Thông báo số 1164/TB-TTKQH về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 (tháng 10/2017)

20/10/2017

QUỐC HỘI KHÓA XIV

TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI

________

 

Số:  1164 /TB-TTKQH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

________________

 

      Hà Nội, ngày 18 tháng 10  năm 2017

 

 

THÔNG BÁO

Kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 

tại phiên họp thứ 15 (tháng 10/2017)

_________________

 

Từ ngày 11 đến ngày 13/10/2017, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 15 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để hoàn tất việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 và công tác chuẩn bị kỳ họp, đồng thời đã thông qua 01 Nghị quyết về vấn đề thuộc thẩm quyền.  

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp như sau:

1. Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

 1.1 Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017: 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Chính phủ trong năm 2017 với nhiều đổi mới và đột phá trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên đề nghị cần phân tích, làm rõ một số nội dung sau: 

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng có khả năng đạt mục tiêu 6,7% theo Nghị quyết của Quốc hội, tuy nhiên, cần chỉ ra những thách thức khó khăn phải vượt qua cùng những giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. 

Thứ hai, cần chú ý đến phát triển bền vững. Hiện nay, chỉ số ICOR vẫn cao, nhất là ICOR trong đầu tư công. Sản xuất nông nghiệp chưa vững chắc, đặc biệt thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp khởi sắc, nhưng cần làm rõ việc xử lý 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Lĩnh vực dịch vụ có nhiều chuyển biến, tốc độ tiêu dùng của người dân những tháng đầu năm tăng khá nhưng cần đánh giá kỹ hơn về phát triển hệ thống bán lẻ, hệ thống tài chính. 

Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa thực sự có chuyển biến tích cực và đi vào chiều sâu. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn những vấn đề cần đánh giá thêm, đó là tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; bội chi ngân sách, nợ công và khả năng trả nợ. 

Đề nghị Chính phủ báo cáo về việc xử lý 3 ngân hàng đã mua 0 đồng; phân tích sâu hơn về vấn đề lao động và việc làm. Đánh giá và chỉ rõ giải pháp xử lý đối với vấn đề bảo vệ môi trường như xử lý rác thải, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Đánh giá lại chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng; công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ ba, phân tích kỹ việc thực hiện các mục tiêu về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, lao động, việc làm, năng suất lao động, tận dụng cơ hội dân số vàng giải quyết chính sách cho người có công, chất lượng và đổi mới trong giáo dục, phát triển y tế cơ sở phòng và chữa bệnh, khoa học, công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao.

Thứ tư, đánh giá toàn diện về công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và công tác tư pháp. 

1.2 Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018: 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các mục tiêu, chỉ tiêu cũng như nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đồng thời, lưu ý một số vấn đề sau:

Về mục tiêu tổng quát: Đề nghị chú ý quan điểm xuyên suốt trong năm 2018 là phải lấy ổn định kinh tế vĩ mô, lấy phát triển bền vững là chính, không chạy theo tăng trưởng thiếu bền vững. 

Về hệ thống các chỉ tiêu và nhiệm vụ giải pháp: Đề nghị Chính phủ phân tích rõ về việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2018 ở mức 6,5%-6,7%, trong khi quý III và quý IV năm 2017 đã đạt 7,46% và 7,5%; quan tâm đến 10 vấn đề mà Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ và làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ sẽ thực hiện, trong đó cần nêu được ngoài nhiệm vụ chung thì các nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên nào cho Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018. Đồng thời, làm rõ thêm sự chuyển biến của việc đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế, nhất là đầu tư công. 

Đề nghị Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh báo cáo và Ủy ban Kinh tế thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. 

2. Đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị một số vấn đề sau:

- Về thu ngân sách, các báo cáo của Chính phủ cần phân tích sâu hơn về chính sách thu, kết quả thu năm 2017; phân tích thêm về nợ đọng thuế, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; nguyên nhân thu ngân sách 3 lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước, FDI và ngoài quốc doanh không đạt dự toán; tổng mức huy động GDP vào ngân sách nhà nước giảm, chưa đạt mức 21 - 22% GDP như Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm; phân tích rõ hơn về dự toán thu năm 2018, nguyên nhân dự toán thu năm 2018 chỉ tăng 6,5% so với ước thực hiện năm 2017.

- Về chi ngân sách, đề nghị làm rõ hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công (ICOR cao); một số chính sách thực hiện chậm: nhà ở cho người có công, giảm nghèo đa chiều, chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc ở miền núi; Dự toán chi ngân sách năm 2018 phải sát với chủ trương: không bổ sung chính sách mới làm tăng chi, không nợ chính sách cũ; thực hiện nghiêm chế độ khoán chi; điều hành chi ngân sách chặt chẽ, nghiêm túc, tiết kiệm và hiệu quả.

