Hướng dẫn sử dụng cổng thông tin Quốc Hội

26/11/2013

Sơ lược về lịch sử Quốc hội?

Ngày 16-8-1945 được coi là ngày khai sinh ra Quốc hội Việt Nam. Vào ngày này, “Đại hội đại biểu Quốc dân” – Một đại hội mang tầm vóc của một Quốc hội lâm thời đã được triệu tập tại Tân Trào (Tuyên Quang). Đại hội đã ra lời kêu gọi nhân dân cả nước đứng lên giành chính quyền, bầu Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) và tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng 8-1945.

Sau mấy tháng nước ta giành được độc lập, ngày 6-1-1946 cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức trong cả nước. Tất cả công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo… đã tham gia cuộc Tổng tuyển cử, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội.

Tổng tuyển cử mở ra một thời kỳ mới, lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Một nhà nước dân chủ, thực sự của dân, do dân và vì dân. Tổng tuyển cử đã bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước ta – Quốc hội khóa I, với 403 đại biểu, gồm 333 đại biểu được bầu và 70 đại biểu được chỉ định từ 2 đảng là Việt Cách (Việt Nam Cách mạng đồng minh hội) và Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân đảng).

Kể từ khóa Quốc hội đầu tiên đến nay, Quốc hội đã trải qua 12 nhiệm kỳ.

Quốc hội hiện nay là Quốc hội khóa XII, được toàn dân bầu ra năm 2007, gồm 493 đại biểu.

 

Tại sao Quốc hội quan trọng?

Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra. Bạn và tôi cùng với cử tri cả nước thông qua bầu cử, lập nên Quốc hội như một “diễn đàn” lớn nhất, ở tầm quốc gia để bàn luận và quyết định những vấn đề hệ trọng nhất của đất nước.

Đại biểu Quốc hội đại diện cho lợi ích của tôi, của bạn và của nhân dân cả nước. Do vậy, Quốc hội của chúng ta như “đầu dây thần kinh” kết nối các lợi ích trong xã hội. Lợi ích của bạn, của tôi, của cử tri và các nhóm dân cư trong xã hội vì thế sẽ được đại biểu Quốc hội thể hiện vào các quyết sách của Quốc hội. Thông qua Quốc hội, những quyết sách hệ trọng của đất nước đáp ứng được nguyện vọng và mong mỏi của đa số nhân dân.

Quốc hội có 3 chức năng quan trọng:

1- Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp;

2- Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân;

3- Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Quốc hội gồm những cơ quan nào?

Với một số lượng lớn và cơ cấu đa dạng các đại biểu, để thực hiện tốt các công việc, ngoài hoạt động của Quốc hội với nghĩa toàn thể các đại biểu Quốc hội, Quốc hội còn tổ chức và thành lập các cơ quan: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội để thực hiện các công việc của Quốc hội.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội

Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII bao gồm 18 thành viên, trong đó có Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch, và 13 Uỷ viên (Chủ tịch Hội đồng dân tộc, 9 vị Chủ nhiệm của 9 ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Trưởng ban Công tác đại biểu, và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

Ủy ban thường vụ Quốc hội họp thường kỳ mỗi tháng một lần.

Ngoại trừ một số phiên họp kín, các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Chủ tịch Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội chủ tọa các phiên họp của Quốc hội; ký chứng thực luật, nghị quyết của Quốc hội; lãnh đạo công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; tổ chức việc thực hiện quan hệ đối ngoại của Quốc hội; giữ quan hệ với các đại biểu Quốc hội.

Giúp việc cho Chủ tịch Quốc hội có các Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng thời là các Phó Chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội, được phân công đảm nhiệm các phần việc của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội

Quốc hội khóa XII hiện nay thành lập Hội đồng dân tộc và 9 ủy ban: Uỷ ban pháp luật; Uỷ ban tư pháp; Uỷ ban kinh tế; Uỷ ban tài chính, ngân sách; Uỷ ban quốc phòng và an ninh; Uỷ ban văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Uỷ ban về các vấn đề xã hội; Uỷ ban khoa học, công nghệ và môi trường; Uỷ  ban đối ngoại.

Thành viên Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội được Quốc hội bầu ra từ các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội hoạt động chuyên trách, các thành viên khác có thể hoạt động chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.

Hội đồng dân tộc và mỗi Uỷ ban của Quốc hội đảm nhận những nhiệm vụ và quyền hạn theo một lĩnh vực nhất định.

