Thông báo số 1561/TB-TTKQH của Tổng thư ký Quốc hội về Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20 (tháng 01/2018)

22/01/2018

QUỐC HỘI KHÓA XIV

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI

 

Số: 1561/TB-TTKQH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

      Hà Nội, ngày 16  tháng 01 năm 2018

 

 

THÔNG BÁO

Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

tại phiên họp thứ 20 (tháng 01/2018)

 

 

Từ ngày 10 đến sáng ngày 11/01/2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 20 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 03 dự án luật và các nội dung khác. 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp như sau:

1. Về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc chuẩn bị tích cực, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan hữu quan trong việc khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB).

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu việc chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cần quán triệt đúng quan điểm chỉ đạo trong các nghị quyết của Đảng và Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị, trong đó xác định thành lập các đơn vị HCKTĐB trực thuộc cấp tỉnh; phạm vi điều chỉnh của Luật áp dụng chung cho ba đơn vị HCKTĐB Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); các cơ chế chính sách, nội dung cụ thể của Luật phải bảo đảm tính vượt trội và có tính đến đặc thù của từng đơn vị, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, tạo động lực thu hút mạnh đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới, tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, phát triển cho tỉnh, vùng và cả nước. 

- Về tổ chức chính quyền địa phương ở đơn vị HCKTĐB: Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tập trung hoàn thiện 02 phương án về mô hình tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể là: làm rõ phương thức hoạt động và cơ chế, cách thức kiểm soát quyền lực đối với phương án Trưởng Đơn vị HCKTĐB; bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, phân định rõ thẩm quyền và phương thức hoạt động của từng cơ quan, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong phương án tổ chức chính quyền đơn vị HCKTĐB có Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.  

- Về chính sách liên quan đến đất đai tại đơn vị HCKTĐB: các cơ quan cần tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý các quy định về thời hạn sử dụng đất, miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước để bảo đảm tính vượt trội, cạnh tranh quốc tế nhưng phải chặt chẽ, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, các lĩnh vực ưu tiên phát triển và đặc điểm của từng đơn vị HCKTĐB; nghiên cứu quy định rõ về điều kiện chuyển nhượng và việc xử lý tài sản thế chấp trong trường hợp cho phép tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thế chấp tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài có hiện diện thương mại tại Việt Nam.

- Để bảo đảm tiến độ và chất lượng của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban về các vấn đề Xã hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ động nghiên cứu, đề xuất phương án tiếp thu, chỉnh lý các quy định của dự thảo Luật về những nội dung thuộc phạm vi lĩnh vực các Ủy ban phụ trách và tham gia chỉnh lý dự thảo Luật. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 3 địa phương và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật để tiếp thu, chỉnh lý toàn diện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ở phiên họp sau và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

2. Về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đồng thời, lưu ý một số nội dung sau: 

- Nghiên cứu, làm rõ hơn quy định về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1 và các nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 3. 

- Vấn đề kết hợp kinh tế -xã hội với quốc phòng, an ninh, kết hợp quốc phòng an ninh với kinh tế- xã hội cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn; rà soát kỹ để bảo đảm tính nguyên tắc đối với việc kết hợp kinh tế với quốc phòng. Cần rà soát tối đa các quy định của dự thảo nghị định hướng dẫn để quy định trong luật.

- Tiếp tục nghiên cứu quy định rõ về thẩm quyền của cơ quan bộ, ngành; không quy định lại các định nghĩa, khái niệm hoặc các nội dung đã được văn bản pháp luật khác quy định (một số nhiệm vụ của Bộ Công an đã quy định trong văn bản luật khác thì không đưa vào luật này); cần quy định rõ mối quan hệ của các lực lượng này trong công tác quốc phòng. 

- Xin ý kiến Hội đồng Quốc phòng và An ninh về cơ quan Thường trực Hội đồng Quốc phòng và An ninh quy định trong Luật này cho phù hợp với quy định của Hiến pháp. Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực hay có thêm các thành phần như Công an, Văn phòng Chính phủ…; nghiên cứu, dự kiến theo 02 phương án:

Phương án thứ nhất: Bộ Quốc phòng là cơ quan Thường trực Hội đồng Quốc phòng và An ninh. 

Phương án thứ hai: Theo ý kiến Hội đồng Quốc phòng và An ninh.

Đề nghị Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, rà soát kỹ nội dung các điều khoản của dự thảo Luật và kỹ thuật văn bản; hoàn chỉnh dự án Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội theo quy định trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5. 

3. Về dự án Luật An ninh mạng

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung dự thảo Luật đã được Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật theo ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu các vấn đề sau:

- Tiếp tục rà soát các nội dung dự thảo Luật để làm rõ thêm phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này với Luật An toàn thông tin mạng và các luật khác có liên quan (Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh quốc gia, Luật Phòng chống khủng bố….). Những nội dung có liên quan đến an ninh quốc gia trên môi trường mạng sẽ do Luật An ninh mạng điều chỉnh. Những nội dung về bảo đảm kỹ thuật an toàn thông tin mạng do Luật An toàn thông tin điều chỉnh.

- Tiếp tục làm rõ hơn về quy trình, thủ tục, các khâu, cơ chế phối hợp về thẩm quyền để bảo đảm hợp lý, khả thi, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình kiểm tra, thẩm định, bảo đảm chặt chẽ.

