Toàn cảnh Phiên họp
Báo cáo tại Phiên họp, Thừa Ủy quyền của Chính phủ, Tổng Thanh Tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt quy định của pháp luật và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các tiêu chí cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, nhất là góp phần phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp và các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phục hồi nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều tiến bộ, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng truyền hình trực tuyến, nhất là trong thời gian cao điểm của dịch bệnh Covid-19. Việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhìn chung đã có chuyển biến tích cực. Một số địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu. Công tác tiếp công dân phục vụ đại hội đảng bộ các cấp được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt hiệu quả tích cực. Chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được nâng lên. Nhiều địa phương đã có cách làm mới, dân chủ, qua đó đã giải quyết đúng pháp luật, có lý có tình, dứt điểm nhiều vụ việc ngay từ cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền và tỷ lệ thực hiện quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt cao hơn mục tiêu đề ra. Việc thực hiện kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài được tập trung, đạt nhiều kết quả. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo được đổi mới, đa dạng hóa. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được thúc đẩy.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc
Tuy nhiên, theo Tổng Thanh Tra Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn những tồn tại, hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế đã chỉ ra trước đó nhưng chưa được khắc phục triệt để, có những tồn tại, hạn chế do ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, chủ yếu là: Chính sách, pháp luật ở một số lĩnh vực còn bất cập, chưa phù hợp, làm phát sinh khiếu nại, tố cáo nhưng chưa được hoàn thiện kịp thời; Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; công tác xử lý đơn thư còn chậm và có sai sót; Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chậm, có sai sót, nhất là ở cấp cơ sở. Tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo chưa đạt mục tiêu đề ra. Số cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo giảm so với năm 2019, hiệu quả còn hạn chế; Một số địa phương chưa tích cực rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng hoặc chậm thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ. Công tác phối hợp giải quyết trong một số trường hợp còn hạn chế, bất cập và thiếu chặt chẽ.
Cũng báo cáo tại Phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các trường hợp đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết. Các Toà án luôn chú trọng việc đối thoại và tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung thêm tài liệu có liên quan đến nội dung yêu cầu của mình. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được bảo đảm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân còn có những tồn tại, hạn chế; cụ thể là: Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn chưa cao. Việc hướng dẫn, phổ biến pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo trong một số trường hợp cụ thể chưa hiệu quả.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ báo cáo
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế nêu trên là do số lượng các loại vụ việc mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng (tăng 11.271 vụ so với cùng kỳ năm trước) gây áp lực rất lớn cho các Tòa án, trong khi đó, số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên bố trí cho các Tòa án, nhất là Tòa án nhân dân cấp cao còn chưa đáp ứng nhu cầu công việc. Vẫn còn tình trạng đương sự gửi đơn tràn lan hoặc cố tình kéo dài việc phải chấp hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Nhận thức pháp luật của một số đương sự còn hạn chế nên nhiều trường hợp đã có kết luận vụ việc giải quyết đúng pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, đã đối thoại, giải thích và trả lời nhiều lần, nhưng đương sự vẫn không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại.
Báo cáo về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ngay từ những tháng đầu năm 2020, có thời điểm ngành Kiểm sát phải tạm dừng tiếp công dân và hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo thông qua dịch vụ bưu chính, dẫn đến một số chỉ tiêu, công tác không đạt hoặc giảm so với năm 2019. Tuy nhiên, đánh giá qua công tác thực tiễn cho thấy năm 2020, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp có chuyển biến trên nhiều mặt; ngành Kiểm sát đã dự báo đúng tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2020, từ đó đề ra nhiều giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, cụ thể: Đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND các cấp còn tồn đọng nhiều, chỉ tiêu giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vẫn chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (chỉ đạt 50,2% số vụ đã thụ lý, 69,9% số vụ việc đã có hồ sơ). Việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền VKSND cấp huyện còn chưa đảm bảo chất lượng, nhiều quyết định giải quyết khiếu nại chưa phát hiện dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong việc không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra. Việc phát hiện, kiến nghị vi phạm nội dung giải quyết qua công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của VKSND các cấp vẫn còn hạn chế; nhiều VKSND chưa hoàn thành chỉ tiêu kiểm sát trực tiếp, số lượng kiểm sát trực tiếp toàn Ngành giảm nhiều so với năm 2019 (giảm 9,5%).
Trên cơ sở nhận định tình hình khiếu nại, tố cáo sẽ vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC kiến nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tiếp tục tăng cường giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, nhất là tại các địa phương xảy ra nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, các Bộ, ngành trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư để hạn chế chuyển đơn trùng lắp và tình trạng người khiếu nại tái khiếu đối với những vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền, đúng pháp luật. Nghiên cứu triển khai rộng mô hình phối hợp với luật sư tư vấn pháp luật miễn phí cho công dân trong quá trình thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo ở địa phương./.