- Về bội chi, nợ công, khả năng trả nợ, đề nghị báo cáo rõ lộ trình giảm bội chi: năm 2018: 3,7% GDP, năm 2019: 3,6% GDP và năm 2020: 3,4% GDP; nêu rõ về cơ cấu nợ và các khoản phải trả nợ; khẳng định đến năm 2020 nợ công dưới 65% GDP theo đúng Nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm.

- Về kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm: năm 2019, 2020 là dự báo, nhưng phải làm rõ các chỉ tiêu chính và phù hợp với kế hoạch 5 năm. Về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, cần thẩm tra, làm rõ tình hình tài chính, quản lý, sử dụng theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 47 của Luật Ngân sách nhà nước.

Đề nghị Chính phủ, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.

3. Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với 6 nhóm ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đã được tổng hợp. Đây đều là những vấn đề lớn của xã hội, được Nhân dân và cử tri quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục rà soát để đánh giá kỹ thêm các nội dung, bảo đảm việc tổng hợp được bao quát, đầy đủ, đặc biệt là đối với những vấn đề mang tính thời sự, bức thiết đang nổi lên như vấn đề tinh giản bộ máy, quản lý nợ công, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tham nhũng, chính sách đối với người nghèo, đồng bào thiểu số, hỗ trợ vùng bão lũ, xây dựng nông thôn mới,…

Một số ý kiến đề nghị Báo cáo cần đánh giá kỹ, cụ thể, lượng hóa được số lượng, tỷ lệ ý kiến, kiến nghị đối với từng lĩnh vực, từng địa bàn; lĩnh vực nào được kiến nghị nhiều, lĩnh vực nào kiến nghị nhiều lần nhưng chưa chuyển biến để theo dõi, giám sát; đề nghị rà lại một số thông tin từ phụ lục để minh họa cho các nhận định đánh giá.

 Về các kiến nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với 5 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cơ bản các kiến nghị đã bám sát, xuất phát từ nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục tổng hợp ý kiến từ các Đoàn đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri để hoàn thiện báo cáo gửi tới các vị đại biểu Quốc hội (tính đến ngày 11/10/2017 mới có 5 Đoàn đại biểu Quốc hội có báo cáo tổng hợp).

4. Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3 của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 đều đã được các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu và có văn bản trả lời đầy đủ, đạt 100%. 

Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ đã nghiêm túc, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri. Số lượng kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, các bộ, ngành rất lớn, chiếm 91,6% tổng số kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 3, đều được Bộ trưởng, Trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo giải quyết, trả lời cử tri. Mặc dù, thời gian giải quyết ngắn hơn kỳ họp trước, nhưng số lượng kiến nghị được giải quyết dứt điểm tăng hơn kỳ họp trước (573 kiến nghị, trong đó 282 kiến nghị gửi đến kỳ họp thứ 3 và 291 kiến nghị tồn đọng tại các kỳ họp trước); chất lượng giải quyết cũng có sự chuyển biến tích cực; một số tồn tại, hạn chế được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu tại Báo cáo kỳ trước đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết; một số kiến nghị chưa được giải quyết đã xác định lộ trình giải quyết, trả lời cử tri.  

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Dân nguyện và ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, đó là: số lượng kiến nghị của cử tri qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều (570 kiến nghị); số kiến nghị đã được xác định đang giải quyết nhưng không nêu rõ lộ trình giải quyết vẫn chiếm tỷ lệ lớn (407/570), trong đó một số kiến nghị nêu rõ lộ trình nhưng lại chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật; một số kiến nghị trả lời còn chung chung; chất lượng một số văn bản giải quyết kiến nghị của cử tri có nội dung còn chưa phù hợp; việc giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan đến thực hiện công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng còn hạn chế,...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần đánh giá thêm hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền cho cử tri và Nhân dân về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội tại kỳ họp, cũng như chính sách, pháp luật đã ban hành; xem xét, có cơ chế tiếp nhận ý kiến đánh giá của cử tri về chất lượng giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền về những nội dung mà cử tri đã kiến nghị. Đồng thời, làm rõ thêm nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc trả lời không đúng, không đầy đủ các kiến nghị của cử tri. Đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện cần nâng cao hơn nữa chất lượng tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, chính xác, tạo điều kiện cho Chính phủ, bộ, ngành giải quyết chất lượng, hiệu quả, bảo đảm thời hạn, theo đúng quy định của pháp luật.

