Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc nêu rõ: Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và khắc phục ùn tắc giao thông được xác định là một nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của nhân dân. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông và Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012, trong đó đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là “Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới”. Việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là một trong những biện pháp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 18-CT/TW và Kết luận số 45-KL/TW.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc.
Tại Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 17/02/2020, Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 và Nghị quyết số 123/NQ-CP ngày 31/8/2020: Chính phủ đã thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; thống nhất nội dung cơ bản của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 10.
Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Điều 20 quy định: Mọi người được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ. Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý về trật tự, an toàn giao thông.
Cơ sở thực tiễn
Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung của bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, bảo vệ quyền con người; còn đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật để bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật cho hoạt động giao thông, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực.
Bên cạnh đó, toàn bộ hoạt động bảo đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan, tác động đến quyền con người, quyền công dân mà theo tinh thần của Hiếp pháp thì những nội dung này phải được quy định trong văn bản luật. Trong đó, một số hoạt động đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông, nhưng vẫn còn nhiều quy định thiếu cụ thể, chưa sát với thực tiễn; nhiều hoạt động chưa được điều chỉnh bằng luật như: Về quản lý giấy phép lái xe gắn với quản lý hành vi vi phạm của người tham gia giao thông; về biện pháp tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, ứng dụng khoa học công nghệ trong chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông… Ngoài ra, nhiều nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nêu trong Công ước viên 1968 chưa được nội luật hóa đầy đủ; việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện.
Thứ hai, trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung thì lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang tồn tại, nảy sinh nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, nhất là kỹ năng điều khiển phương tiện, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém; tình trạng coi thường pháp luật, vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội và hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Theo thống kê từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra trên 334.000 vụ, làm chết trên 101.000 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), làm bị thương trên 336.000 người, trong đó hàng chục nghìn người bị thương tật suốt đời (so với các lĩnh vực giao thông khác như đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt thì tai nạn giao thông đường bộ, chiếm hơn 95% trong tổng số vụ, số người chết, số người bị thương). Đáng chú ý nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông là chủ yếu chiếm trên 90% số vụ, trong đó nhiều lái xe có kỹ năng điều khiển, kiến thức về pháp luật an toàn giao thông và ý thức tự giác chấp hành luật còn rất kém. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Công an đã phát hiện và xử lý rất nhiều các trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn… (trong 10 năm đã xử lý gần 1,1 triệu trường hợp vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy), đây là những nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc trong thời gian qua, gây bức xúc dư luận xã hội và rất đáng báo động.
Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thứ ba, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa. Theo đó, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có mục tiêu lớn nhất là bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông; còn Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có mục tiêu lớn nhất là đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, quản lý vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, trong quá trình xây dựng Luật, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó cho thấy các nước đều có luật chuyên biệt về trật tự, an toàn giao thông, tách bạch với quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ (như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Australia...). Do đó, việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết nhằm triển khai thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư, hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, việc tách bạch phạm vi điều chỉnh, tách bạch nội dung của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là thực sự cần thiết để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ trong tình hình mới.
Mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: Mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư phát triển kinh tế và nâng cao hơn nữa hình ảnh của Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Quan điểm chỉ đạo bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật về giao thông đường bộ của một số nước trên thế giới.
Thực hiện xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật hiện nay để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tính công khai, minh bạch; cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho Nhân dân.
Quá trình xây dựng dự án Luật
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự án Luật. Dự án Luật đã được gửi lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồ sơ dự án Luật được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an để lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Công an tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu và giải trình. Đồng thời, hồ sơ dự án Luật đã được Bộ Tư pháp thẩm định và Chính phủ cho ý kiến theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Do đây là một dự án Luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, song song với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nên quá trình xây dựng, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan để thống nhất phạm vi điều chỉnh và rà soát các nội dung cụ thể của 02 dự án Luật, bảo đảm không trùng chéo, trùng lắp.
Dự thảo Luật gồm 08 chương, 72 điều với những nội dung cơ bản sau đây:
Về những quy định chung: Dự thảo Luật quy định về giải thích các từ ngữ liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới (như người tham gia giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, trung tâm chỉ huy, hệ thống giám sát giao thông…). Bổ sung nhiều hành vi bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự.
Về quy tắc giao thông đường bộ: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông, như: Người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tham gia giao thông phải chú ý bảo đảm an toàn cho trẻ em, người già, người khuyết tật, người đi bộ và người điều khiển phương tiện giao thông thô sơ đường bộ; người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường... Mô tả, làm rõ hơn một số quy tắc như tránh, vượt, chuyển hướng, chuyển làn, giao thông trên đường cao tốc, trong hầm đường bộ...
Về phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Dự thảo Luật quy định về các nội dung: Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; cấp, thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, phù hợp với Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và phù hợp thực tiễn Việt Nam. So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn, bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Dự thảo Luật quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai; các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe được thành lập theo quy định của pháp luật về đầu tư; sửa đổi một số hạng giấy phép lái xe so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để phù hợp với Công ước Viên năm 1968; quy định về điểm của giấy phép lái xe.
Về tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ: Dự thảo Luật quy định cụ thể các nội dung trong tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông; trong đó quy định về giải quyết những bất cập về tổ chức giao thông; trách nhiệm và cơ chế giải quyết ùn tắc giao thông của các bộ và ủy ban nhân dân địa phương.
Về giải quyết tai nạn giao thông đường bộ: Dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan Y tế; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của cơ quan Công an; trách nhiệm của cơ quan Quân đội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị bảo trì, khai thác đường bộ và cơ quan, đơn vị đăng kiểm; trách nhiệm của cơ quan, doanh nghiệp bảo hiểm trong giải quyết hậu quả các vụ tai nạn giao thông bảo đảm công khai, minh bạch và bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật.
Về thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm: Dự thảo Luật quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, theo hướng đẩy mạnh việc sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách phương thức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo hướng hiện đại hóa, nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật.
Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Dự thảo Luật Quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch, đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan, trong đó đã đẩy mạnh việc phân công, phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông cho Ủy ban nhân dân các cấp./.