1. Văn phòng Quốc hội

07/10/2016 19:54

1.  VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

 

          1. Cử tri các tỉnh Hải Phòng, Tiền Giang, Quảng Bình, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh kiến nghị: Cử tri đánh giá cao hoạt động chất vấn của đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nội dung chất vấn luôn bám sát những vẫn đề thực tế, bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân trước Quốc hội. Cử tri đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ, ngành; đồng thời tăng thêm thời lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp, dành thời gian cho mỗi vị Bộ trưởng, trưởng ngành ít nhất 01 ngày để các đại biểu thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

          Cử tri các tỉnh An Giang, Quảng Bình kiến nghị: Cử tri cho rằng, trong phiên chất vấn tại nghị trường, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân sẽ tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc hiện nay; vì vậy, đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát và đôn đốc việc thực hiện lời hứa.

          Trả lời: (Tại Công văn số 54/TTKQH-GS ngày 1/8/2016)

          Về giám sát việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của các Bộ, ngành: Hiện nay, sau mỗi phiên họp chất vấn, Quốc hội ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Nghị quyết này là cơ sở cho việc giám sát thực hiện những nội dung trả lời chất vấn. Nghị quyết này là cơ sở cho việc giám sát thực hiện những nội dung trả lời chất vấn, những lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành tại phiên họp chất vấn. Trong nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các thành viên Chính phủ có kế hoạch, giải pháp thực hiện những nội dung đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tiếp theo. Trong nhiệm kỳ  Quốc hội khóa XIII, để tăng cường giám sát việc thực hiện nghị quyết, Quốc hội đã không ngừng đổi mới cách thức giám sát, từ chỉ nghe đại diện Chính phủ trình bày báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (tại kỳ họp thứ 6) đến việc xem xét, thảo luận về báo cáo và trực tiếp chất vấn Thường trực Chính phủ về việc thực hiện các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn (tại kỳ họp thứ 8). Đặc biệt là tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ có báo cáo tổng hợp việc thực hiện và tổ chức chất vấn về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 với sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ và hầu hết các thành viên Chính phủ. Phiên chất vấn đã đạt kết quả tích cực, thiết thực; đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện cho được những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu. Những đổi mới nêu trên đã được thể chế hóa thông qua quy định chính thức việc xem xét, thảo luận báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, các vấn đề đã hứa vào chương trình kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015. Tiếp thu ý kiến cử tri, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu để thực hiện hoạt động hậu giám sát ngày một hiệu quả hơn.

          - Về tăng thêm thời lượng cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn: Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đế nay, hoạt động giám sát nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng ngày càng được coi trọng và tăng cường hơn trước. Trong đó, hoạt động chất vấn trước đây chỉ được tổ chức tại kỳ họp Quốc hội nay đã được tổ chức thường xuyên ở cả 2 phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp cũng luôn được UBTVQH xem xét, cân nhắc phù hợp với nội dung, chương trình kỳ họp và ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội khi thông qua chương trình kỳ họp.

          Qua thực tế tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn, Tổng thư ký QH nhận thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội tiến hành chất vấn đối với 5 thành viên Chính phủ, UBTVQH tổ chức chất vấn tại 2 phiên họp mỗi năm đối với 2 thành viên Chính phủ, thời lượng chất vấn là 0,5 ngày dành cho mỗi người là tương đối phù hợp. Đồng thời trên cơ sở nội dung, chương trình tại mỗi kỳ họp, Tổng thư ký QH sẽ tham mưu, đề xuất UBTVQH xem xét điều chỉnh tăng thêm thời gian cho hợp lý hơn. Như tại kỳ họp thứ 6, thứ 8, thứ 10 vừa qua, thời gian dành cho hoạt động chất vấn và xem xét việc thực hiện nghị quyết về chất  vấn đã được tăng thêm, từ 2,5 ngày lên 3 ngày để phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác, mặc dù thời gian tại các phiên chất vấn tại kỳ họp không tăng nhiều nhưng do quy định không trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, thời gian đặt câu hỏi không qua 2 phút đã tăng thêm thời gian để đại biểu trực tiếp chất vấn.