Bên cạnh các cơ quan nói trên, chúng ta còn biết đến các cơ quan như Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp. Tuy không phải là cơ quan của Quốc hội, vì không phải do Quốc hội thành lập, nhưng các cơ quan này là bộ máy giúp việc đắc lực và có vai trò quan trọng trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Việc cơ cấu đại biểu theo các tỉnh, thành phố cũng hình thành nên các Đoàn đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh, thành phố. Đoàn đại biểu Quốc hội không phải là cơ quan của Quốc hội  nhưng có thể xem là hình thức tổ chức để triển khai các hoạt động của “nhóm” các đại biểu Quốc hội ở trong mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đại biểu Quốc hội là ai?

Đại biểu Quốc hội là người ít nhất đủ 21 tuổi, hội đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật (phải là người trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu,…); được bạn và tôi cùng với những cử tri khác bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước; là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội được cử tri bầu ra không phải để làm nhiệm vụ đại biểu mãi mãi, mà theo nhiệm kỳ là 5 năm. Vì thế cứ 5 năm một lần, bạn và tôi, chúng ta lại bầu ra các đại biểu Quốc hội khóa mới.

Đại biểu Quốc hội có thể hoạt động chuyên trách, nghĩa là chỉ làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội (ví dụ đại biểu Quốc hội là Chủ nhiệm một ủy ban của Quốc hội;…); hoặc kiêm nhiệm, nghĩa là vừa làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vừa làm công việc khác (ví dụ đại biểu Quốc hội là giáo viên,…).

Các đại biểu Quốc hội được bầu trong một tỉnh hoặc thành phố trực thuộc trung ương hợp thành Đoàn đại biểu Quốc hội. Mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội đều có đại biểu chuyên trách và đại biểu kiêm nhiệm.

Để thực hiện nhiệm vụ đại diện cho bạn, cho tôi và cho cử tri cả nước trong cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, đại biểu Quốc hội có các quyền quan trọng như: quyền trình dự án luật, quyền bất khả xâm phạm, quyền được cung cấp thông tin, quyền chất vấn các vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, bao gồm: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội hoạt động thế nào?

Quốc hội làm việc theo chế độ hội nghị và quyết định theo đa số. Các quyết định của Quốc hội phải được quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (Trong một số trường hợp đặc biệt, thì phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán hành).

Quốc hội xây dựng các chương trình lập pháp, chương trình giám sát hàng năm để làm cơ sở cho việc tiến hành các hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội ở nước ta phần lớn hoạt động kiêm nhiệm, vì thế Quốc hội hoạt động không thường xuyên. Mỗi năm Quốc hội tiến hành các công việc thuộc chức năng nhiệm vụ của mình tập trung vào 2 kỳ họp Quốc hội.

Ngoài thời gian 2 kỳ họp Quốc hội, ngoại trừ các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội một cách chuyên nghiệp, các đại biểu hoạt động kiêm nhiệm vừa thực hiện chức năng của một đại biểu Quốc hội, vừa thực hiện các công việc khác.

Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được thể hiện qua hiệu quả hoạt động của các kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

Kỳ họp Quốc hội là gì?

Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Tại kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Tại các kỳ họp Quốc hội, có 2 loại hoạt động quan trọng của Quốc hội mà bạn và tôi thường thấy và có nhiều ấn tượng là hoạt động lập pháp, với việc Quốc hội xem xét thảo luận và thông qua các dự án luật; và hoạt động giám sát, thể hiện qua việc các đại biểu Quốc hội  thảo luận các báo cáo công tác và chất vấn các quan chức do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Qua kỳ họp Quốc hội và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bạn và tôi thấy rõ người đại diện của mình và Quốc hội hoạt động như thế nào. Đặc biệt là qua các phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn được phát thanh và truyền hình trực tiếp.

Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 kỳ: kỳ họp giữa năm (bắt đầu từ ngày 20/5) và kỳ họp cuối năm (bắt đầu từ 20/10). Mỗi kỳ họp thường kéo dài khoảng 1 tháng.

Quốc hội họp công khai, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể tiến hành họp kín. Đại diện cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang, cơ quan báo chí, các vị khách quốc tế có thể được mời dự các phiên họp công khai của Quốc hội.

