Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023
Phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến 3 dự án luật trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2023 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 gồm Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Viễn thông (sửa đổi) và Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Lưu ý việc bảo đảm đồng bộ của hệ thống pháp luật khi sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản
Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường khoa học, công nghệ. Các thị trường này có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Mặt khác, ngành nghề kinh doanh bất động sản là một trong những yếu tố đảm bảo tăng trưởng của nền kinh tế rất lớn, liên quan đến rất nhiều ngành nghề khác nhau. Trong khi Luật Kinh doanh bất động sản được ban hành cách đây 8 năm, đến nay phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Do đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và những vấn đề cần sửa đổi lần này.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, nhiều chuyên gia và nhiều doanh nghiệp nói rằng thị trường bất động sản và Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay giao thoa với rất nhiều dự án luật như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng là những luật chưa được sửa. Cùng với đó, dự án Luật này cũng liên quan đến một số dự án luật đang có trong Chương trình xây dựng pháp luật là Luật Đất đai và Luật Nhà ở. Một trong những ý kiến cho rằng giao thoa giữa các luật dẫn đến việc thực hiện pháp luật khó khăn. Nhiều ý kiến nói rằng Luật Nhà ở chỉ nên quy định chính sách về nhà ở, phát triển nhà ở, toàn bộ quy trình đầu tư nhà cũng trong ngành nghề kinh doanh bất động sản. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong lần sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản này cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề vì tính thống nhất chung của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, thị trường kinh doanh bất động sản liên quan đến thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng, v.v... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định trình Quốc hội xem xét lựa chọn chuyên đề giám sát của năm 2024 trong đó có đề xuất chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản và vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Trong trường hợp Quốc hội không lựa chọn thì chuyên đề này cũng trong chương trình danh mục giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy quá trình giám sát của năm 2024 cũng là hỗ trợ thêm cho quá trình xây dựng pháp luật để tìm ra được vướng mắc ở đâu để sửa đổi từ đó tiếp tục tạo ra được động lực tăng trưởng.
Từ những phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng làm rõ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Nhà, Luật Đất đai sẽ sửa đổi như thế nào, trường hợp chưa sửa sẽ giải quyết như thế nào, đòi hỏi Luật Kinh doanh bất động sản sửa như thế nào tránh tình trạng “ trong một rừng luật không biết vận dụng thế nào, theo luật này lại vướng luật kia”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong giai đoạn này sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản là rất cần thiết nhưng cũng rất khó, đòi hỏi phải sâu sát để đáp ứng được yêu cầu đề ra, tránh trường hợp sửa xong nhưng không tháo gỡ được vướng mắc của thị trường, thậm chí lại tạo ra những vướng mắc khác. Đồng thời cho ý kiến nghiên cứu cụ thể liên quan đến những vấn đề cần phải sửa đối với dự án Luật này.
Thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số tại Việt Nam
Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là một dự án luật then chốt để thúc đẩy và tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Nếu sửa đồng bộ được dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi cho phát triển về công nghệ thông tin cũng như là quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, công dân số và xã hội số ở Việt Nam với mục tiêu đề ra của nước ta là 2025 tổng kinh tế số phải chiếm 20% trong GDP và đến 2030 là 30% tổng GDP.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến đối với sự cần thiết, phạm vi sửa đổi và những nội dung liên quan đến sửa đổi luật như là điều kiện trình tự, thủ tục cấp phép viễn thông, chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông, dịch vụ OTT viễn thông, dịch vụ trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Đồng thời cũng lưu ý bảo đảm sự thống nhất với các luật như là Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và nhiều hiệp định khác mà Việt Nam có cam kết trong lĩnh vực có tính chất phổ quát, toàn cầu này.
Về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), tại phiên họp thường kỳ thứ 21 vào tháng 3/2023 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là dự án luật rất quan trọng liên quan đến đông đảo Nhân dân và cử tri.
Theo Tờ trình của Chính phủ thì Luật Căn cước công dân 2014 được thi hành 9 năm, cần được sửa đổi toàn diện. Lần này phạm vi sửa đổi tương đối rộng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật, đồng thời tạo cơ sở để tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta. Vấn đề này cũng có liên quan đến vấn đề dữ liệu lớn, dữ liệu về dân cư, ở đây một dữ liệu nền, dữ liệu gốc cũng tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số Việt Nam. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích rõ thêm tính hợp lý, khả thi, sự phù hợp của quy định trong dự thảo luật với đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc kỹ lưỡng tác động của các chính sách mới được đề xuất đối với việc đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.
