Thông cáo phiên họp thứ 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

14/03/2007

 

Ngày 13 tháng 12 năm 2005, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiến hành họp phiên thứ 35 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI.

- Về đánh giá kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI: Trên cơ sở Báo cáo của Văn phòng Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng mặc dù kỳ họp diễn ra vào thời điểm đất nước đang gặp nhiều khó khăn về thiên tai, dịch họa; các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang gấp rút chuẩn bị và tiến hành Đại hội Đảng bộ, nhưng với tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương và nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, bảo đảm chất lượng và tiến độ thực hiện nội dung chương trình, rút ngắn được thời gian so với dự kiến. Công tác chuẩn bị và phục vụ kỳ họp khá chu đáo về mọi mặt, chất lượng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được đẩy mạnh và phát huy. Các vấn đề bức xúc được thảo luận dân chủ, công khai, số lượng buổi truyền hình trực tiếp được tăng lên để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi. Đặc biệt, lần đầu tiên, tại kỳ họp này, Quốc hội thảo luận, góp ý kiến các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Đây là bước chuyển biến tích cực, phát huy dân chủ trong sinh hoạt chính trị của Đảng.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời, hoan nghênh các cấp, các ngành và nhân dân cả nước trong thời gian qua, đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công tốt đẹp.

- Về việc chuẩn bị cho kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI: Căn cứ vào các Nghị quyết của Quốc hội, dự kiến tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận thông qua 11 luật và 1 nghị quyết, cho ý kiến 13 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và một số vấn đề quan trọng khác.

Uỷ ban thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, có kế hoạch triển khai các công việc chuẩn bị cho kỳ họp.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Chương trình công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2006

Trong công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006; phân công các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra các dự án, quy định tiến độ và các biện pháp bảo đảm thực hiện tốt chương trình năm 2006; tổ chức các Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; chỉ đạo việc chuẩn bị trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2006; thực hiện giải thích luật, pháp lệnh và nghiên cứu việc cải tiến công tác chuẩn bị, xem xét thông qua các luật tại kỳ họp Quốc hội, các pháp lệnh tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Trong công tác giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội và tình hình hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các nội dung Quốc hội giám sát tại 2 kỳ họp và trực tiếp giám sát một số vấn đề quan trọng khác khi cần thiết.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua chương trình hoạt động đối ngoại cụ thể trong năm 2006; công tác dân nguyện và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân; hướng dẫn và bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo việc chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp Quốc hội; tổ chức kỷ niệm 60 năm Quốc hội Việt Nam (6-1-1946 – 6-1-2006); tiến hành các công việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII.

3. Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét thông qua Chương trình hoạt động đối ngoại của Quốc hội năm 2006.

Cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng và Chính phủ, hoạt động đối ngoại của Quốc hội sẽ tiếp tục được củng cố và mở rộng các quan hệ song phương, đa phương; ưu tiên đẩy mạnh quan hệ với các nước láng giềng, tạo khuôn khổ cho quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước và đối tác hàng đầu ngày càng đi vào chiều sâu, ổn định, lâu dài. Quốc hội cũng sẽ chú ý mở rộng quan hệ với các khu vực khác trên thế giới; đồng thời tích cực tham dự các diễn đàn đa phương, tổ chức tốt các hội nghị khu vực và quốc tế tại Việt Nam.

4. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh ngoại hối.