Tại các kỳ họp, Quốc hội thảo luận và quyết định các vấn đề tại phiên họp toàn thể. Trường hợp một vấn đề cần được xem xét kỹ, trước khi thảo luận và quyết định tại phiên họp toàn thể, Quốc hội có thể quyết định “chia nhóm” các đại biểu Quốc hội để tiến hành thảo luận vấn đề đó tại Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, các Tổ và các Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tiếp xúc cử tri là gì?

Tiếp xúc cử tri là việc đại biểu Quốc hội gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng thời qua đó báo cáo với cử tri đã bầu ra mình các kết quả hoạt động đã được đại biểu thực hiện.

Tiếp xúc cử tri là một hình thức quan trọng để thu thập thông tin giúp cho đại biểu hoạt động. Qua tiếp xúc cử tri đại biểu Quốc hội tiếp nhận nguồn thông tin đa dạng của cuộc sống, đến từ bạn và tôi, những cử tri đã bầu ra đại biểu. Từ đó góp phần giúp đại biểu hình thành chính kiến và thể hiện chính kiến đó khi tham gia vào các hoạt động ở Quốc hội.

Việc tiếp xúc cử tri có thể được đại biểu Quốc hội tiến hành một cách định kỳ theo quy định của pháp luật, hoặc không được ấn định trước, trong quá trình đại biểu thực hiện vai trò đại diện.

Hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ được tiến hành một năm 4 lần, vào trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội:

Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp: Chậm nhất 20 ngày trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn tiếp xúc cử tri nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp: Chậm nhất 20 ngày sau bế mạc kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội với cử tri, phổ biết và vận động nhân dân thực hiện các quyết sách vừa được Quốc hội thông qua.

Các cuộc tiếp xúc cử tri định kỳ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương để bạn và tôi có thể theo dõi hoặc đến dự.

Không chỉ tiếp xúc cử tri là những người đã bầu ra mình, đại biểu Quốc hội còn có trách nhiệm tiếp công dân. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết.

Bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành thế nào?

Việc bầu cử đại biểu Quốc hội được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Tổng số đại biểu trong mỗi khóa Quốc hội được pháp luật quy định không quá 500 người, số lượng đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tương ứng với số dân và đặc điểm của mỗi địa phương. Điều này có nghĩa rằng, những tỉnh, thành phố nào càng đông dân hoặc có vị trí kinh tế - xã hội quan trọng thì sẽ càng có nhiều đại biểu tham gia vào Quốc hội.

Bạn và tôi, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Có một số thông tin đáng chú ý về cách thức tiến hành bầu cử mà bạn và tôi cần biết là:

Việc bỏ phiếu bầu cử được tiến hành cùng một ngày trong cả nước, phải vào ngày Chủ nhật và được bắt đầu từ bảy giờ sáng đến bảy giờ tối.

Cử tri đi bầu tại nơi mình thường trú hoặc tạm trú theo danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn lập theo khu vực bỏ phiếu.

Mỗi cử tri được quyền bỏ một phiếu bầu và có quyền đề nghị Tổ Bầu cử đổi phiếu bầu khác nếu viết hỏng. Trong quá trình viết phiếu bầu, người đi bầu được quyền bảo đảm sự bí mật về phiếu bầu của mình, không ai được đến xem, kể cả thành viên Tổ bầu cử.

Cử tri phải tự mình đi bầu, không được bầu bằng cách gửi thư. Nếu vì tàn tật không tự bỏ phiếu được thì có thể nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu để thực hiện quyền bầu cử thì được Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và bầu.

Bạn và tôi, bằng lá phiếu của mình, chúng ta bầu lên những đại biểu Quốc hội. Do vậy, Quốc hội hoạt động có hiệu quả hay không là do chính những lá phiếu của bạn và tôi quyết định.

Bạn và tôi có thể làm gì cho Quốc hội?

Bạn và tôi có vai trò quan trọng đối với Quốc hội, thể hiện qua những việc mà bạn và tôi có thể làm như: bầu ra các đại biểu quốc hội thực sự có đức có tài; tìm hiểu và tuyên truyền thực hiện các  luật, nghị quyết và các quyết sách của Quốc hội,...

Bầu cử đại biểu Quốc hội: Bạn và tôi có thể góp sức của mình vào việc hình thành nên Quốc hội thông qua việc bầu cử. Qua việc xem xét lựa chọn và bỏ phiếu bầu người đại diện xứng đáng của mình vào Quốc hội, bạn và tôi đã góp phần quan trọng vào việc hình thành nên Quốc hội. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào hiệu quả của từng đại biểu Quốc hội, trong đó có những đại biểu Quốc hội do bạn và tôi bầu cử ra.