5. Báo cáo kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung nêu trong Báo cáo. Báo cáo đã đánh giá tương đối đầy đủ các kết quả đạt được, và chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong kỳ báo cáo năm 2017. Một số tồn tại, hạn chế trong công tác tiếp công dân đã dần được khắc phục; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến được quan tâm, chú trọng. Các nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo đã được phân tích, làm rõ, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, tranh chấp tài sản, liên quan đến hoạt động tư pháp,…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội cần tăng cường trách nhiệm trong việc theo dõi, đôn đốc việc giải quyết những đơn thư đã chuyển, chú trọng giám sát những vụ việc cụ thể phức tạp, kéo dài. Chính phủ, các Bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần tăng cường chỉ đạo thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đảm bảo chất lượng, khách quan, đúng pháp luật, tập trung giải quyết những vụ việc đông người, phức tạp. Đồng thời, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác quản lý thuộc lĩnh vực mình phụ trách để tránh phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị rà soát, đánh giá kỹ thêm về chất lượng, hiệu quả của việc giải quyết khiếu nại tố cáo; đánh giá cụ thể hơn về công tác xử lý đơn thư của các cơ quan của Quốc hội; đánh giá cụ thể kết quả giải quyết đơn thư của các cơ quan, bộ ngành, địa phương,… 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nhóm vấn đề nổi lên qua hoạt động giám sát và các kiến nghị nêu trong báo cáo. Tuy nhiên, cần cân nhắc một số tồn tại, hạn chế trong công tác này của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (khi nêu cần có địa chỉ, số liệu minh họa cụ thể); bổ sung nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý đơn thư, đặc biệt là phần mềm kết nối, dùng chung cho các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội. 

Trên cở sở ý kiến thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ban Dân nguyện khẩn trương tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các Báo cáo, tiếp tục gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi chính thức trở thành báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội.

6. Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo của Chính phủ trong việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời đề nghị Chính phủ một số vấn đề sau:

- Hoàn thiện Tờ trình, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để trình Quốc hội, trong đó: 

+ Bổ sung văn bản của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Dự án. 

+ Tách bạch rõ kinh phí xây dựng khu tái định cư, kinh phí xây dựng nghĩa trang phục vụ cho Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với phục vụ mục đích khác. 

 + Về nguồn vốn thực hiện, ngân sách trung ương bảo đảm bố trí đầy đủ từ nguồn dự phòng ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án theo đúng tinh thần Nghị quyết số 94/2015/QH13 ngày 25/6/2015 của Quốc hội; toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách trung ương.

 Giao Ủy ban Kinh tế chủ trì, phối hợp với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ (trong đó có Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai) hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội.

7. Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. 

 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Đây là công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện theo Kết luận của Bộ Chính trị, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải tại một số đoạn cấp bách. Thống nhất ưu tiên tập trung đầu tư các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Dầu Giây (Đồng Nai) - Nha Trang (Khánh Hòa), hoàn thiện phần còn lại đoạn Trung Lương - Vĩnh Long (đoạn 7km) và cầu Mỹ Thuận 2 để thông toàn tuyến từ Trung Lương đến Cần Thơ. Đồng thời, đề nghị một số vấn đề sau: 

- Đồng ý đưa đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - Túy Loan (Đà Nẵng) đầu tư trong giai đoạn 2017-2020 nhưng cần phân tích, làm rõ. Riêng đoạn La Sơn - Túy Loan, đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc đề xuất đầu tư mở rộng từ 2 làn xe lên 4 làn xe trong điều kiện địa hình hiểm trở.

 - Về quy mô, cần rà soát, cân nhắc lại; xem xét đầu tư với quy mô từ 4 đến 6 làn xe và tập trung vào các thành phố lớn, có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao; nghiên cứu phương án giải phóng mặt bằng phục vụ cho việc mở rộng sau này. 

- Về giá, cần bám sát tinh thần của cơ chế thị trường và bảo đảm đúng quy định của Luật giá. 

- Chính phủ hoàn thiện hồ sơ Dự án, xây dựng dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và Ủy ban Kinh tế chủ trì thẩm tra, hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét. 

8. Việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với nhiều nội dung trong Tờ trình số 408/TTr-CP của Chính phủ cũng như các ý kiến được nêu trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Trong đó có việc tán thành chủ trương cần phải lùi thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới so với quy định tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội để có đủ thời gian chuẩn bị, tạo sự đồng thuận trong xã hội khi triển khai. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88 tại kỳ họp thứ 4 và đề nghị báo cáo cần đáp ứng các yêu cầu sau: 

- Nội dung đầy đủ, toàn diện, bám sát các nội dung và yêu cầu được đặt ra trong Nghị quyết số 88, từ mục tiêu, cơ cấu, chương trình, sách giáo khoa đến phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá…

- Đánh giá được việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, bao gồm: cơ sở vật chất trường, lớp học; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và kinh phí. Khi đánh giá, cần lưu ý cập nhật thêm các nội dung liên quan đến đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

- Làm rõ kết quả đạt được, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện Nghị quyết số 88, xác định đầy đủ nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc chậm trễ trong triển khai, thực hiện so với kế hoạch ban đầu. Từ đó, đề xuất các vấn đề cần Quốc hội cho ý kiến (bổ sung việc sửa đổi chính sách về nhà giáo trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và điều chỉnh Lộ trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trong Nghị quyết số 88); đồng thời làm rõ giải pháp và kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới.

- Trên cơ sở đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 88, Chính phủ cần có Tờ trình xin ý kiến Quốc hội về việc điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, trong đó nêu rõ nội dung đề xuất của Chính phủ về phương án lùi và phương thức thực hiện, đánh giá đầy đủ các tác động của việc điều chỉnh; đồng thời dự thảo Nghị quyết về nội dung này trình Quốc hội làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định, làm căn cứ cho Chính phủ thực hiện.

9. Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến tiếp thu, chỉnh lý chương trình kỳ họp theo ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đồng thời đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội căn cứ ý kiến tại phiên họp và sắp xếp chương trình như sau:

- Bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định việc lùi lại thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

- Bố trí thảo luận kinh tế - xã hội cùng dự toán ngân sách nhà nước trong 2,5 ngày và có truyền hình, phát thanh trực tiếp (rút 0,5 ngày so với dự kiến) bảo đảm kỳ họp kết thúc vào thứ sáu, ngày 24/11/2017.

- Bố trí phù hợp các nội dung để thành viên Chính phủ mới được phê chuẩn trình bày các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách.

- Thực hiện đúng quy định về thời gian trình bày các văn bản (không quá 15 phút/tờ trình, báo cáo); riêng báo cáo của Ủy ban Tư pháp thẩm tra các báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chính phủ về các hoạt động tư pháp có thể trình bày dài hơn; báo cáo thẩm tra về kinh tế - xã hội, báo cáo giám sát về tổ chức bộ máy trong khoảng 20 phút. 

- Không phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Việc truyền hình trực tiếp phiên họp Quốc hội trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam sáng 7/11/2017 sẽ bị gián đoạn khoảng 30 phút do trùng lịch truyền hình trực tiếp hoạt động của Hội nghị cấp cao APEC, nhưng cử tri vẫn có thể theo dõi trực tiếp tại Kênh Truyền hình Quốc hội. Đề nghị lưu ý thông báo vấn đề này vào đầu phiên họp hôm đó.

- Trong thời gian từ ngày 13 đến 17/11/2017, sẽ có một số đoàn đại biểu cấp cao các nước thăm và làm việc với Quốc hội nước ta. Đề nghị Ủy ban Đối ngoại chủ trì, phối hợp triển khai theo kế hoạch và mời dự khán phiên họp toàn thể của Quốc hội khoảng 10 đến 15 phút.

- Bố trí thời gian để Thủ tướng Chính phủ tặng hoa các thành viên Chính phủ sau khi được Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm.

Đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các nội dung đang chậm tiến độ để kịp trình Quốc hội. Đồng thời phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội để điều chỉnh thời điểm biểu quyết thông qua các luật cho hợp lý, bảo đảm đủ thời gian để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và Ủy ban Pháp luật rà soát bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trước khi trình Quốc hội thông qua luật.

10. Công tác chuẩn bị nhân sự trình Quốc hội xem xét, quyết định.

(Kết luận về nội dung này đã được thông báo tại văn bản số 649-TB/ĐĐQH14 ngày 16/10/2017 của Đảng đoàn Quốc hội).

11. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thu hồi phần vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 còn dư của Dự án hầm Đèo Cả. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện các kết luận, nghị quyết của phiên họp. 

 

TỔNG THƯ KÝ

(Đã ký)

 

Nguyễn Hạnh Phúc

 

 

(Văn phòng Quốc hội)