Thông cáo phiên họp thứ 13 Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XIII

15/12/2012

Từ ngày 11 đến ngày 14 tháng 12 năm 2012, Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 13 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII.

Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, dư luận xã hội, thực tế diễn biến kỳ họp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng: Với công tác chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, tinh thần tiếp tục cải tiến, đổi mới, làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, tăng thời lượng truyền hình và phát thanh trực tiếp, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra với một khối lượng công việc lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, góp phần đưa hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng gần dân hơn, công khai, minh bạch hơn. Thành công của kỳ họp là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động tích cực, trách nhiệm cao của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và sự quan tâm theo dõi, ủng hộ của cử tri, nhân dân cả nước.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến sơ bộ về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII; đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh dự kiến nội dung, chương trình trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đề nghị Ban biên tập tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo gửi tới Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi gửi lấy ý kiến nhân dân; đồng thời cần xây dựng kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 phù hợp, chặt chẽ để việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, công khai; bảo đảm tiến độ, chất lượng, thiết thực và tiết kiệm.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau của 2 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, gồm Luật đất đai (sửa đổi) và Luật hòa giải cơ sở, để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối. Pháp lệnh ngoại hối được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 13/12/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2006. Việc ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối nhằm khắc phục những bất cập của quy định hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, đầy đủ hơn điều chỉnh hoạt động ngoại hối của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế và phục vụ công tác quản lý của cơ quan nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới chính sách quản lý ngoại hối trong giai đoạn hiện nay. Đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến, chỉnh lý hoàn chỉnh dự thảo trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại một phiên họp sau.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2013 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chương trình hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế năm 2013 của các cơ quan của Quốc hội.

            Ủy ban thường vụ Quốc hội xác định công tác trọng tâm trong năm 2013 là cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; sửa đổi Luật đất đai và Luật thực hành, tiết kiệm, chống lãng phí; tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; ... Theo đó, tập trung chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức thảo luận, lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội và triển khai các hoạt động bảo đảm trình tự, thủ tục, chất lượng nhằm nâng cao chất lượng các văn bản khi trình ra Quốc hội.

Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2013 có ý nghĩa quan trọng, tác động trực tiếp và góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị - kinh tế giữa Việt Nam và các nước. Hoạt động đối ngoại song phương và đa phương của Quốc hội sẽ tiếp tục được triển khai chủ động theo kế hoạch, đảm bảo duy trì các mối quan hệ hợp tác và sự tham gia liên tục của Quốc hội Việt Nam tại các tổ chức liên nghị viện, đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Việc hướng dẫn thực hiện quy định của Nghị quyết nhằm tạo cơ sở chỉ đạo thống nhất việc triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết; đồng thời, cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Đề nghị Ủy ban pháp luật tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn chỉnh dự thảo để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tới.

6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phân bổ ngân sách nhà nước đối với 2 chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu và khắc phục ô nhiễm môi trường; đồng thời, cho ý kiến về một số vấn đề khác.

 

(Văn phòng Quốc hội)