Thảo luận kỹ lưỡng nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định
Chủ tịch Quốc hội cho biết, cũng tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc trình Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với các dự án Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Đối với dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đồng thời về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và về nội dung của dự thảo Luật.
Đối với dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án luật này đã được trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 và chưa được Quốc hội thông qua. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã nghiên cứu tiếp thu ý kiến rộng rãi của đại biểu Quốc hội khóa trước, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung làm sao cho phù hợp theo ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Chủ tịch Quốc hội cho biết việc quyết định có xem xét và tiếp tục cho ý kiến quyết định những dự án luật này hay không thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ trình Quốc hội quyết định.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gụ kết nối với Quốc lộ 27C và đường tỉnh ĐT.707. Dự án này có mục tiêu tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho 2 huyện miền núi của Khánh Hòa là Khánh Sơn và Khánh Vĩnh hiện đang rất khó khăn. Đồng thời, kết nối liên vùng nhằm thúc đẩy phát triển xã hội của 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. Đây là dự án quan trọng quốc gia vì liên quan đến chuyển đổi đất rừng. Dù quy mô thì không lớn nhưng chuyển đổi đất rừng này thuộc phạm vi quyết định của Quốc hội, cho nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải chuẩn bị ý kiến để trình Quốc hội xem xét quyết định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận đánh giá rõ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án đã đủ điều kiện cơ sở pháp lý hay chưa, đồng thời đánh giá các phương án tuyến, kể cả phương án làm hầm đã là phương án tối ưu hay chưa, có hạn chế được tối đa chuyển đổi đất rừng hay không. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước phát huy vai trò để có ý kiến về các dự án quan trọng quốc gia.
Các đại biểu khách mời tham dự phiên họp
Ngoài các nội dung trên đây, tại phiên họp này, theo chương trình dự kiến ban đầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ đề xuất một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự kiến đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội lần thứ 5. Tuy nhiên, mới đây, Chính phủ đã có tờ trình đề nghị sửa đổi, bổ sung dự án Luật Xuất cảnh, xuất cảnh nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các nội dung này hiện nay đang rất cấp thiết và rất quan trọng, đặc biệt để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho cả công dân Việt Nam và người nước ngoài muốn xuất, nhập cảnh vào Việt Nam. Hiện nay các cơ quan đã bàn sơ bộ và đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ lại chỉ nên trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội một dự án bởi hai nội dung này giống nhau. Nếu sửa luật thì không phải trình nội dung trong dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm với tính chất cấp thiết của vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí chủ trương trình Quốc hội xem xét quyết định tại một kỳ họp để có thể có hiệu lực ngay. Điều này nhằm giải quyết được yêu cầu cấp thiết trước mắt nhưng giảm nhẹ được thời gian trình Quốc hội và vẫn đáp ứng được yêu cầu cũng như tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Quán triệt định hướng xây dựng pháp luật theo Kết luận của Bộ Chính trị
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngoại trừ dự án quan trọng quốc gia thì các nội dung khác của phiên họp này đều là những nội dung liên quan đến công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội các đồng chí phát huy kết quả các phiên họp trước đây, nghiên cứu kỹ lưỡng, không chỉ lĩnh vực mình phụ trách mà cả các lĩnh vực khác để phát biểu sôi nổi, thẳng thắn, nêu rõ những vấn đề đề nghị lưu ý hoặc quan tâm nghiên cứu thêm để cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo có định hướng làm rõ hơn, nâng cao hơn nữa chất lượng của dự án luật.
Nhắc lại định hướng của Bộ Chính trị tại Kết luận 19-KL/TW về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục quán triệt định hướng: việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đạt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, những vấn đề cấp bách đã chín, đã rõ được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng ban hành luật. Những vấn đề tuy cấp bách cần thiết nhưng là vấn đề mới mà chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm, trước mắt chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp và còn có nhiều ý kiến khác nhau và cần phải có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng và cẩn trọng hơn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.