Thông cáo phiên họp thứ 38 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

15/07/2015

Từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 5 năm 2015, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 38 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 9, gồm: Bộ luật dân sự (sửa đổi), Luật trưng cầu ý dân và Luật khí tượng thủy văn. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết và đồng ý trình các dự án luật này; đồng thời đề nghị  cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo của Chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xây dựng Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nói chung và Điều 60 nói riêng được bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật, đã thể hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phù hợp với xu hướng tiến bộ trên thế giới, hướng tới một chiến lược an sinh lâu dài cho người lao động. Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2014 đến nay chưa có hiệu lực nhưng có 01 bộ phận công nhân kiến nghị gửi đến và Chính phủ đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi về vấn đề này theo quy định của pháp luật. Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

2. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014.

- Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014: Năm 2014, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những biến động phức tạp, kinh tế trong nước vẫn còn những khó khăn, thách thức, với sự nhất trí và quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; sự chỉ đạo, điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ; sự nỗ lực và thống nhất cao của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được phục hồi trong hầu hết các ngành, lĩnh vực và lần đầu tiên có mức tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra trong 4 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Tăng trưởng tín dụng đạt kế hoạch đề ra, giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tín dụng giảm; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ tương đối ổn định; thu ngân sách nhà nước vượt kế hoạch; các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi tiếp tục được bảo đảm; …

 - Về tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015: Kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2015 tiếp tục đạt được những kết quả tích cực: Tăng trưởng kinh tế quý I đạt 6,03 %, cao hơn nhiều cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; giá cả, thị trường khá ổn định; lãi suất tiếp tục được điều chỉnh giảm, cơ cấu tín dụng có chuyển biến ở một số lĩnh vực ưu tiên; tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt khá; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng cao hơn cùng kỳ năm trước; thu hút FDI có chuyển biến tích cực; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế... Tuy nhiên,  nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn ảnh hưởng đến sự phát triển, tăng trưởng chưa thực sự bền vững; xuất khẩu giảm nhiều, nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ; khách quốc tế giảm; doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu; tai nạn giao thông, tai nạn lao động còn nhiều vụ việc nghiêm trọng; hạn hán, thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt tại một số địa phương ở khu vực Nam Trung Bộ diễn ra gay gắt; …

Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo Chính phủ cần bám sát Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và năm 2015 để phân tích, làm rõ hơn tình hình, kết quả, khó khăn, hạn chế; chỉ rõ nguyên nhân; đưa những giải pháp hiệu quả, thiết thực đối với từng ngành, lĩnh vực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, tạo điều kiện để đất nước hội nhập sâu kinh tế quốc tế.

- Về phương án sử dụng nguồn tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội. Đồng thời, nhất trí với việc ban hành Nghị quyết về việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2014 và giao Ủy ban tài chính, ngân sách phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo và cho rằng, Báo cáo của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013 được lập, thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục quy định, được Kiểm toán nhà nước kiểm toán và xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp. Đồng thời, Báo cáo đã tổng hợp đầy đủ và thuyết minh khá chi tiết nguyên nhân tăng giảm từng khoản chi so với dự toán được giao. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn để khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý thu, chi hiện nay, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tài chính nhằm thực hiện hiệu quả việc giảm thất thu và tiết kiệm các khoản chi từ ngân sách nhà nước. Trên cơ sở các ý kiến tại phiên họp, đề nghị Chính phủ, Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh các báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các tờ trình của Chính phủ và nhất trí thông qua việc: điều chỉnh địa giới hành chỉnh để thành lập thị xã Duyên Hải và các phường thuộc thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh; điều chỉnh địa giới hành chỉnh để thành lập thị xã Long Mỹ và 4 phường thuộc thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; điều chỉnh địa giới hành chỉnh huyện Bù Gia Mập để thành lập mới huyện Phú Riềng thuộc tỉnh Bình Phước; điều chỉnh địa giới hành chỉnh, thành lập thị xã Phổ Yên và 4 phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập phường Lương Sơn thuộc thị xã Sông Công và thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị xã Giá Rai và 3 phường thuộc thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; điều chỉnh địa giới hành chính huyện, xã để mở rộng địa giới hành chính thị xã Sầm Sơn, thị trấn Nông Cống thuộc huyện Nông Cống, thị trấn Rừng Thông thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và thông qua các Nghị quyết về tổ chức bộ máy các đơn vị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Viện kiểm sát quân sự các cấp, phê chuẩn danh sách thành viên Ủy ban kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành lập Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, phê chuẩn danh sách Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, thành lập và giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực, quy định về Kiểm tra viên Viện kiểm sát nhân dân; về tổ chức bộ máy, giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao,  thành lập Tòa án nhân dân cấp cao, số lượng Tòa án nhân dân cấp cao và phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của mỗi Tòa án nhân dân cấp cao, danh sách Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia.

6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2014.

(Văn phòng Quốc hội)