Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Trong đó, công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành Chương trình THTK,CLP được triển khai chủ động, kịp thời tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ được triển khai tích cực, góp phần xác lập cơ sở pháp lý hoàn thiện hơn cho công tác THTK,CLP. Hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) được chú trọng; quản lý chặt chẽ nguồn thu, nhiều nội dung chi được tiết giảm, ưu tiên nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; quản lý sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được cải thiện. Tài nguyên, đất đai từng bước được quản lý, khai thác, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả, góp phần chống thất thoát, lãng phí. Công tác THTK,CLP trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính ngân sách cũng chỉ ra công tác THTK,CLP năm 2020 còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như vẫn còn hiện tượng chưa tuân thủ nghiêm quy định về thời hạn lập, gửi Chương trình và Báo cáo THTK,CLP. Việc xây dựng pháp luật, định mức, tiêu chuẩn, chế độ và cải cách thủ tục hành chính chưa thực sự đáp ứng yêu cầu đặt ra. Việc mua sắm, sử dụng phương tiện, thiết bị làm việc của một số cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước còn chưa tuân thủ nghiêm các quy định hiện hành; việc quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất công còn có biểu hiện lãng phí. Triển khai một số quy trình, thủ tục trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên còn chậm; vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, tài nguyên còn tồn tại. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm. Công tác THTK,CLP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân và một số lĩnh vực khác còn một số tồn tại, bất cập.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Bùi Đặng Dũng trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp
Trong đó, việc quản lý, sử dụng NSNN còn một số bất cập, gây lãng phí. Cụ thể: công tác cơ cấu lại ngân sách có nhiều chuyển biến tích cực nhưng do tác động của thiên tai, dịch bệnh nên 2020 bị hụt thu ngân sách trong khi phải tăng chi khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh làm tăng bội chi ngân sách và nợ công. Tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm; tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm (Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; Dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông,...). Bộ Xây dựng chưa thu lệ phí cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt; theo báo cáo số 1120/BC-KTNN ngày 9/10/2020 về Báo cáo ý kiến về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2020, dự toán NSNN và phân bổ NSTW năm 2021 số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn (1.222,5 tỷ đồng), gây lãng phí nguồn lực.
Tình trạng nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động. Tính đến cuối năm 2020, có 24 quỹ do 15 bộ, cơ quan ở Trung ương quản lý: 16 quỹ thành lập theo quy định tại các Luật, Pháp lệnh; 02 quỹ được quy định trong nghị định của Chính phủ; 03 quỹ được quy định trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 02 quỹ thành lập theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ; một số quỹ nhiệm vụ chi trùng với NSNN, một số quỹ phụ thuộc vào nguồn NSNN cấp, một số quỹ hoạt động chưa hiệu quả, một số quỹ gần như không có hoạt động. theo Báo cáo 463/BC-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ rõ như: Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá có nguồn thu quy định như thuế; Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ Phòng chống thiên tai, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ bảo trì đường bộ... có nhiệm vụ chi trùng nhiệm vụ chi của NSNN; Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân... trùng với nhiệm vụ của Ngân hàng chính sách xã hội.
Công tác cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra. Hồ sơ, thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết. Theo Báo cáo số 2745/BC-UBTP14 ngày 19/10/2020 của Ủy ban Tư pháp về thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 có nêu: Theo SIPAS 2019 cho thấy, 63/63 tỉnh để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh xảy ra trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; 62 tỉnh trễ hẹn đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức.
Ngoài ra, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông tin để theo dõi, đôn đốc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; chưa quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý nhà nước nói chung, quản lý cơ sở dữ liệu nói riêng ở các ngành và các địa phương để tiết giảm chi phí lao động, tiết kiệm NSNN. Một số cơ quan hành chính nhà nước được hưởng cơ chế tự chủ tài chính như các đơn vị sự nghiệp công lập là chưa phù hợp. Tình trạng vi phạm định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra; việc xử lý vi phạm tuy có tăng so với năm 2019 nhưng còn chưa phản ánh đúng với tình hình thực tế đang diễn ra.
Từ những vấn đề còn tồn tại này, Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có cơ sở đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục, góp phần nâng cao kết quả trong THTK,CLP./.