Thông cáo phiên họp thứ 21 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

24/09/2013

Từ 9-23/9, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 21 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Về các nội dung chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIII tại kỳ họp thứ 6.

1.1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6.

Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khai mạc vào ngày 21 tháng 10 năm 2013. Tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và 8 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật khác; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; một số báo cáo giám sát chuyên đề; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác…

1.2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 13 dự án luật, trong đó có 3 dự án luật trình Quốc hội thông qua, gồm: Luật tiếp công dân; Luật đất đai (sửa đổi); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật đầu tư công; Luật xây dựng (sửa đổi); Luật phá sản (sửa đổi); Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật công an nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo và dự thảo dự án luật gửi các vị đại biểu Quốc hội theo quy định. Đối với 2 dự án Luật công an nhân dân (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đề nghị cơ quan soạn thảo khẩn trương phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý tờ trình, báo cáo, dự thảo luật trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 10 trước khi gửi các vị đại biểu Quốc hội.

1.3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật năm 2013; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013; báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2014; báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tích cực khẩn trương tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

1.4. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến hết tháng 7/2013; tình hình triển khai và kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian qua. Các báo cáo đã phản ánh sát thực tình hình, phân tích, đánh giá được những mặt đã làm được, những hạn chế, bất cập và đề ra được một số giái pháp, kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực giám sát việc triển khai thực hiện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp tục triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội để góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, đề nghị các cơ quan hữu quan chỉnh lý, hoàn thiện các báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội theo quy định.

1.5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012.

Thực hiện Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, nghe báo cáo của Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan và tổ chức đi giám sát tại một số tỉnh, thành phố. Ủy ban thường vụ Quốc hội hoan nghênh kết quả tổ chức các hoạt động giám sát, chuẩn bị Báo cáo kết quả giám sát được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Báo cáo kết quả giám sát cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước ta tiếp tục được khẳng định chính sách bảo hiểm y tế là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội, là cơ chế tài chính cơ bản góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân và xây dựng nền y tế nước nhà công bằng, hiệu quả và phát triển. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu đầy đủ các ý kiến, đề xuất những giải pháp, kiến nghị xác đáng nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay; tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng Báo cáo kết quả giám sát trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 6.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Trong thời gian qua, việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức đã mang lại những kết quả nhất định, nền hành chính phục vụ đã từng bước khắc phục tình trạng quan liêu, bao cấp; … Tuy nhiên, thực tiễn thi hành pháp luật trong lĩnh vực này đã phát sinh một số hạn chế, bất cập như các quy định về chế độ quản lý, sử dụng, tiêu chuẩn cán bộ, công chức, chế độ, chính sách còn thiếu thống nhất; sự phân bố không đồng đều cơ cấu bậc, ngạch, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, số lượng cán bộ, công chức, viên chức giữa các địa phương; … Tình trạng này dẫn đến một lượng không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không đáp ứng được yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức thực hiện, chuẩn bị Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát và cho rằng những kiến nghị đã nêu góp phần nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn, đáp ứng được yêu cầu công việc. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.

3. Về công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội đồng liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Việt Nam.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp nhà nước, Ban Tổ chức cấp nhà nước, Ban Thư ký Quốc gia và một số vấn đề khác về việc chuẩn bị và tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức tại Hà Nội vào khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 năm 2015. Đồng thời, đề nghị Ủy ban đối ngoại tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp, phối hợp chặt chẽ với Ban đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng mọi mặt để việc tổ chức IPU-132 được tiến hành chu đáo, thuận lợi./.

(Văn phòng Quốc hội)