• Phiên họp thứ 2
  • Tin hoạt động Văn phòng Quốc hội
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • Thông cáo phiên họp thứ 9 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIV

    24/04/2017

    Từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 4 năm 2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã họp phiên thứ 9 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và điều hành của các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội. Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Lãnh đạo Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đại diện lãnh đạo một số cơ quan, tổ chức hữu quan.

    1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết: Nghị quyết phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2017-2020; Nghị quyết cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; Nghị quyết thành lập 4 phường thuộc Thị xã Sầm Sơn và Thành phố Sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đề nghị Thường trực Ủy ban Đối ngoại, Thường trực Ủy ban Tư pháp, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện các dự thảo Nghị quyết, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

    2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 6 dự án luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật quy hoạch; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với hướng tiếp thu, giải trình và các nội dung đã được chỉnh lý của các dự án luật nêu trên. Sau phiên họp này, đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp, khẩn trương hoàn thiện các tờ trình, báo cáo, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2017).

    3. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu.

    Trên cơ sở các ý kiến bước đầu tại phiên họp, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết nêu trên đúng quy định pháp luật tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 10 (tháng 5-2017) để kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3. Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật, giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra chính thức và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

    4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2018.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các tờ trình, dự thảo Nghị quyết về các nội dung nêu trên; đồng thời đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp hoàn thiện, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

    5. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc chuẩn bị các dự án luật của các cơ quan hữu quan đã được thực hiện tích cực, khẩn trương, có nhiều tiến bộ, bảo đảm tiến độ đề ra. Đây là lần đầu tiên tất cả các dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu (13 dự án trình tại kỳ họp thứ 2) được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội đúng thời gian quy định của pháp luật. 04 dự án luật trình lần đầu tại kỳ họp thứ 3 đều đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nên có thời gian cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện và kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội đúng quy định.

    Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp rà soát, tích cực chuẩn bị các nội dung thuộc trách nhiệm của mình, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, báo cáo...trình Quốc hội theo quy định; Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, bám sát tình hình thực tế để tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời tiếp tục đôn đốc chuẩn bị các nội dung và điều kiện về mọi mặt cho kỳ họp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 10 (tháng 5/2017).

    6. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 nhóm vấn đề:

    - Giải pháp để đẩy nhanh việc rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là thanh niên ở vùng nông thôn, bộ đội, công an xuất ngũ. Vấn đề chuyển đổi, quản lý các trung tâm cai nghiện trong cả nước: Có 16 vị đại biểu Quốc hội chất vấn và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tham gia giải trình thêm về nhóm vấn đề này.

    - Công tác quản lý an toàn thông tin mạng; việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các phương tiện thông tin điện tử gây hoang mang trong dư luận, gây thiệt hại về kinh tế, tổn hại danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức khác; việc kiểm duyệt chương trình, nội dung quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng: Có 12 vị đại biểu Quốc hội chất vấn và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ tham gia giải trình thêm về nhóm vấn đề này. 

    Phiên chất vấn đã được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật, các nhóm vấn đề được lựa chọn đều là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm. Không khí chất vấn và trả lời chất vấn với tinh thần xây dựng thể hiện trách nhiệm của người hỏi và người trả lời. Các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề; các vị Bộ trưởng đã chuẩn bị các báo cáo đầy đủ và trả lời thẳng thắn, nhận rõ trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế, đề ra những giải pháp cụ thể và lộ trình thực hiện trong thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung chất vấn để làm căn cứ cho việc giám sát thực hiện.

    7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “ Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016”.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, chuẩn bị dự thảo báo cáo công phu của Đoàn giám sát và cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá của báo cáo. Nhằm nâng cao chất lượng báo cáo và đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, báo cáo cần hoàn thiện  theo hướng khoa học, chặt chẽ hơn, đưa ra nhận định rõ ràng, đánh giá chính xác hạn chế, nguyên nhân để xác định giải pháp khả thi, hiệu quả. Đề nghị Đoàn giám sát của Quốc hội phối hợp với các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

              8. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016.

          - Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh các báo cáo bảo đảm đúng quy định của Hiến pháp và Luật ngân sách nhà nước; Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tiến hành thẩm tra chính thức các báo cáo, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại phiên họp tháng 5-2017.

          - Về báo cáo việc thực hành, tiết kiệm chống lãng phí năm 2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với những đánh giá và những giải pháp, nhiệm vụ nêu trong báo cáo, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp hoàn chỉnh bảo đảm báo cáo đầy đủ, toàn diện hơn; Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiến hành thẩm tra chính thức, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

    9. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về quy định chi tiết Điều 27, Điều 34 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hình thức giám sát và phản biện xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết và đánh giá cao sự tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc của cơ quan soạn thảo. Giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi trình lãnh đạo 3 cơ quan ký ban hành.

    10. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Danh mục dự án và mức bố trí vốn cụ thể cho các dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, chuẩn bị văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội đến Chính phủ và các cơ quan hữu quan để tiếp thu và triển khai thực hiện.

    11. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Đề án vị trí việc làm của Tòa án nhân dân. Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện Đề án trình Bộ Chính trị cho ý kiến chỉ đạo, sau đó tiếp tục trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.