          2. Cử tri tỉnh Thái Nguyên kiến nghị: Cử tri kiến nghị Quốc hội cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt là nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cử tri. Cử tri đề nghị trong nhiệm kỳ 2016-2021 Quốc hội phải có giải pháp thay đổi cách thức, phương pháp giám sát, tạo cơ chế để đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp có được “tai, mắt” trong nhân dân thì mới giám sát tốt được; trong nhiệm kỳ có quá ít vụ việc được phát hiện thông qua giám sát của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

          Cử tri Tp. Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang, kiến nghị: Cử tri cho rằng, hoạt động giám sát của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua tuy đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng hiệu quả giám sát trên một số lĩnh vực chưa cao, như giám sát công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng,... Cử tri đề nghị trong nhiệm kỳ khóa tới, cần làm nổi bật chức năng giám sát của Quốc hội, trong đó giám sát nhà nước nên cụ thể và nâng cao hiệu quả hơn; cần tăng cường hơn nữa việc giám sát thi hành luật, tạo điều kiện cung cấp thông tin rộng rãi để nhân dân có thể cùng tham gia giám sát, đồng thời có những thông tin phản hồi kịp thời để xử lý những vụ việc vụ thể.

          Trả lời: (Tại Công văn số 292/TTKQH-TH ngày  21/7/2016)

          1.Về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát thông qua việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội và tăng cường tiếp cận với người dân.

          Thực tiễn hoạt động giám sát của Quốc hội những năm vừa qua cho thấy, mặc dù kết quả đạt được rất đáng ghi nhận nhưng vẫn còn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi bức thiết từ cuộc sống, từ nguyện vọng của nhân dân và quy định của Hiến pháp, pháp luật. Một số nội dung quan trọng như việc giám sát quản lý, sử dụng ngân sách; quản lý vốn và tài sản nhà nước; công tác cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa được tập trung cao; giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh chưa được thực hiện thường xuyên; giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn còn lúng túng, hiệu quả chưa cao; chưa chú trọng theo dõi, đôn đốc đến cùng việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị để đánh giá đúng kết quả, hiệu lực giám sát.

          Một trong những nguyên nhân của tình trạng đó là năng lực giám sát của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa thật sự được nâng cao.

          Thực tiễn cuộc sống đòi hỏi đại biểu Quốc hội không chỉ là người có chuyên môn, có hiểu biết sâu về vấn đề giám sát, có kỹ năng phân tích thông tin, đánh giá chính xác về nội dung giám sát mà còn phải có bản lĩnh chính trị, đạo đức của người đại biểu cao nhất của nhân dân. Đặc biệt, trong một số hình thức giám sát cần đại biểu Quốc hội phát huy hết năng lực của mình như việc trình kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, chất vấn, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội cần tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần tăng hơn nữa số lượng đại biểu chuyên trách và nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội nói chung.

          Việc nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội đã được Đảng, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia quan tâm thông qua việc đưa ra các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn và tổ chức bầu cử đúng theo quy định của pháp luật; việc lựa chọn người để bầu làm đại biểu Quốc hội được thực hiện đúng quy trình, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra; những người không xứng đáng sẽ được Hội đồng bầu cử kiên quyết đưa ra khỏi danh sách đại biếu chính thức. Đồng thời, Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tăng cường bồi dưỡng nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khi mới tham gia Quốc hội và trong quá trình thực thi nhiệm vụ; tích cực tham mưu để nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri để đại biểu Quốc hội có điều kiện lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri đối với các vấn đề xã hội bức xúc. Trong giám sát chuyên đề, Tống thư ký Quốc hội sẽ tham mưu đế các đoàn giám sát tăng cường tiếp cận với đối tượng thụ hưởng chính sách và người dân để có điều kiện tiếp cận thông tin một cách khách quan, đúng nhu cầu.

          Đồng thời, cũng cần thống nhất nhận thức về đặc điểm, tính chất hoạt động giám sát của Quốc hội là chú trọng giám sát về thực thi chính sách pháp luật, giám sát vụ việc cụ thể chỉ có tính chất minh họa. Bên cạnh hoạt động giám sát của Quốc hội còn có hoạt động giám sát của mặt trận Tổ quốc, hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan của Chính phủ, hoạt động kiểm toán của Kiếm toán nhà nước, nên tùy từng yêu cầu cụ thể mà áp dụng hình thức phù hợp.

          2. Về  đẩy mạnh chức năng giám sát của Quốc hội tăng cường trao đổi thông tin giám sát giữa Quốc hội với người dân

          Những bất cập cử tri đã nêu về hoạt động giám sát đã được đề cập trong báo cáo tổng kết về hoạt động giám sát qua hơn 10 năm thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội (ban hành năm 2003). Việc Quốc hội ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016) là giải pháp quan trọng để khắc phục những bất cập đó.

