Ngày 22-5-2015, buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015; Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 và dự án Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ tọa phiên họp.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội đã nghe:
- Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
- Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán.
Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sau đó, Quốc hội đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong buổi làm việc, đã có 16 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
- Tên gọi, phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; thứ bậc hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật;
- Thẩm quyền ban hành và hình thức văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có hình thức văn bản liên tịch giữa các cơ quan; thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn;
- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Quy trình xây dựng, thẩm quyền quyết định chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã;
- Kiến nghị về luật, pháp lệnh, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội; sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật;
- Việc tham gia góp ý kiến xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đối tượng chịu sự tác động của văn bản quy phạm pháp luật (thời gian lấy ý kiến, cách thức tổ chức và việc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý...).
- Việc đăng Công báo và thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; việc giám sát, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật…
Ngày 23-5-2015, buổi sáng, Quốc hội làm việc ở tổ; buổi chiều, họp phiên toàn thể tại hội trường.