Thông cáo Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

21/04/2012

Từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 4 năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 7 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

 1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 07 dự án luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba, gồm: Luật giá; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật quảng cáo; Luật biển Việt Nam; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật giám định tư pháp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý và dự thảo các dự án luật trên để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 06 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ ba:

- Luật dự trữ quốc gia: Pháp lệnh dự trữ quốc gia sau 8 năm thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, không phù hợp tình hình thực tế: thiếu một số mục tiêu dự trữ quốc gia quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu; chưa có chính sách xã hội hóa trong hoạt động dự trữ quốc gia; bố trí ngân sách chi cho dự trữ quốc gia chưa đồng bộ; quy định trong pháp lệnh về dự trữ quốc gia mâu thuẫn với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, Luật thương mại... Do đó, cần thiết phải ban hành Luật dự trữ quốc gia nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

- Luật hợp tác xã (sửa đổi): Qua 8 năm thi hành Luật hợp tác xã, hệ thống hợp tác xã nước ta bộc lộ nhiều hạn chế: yếu kém kéo dài về công nghệ, nhân lực; chưa mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, chưa hấp dẫn nhân dân và tổ chức tham gia; đóng góp vào GDP của kinh tế tập thể liên tục giảm sút... Do đó cần thiết phải sửa đổi Luật hợp tác xã nhằm phát triển kinh tế tập thể, xây dựng khung pháp lý cơ bản phù hợp với bản chất của tổ chức hợp tác xã, khuyến khích người dân lựa chọn mô hình hợp tác xã, thúc đẩy hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và bền vững.

- Luật thư viện: Sau 10 năm thực hiện, Pháp lệnh thư viện bộc lộ một số bất cập, hạn chế: một số quy định thiếu cụ thể, không phù hợp thực tiễn, chưa bao quát hết thực tiễn hoạt động thư viện; một số loại hình thư viện mới xuất hiện, hoạt động có hiệu quả nhưng chưa được Pháp lệnh điều chỉnh... Do đó, cần thiết phải ban hành Luật thư viện nhằm phát triển thư viện, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước.

- Luật xuất bản (sửa đổi): Với sự biến đổi nhanh chóng của đời sống kinh tế - xã hội và sự tác động của bối cảnh quốc tế, Luật xuất bản hiện hành bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập so với thực tiễn: đối tượng thành lập các nhà xuất bản, cơ quan chủ quản, đăng ký kế hoạch xuất bản, nộp lưu chiểu, quy hoạch, liên kết xuất bản, sự yếu kém của các nhà xuất bản, việc cấp phép trong hoạt động xuất bản… Do đó, cần thiết phải ban hành Luật xuất bản (sửa đổi) nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động xuất bản trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư: Qua 5 năm thi hành, tổ chức và hoạt động luật sư ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế: chất lượng luật sư còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề, đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, hội nhập quốc tế; số lượng luật sư chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội và yêu cầu cải cách tư pháp; đa số mô hình tổ chức hành nghề luật sư quy mô nhỏ, quản trị, điều hành thiếu chuyên nghiệp... Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật luật sư nhằm hoàn thiện chế định luật sư, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của đội ngũ luật sư Việt Nam.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực: Qua 7 năm thi hành, Luật điện lực bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong việc quy hoạch phát triển điện lực, giá điện, giấy phép hoạt động điện lực, nội dung điều tiết điện lực, thanh tra chuyên ngành điện lực, không còn phù hợp với mục tiêu phát triển, phương thức quản lý, điều hành của ngành điện lực. Do đó, cần thiết phải sửa đổi Luật điện lực nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động điện lực, góp phần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hạ tầng điện lực và đảm bảo an ninh năng lượng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba.

3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội:

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 được xây dựng trên nguyên tắc ưu tiên các dự án luật thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; các dự án liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992; các dự án phải được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; đưa vào các dự án có tính đến quỹ thời gian, khả năng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng của dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát tất cả các nội dung trong dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và khóa XIII của Quốc hội để hoàn chỉnh các báo cáo, trình Quốc hội.

4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng: Qua 7 năm thực hiện, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Việc sửa đổi Pháp lệnh tập trung vào các nội dung: điều kiện, tiêu chuẩn xác nhận người có công với cách mạng; chế độ ưu đãi; trách nhiệm của Bộ Y tế... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn chỉnh các báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Pháp lệnh này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp sau.

5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng.

- Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Qua báo cáo, đoàn giám sát đã đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2006 đến năm 2011; làm rõ những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực hiện có hiệu quả hơn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo và chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5 - 2012).

- Về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng: Qua báo cáo, đoàn giám sát đã đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng từ năm 2005 đến nay; làm rõ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân và đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Về các vấn đề xã hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn chỉnh Báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba; đồng thời chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp đầu tháng 5.2012.

6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010:

- Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012:

Trong năm 2011, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được những kết quả tích cực: tăng trưởng kinh tế đạt 5,89%; tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần; cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực; thị trường ngoại tệ và vàng cơ bản được kiểm soát; thu ngân sách tăng cao; bội chi giảm; nhập siêu giảm mạnh; sản xuất nông nghiệp ổn định, tạo điều kiện bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện đời sống và thu nhập của nông dân; khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển; an sinh xã hội được quan tâm; chính sách xã hội được triển khai tích cực, góp phần giảm bớt khó khăn trong đời sống nhân dân; công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tốt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, còn tồn tại không ít những khó khăn: một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch; lạm phát còn ở mức cao; kinh tế vĩ mô chưa ổn định; chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; một số vấn đề xã hội, môi trường còn nhiều bức xúc, chậm được giải quyết.

Tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2012 đạt được một số kết quả nhất định, trong đó đáng chú ý là chỉ số giá tiêu dùng tăng chậm và thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước; tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định; tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, góp phần quan trọng ổn định trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, vẫn đang nổi lên những khó khăn thách thức: tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4%; lãi suất tuy đã giảm những vẫn ở mức cao, khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp còn hạn chế; sản xuất công nghiệp tăng chậm, lượng tiêu thụ giảm, tồn kho lớn; tình trạng quá tải ở các bệnh viện, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn bức xúc; đời sống của một bộ phận dân cư gặp khó khăn; tình hình tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tội phạm, khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp.

- Kết quả thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước năm 2011, tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012:

Năm 2011: tổng thu ngân sách nhà nước đạt tăng 18,4% so với dự toán, tổng chi ngân sách nhà nước tăng 13,8% so với dự toán, bội chi ngân sách nhà nước 4,9% GDP.

Quý I năm 2012: tổng thu ngân sách nhà nước bằng 23,3% dự toán, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2011; tổng chi bằng 22% dự toán, tăng 13,4 % so với cùng kỳ năm 2011; bội chi bằng 18,7 % dự toán năm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Ủy ban kinh tế, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục cập nhật thông tin, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn chỉnh các Báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba (tháng 5.2012).

7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế: Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội số 11/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2012, Chính phủ đã soạn thảo, hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gồm những nội dung: những thành tựu chủ yếu, những yếu kém cơ cấu nội tại và nguyên nhân; xác định mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; nội dung, định hướng và điều kiện tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; hệ thống 13 nhóm giải pháp để tái cơ cấu nền kinh tế và tổ chức thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ về Đề án; đồng thời đề nghị Chính phủ, Ủy ban kinh tế và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án, báo cáo xin ý kiến tại Hội nghị trực tuyến ngày 27.4.2012 và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5.2012).

8. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật.

(Văn phòng Quốc hội)