          Đồng thời, với mục đích giúp triển khai các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày càng hiệu quả, đi vào thực chất, khắc phục những bất cập gặp phải trong quá trình tổ chức hoạt động giám sát theo quy định tại Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định việc xây dựng và ban hành chế quy định vê công tác phối hợp và trình tự, thủ tục tiến hành một so hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội” trong thời gian sắp tới. Điều này sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong việc chuẩn bị và triển khai thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội, đảm bảo tuân theo những quy trình, thủ tục cụ thể, chặt chẽ, hợp lý, nhằm tăng tính chủ động cho các cơ quan.

          Để tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan, Tổng thư ký Quốc hội sẽ tham mưu trình Quốc hội đưa vào chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 nội dung xem xét Báo cáo của Chỉnh phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp cuối năm. Đây sẽ là dịp để các cơ quan của Quốc hội có điều kiện trực tiếp giám sát về vấn đề này.

          Ngoài ra, cũng nhằm tăng cường sự tương tác, trao đổi thông tin giữa Quốc hội với người dân, Tổng thư ký Quốc hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc vận hành website về hoạt động giám sát trên cổng thông tin điện tử của Quốc hội, chuyển Kênh truyền hình Quốc hội thuộc diện quản lý, vận hành trực tiếp của Văn phòng Quốc hội. Như vậy các vấn đề trên chắc chắn sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

          3. Cử tri các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn, Long An, Bình Định: Cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội khóa XIII trong các lĩnh vực xây dựng luật, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là việc đổi mới hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua, nhất là trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội còn hạn chế, chưa đi sâu, chưa phát hiện và đề xuất giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc của nhân dân. Cử tri đề nghị Quốc hội khóa XIV cần phát huy những kết quả đạt được của Quốc hội khóa XIII, tăng cường việc công khai, minh bạch hoạt động của Quốc hội, tăng thời lượng phát sóng trực tiếp các hoạt động của Quốc hội để nhân dân nắm và giám sát hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục cải tiến phương thức tổ chức hoạt động giám sát, đẩy mạnh các hình thức giám sát trực tiếp tại cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tiếp tục cải tiến, đổi mới hình thức chất vấn Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn. Nâng cao chất lượng các kiến nghị sau giám sát và thực hiện giám sát lại vấn đề đã kiến nghị của các cuộc giám sát trước. Đây là yêu cầu bức xúc nhằm tăng cường hiệu lực giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

          Trả lời: (Tại Công văn số  293/TTKQH-TH ngày  21/7/2016)

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, cùng với hoạt động lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều đổi mới, tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nước từ trung ương đến cơ sở. Quốc hội đã thực hiện quyền giám sát của mình để đảm bảo luật pháp, các nghị quyết của Quốc hội được tuân thủ, đi vào thực tiễn cuộc sống; phát hiện và tiến hành giám sát những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế-xã hội để có những điều chỉnh, khắc phục những bất cập về chính sách, pháp luật, cùng Chính phủ, các Bộ, ngành đánh giá thực tiễn, làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp khắc phục kịp thời những hạn chế, khó khăn trong thực tiễn.

          Với giám sát chuyên đề, việc lựa chọn các nội dung để giám sát là hết sức đúng đắn, sát hợp với yêu cầu thực tế và mong mỏi của cử tri; tập trung vào những vấn đề bức xúc và cấp thiết của cuộc sống như việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề; quy hoạch thủy điện; đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh; bảo hiểm y tế, giảm nghèo; việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản; việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng; tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự... Các báo cáo kết quả giám sát đã được chuẩn bị công phu, cung cấp đến đại biểu nhiều thông tin có giá trị để Quốc hội tiến hành giám sát đạt kết quả tốt, phân tích, chỉ rõ những hạn chế, bất cập của từng lĩnh vực, nêu rõ nguyên nhân và đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Sau giám sát, Quốc hội đã ban hành nghị quyết về kết quả giám sát, làm căn cứ quan trọng giúp Chính phủ, các cơ quan tư pháp, các bộ, ngành liên quan có những điều chỉnh phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, khắc phục những hạn chế, bất cập, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đồng thời, giúp Quốc hội có điều kiện đánh giá, kiểm nghiệm, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, góp phần thực hiện tốt hơn chức năng lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng về những lĩnh vực được giám sát.

