TỔNG HỢP KẾT QUẢ GIÁM SÁT VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT TRONG NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XIV

17/09/2020

Tại Phiên họp thứ 48, sáng 17/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8).

Hoạt động giám sát văn bản được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

Về tình hình triển khai kế hoạch giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, triển khai Kế hoạch giám sát hằng năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã chủ động đưa vào Chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách. Một số Ủy ban coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, tiến hành theo kỳ giám sát hoặc định kỳ hằng năm và ban hành Hướng dẫn tổ chức việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả giám sát văn bản quy pháp luật. Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giám sát chuyên đề, thẩm tra báo cáo, tổ chức hoạt động giải trình, các Ủy ban đã kết hợp giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh trong lĩnh vực được giám sát.

Nhìn chung, hoạt động giám sát văn bản được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Qua hoạt động giám sát, một số bất cập, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được các cơ quan chỉ ra và có những đề xuất, kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục những tồn hại, hạn chế.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả giám sát về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay sau khi Kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được ban hành, các Ủy ban của Quốc hội đã xây dựng Kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay. Các Ủy ban đã tập trung giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật đã được Quốc hội ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIV đến hết kỳ họp thứ 8. Đồng thời, một số Ủy ban có báo cáo việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật khác thuộc lĩnh vực phụ trách theo yêu cầu của Kế hoạch. Một số báo cáo đã chỉ ra được các văn bản quy định chi tiết có dấu hiệu trái hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật.

Qua giám sát của các cơ quan Quốc hội cho thấy, việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật nổi lên một số khó khăn, hạn chế như: Số lượng nội dung luật giao quy định chi tiết nhiều, nhất là công tác rà soát, thống kê văn bản. Số lượng văn bản quy định chi tiết thuộc phạm vi giám sát được các cơ quan ban hành gửi đến các cơ quan của Quốc hội chưa đầy đủ, kịp thời. Khó xác định phạm vi trách nhiệm giám sát của các cơ quan do nội dung một số văn bản có sự chồng lấn hoặc chưa xác định rõ trong một số trường hợp. Một số văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh thường có nội dung Mật, Tối Mật nên khó tiếp cận để nghiên cứu, rà soát. Công tác giám sát văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành còn hạn chế, nhất là văn bản dưới Nghị định. Nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, kịp thời, nhất là cán bộ, công chức có kinh nghiệm, trình độ, năng lực chuyên môn sâu; việc bố trí thời gian và nhân sự theo dõi công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế...

Nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm đã tạo ra khoảng trống pháp lý.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến hết kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã ban hành 55 luật; trong đó, có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, 02 luật có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021. Về tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết, qua giám sát cho thấy, các chủ thể được giao quy định chi tiết đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung nguồn lực để xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung được giao trong các luật. Trong một số lĩnh vực, việc ban hành văn bản quy định chi tiết có hiệu lực cùng thời điểm với luật có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm đã tạo ra khoảng trống pháp lý, gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, phối hợp giữa các cơ quan, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân.

Tính đến tháng 8/2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Trong số 485 nội dung đã được quy định chi tiết, có 301/485 (chiếm 62%) nội dung bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, 184/485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật. Trong số 184 nội dung được quy định chi tiết trong các văn bản có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật, có 138/184 (chiếm 75%) văn bản chậm dưới 06 tháng, 21/184 (chiếm 11%) văn bản chậm từ 06 tháng đến 01 năm, 25/184 (chiếm 14%) văn bản chậm từ 01 năm đến 02 năm. Nhiều luật có các quy định chi tiết đều ban hành chậm hoặc có hiệu lực thi hành chậm so với thời điểm thi hành của luật.

Tính đến thời điểm báo cáo (Kỳ họp 8), các cơ quan còn nợ nhiều nội dung được giao quy định chi tiết, gồm: Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Tòa án nhân dân tối cao...

Một số luật có từ 80% đến 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Đặc biệt, có một số nội dung sau gần 03 năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn 01 nội dung chưa ban hành sau gần 03 năm; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn 03 nội dung chưa được ban hành sau hơn 02 năm.

Một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, về bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy định chi tiết, qua giám sát cho thấy, không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp; cơ bản bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung được luật giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Cụ thể có 08 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với luật của Quốc hội; cụ thể: 07 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); 01 Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Có 07 Nghị định và 03 Thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật; cụ thể: 03 Nghị định và 02 Thông tư quy định chi tiết Luật Công an nhân dân; 01 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, 01 Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản; 01 Nghị định quy định chi tiết Luật Chuyển giao công nghệ; 01 Nghị định quy định chi tiết Luật Quản lý và sử dụng tài sản công; 01 Thông tư quy định chi tiết Luật Bảo vệ bí mật nhà nước...

Bên cạnh đó, còn tình trạng chưa phân định rõ nội dung quy định chi tiết luật và biện pháp tổ chức thực hiện để thi hành luật. Có văn bản quy định chi tiết đã được ban hành đủ về đầu mục nhưng có nội dung chưa cụ thể, khả thi, gặp khó khăn trong quá trình triển khai, như: quy định về Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, chính sách bù lãi suất, đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhìn chung, các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm với luật có nhiều chuyển biến tích cực. Việc ban hành một văn bản để quy định nhiều nội dung được giao là điểm mới trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết. Phần lớn các văn bản quy định chi tiết bảo đảm phù hợp với các quy định của luật; tình trạng nội dung văn bản quy định chung chung mang tính nguyên tắc đã giảm đáng kể; ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, chất lượng của nhiều văn bản được nâng cao. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục triệt để, còn nhiều nội dung được ban hành chậm hoặc chưa được ban hành. Một số văn bản được phát hiện có dấu hiệu chưa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; vẫn còn tình trạng ủy quyền tiếp trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về việc ban hành văn bản quy định chi tiết và biện pháp tổ chức thực hiện được thực hiện chưa thống nhất. Nhiều dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm hồ sơ dự án luật, pháp lệnh gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn hình thức, chưa bảo đảm chất lượng. Việc xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được quan tâm đúng mức.

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật về “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”; đồng thời, hạn chế giao quá nhiều quy định chi tiết luật, pháp lệnh. Theo đó cân nhắc việc xem xét, thông qua đối với các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh có quá nhiều nội dung phải hướng dẫn thi hành hoặc có văn bản quy định chi tiết gửi kèm nhưng không bảo đảm các nội dung hướng dẫn.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thường xuyên, liên tục thực hiện giám sát văn bản quy phạm pháp luật  theo thẩm quyền, chú trọng giám sát ban hành văn bản quy định chi tiết gắn với giám sát chuyên đề. Thực hiện nghiêm quy định của Điều 40 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình soạn thảo, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, trong đó xác định rõ nội dung giao quy định chi tiết, bảo đảm đúng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, đôn đốc, giám sát cơ quan chủ trì soạn thảo xây dựng, thực hiện kế hoạch ban hành văn bản quy định chi tiết để bảo đảm các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng với luật.

Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng chỉ đạo khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết nội dung còn nợ đọng đã được tổng hợp tại Báo cáo này và các Báo cáo của các Ủy ban; xử lý các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật đã được phát hiện qua giám sát theo đúng quy định.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết; nâng cao chất lượng kiểm tra, rà soát văn bản gắn với công tác theo dõi thi hành pháp luật. Điều hành hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác xây dựng pháp luật.

Nâng cao chất lượng xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nhất là việc chuẩn bị văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành kèm theo hồ sơ dự án; chỉ đạo thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật tới các cơ quan phụ trách giám sát theo đúng quy định.

Tăng cường công tác rà soát, kịp thời phát hiện các văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các văn bản có sai phạm về thẩm quyền ban hành, hình thức, trình tự thủ tục ban hành hoặc văn bản có nội dung chưa bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật./.

Lan Hương