Phiên họp thứ 22 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Theo đó, Nghị quyết nêu rõ 5 nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thư ký, cụ thể:
Thứ nhất, tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình và tổ chức thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, tổng kết kỳ họp Quốc hội; dự kiến chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo kế hoạch triển khai và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự kiến và tổ chức triển khai các chương trình công tác, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của pháp luật.
Thứ 2, tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan dự thảo nghị quyết kỳ họp Quốc hội, kết luận phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự thảo nghị quyết về các nội dung khác do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Thứ 3, tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức thực hiện công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.
Thứ 4, tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội và trực tiếp tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội.
Thứ 5, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc được Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao.
Về cơ cấu của Ban Thư ký, Nghị quyết nêu rõ: Ban Thư ký gồm có một Phó Tổng Thư ký Quốc hội Thường trực đồng thời là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Một Phó Tổng Thư ký Quốc hội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Một Ủy viên Thường trực Ban Thư ký đồng thời là Vụ trưởng Vụ Thư ký của Văn phòng Quốc hội.
Ngoài ra, Ban Thư ký có cácc ủy viên gồm 01 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và những người giữ chức vụ sau đây của Văn phòng Quốc hội: Vụ trưởng Vụ Dân tộc; Vụ trưởng Vụ Pháp luật; Vụ trưởng Vụ Tư pháp; Vụ trưởng Vụ Kinh tế; Vụ trưởng Vụ Tài chính, Ngân sách; Vụ trưởng Vụ Quốc phòng và An ninh; Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Giáo dục; Vụ trưởng Vụ Xã hội; Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ trưởng Vụ Đối ngoại; Vụ trưởng Vụ Dân nguyện; Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu; Vụ trưởng Vụ Tổng hợp; Vụ trưởng Vụ Phục vụ hoạt động giám sát; Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Cán bộ; Vụ trưởng Vụ Hành chính; Vụ trưởng Vụ Thông tin; Vụ trưởng Vụ Tin học; Vụ trưởng Vụ Lễ tân và Hợp tác quốc tế; Giám đốc Thư viện Quốc hội.
Ban Thư ký chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tổng Thư ký Quốc hội; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Tổng Thư ký Quốc hội và theo quy trình, thủ tục do Tổng Thư ký Quốc hội ban hành. Phó Tổng Thư ký Quốc hội Thường trực, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ban Thư ký, Ủy viên Ban Thư ký chịu trách nhiệm trước Tổng Thư ký Quốc hội về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Hoạt động của Ban Thư ký phải kết nối, liên thông với nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội; minh bạch, hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, sáng tạo, hiệu quả.
Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2023. Đồng thời Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13 ngày 21/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thư ký hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.