ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT QUYẾT ĐỊNH VỀ VIỆC THÀNH LẬP THỊ TRẤN, ĐIỀU CHỈNH ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CỦA 4 TỈNH, THÀNH

27/04/2021

Thực hiện Phiên họp thứ 55, sáng 27/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng ý với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình thủ tục thành lập thị trấn, điều chỉnh địa giới hành chính đã thực hiện theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hiệu lực thực hiện các Nghị quyết việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội nên áp dụng từ ngày 01/7/2021 vì nếu như Nghị quyết mà thực hiện ngay thì còn liên quan đến công tác bầu cử đại biểu Quốc hôi và Hội đồng Nhân dân các cấp cũng như các công đoạn chuẩn bị thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết.


 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đóng góp ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu quan điểm: Việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các tỉnh, thành.

Riêng với tỉnh Đồng Nai, ở trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ và một số huyện lân cận xung quanh sân bay quốc tế Long Thành đã có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, tốc độ đô thị hóa. Ngoài đề xuất như Ủy ban Pháp luật đề cập là quan tâm về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì tỉnh cần chú trọng đến công tác quy hoạch và quản lý trật tự đô thị. Ở khu vực này đã nhận được sự quan tâm về cơ sở vật chất từ phía các cơ quan Trung ương và rất mong Chính phủ tập trung bố trí nguồn kinh phí để các dự án được thực hiện đúng tiến độ và phát huy hiệu quả các công trình được đầu tư.

Tại thị trấn Dầu Giây có cầu vượt, nút giao thông Dầu Giây đã bị chậm tiến độ thực hiện nên gây ra ùn tắc về giao thông và trật tự an toàn xã hội. Hiện nay, nguồn vốn không còn nhiều nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có đề nghị là nếu Bộ Giao thông Vận tải chưa bố trí được nguồn vốn thì Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai có thể tạm ứng vốn để hoàn thành sớm công trình giao thông này. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có sự chỉ đạo với các cơ quan của Chính phủ quan tâm đến việc tiếp tục đầu tư để sớm hoàn thành nút giao thông Dầu Giây để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.


Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu quan điểm.

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các hồ sơ về việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội đã được các tỉnh, thành phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan thẩm tra chuẩn bị kỹ lưỡng, tạo được sự đồng thuận cao. Hiệu lực thực hiện các Nghị quyết nên áp dụng từ ngày 01/7/2021.

Tuy nhiên, để thực hiện các Nghị quyết có hiệu quả thì các Bộ ngành, địa phương cần giải quyết khéo léo khi có địa phương thành lập thêm phường, thị trấn mới. Theo đó, cần phải xem xét lại các quy hoạch để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải gắn với phát triển kinh tế đô thị, tránh trường hợp có nơi được nâng cấp lên thị xã, phường rồi nhưng 100% người dân vẫn là lao động nông nghiệp, 100% vẫn là kinh tế nông thôn. Những xã được quy hoạch thành xã nông thôn mới thì nông thông mới ở một xã lên thị trấn, lên phường cũng phải khác, không phải đơn thuần là một xã như cũ. Điều này nhằm tránh trường hợp bên ngoài là thành lập thị trấn, điều chỉnh địa giới hành chính nhưng bên trong lại không có sự thay đổi.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp.

Đối với việc điều chỉnh địa giới hành chính ở Hà Nội cũng phải chú trọng đến đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về hộ khẩu, làm căn cước công dân, thủ tục hành chính Nhà nước, dịch vụ công... Nếu chúng ta không giải quyết kịp thời thì sẽ gây ách tắc cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Chính phủ và các lãnh đạo của thành phố Hà Nội phải quan tâm đưa ra quy định, thời hạn để hoàn thành từng công việc.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Trong phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét 4 đề án liên quan đến việc thành lập thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Đồng Nai, Tuyên Quang; điều chỉnh địa giới một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí cao với các hồ sơ, tờ trình. Về điều kiện, tiêu chuẩn theo Tờ trình của Chính phủ của các cơ quan thẩm tra, việc thành lập thị trấn cũng như điều chỉnh địa giới hành chính của các tỉnh, thành đã đáp ứng được yêu cầu của pháp luật, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết 1211. Các hồ sơ đều đầy đủ, chặt chẽ; trình tự, thủ tục đều đúng quy định.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận Phiên họp.

Các vấn đề mà Ủy ban Pháp luật nêu đã được Chính phủ giải trình đầy đủ, thống nhất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị thống nhất với các nội dung là Nghị  quyết có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 để Chính phủ, chính quyền địa phương có thời gian chuẩn bị, vừa không ảnh hưởng tới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp... Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ và các địa phương quan tâm đến việc điều chỉnh, phát triển quy hoạch toàn diện và quy hoạch đô thị của các vùng được điều chỉnh địa giới hành chính; bảo đảm các tiêu chuẩn và điều kiện, yêu cầu phát triển sau khi được điều chỉnh địa giới, thay đổi về chất đối với các địa bàn được điều chỉnh.

Đối với Hà Nội cần khẩn trương có lộ trình cụ thể để giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn được điều chỉnh địa giới  hành chính./.

Bích Lan-Minh Hùng