Thông cáo phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

 

Từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 7 năm 2006, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp phiên thứ 41 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI.

- Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 9: Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng, kỳ họp thứ 9 của Quốc hội đã thành công tốt đẹp trên nhiều mặt, từ công tác chuẩn bị, cách thức tiến hành, điều hành kỳ họp đến việc thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri cả nước. Là kỳ họp dài ngày với nhiều nội dung quan trọng, nhưng Quốc hội đã hoàn tất toàn bộ chương trình, bảo đảm chất lượng và rút ngắn được thời gian so với dự kiến. Trong đó hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có bước đổi mới và đạt chất lượng tốt. Các vấn đề bức xúc được thảo luận dân chủ, công khai. Số lượng các buổi truyền hình trực tiếp tăng lên nhiều hơn để nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi được nhiều hơn. Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành bầu các chức danh Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm một số Bộ trưởng và chức danh quan trọng khác của bộ máy Nhà nước.

Thành công của kỳ họp thứ 9 còn thể hiện sự cố gắng, quyết tâm cao của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội; của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan trên đồng thời hoan nghênh các cấp, các ngành và nhân dân cả nước trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

- Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 10: Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội sẽ thảo luận thông qua 14 luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến 8 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2006-2007; báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, có kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ họp.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến Tờ trình của Chính phủ về việc ban hành Nghị định thực hiện chế độ hưu trí đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ ngày 30-4-1975 về trước có 20 năm trở lên phục vụ quân đội đã phục viên, xuất ngũ về gia đình.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo tình hình phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển giai đoạn 2004-2006 và cho ý kiến về các tiêu chí định mức phân bổ chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước giai đoạn 2007-2010.

 Trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước, nhu cầu vốn đầu tư phát triển nói chung cũng như vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước nói riêng là rất lớn. Nhìn chung, trong 3 năm qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, song việc phân bổ vốn đầu tư đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-thông tin, y tế, tài nguyên và môi trường…

Do thực hiện cơ chế ổn định đối với ngân sách địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trong 3 năm qua, chi đầu tư phát triển của địa phương tăng khá cao; việc bố trí nguồn vốn bổ sung đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương; thực hiện xoá bao cấp trong đầu tư cho các doanh nghiệp…

Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét 5 nhóm tiêu chí định mức phân bổ chi đầu tư cho các tỉnh, thành phố, gồm: dân số, trình độ phát triển, diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính và tiêu chí bổ sung. Các nhóm chỉ tiêu này được chia thành các chỉ tiêu cụ thể và được lượng hoá thành số điểm. Đây là cách làm tiến bộ, khoa học, khách quan hơn. Trên cơ sở đó, Chính phủ nghiên cứu quyết định ban hành các tiêu chí, định mức để áp dụng.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định tiếp các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đủ điều kiện để thực hiện thẩm quyền xét xử mới theo quy định tại Khoản 1 Điều 170 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc này, liên ngành tư pháp ở Trung ương đã thống nhất xác định các điều kiện cụ thể làm cơ sở cho việc lựa chọn các Tòa án cấp huyện được đề nghị giao thẩm quyền xét xử mới. Theo đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã quyết định danh sách gồm 201 Toà án cấp huyện đủ điều kiện để thực hiện thẩm quyền mới về hình sự và dân sự từ ngày 1-8-2006.

5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành các công việc sau:

- Thông qua Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia được xác lập trước ngày 1-7-1991.

- Nghe báo cáo ý kiến của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án dân sự tranh chấp đất ao ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội.