Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá Chính phủ, các bộ ngành đã rất tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính
Đánh giá chung, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định khẳng định, Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan với tinh thần trách nhiệm rất cao, khẩn trương chuẩn bị rất kỹ và thực hiện Nghị quyết 56/2017/QH14 về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước rất có hiệu quả. Nổi bật, như Bộ Công an sắp xếp bộ máy tinh gọn giảm 6 tổng cục, giảm 95 cục. Bộ Công Thương, các bộ, ngành đều sắp xếp trên các lĩnh vực về tổ chức bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, đề án đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, đề án tinh giản biên chế, đề án vị trí việc làm, đề án tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công và đề án cải cách chính sách tiền lương đều triển khai rất tích cực.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý nhà nước thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, công tác đánh giá cán bộ, viên chức, những công việc này đều tiến hành khẩn trương và đúng tiến độ.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay, rút ra kinh nghiệm trong quá trình giám sát chuyên đề và quá trình ra các văn bản, nghị quyết thì sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với các cơ quan của Chính phủ là hết sức quan trọng. Khi Ủy ban Pháp luật giúp Quốc hội thực hiện chuyên đề giám sát tối cao về cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, tinh giản biên chế và xây dựng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì Ủy ban phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nội vụ, các cơ quan của Chính phủ. Mọi nhận định đưa ra Quốc hội đều có sự thảo luận kỹ lưỡng, thống nhất khi trình Nghị quyết 56/2017/QH14 nghị quyết đầu tiên mang tính pháp lý cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Trung ương 6 về cải cách tổ chức bộ máy. Cùng với đó, lãnh đạo Quốc hội cũng chỉ đạo Ủy ban Pháp luật phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp và các bộ liên quan, xin ý kiến Chính phủ việc gì chắc chắn thì ghi vào và phải cụ thể hóa được nghị quyết Trung ương, việc gì chưa chắc thì phải có lộ trình, có kế hoạch cho nên Nghị quyết 56 thể hiện rất cụ thể, với cách làm như vậy công tác giám sát có hiệu quả hơn và việc thực hiện các nghị quyết giám sát có hiệu quả hơn.
Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải ghi nhận những kết quả tích cực trong cắt giảm thủ tục hành chính của Bộ Công thương
Trong khi đó, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặc biệt ghi nhân nỗ lực của Bộ Công thương trong việc giải quyết những vấn đề liên quan trực tiếp tới người dân. Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, cải cách thủ tục hành chính của Bộ Công Thương được người dân đánh giá rất cao. Hiện nay mới chỉ có Bộ Y tế và Bộ Công Thương đưa ra những cắt giảm thủ tục hành chính một cách thực sự với 730 điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đặc biệt là có kiểm tra chuyên ngành thuộc ngành công thương và y tế. Riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm đã cắt giảm trên 95% thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với thực phẩm nhập khẩu và 90% sản phẩm doanh nghiệp được phép tự công bố, tiết kiệm được 7,7 triệu ngày công. Trưởng Ban dân nguyện nhấn mạnh, có thể nói Bộ Công Thương là một bộ đi đầu trong lĩnh vực này và các bộ khác cũng đang rất tích cực.
Làm rõ một số nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện nay Chính phủ đang làm quyết liệt cải cách. Cải cách là dư địa cho tăng trưởng. Trong thời gian giữa năm 2017 và nửa năm 2018 với sự tập trung sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng, có 5.623 điều kiện kinh doanh đến nay đã cắt giảm 968 điều kiện, tinh thần sẽ cắt giảm 23 nghị định nữa là 2.826 nữa, như vậy sẽ có 3.794 điều kiện, đạt 61% điều kiện kinh doanh phải cắt giảm. Hiện có 9.926 thủ tục phải kiểm tra chuyên ngành, đến nay đã cắt giảm được 1.700 thủ tục, tiếp tục thực hiện cắt giảm thêm 3.000 thủ tục nữa, như vậy sẽ còn 4.700 thủ tục hành chính. Chính phủ yêu cầu đến phiên họp Chính phủ ngày 1/10 các bộ phải hoàn thành việc cắt giảm các thủ tục này. Nghị quyết 01 của Chính phủ yêu cầu năm nay cắt giảm 50% điều kiện, 50% thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành tiến tới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có 11 triệu bộ thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có 5,32 triệu bộ hồ sơ xuất khẩu, như vậy đã tiết giảm được 3 giờ một lô hàng, từ 58 xuống 55 giờ; có 5,72 triệu bộ hồ sơ nhập khẩu, tiết kiệm được 6 giờ, từ 62 xuống 56 giờ, tiết kiệm được 14 triệu giờ của hàng xuất khẩu, 34 triệu giờ hàng nhập khẩu; 11 triệu lô hàng tiết kiệm được 19 đô Như vậy năm vừa rồi đã tiết kiệm được trên 200 triệu đô, bằng hơn 4.000 tỷ đồng. Đây là những con số có thể minh chứng cho cải cách quyết liệt của Chính phủ và sự tham gia tích cực của các Bộ trưởng các ngành.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Chính phủ nỗ lực cắt giảm 50% điều kiện, 50% thủ tục hành chính
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thêm, cũng trong thời gian này Chính phủ tiếp tục cải cách trong đó có xây dựng Chính phủ điện tử và Trung tâm hành chính công. Hiện đã có khoảng gần 50% tỉnh thành đã thành lập trung tâm hành chính công theo hướng nối từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã và xã, 3 cấp và theo hướng là phải tiếp nhận, xét duyệt, quyết định và trả kết quả tại chỗ. Có rất nhiều mô mô hình triển khai rất tốt như Quảng Ninh và Bắc Ninh là những địa phương đi đầu thực hiện theo mô hình này.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, tại kỳ họp thứ sáu tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận về việc triển khai thực hiện đối với 6 nghị quyết chuyên đề, có 3 nghị quyết về giám sát và 3 nghị quyết về vấn đề chất vấn. Qua báo cáo có thể thấy, trên cơ sở các nghị quyết của Quốc hội một khối lượng công việc rất lớn đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện tạo sự chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực, vấn đề Quốc hội quan tâm
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét rất quan trọng, là cơ sở để Quốc hội thảo luận, chất vấn, đánh giá lại việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp tới. Đây không chỉ thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, các ngành trước Nhân dân, cử tri mà còn là cơ hội để cung cấp thông tin, giải trình, thảo luận, trên cơ sở đó có các giải pháp tích cực cho thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, những nội dung Quốc hội yêu cầu thực hiện có vấn đề có thể triển khai ngay được, nhưng cũng có nhiều nội dung phải triển khai một cách hệ thống, cần phải có lộ trình và một thời gian nhất định mới có thể triển khai thực hiện. Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa, Viện, các bộ, ngành cần phải nghiên cứu, tiếp thu hoàn chỉnh báo cáo và đặc biệt cần phải phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội để thống nhất giữa báo cáo và thẩm tra để làm sao có một sự đồng thuận; đề nghị các bộ, ngành phải rà soát lại hết tất cả các nội dung báo cáo, nêu bật lên những kết quả, phải rõ vấn đề gì còn tồn tại, nguyên nhân khách quan, chủ quan; rà soát những vấn đề nội dung cử tri kiến nghị với bộ, ngành mình, trả lời dứt điểm những vấn đề chưa trả lời và trả lời một cách đúng đắn, có thuyết phục./.