          Hoạt động chất vấn của Quốc hội tiếp tục được đổi mới về chiều sâu, chú trọng về chất lượng, tinh thần xây dựng, trách nhiệm, tính dân chủ, công khai, tính tranh luận, đối thoại tăng lên rõ rệt qua từng kỳ họp. Thời gian cho hoạt động chất vấn không thể tăng thêm, nhưng các nội dung được đưa ra ngày một nhiều và đã được phân tích, trao đổi, xử lý kỹ lưỡng nên đã tạo ảnh hưởng tích cực, rõ nét hơn trong đời sống kinh tế-xã hội. Cách thức tiến hành nội dung chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề được kế thừa và phát huy một cách hiệu quả, bảo đảm sự hài hòa giữa tính khái quát, vĩ mô trong giám sát tối cao của Quốc hội và tính cụ thể, trực tiếp trong thực thi nhiệm vụ đại diện cho cử tri. Việc Quốc hội luôn ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn với những nội dung xác đáng, thiết thực là điểm đối mới đáng kể, giúp cho việc giám sát thực hiện lời hứa và các yêu cầu của Quốc hội sau chất vấn được kịp thời và có căn cứ. Qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trên các lĩnh vực như: giao thông vận tải, ngân hàng, y tế, giáo dục, tư pháp… đã có nhiều chuyển biến đáng kể, được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri, dư luận xã hội đánh giá cao.

          Đặc biệt, để có điều kiện rà soát, đánh giá lại việc thực hiện các nghị quyết do Quốc hội đã ban hành sau giám sát, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội giám sát tối cao nội dung Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015 với sự tham gia trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, 03 Phó Thủ tướng và 16 Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Phiên chất vấn đã đạt kết quả tích cực, thiết thực; đồng thời, gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện cho được những vấn đề Quốc hội đã yêu cầu thông qua việc ban hành nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn với 16 nội dung quan trọng để giải quyết những vấn đề còn bất cập, hạn chế, trong đó có nhiều nội dung như kiến nghị của cử tri đã nêu trên.

          Qua đó cho thấy, hoạt động giám sát của Quốc hội đã bám sát những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội của đất nước, góp phần tích cực trong việc đảm bảo cho pháp luật được thực thi hiệu quả hơn. Tuy vậy, trong bối cảnh mong muốn về hoạt động giám sát là rất lớn trong khi nguồn lực của Quốc hội có hạn, bên cạnh nguyên nhân chủ quan về trách nhiệm của các cơ quan, hoạt động giám sát của Quốc hội không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Trong một số trường hợp, chưa xác định rõ ràng trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến các vấn đề được giám sát, chưa xác định rõ biện pháp xử lý, chưa có chế tài phù hợp; việc theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát có lúc, có nội dung chưa thực sự quyết liệt, nên có những vụ việc, vấn đề bất cập còn tồn tại chậm được giải quyết, tiếp tục gây bức xúc trong đời sống xã hội.  

          Nhận thức được tầm quan trọng của công tác giám sát, Quốc hội đã thông qua Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tại kỳ họp thứ 10, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động giám sát hiện nay, nâng cao tính thiết thực, hiệu lực, hiệu quả trong công tác giám sát. Tổng thư ký Quốc hội đã chỉ đạo tham mưu trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung đổi mới hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, việc thực hiện các nghị quyết sau giám sát... nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện, xử lý kết quả giám sát đối với một số hoạt động giám sát chính của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; giải quyết những vướng mắc thường gặp trong thực tế; góp phần thiết thực nâng cao tính chủ động, chuyên nghiệp, thống nhất, chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát, Tổng thư ký Quốc hội sẽ lưu ý đề xuất cải tiến, đổi mới để khắc phục những bất cập cử tri đã nêu vào thời điểm thích hợp.

          4. Cử tri tỉnh Tiền Giang, An Giang, Đà Nẵng kiến nghị: Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để chủ trương thực hiện có hiệu quả tránh tình trạng đầu tư lớn nhưng hiệu quả sử dụng thấp hoặc sử dụng không đúng mục đích đầu tư, xây dựng ban đầu, gây lãng phí; sớm khắc phục các vướng mắc, bất cập, nâng cao hiệu quả đầu tư công trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nên quan tâm giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân để nâng lên tính hiệu quả

          Trả lời: (Tại Công văn số  281/TTKQH-TH ngày  18/7/2016)

          Về giám sát về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành giám sát nhiều chuyên đề liên quan đến lĩnh vực tam nông; tại kỳ họp thứ 2, sau hoạt động chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011, trong đó có yêu cầu Chính phủ sớm tổ chức sơ kết việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã đạt các tiêu chí nông thôn mới; tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 52/2013/QH13 ngày 21/6/2013, trong đó yêu cầu Chính phủ “tiến hành tái cơ cấu ngành, sản phẩm, gắn với mô hình sản xuất nông nghiệp, xây dựng mô hình cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản, rừng...; đưa khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp; thực hiện liên kết giữa các ngành trong sản xuất nông nghiệp và với các ngành khác/tiến hành các giải pháp để tiếp tục thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững”.

          Xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là những vấn đề quan họng, có nhiều bất cập, bức xúc, trong năm 2016, theo chương trình giám sát của mình, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, tại kỳ họp thứ 2 để đi sâu về nội dung như cử tri đã kiến nghị.

          Về  giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân, đây là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm, thuộc chức năng, nhiệm vụ của ủy ban thường vụ Quốc hội đã được pháp luật quy định. Hàng năm, Ban Công tác đại biểu đã giúp ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong đó, chú trọng giám sát việc ban hành các nghị quyết của Hội đồng nhân dân và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình. Trong năm 2014, Ban Công tác đại biểu đã giúp ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề đối với hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến hết năm 2014 nhằm đánh giá toàn diện tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ, rút ra những bài học để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ tiếp theo.

          Những hoạt động giám sát nêu trên đã góp phần tích cực vào thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước, từng bước đáp ứng yêu cầu của cử tri.

          5. Cử tri tp Đà Nẵng kiến nghị: Cử tri cho rằng, thời gian qua các vị đại biểu Quốc hội chủ yếu tập trung chất vấn, kiểm điểm hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ nhưng chưa quan tâm đến việc chất vấn, kiểm điểm hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

          Cử tri đề nghị thời gian đến Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cần xem xét thực hiện việc chất vấn, kiểm điểm hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tại các kỳ họp của Quốc hội.

          Trả lời: (Tại Công văn số  298/TTKQH-GS ngày  21/7/2016)

          Điều 80 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Đại biểu Quốc hội có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước"; Khoản 2 Điều 2 Luật hoạt động giám sát của Quốc hội quy định: "Chất vấn là một hoạt động giám sát, trong đó đại biểu Quốc hội nêu những vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhản dân cao". Từ quy định của Hiến pháp, Luật hoạt động giám sát có thể thấy, chất vấn là một quyền của đại biểu Quốc hội, đối tượng bị chất vấn là những cá nhân giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; hoạt động chất vấn không tiến hành đối với các cơ quan, tổ chức. Do vậy, việc tổ chức chất vấn đối với Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội như ý kiến, kiến nghị của cử tri là không có cơ sở pháp lý.

          Ngoài ra, theo quy định của pháp luật, tại các kỳ họp hàng năm và cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận về báo cáo công tác của các cơ quan này. Đây là hình thức giám sát thường xuyên của Quốc hội; thông qua đó, các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cùng nhìn nhận những mặt mạnh để phát huy, những mặt còn tồn tại, hạn chế để khắc phục, từ đó có những điều chỉnh cần thiết trong hoạt động của mình.

          6. Cử tri các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai kiến nghị: Kỳ họp thứ 10, Quôc hội khóa XIII được đông đảo cử tri quan tâm. Tuy nhiên, một số Bộ trưởng còn trả lời quanh co, không rõ ràng. Cử tri đề nghị Quốc hội cần yêu cầu các Bộ trưởng khi trả lời trực tiếp trên truyền hình cần đi thẳng vào nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn, như vậy mới thể hiện tôn trọng người chất vấn cũng như cử tri đang theo dõi trực tiếp.

          Trả lời: (Tại Công văn số 299/TTKQH-GS ngày  21/7/2016)

          Thực hiện chủ trương không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thời gian qua, hoạt động chất vấn cũng đã từng bước được đổi mới. Tại các kỳ họp, Quốc hội khóa XIII, tiến hành chất vấn theo cách thức chọn một số nhóm vấn đề quan trọng được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm để đưa ra chất vấn. Việc chất vấn theo nhóm vấn đề đã tạo điều kiện để người hỏi và người trả lời tăng cường đối thoại, tranh luận, đi sâu vào từng vấn đề. Do đó, câu hỏi của đại biểu Quốc hội nhìn chung là ngắn gọn, rõ ràng, tập trung. Các thành viên Chính phủ đã trả lời đầy đủ chất vấn của đại biểu Quốc hội và nghiêm túc đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thẳng thắn liên hệ với trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, kỹ năng hỏi và trả lời phụ thuộc nhiều vào năng lực của mỗi cá nhân đại biểu Quốc hội và người trả lời chất vấn. Trong thực tế triển khai hoạt động chất vấn vẫn còn một số hạn chế nhất định như việc hỏi và trả lời còn dài dòng, không đúng trọng tâm nội dung chất vấn. Để khắc phục vấn đề này, trên cơ sở Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Khoản 2 Điều 17 của Nội quy kỳ họp mới được ban hành năm 2015 đã quy định cụ thể: “Mỗi lần chất vấn, đại biếu Quốc hội nêu chất vấn không quá 02 phút. Người bị chất vấn trả chất vấn của một đại biểu không quả 05 phút. Trường hợp cần thiết, Chủ tọa quyết định việc kéo dài thời gian trả lời chất vấn. Chủ tọa có quyền nhắc trong trường hợp đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không đúng nội dung phiên chất vẩn hoặc quá thời gian quy định, người bị chất vấn trả lời không đúng trọng tâm chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc quá thời gian quy định ”Đây sẽ là cơ sở pháp lý cần thiết để người nêu chất vấn và người trả lời chất vấn chủ động điều chỉnh, cân đối cho phù hợp với thời gian đã quy định; đồng thời, căn cứ vào đó, Chủ tọa phiên họp sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh đối với những người thực hiện không đúng quy định và linh hoạt điều hành phiên chất vấn cho phù hợp với diễn biến thực tế.

          7. Cử tri tỉnh Điện Biên kiến nghị: Đề nghị Quốc hội tổ chức giám sát công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị.

          Trả lời: (Tại Công văn số  294/TTKQH-TH ngày  21/7/2016)

          Trong những năm qua, Quốc hội đã tiến hành giám sát nhiều nội dung quan trọng, dưới nhiều hình thức phong phú, bám sát những vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị, gắn với công tác xây dựng pháp luật và những vấn đề kinh tế-xã hội quan trọng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát hon 20 chuyên đề, trong đó năm 2013, tại phiên họp tháng 9, ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chỉnh sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm thế chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về tiếp tục cải cách chế độ công vụ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời đổi mới cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động nghề nghiệp, góp phần tạo điều kiện chuyển đổi hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

          Bên cạnh đó, tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp ủy ban thường vụ Quốc hội trong nhiệm kỳ, các vị đại biểu Quốc hội cũng đã nhiều lần tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ; tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 69/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó có yêu cầu đến hết năm 2014 hoàn thành việc rà soát, đánh giá lại và có biện pháp chấn chỉnh đối với toàn bộ hệ thống tổ chức bộ máy, biên chế, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để báo cáo Quốc hội và một số nội dung khác. Thực hiện Nghị quyết nêu trên của Quốc hội, ngày 19/5/2015, Bộ Nội vụ đã có báo cáo số 2152/BC-BNV gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trong đó đã trả lời rõ các nội dung được nêu trong nghị quyết; đặc biệt, đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế về công tác quản lý tổ chức bộ máy; quản lý biên chế; tinh giản biên chế; về cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy; cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông; về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công, hiện đại hóa hành chính...

          Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo được đột phá mạnh mẽ trong tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, các cấp, các ngành và địa phương đã khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện, tổ chức các hội nghị triển khai, quán triệt, chỉ đạo thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu cũng như đảm bảo các quan điểm, nguyên tắc. Tuy nhiên, với thời gian ban hành của Nghị quyết là từ 17/4/2015 cho đến nay mới được hơn 01 năm, về cơ bản các nội dung đã và đang được tiến hành ở tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, do đó cũng cần có thêm thời gian để các cơ quan tiếp tục thực hiện nghị quyết này.

          Do điều kiện nguồn lực của Quốc hội có hạn, trong chương trình giám sát hàng năm của mình, Quốc hội chỉ có thể tiến hành giám sát được một số lượng chuyên đề nhất định; hơn nữa, việc thực hiện hoạt động giám sát cũng cần cân đối giữa khả năng thực hiện và việc bảo đảm chất lượng. Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban thư ký nghiên cứu, tiếp thu và tham mưu để cơ quan hữu quan tiến hành giám sát vào thời điểm thích hợp.

          Đồng thời, cũng đề nghị quý Đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu những nội dung bức xúc, thiết thực mà cử tri kiến nghị để trực tiếp đề xuất Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình hoạt động giám sát trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

          8. Cử tri tp Hải Phòng kiến nghị: Cử tri đề nghị Quốc hội tăng thời lượng truyền hình trực tiếp trên truyền hình và các phiên họp của Quốc hội để cử tri có điều kiện theo dõi nhiều hơn hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội tại kỳ họp.

          Trả lời: (Tại Công văn số  277/TTKQH-TH ngày  18/7/2016)

          Theo Khoản 3 Điều 11 Nội quy kỳ họp Quốc hội được ban hành kèm theo Nghị quyết số 102/2015/QH13 ngày 24-11-2015: “ Phiên khai mạc, phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn và trả chất vấn tại kỳ họp Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Các phiên họp khác của Quốc hội được phát thanh, truyền hình trực tiếp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội

          Như vậy, ngoài các phiên khai mạc, bế mạc, chất vấn và trả lời chất vấn, việc phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp khác của Quốc hội sẽ được Quốc hội quyết định trên cơ sở tính chất các nội dung được trình Quốc hội tại kỳ họp. Thời gian qua, thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp các hoạt động của kỳ họp Quốc hội đã được quan tâm tăng cường; nhiều nội dung quan trọng, được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm như: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương, thảo luận về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội... đều đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

          Bên cạnh đó, Kênh truyền hình Quốc hội đã chính thức phát sóng từ ngày 06-01-2015 và đến nay, mạng lưới thông tin của Kênh được phủ rộng toàn quốc. Kênh đã sản xuất và phát sóng nhiều chương trình chuyên biệt về diễn đàn Quốc hội như: Quốc hội với cử tri, Người đại biểu dân cử, Câu chuyện lập pháp, Chính sách và cuộc sống... Có thể nói, Kênh truyền hình Quốc hội có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của Quốc hội nói riêng và đời sống chính trị của đất nước nói chung; là diễn đàn đối thoại dân chủ, minh bạch của Quốc hội, Chính phủ và người dân.

          9. Cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị: Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan trình dự thảo các dự án luật sớm hơn để tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội tiếp cận với dự thảo luật và các tài liệu tham khảo để chủ động trong việc tham gia ý kiến một cách sâu rộng, thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng luật.

          Trả lời: (Tại Công văn số  278/TTKQH-TH ngày  18/7/2016)

          Đây là vấn đề Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình chuẩn bị các nội dung kỳ họp. Công tác chuẩn bị và phục vụ tài liệu trong một số kỳ họp gần đây đã tiến bộ hơn; hồ sơ của tất cả các dự án luật đầy đủ theo quy định của pháp luật. Đối với những báo cáo gửi đại biểu Quốc hội nghiên cứu, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan sớm hoàn chỉnh và gửi đến đại biểu để có thêm thông tin đa dạng về nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng thảo luận, xem xét các nội dung của kỳ họp (riêng các báo cáo gửi bổ sung theo đề nghị của các vị đại biểu Quốc hội có thể phải gửi muộn hơn).

          Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc gửi tài liệu của một số nội dung vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu tài liệu của đại biểu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục lưu ý, chỉ đạo các cơ quan hữu quan để có giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề này.

          10. Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Thời gian vừa qua, Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi các dự án luật về các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố để lấy ý kiến đóng góp ở địa phương. Tuy nhiên, thời gian yêu cầu gửi Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý về Ủy ban thường vụ Quốc hội là tương đối gấp, có dự án luật nội dung nhiều nhưng thời hạn yêu cầu đóng góp ý kiến ngắn; do vậy, các cơ quan, đơn vị không đủ thời gian để nghiên cứu sâu, đảm bảo chất lượng ý kiến đóng góp. Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu, khắc phục.

          Trả lời: (Tại Công văn số  279/TTKQH-TH ngày  18/7/2016)

          Đây là vấn đề Ủy ban thường vụ Quốc hội thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao trong quá trình chuẩn bị các nội dung kỳ họp. Công tác chuẩn bị và phục vụ tài liệu kỳ họp có tiến bộ hơn; hồ sơ của tất cả các dự án luật đã đầy đủ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc gửi tài liệu của một số nội dung vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và góp ý của đại biểu. Tổng thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan để có giải pháp hiệu quả hơn cho vấn đề này.

          11. Cử tri tp Hà Nội kiến nghị: Đề nghị Quốc hội tăng cường giám sát việc thực hiện quy hoạch tại các khu đô thị lớn, tránh việc điều chỉnh, phá vỡ quy hoạch làm ảnh hưởng đến mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi.

          Trả lời: (Tại Công văn số  295/TTKQH-TH ngày  21/7/2016)

          Trong những năm qua, hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã bám sát những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống xã hội để tiến hành giám sát, mang lại kết quả thiết thực. Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực của Quốc hội có hạn, trong chương trình giám sát hàng năm của mình, Quốc hội chỉ có thể tiến hành giám sát được một số lượng chuyên đề nhất định, đồng thời việc thực hiện hoạt động giám sát cũng cần cân đối giữa khả năng thực hiện và việc bảo đảm chất lượng.

          Thời gian qua, Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chưa có điều kiện tiến hành giám sát riêng về nội dung này nhưng tại kỳ họp thứ tư, năm 2012, Quốc hội đã tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây đựng về vấn đề này, ban hành Nghị quyết số 40/2012/QH13 ngày 23/11/2012, trong đó yêu cầu Bộ xây dựng “khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật quản lý đô thị, có kế hoạch rà soát tổng thể công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch trong cả nước để có những điều chỉnh cần thiết”. Theo đó, Chính phủ đã ban hành và tổ chức thực hiện Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Công tác tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh, quy hoạch chung xây dựng các đô thị trên địa bàn, triển khai các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực[1].

          Thực hiện Nghị quyết nêu trên của Quốc hội, ngày 20/10/2015, Chính phủ đã có báo cáo số 551/BC-CP về triển khai nội dung giám sát của Quốc hội khóa XIII gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, trong đó đã trả lời rõ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 40/2012/QH13 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn nêu trên.

          Tiếp thu ý kiến kiến nghị của cử tri, Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo Ban thư ký tập hợp, tham mưu, đưa nội dung cử tri đã kiến nghị nêu trên để đề xuất trình Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét giám sát trong thời gian thích hợp hoặc sẽ đề nghị ủy ban chuyên môn tổ chức xem xét, giám sát trong phạm vi, lĩnh vực của mình. Đề nghị quý Đoàn đại biểu Quốc hội nghiên cứu những nội dung bức xúc, thiết thực mà cử tri kiến nghị để đề xuất Quốc hội, ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét đưa vào chương trình hoạt động giám sát trong năm 2017 và các năm tiếp theo.

          12. Cử tri tỉnh Thái Bình kiến nghị: Cử tri lo lắng tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí ( đầu tư nhà ở sinh viên ở Lâm Đồng; nhà máy cán thép, tầu điện ở Hạ Long; trạm xá, trường học, chợ ở các tỉnh miền núi phía bắc...) chậm được khắc phục. Đề nghị Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát đối với các công trình đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, đặc biệt là các công trình giao thông. Nội dung giám sát không chỉ là chất lượng, tiến độ thi công mà cả việc thu hồi vốn của công trình.

          Trả lời: (Tại Công văn số  55/TTKQH-TH ngày  1/8/2016)

          Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, nâng cao hiệuq uaqr quản lý đầu tư đối với các công tình đầu tư từ nguồn vốn nhà n ước, đặc biệt là các công trình giao thông là những vấn đề lớn, khó khắc phục trong thời gian ngắn hạn, còn nhiều bất cập, hạn chế đã được cử tri nhiều lần phản ánh; Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và bản thân đại biểu Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian, công sức để quan tâm, giám sát về nội dung này, như: năm 2013, Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu của Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012, đối với công trình lớn, năm 2014, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét đánh giá về hiệu qủa tổng thể kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng của 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân cơ do  tập đoàn than – Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư, tại các kỳ hợp cuối năm, Quốc hội cũng đã xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động đầu tư, đồng thời cũng dành thời gian xem xét, báo cáo việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đã đưa vào chương trình giám sát hàng năm của mình về nội dung cử tri nêu và bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên chuyển biến trong thực tế còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.

          Tiếp thu ý kiến của cử tri, trong quá trình tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát, Tổng thư ký QH sẽ lưu ký đề xuất để đưa nội dung nêu trên vào chương tình giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc đề nghị Ủy ban kinh tế, Ủy ban Tài chính ngân sách nghiên cứu, tiến hành giám sát vào thời điểm thích hợp, nhằm sớm khắc phục những hạn chế, bất cập cử tri đã nêu.


[1] Báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII về Tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát

chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khoá XIII đến năm 2015.

Ban Dân nguyện