Góp sức mình vào các hoạt động của Quốc hội: Bạn và tôi có thể tham gia ý kiến khi Quốc hội trưng cầu ý kiến nhân dân về các vấn đề hệ trọng; tham gia vào việc giúp cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội giám sát hoạt động của Nhà nước. Quan sát sự tuân thủ pháp luật của cán bộ, công chức và những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước, phát hiện những sai phạm và gửi ý kiến, kiến nghị về những sai phạm đó đến Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội là cách mà bạn và tôi có thể góp sức vào hoạt động giám sát của Quốc hội.

Chủ động và tích cực thực hiện các luật, nghị quyết được Quốc hội ban hành: Chủ động tìm hiểu về hoạt động của Quốc hội, về các quyết sách của Quốc hội, tự giác thực hiện nghiêm các luật, nghị quyết của Quốc hội cũng là góp phần vào hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Trở thành đại biểu Quốc hội: Bạn và tôi cũng có thể trở thành đại biểu Quốc hội nếu hội đủ những điều kiện và tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Phấn đấu để trở thành người công dân ưu tú, có đức, có tài, bạn và tôi hoàn toàn có thể ứng cử và trở thành đại biểu Quốc hội để tham gia trực tiếp vào hoạt động của Quốc hội.

Bạn và tôi gửi ý kiến, nguyện vọng đến Quốc hội thế nào?

Là cơ quan dân cử, quốc hội, các cơ quan của quốc hội và đại biểu quốc hội luôn sẵn sàng tiếp nhận, lắng nghe; tiếp thu và xử lý theo thẩm quyền ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, bạn và tôi có thể gửi ý kiến góp ý, đề xuất hoặc bày tỏ chính kiến, nguyện vọng đến Quốc hội qua nhiều hình thức:

Viết và gửi đơn, thư đến Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội

Bày tỏ ý kiến với đại biểu Quốc hội tại các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội

Liên hệ qua Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội để tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp hoặc trao đổi qua điện thoại với đại biểu Quốc hội để bày tỏ ý kiến, nguyện vọng

Bạn và tôi cũng có thể gửi ý kiến qua mạng internet, thông qua các trang thông tin điện cử của Quốc hội, hoặc gửi thư điện tử đến đại biểu Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội,…

Gửi ý kiến về hoạt động lập pháp đến Quốc hội thông qua Trang web “Ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh”. Từ trang web này, bạn và tôi có thể tiếp cận toàn văn các dự thảo, dự án đang được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận, qua đó, tham gia đóng góp ý kiến của mình về nội dung của các dự thảo, dự án. Các ý kiến của bạn và tôi sẽ được tổng hợp và gửi đến các cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu tiếp thu vào việc xây dựng và chỉnh lý dự thảo văn bản.

 

Tìm hiểu thông tin về Quốc hội ở đâu?

Thông tin về Quốc hội được chuyển tải đến bạn và tôi rất phong phú và bằng nhiều hình thức khác nhau. Bạn và tôi có thể tìm hiểu về người đại diện của mình và Quốc hội bằng cách:

Tìm hiểu trên mạng Internet (các trang thông tin điện tử của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội,…; báo Nhân dân, Báo Hà Nội mới điện tử,…)

Tìm hiểu qua Văn phòng giúp việc của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội

Tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua báo chí (đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam,…)

Tìm hiểu trên sách, báo và tài liệu tuyên truyền do Văn phòng Quốc hội biên soạn; tham gia các cuộc triển lãm về Quốc hội;…

Một số địa chỉ cần biết

- Văn phòng Quốc hội

37 Hùng Vương, Hà Nội; 35 Ngô Quyền, Hà Nội

 - Văn phòng tiếp dân của Ban Dân nguyện

Số 110 Cầu Giấy, Hà Nội - ĐT: 080.44920

 - Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học

Số 35 Ngô Quyền, Hà Nội - ĐT: 080.48082; Fax: 080.46009

 - Đăng ký tham quan

080.46325

 - Báo Đại biểu Nhân dân

http://www.nguoidaibieu.com.vn

 - Trang web “Ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh”

http://duthaoonline.quochoi.vn

 - Trang thông tin điện tử Quốc hội CHXHCN Việt Nam

http://www.quochoi.vn;  http://www.na.gov.vn