- Tập trung nghiên cứu nội dung quy định tại khoản 4 Điều 27 (khoản 4 Điều 34 của dự thảo Luật do Chính phủ trình) để bảo đảm chặt chẽ, khả thi; rà soát các biện pháp phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Quy định về quản lý an ninh mạng đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam cần được tiếp tục làm rõ, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tạo sự đồng thuận trong nước và quốc tế. Giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh cùng Ban soạn thảo dự án Luật tổ chức tọa đàm, đối thoại với một số đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội để trao đổi cụ thể về nội dung này.

- Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thông tin mạng tại điều khoản chuyển tiếp, đây là nội dung mới so với dự thảo của Chính phủ, đề nghị tiếp tục nghiên cứu làm rõ thêm để việc sửa đổi, bổ sung này bảo đảm tính cần thiết, không ảnh hưởng đến Luật An toàn thông tin mạng. Đồng thời, các cơ quan phải có sự thống nhất về nội dung này. 

Ngoài các nội dung trên, cần rà soát các quy định về nội dung giải thích từ ngữ, bố cục, thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức hữu quan; quy định về lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Sau phiên họp, yêu cầu Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp và ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, rà soát kỹ nội dung các điều khoản của dự thảo Luật và kỹ thuật văn bản; hoàn chỉnh dự án Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Quốc hội theo quy định trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 5. 

4. Việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định chi tiết một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015

Sau khi xem xét Tờ trình của Kiểm toán Nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất cho rằng: việc quy định chi tiết nhằm cụ thể hóa một số nội dung của Luật Kiểm toán nhà nước để tạo điều kiện cho hoạt động Kiểm toán nhà nước được thuận lợi, đúng pháp luật là cần thiết, song một số nội dung được đề xuất không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên không ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đề nghị Kiểm toán Nhà nước nghiên cứu, ban hành các văn bản để cụ thể hóa các nội dung thuộc thẩm quyền được giao theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước; chủ trì, phối hợp với cơ quan hữu quan tổng kết, rà soát Luật Kiểm toán nhà nước và hệ thống pháp luật liên quan, nếu vướng mắc thì trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước vào thời điểm thích hợp, bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 (Khóa XII), tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước.

5. Việc điều chỉnh cơ cấu sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý đối với dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao, tỉnh Bình Thuận và dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng, tỉnh Đắk Lắk 

Sau khi xem xét Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất như sau:

Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng của dự án Hệ thống thủy lợi Tà Pao tỉnh Bình Thuận và dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng tỉnh Đắk Lắk để đền bù cho dân, tạo điều kiện tiếp tục triển khai hoàn thành các dự án này là cần thiết. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cơ cấu vốn từ hợp phần xây lắp sang hợp phần đền bù giải phóng mặt bằng chưa đủ căn cứ theo quy định của pháp luật.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và Đắk Lắk làm rõ trách nhiệm trong việc chậm triển khai, chậm báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong  thực hiện dự án đền bù, giải phóng mặt bằng làm kéo dài tiến độ và tăng tổng mức đầu tư các dự án. Kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện 02 dự án và rà soát lại quy mô, tổng mức đầu tư, tiến độ thực hiện và phê duyệt, điều chỉnh dự án theo quy định của pháp luật; chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương có liên quan rà soát tổng thể các dự án thủy lợi do ngân sách trung ương bố trí vốn, đang trong quá trình xây dựng; tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, phương án xử lý, hoàn chỉnh hồ sơ trình của Chính phủ theo đúng quy định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm mục tiêu và hiệu quả đầu tư các dự án thủy lợi.

6. Về việc chuẩn bị tổ chức Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF-26)

Sau khi nghe lãnh đạo Ban Tổ chức Hội nghị APPF-26 báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu dương công tác chuẩn bị về nội dung và tổ chức phục vụ Hội nghị; đồng thời đề nghị một số vấn đề sau:

- Các đồng chí Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội dành thời gian để tham gia các hoạt động của APPF-26 theo dự kiến được phân công.

- Chủ tịch Quốc hội đồng thời là Chủ tịch APPF-26 sẽ chủ trì các phiên họp toàn thể. Khi cần thiết, Chủ tịch Quốc hội ủy quyền hoặc giao Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng chủ trì; các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự các cuộc họp.  

- Ban Thư ký quốc gia APPF-26 giúp chuẩn bị bảng phân công đại biểu, kịch bản chi tiết tham dự các phiên họp, sớm hoàn thiện các bài phát biểu và chuẩn bị kỹ nội dung Tuyên bố Hà Nội.

- Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội sẽ chủ trì các cuộc tiếp xúc song phương với một số đoàn tham dự Hội nghị và tiếp cơm thân Trưởng đoàn một số nước.

- Bảo đảm việc đón, tiễn các đoàn chu đáo và trọng thị nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp với khách quốc tế ngay từ lúc đầu tiên đặt chân đến Việt Nam.

- Tiểu ban Thông tin Tuyên truyền phối hợp với Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương tổ chức họp báo trước và sau Hội nghị APPF-26; Tiểu ban An ninh - Y tế cần tập trung, bảo đảm an toàn, an ninh cho khách tham dự trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị.

- Các bộ phận liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để chiều ngày 16/01/2018 tiến hành tổng duyệt trước khi chính thức diễn ra Hội nghị APPF-26.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các kết luận của phiên họp. 

 

TỔNG THƯ KÝ

(Đã ký)

 

Nguyễn Hạnh Phúc

(Văn phòng Quốc hội)