nghị Kiểm toán nhà nước bổ sung vào kế hoạch kiểm toán các nội dung quan trọng, đang được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, trong đó có các nội dung liên quan đến việc kiểm toán các công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công.

Trong những năm vừa qua, KTNN đã tiến hành kiểm toán nhiều chuyên đề về đánh giá tình hình quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và đã công khai kết quả kiểm toán theo quy định. Nhiều dự án, công trình có sai phạm, thất thoát, lãng phí lớn được phát hiện qua kiểm toán đã được Ủy ban TCNS đưa vào báo cáo thẩm tra và công khai trên diễn đàn Quốc hội.

Để tăng cường công tác giám sát, quản lý, Thường trực Ủy ban TCNS sẽ kiến nghị để KTNN tiếp tục tăng cả về số lượng và quy mô kiểm toán đối với các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN, các dự án đầu tư theo hình thức BOT, công khai kịp thời Báo cáo kiểm toán các dự án, công trình để xảy ra thất thoát, lãng phí lớn.

4. Cử tri tỉnh An Giang kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát chặt chẽ việc quản lý điều hành về thu chi ngân sách hàng năm. Trong báo cáo của Chính phủ về tình hình chi ngân sách vượt xa so với Nghị quyết của Quốc hội, chi thường xuyên năm sau cao hơn trước, nhưng chi đầu tư phát triển năm sau thấp hơn năm trước. Đặc biệt cần giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" trong việc mua sắm xe ngoại.

Trả lời: (Tại Công văn số 394/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Nội dung cử tri nêu cũng là một trong những tồn tại, hạn chế trong thực hiện dự toán NSNN những năm vừa qua. Để khắc phục tình trạng này, Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2017 đã nhấn mạnh: “Điều hành chi NSNN theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm…”. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấp hành nghiêm dự toán đã được Quốc hội quyết định. Trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ chú trọng giám sát việc thực hiện theo dự toán của các Bộ, ngành, địa phương,

bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của Luật NSNN và các nghị quyết của Quốc hội.

Về việc giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” trong việc mua sắm xe ngoại: Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN đã quy định rõ cần hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; khuyến khích mở rộng việc thực hiện khoán xe công đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm. Tuy nhiên, để bảo đảm quy định được thực thi nghiêm túc, Quốc hội sẽ chú trọng hơn trong giám sát việc mua sắm xe công, bảo đảm việc mua sắm đúng định mức, ưu tiên mua sắm đối với các sản phẩm sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam theo đúng chủ trương “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

5. Cử tri tỉnh Gia Lai kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát Chính phủ trong việc thực hiện công khai, minh bạch và sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước từ tiền thuế của nhân dân.

Trả lời: (Tại Công văn số 393/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, tại khoản 1 Điều 8 về Nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước có nêu: “Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp”; đồng thời tại Điều 15 cũng đã quy định rõ về nội dung Công khai ngân sách nhà nước gồm: Dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân; dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định; báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước; quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn; dự toán, tình hình thực hiện, quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn ngân sách nhà nước... Nội dung công khai gồm các báo cáo, thuyết minh, số liệu. Các phương tiện công khai như: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên trang thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Hàng năm, Ủy ban TCNS đều tổ chức giám sát việc chấp hành dự toán NSNN, quyết toán NSNN và đã kiến nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các quy định của Luật NSNN. 

Tiếp thu ý kiến của cử tri và tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát đã được triển khai trong nhiều năm qua, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ tăng cường hơn nữa giám sát đối với việc công khai, minh bạch và hiệu quả trong quản lý, sử dụng NSNN.

6. Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội khi xem xét thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp cần quan tâm xác định rõ đối tượng được miễn, giảm. Hiện tại, nhiều nông dân sang chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các hộ cá thể khác, doanh nghiệp, công ty, nếu như miễn, giảm thì “chủ mới” sẽ hưởng lợi.

Trả lời: (Tại Công văn số 387/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV, sau khi xem xét Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban TCNS, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, ngày 11 tháng 11 năm 2016, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 28/2016/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết  số 55/2010/QH12 về miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tại khoản 3 Điều 2 Nghị quyết số 28/2016/QH14 đã quy định: Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương rà soát, chấn chỉnh, thực hiện thu hồi đất nông nghiệp do vi phạm pháp luật đất đai theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Theo đó, Luật Đất đai quy định trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích khi được Nhà nước giao đất hoặc không sử dụng đất được giao trong thời hạn quy định thuộc các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai và sẽ bị thu hồi đất. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm quy định của Luật đất đai, xây dựng lộ trình và quy định mốc thời gian giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất sai mục đích, để hoang hóa đất nông nghiệp, kiên quyết thu hồi và áp dụng các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật đối với diện tích đất bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, chuyển nhượng trái phép gây lãng phí nguồn lực nhà nước.

7. Cử tri tỉnh Quảng Ninh kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội sớm thông qua Kế hoạch chi ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020 của Nhà nước để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Trả lời: (Tại Công văn số 392/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết số 26/2016/QH14 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước tối đa là 2.000.000 tỷ đồng, bao gồm: Vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng, gồm vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng, trong đó phát hành 260.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ (bao gồm 60.000 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 chuyển sang), tiền bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250.000 tỷ đồng; và Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết này Quốc hội cũng giao Chính phủ rà soát, khẩn trương hoàn thiện Danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Các dự án trong Danh mục bố trí kế hoạch đầu tư trung hạn phải đáp ứng đầy đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Mức vốn bố trí cho từng dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư, tuân thủ nghiêm túc mục tiêu, định hướng, nguyên tắc, thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương tuân thủ nhiêm túc các nguyên tắc, tiêu chí đề ra đã xây dựng phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 cho các dự án trình Chính phủ báo cáo UBTVQH phê duyệt tại phiên họp tháng 2/2017. Với các bộ, ngành và địa phương có các dự án chưa tuân thủ các quy định của những văn bản nêu trên, tạm dừng việc phân bổ vốn, đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh để bảo đảm các dự án này tuân thủ đúng quy định trong phân bổ kế hoạch vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4-2017.

8. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Đối với dự án luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi), cử tri đề nghị Quốc hội nâng cao vai trò giám sát cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, quy định trách nhiệm và chế tài xử lý rõ ràng đối với người đứng đầu cơ quan , đơn vị được Nhà nước giao quản lý , sử dụng, khai thác tài sản để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công ở cơ quan, đơn vị.

Trả lời: (Tại Công văn số /UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Luật quản lý, sử dụng tài sản công đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV và đang trong quá trình tiếp thu ý kiến của Đại biểu quốc hội, cử tri cả nước để hoàn thiện trình  Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.  Việc sửa đổi Luật hướng tới mục tiêu phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; đồng thời, cụ thể hóa phạm vi tài sản công theo Điều 53 Hiến pháp, quy định chế độ quản lý, sử dụng và xác định vai trò của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đối với tài sản công. Tạo cơ sở pháp lý để quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm tài sản công; ngăn chặn lãng phí, tham nhũng; khai thác tài sản công hợp lý, hiệu quả gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công để tạo lập nguồn lực tài chính đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội..

Theo đó, nhiều nội dung liên quan đến việc kiểm tra, giám sát đã được dự thảo theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể. Trong báo cáo thẩm tra trình Quốc hội, Ủy ban TCNS đề nghị cần bổ sung quy định về giám sát của cộng đồng đối với tài sản công thông qua hoạt động giám sát của người dân và các cơ quan truyền thông đối với việc quản lý, sử dụng tài sản công để tăng cường tính minh bạch, hiệu quả. Đối với việc xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công, dự thảo Luật quy định các hành vi gây thiệt hại về tài sản công thì phải bồi hoàn cho Nhà nước. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công còn bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải trình và phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến cử tri, Ủy ban TCNS sẽ phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát các quy định trong Dự thảo luật làm rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời sẽ chú trọng hơn nữa tới  những quy định cụ thể hoạt động giám sát,  nâng cao vai trò giám sát cộng đồng trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.

9. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát nợ công và các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, FDI.

Trả lời: (Tại Công văn số 390/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nội dung giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Để cung cấp thông tin cho Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA. Năm 2016, Ủy ban TCNS đã tổ chức Hội nghị giải trình về vấn đề nợ công và quản lý nợ công ở Việt Nam. Năm 2016, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức đoàn giám sát tại một số bộ ngành và địa phương về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công.

Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban TCNS đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công, quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 trong đó xác định rõ các chỉ tiêu giới hạn nợ công như: nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP…

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba và thông qua vào kỳ họp thứ Tư. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật quản lý nợ công và kết quả giám sát trong thời gian qua, Ủy ban TCNS đang phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để tổ chức thẩm tra, báo cáo Quốc hội về Dự án luật này nhằm khắc phục những hạn chế của Luật quản lý nợ công hiện hành, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc vay, phân bổ và sử dụng vốn vay, đảm bảo quản lý nợ công hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần an toàn, lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ tiếp tục triển khai và đề xuất tăng cường công tác giám sát về nợ công, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đảm bảo thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời đề xuất giải pháp hoàn chỉnh dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi), góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.

10. Cử tri các tỉnh Nghệ An, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Đề nghị Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, từ đó kịp thời đề ra các giải pháp điều chỉnh, khắc phục, tránh để xảy ra tình trạng mất cân đối, gây vỡ nợ, làm ảnh hưởng xấu tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và đời sống của nhân dân, thông tin kết quả cho cử tri được biết.

Trả lời: (Tại Công văn số 393/UBTCNS14 ngày 8/3/2017)

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), các cơ quan của Quốc hội đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát, trong đó đặc biệt chú trọng tới các nội dung giám sát trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, bao gồm cả các vấn đề về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA.

Năm 2016, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã tổ chức đoàn giám sát tại một số bộ ngành và địa phương về tình hình huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công. Thông qua hoạt động giám sát, Ủy ban TCNS đã chỉ rõ các tồn tại, hạn chế trong huy động, quản lý, sử dụng nợ công, quản lý các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn vay và đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XIV khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 trong đó xác định rõ các chỉ tiêu giới hạn nợ công như: nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP…

Theo chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh, dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XIV xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ Ba và thông qua vào kỳ họp thứ Tư. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật quản lý nợ công và kết quả giám sát trong thời gian qua, hiện nay, Ủy ban TCNS đang phối hợp với cơ quan soạn thảo tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về Dự án luật này nhằm khắc phục những hạn chế của Luật quản lý nợ công hiện hành, đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc vay, phân bổ và sử dụng vốn vay, đảm bảo quản lý nợ công hiệu quả, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế, góp phần an toàn, lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong thời gian tới, Ủy ban TCNS sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, đề xuất để Quốc hội, UBTVQH tổ chức các đoàn giám sát về nợ công, giám sát các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA, đảm bảo thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Quốc hội, kịp thời phát hiện các sai phạm, vướng mắc để đề xuất giải pháp tháo gỡ, góp phần nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính, ổn định kinh tế vĩ mô.

 

 

Ban Dân nguyện