Thông cáo phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

19/12/2011

Từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 12 năm 2011, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 4 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII.

- Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, dư luận xã hội, thực tế diễn biến kỳ họp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Với công tác chuẩn bị chu đáo, tinh thần tiếp tục đổi mới, làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thành công của kỳ họp cũng đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chuẩn bị chu đáo, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước, hoạt động tích cực, trách nhiệm cao của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của cử tri, nhân dân cả nước.

- Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội làm việc khoảng 24 ngày, sẽ thông qua 14 dự án luật, 01 nghị quyết, cho ý kiến về 07 dự án luật; tiến hành giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh Báo cáo đánh giá kết quả kỳ họp thứ hai gửi các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp thứ ba, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn ý kiến khác nhau của 06 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, gồm: Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật bảo hiểm tiền gửi; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật giá; Luật tài nguyên nước (sửa đổi). Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, các dự thảo luật trên để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba sắp tới.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 02 dự án, gồm dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật và và dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật.

- Dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật: Hiện nay, số lượng văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta còn rất nhiều và có nhiều chủ thể ban hành, các quy định về cùng một vấn đề nằm tản mát ở nhiều văn bản, chưa được rà soát, phân loại, sắp xếp một cách hệ thống theo những chủ đề nhất định, gây nhiều khó khăn và tăng chi phí cho việc tiếp cận, tra cứu, áp dụng của người dân, cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp. Do đó, việc ban hành Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật là cần thiết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, áp dụng, thực hiện pháp luật; đồng thời cụ thể hóa quy định tại Điều 93 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Dự án Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật: Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, hệ thống pháp luật nước ta còn rất phức tạp, khó tiếp cận như văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung không được hợp nhất với văn bản được sửa đổi, bổ sung; việc tra cứu gặp nhiều khó khăn; khó xác định được tính hiệu lực của văn bản…Vì vậy, việc ban hành Pháp lệnh hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng, thực hiện pháp luật và góp phần bảo đảm tính minh bạch của hệ thống pháp luật; đồng thời cụ thể hóa quy định tại Điều 92 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ tư pháp và Ủy ban pháp luật tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý 02 dự thảo Pháp lệnh nêu trên để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại một phiên họp sau.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 02 chuyên đề: việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu.

- Về việc thực hiện quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân: Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vẫn còn những hạn chế như: Sự chồng chéo về thẩm quyền; trình tự, thủ tục chưa được quy định đầy đủ; cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; địa phương thiếu chủ động trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương mình; đội ngũ cán bộ pháp chế còn mỏng, năng lực và trình độ chưa tương xứng nên không thể tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

- Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu: Việc phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu đã tạo điều kiện phát huy thế mạnh, tiềm năng của từng khu vực để phát triển kinh tế - xã hội của địa bàn, nhất là các địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay việc xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu đặt ra, như: việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành còn thiếu cụ thể, chưa kịp thời, chưa có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc thù cho các khu kinh tế cửa khẩu có khó khăn hơn; cơ sở hạ tầng, vật chất khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu và chưa đồng bộ; việc phối hợp hoạt động, thực hiện cải cách hành chính tại cửa khẩu chưa đạt yêu cầu, chưa thực hiện được cơ chế “một cửa tại chỗ”; công tác quy hoạch, tiến độ xây dựng và lập dự án đầu tư còn chậm; công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư còn nhiều khó khăn, phức tạp; thiếu chiến lược thu hút các dự án đầu tư mang tính động lực đối với phát triển ngành, lĩnh vực tại các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu...

Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và việc chuẩn bị báo cáo của Đoàn giám sát có chất lượng, khá đầy đủ, cụ thể và sát với tình hình thực tế; đồng thời đề nghị Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến đóng góp tại phiên họp, rà soát, chỉnh lý một bước để nâng cao chất lượng dự thảo báo cáo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sau.

5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự kiến Chương trình công tác năm 2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2012 của các cơ quan của Quốc hội; đồng thời nhất trí với đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự trung ương.

 

(Văn phòng Quốc hội)