THÔNG CÁO SỐ 17, KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV

12/11/2018 17:18

Ngày 12/11/2018, Quốc hội tiếp tục làm việc theo chương trình dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và biểu quyết thông qua với 89,48% đại biểu tán thành;...

Toàn cảnh phiên họp kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV ngày 12/11/2018

Buổi sáng:

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết với 434 đại biểu tán thành, chiếm 89,48%  tổng số đại biểu Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi): đa số đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện thể chế quản lý thuế, thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, góp phần thu hút đầu tư trong nước, nước ngoài, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống quản lý thuế hiện đại trong điều kiện hội nhập quốc tế. Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, tập trung vào một số nội dung sau: giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý thuế; những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý thuế; Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn; khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt; bổ sung quy định quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế; hợp tác quốc tế về thuế; nhiệm vụ của cơ quan quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước; căn cứ ấn định thuế; xác định mức thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế...

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công: trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành cần sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công  nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư công; khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí. Các vị đại biểu cũng phát biểu thảo luận về các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như: phạm vi điều chỉnh, áp dụng Luật; giải thích từ ngữ; bổ sung các lĩnh vực thuộc đối tượng đầu tư công; phân loại dự án đầu tư công; các hành vi bị cấm trong đầu tư công; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; biện pháp đầu tư công hiệu quả; báo cáo đánh giá tác động môi trường trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư; kế hoạch đầu tư công 3 năm; nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân; tổ chức thực hiện theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch, chương trình, dự án; thanh tra đầu tư công…

Buổi chiều:

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết với 469 đại biểu tán thành, chiếm 100% tổng số đại biểu có mặt và bằng 96,70% tổng số đại biểu Quốc hội.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi): trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi và đổi tên gọi của dự án Luật là “Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)”; đồng thời đề nghị xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình tại 03 kỳ họp: cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến về các nội dung: tổ chức khu sản xuất, điểm lao động và tổ chức dạy nghề ngoài trại giam; tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc cụ thể hóa quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; quyền, nghĩa vụ của người bị kết án tử hình trong thời gian chờ thi hành án; thi hành các hình phạt đối với pháp nhân thương mại; việc phối hợp giữa cơ quan thi hành án hình sự với các cơ quan nhà nước có liên quan; phương thức thi hành án…

Về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: nhiều ý kiến đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; chủ động có giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn thực trạng sử dụng rượu, bia đang có xu hướng gia tăng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, tập trung vào một số nội dung: tên gọi của Luật; bố cục, phạm vi điều chỉnh; tính khả thi của dự án Luật; chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý rượu thủ công; cơ chế kiểm soát, chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân sản xuất rượu, bia và tiêu dùng không đúng quy định; các hành vi bị nghiêm cấm; độ tuổi uống rượu, bia; kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia…

Thứ ba, ngày 13/11/2018, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội