Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành Phiên họp.
Đánh giá tác động và tham vấn sâu rộng ý kiến của các đối tượng chịu tác động.
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi dự án Luật. Cụ thể, đối với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, Điều 1 của dự thảo Luật bổ sung các nội dung “tội phạm”, “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, “cai nghiện ma túy”, “quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”. Về cơ bản, Thường trực Ủy ban nhất trí với việc bổ sung các nội dung “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, “cai nghiện ma túy”, “quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy”. Tuy nhiên, qua thảo luận và các ý kiến tham gia thẩm tra, về nội dung “tội phạm” có hai loại ý kiến như sau:
- Loại ý kiến thứ nhất đồng tình với dự thảo Luật của Chính phủ.
- Loại ý kiến thứ hai đề nghị cân nhắc việc bổ sung từ “tội phạm” vào Điều này để tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật bởi vì nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống “tội phạm ma túy” là nhiệm vụ của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thấy rằng, Luật Phòng, chống ma túy hiện hành đã có nội dung liên quan đến đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy đó là các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy v.v.. Trong những năm qua, Luật Phòng, chống ma túy cùng các văn bản quy phạm pháp luật khác đã tạo nền tảng pháp lý chặt chẽ và vững chắc cho hoạt động phòng, chống tội phạm về ma túy. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo giải trình về sự cần thiết bổ sung từ “tội phạm” trong Điều 1.
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng khẳng định Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đã bổ sung tài liệu theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số nội dung trong các báo cáo thành phần chưa được điều chỉnh, bổ sung và cập nhật thêm so với Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; Báo cáo đánh giá tác động chính sách chưa chi tiết, cụ thể và chưa xác định rõ chi phí, lợi ích của các giải pháp; Báo cáo Tổng kết thi hành Luật phần nội dung tổng kết công tác cai nghiện ma túy còn chung chung và chưa chỉ rõ hiệu quả cụ thể đối với từng hình thức, biện pháp cai nghiện trong thời gian qua để “có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả”; Dự án Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nhiều nội dung tuy nhiên trong Hồ sơ không có dự thảo của các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban nhấn mạnh dự án Luật có phạm vi sửa đổi toàn diện, có tính chất nhạy cảm xã hội cao, phạm vi tác động xã hội rộng lớn, trực tiếp liên quan đến vấn đề quyền con người, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của nhiều chủ thể khác nhau. Nhiều nội dung chính sách, đặc biệt là những chính sách về cai nghiện ma túy, cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và tham vấn sâu rộng ý kiến của các đối tượng chịu tác động, cộng đồng, xã hội và cần có sự thống nhất quan điểm giữa các cơ quan quản lý nhà nước.
Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bổ sung đánh giá tác động, hoàn thiện thêm các báo cáo, tổ chức lấy ý kiến cụ thể của bộ, ngành liên quan, bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Giao quyền chủ động và phối hợp chặt chẽ để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy.
Về trách nhiệm, quyền hạn của các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (Điều 12), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết về nội dung này hiện có 2 loại ý kiến:
- Loại ý kiến thứ nhất: Đồng tình dự thảo Luật, theo đó, cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì thực hiện các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a, khoản 1).
- Loại ý kiến thứ hai: Đề nghị giữ như Luật hiện hành: cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân có trách nhiệm “chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chăn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy” (điểm a, khoản 1, Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy).
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để công tác phòng, chống ma túy đạt được hiệu quả, các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy (thuộc Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan), trong khu vực, địa bàn quản lý, cần được giao quyền chủ động nhưng đồng thời cần phối hợp với nhau để thực hiện các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động bất hợp pháp liên quan đến ma túy. Báo cáo Tổng kết thi hành Luật đánh giá cao kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy trong những năm qua, công tác phối hợp được đẩy mạnh để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa giúp phát hiện, bắt giữ, thu giữ nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên trách nhiệm “phối hợp” với các cơ quan hữu quan của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân như quy định trong Luật hiện hành. Quy định như vậy cũng sẽ đảm bảo thống nhất với khoản 3 của điều này.
Cho ý kiến tại Chương V về cai nghiện ma túy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, Dự thảo Luật sửa đổi cơ bản và toàn diện nội dung về cai nghiện ma túy, bổ sung một số quy định mới để khắc phục được những tồn tại, bất cập đồng thời, nâng cao hiệu quả của công tác cai nghiện. Cụ thể:
1. Bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy.
Dự thảo Luật quy định người người sử dụng trái phép chất ma túy bị coi là nghiện ma túy khi được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Quy định như vậy giúp phân biệt người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy để có các biện pháp can thiệp phù hợp. Tuy nhiên, quy định về nơi xác định tình trạng nghiện ma túy của người người sử dụng trái phép chất ma túy tại điều này chưa thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung quy định tạm giữ người theo thủ tục hành chính để xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và quy định nơi tạm giữ là khu lưu giữ tạm thời tại cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sửa đổi, bổ sung Điều 122). Trong khi đó, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) không quy định rõ về việc tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy. Đồng thời, khoản 3 Điều 28 của dự thảo Luật quy định người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện là “bác sĩ, y sĩ” làm việc tại nhiều cơ sở y tế khác nhau như cơ sở y tế quân y, y tế quân dân y; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của ngành Công an; phòng y tế của cơ sở cai nghiện ma túy công lập, trạm y tế xã, phường, thị trấn; phòng khám đa khoa khu vực; bệnh viện cấp huyện trở lên và bệnh viện thuộc các bộ, ngành khác
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ, Ban soạn thảo rà soát, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc xác định tình trạng nghiện ma túy trong 02 dự thảo Luật cũng như quy định cụ thể hơn về nơi tạm giữ người để xác định tình trạng nghiện ma túy.
Đối với quy định trong dự thảo về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng (Điều 35), Dự thảo Luật quy định thời hạn và địa điểm cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được thực hiện theo thỏa thuận giữa người cai nghiện ma túy và cơ sở cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, để đảm bảo quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn cai nghiện ma túy đồng thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người cai nghiện ma túy, đề nghị có quy định cụ thể về thời hạn tối thiểu cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.
2. Quy định rõ đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Về các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 37), Dự thảo Luật quy định các trường hợp áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên và quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Về nội dung này, Thường trực Ủy ban cho rằng, biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc đang được điều chỉnh trong cả hai luật: Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Qua theo dõi quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Thường trực Ủy ban thấy rằng quy định như dự thảo Luật là thống nhất với dự kiến sửa đổi Điều 96 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để bảo đảm xác định đầy đủ, cụ thể các biện pháp xử lý đối với người nghiện ma túy, đề nghị bỏ từ “đối tượng” tại khoản 2 Điều 37 của dự thảo Luật vì Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) quy định.
Trường hợp quy định tại điểm b, khoản 1, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhận thấy, việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với một người liên quan chặt chẽ đến quyền con người do đó cần được quy định ngay trong luật. Do vậy, đề nghị quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật các trường hợp bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Thường trực Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định xác định tình trạng nghiện đối với mọi trường hợp bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc trừ trường hợp đối tượng thừa nhận mình nghiện ma túy.
Đối với quy định về hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy và phòng, chống tái nghiện ma túy, quy định tại Điều 43 Dự thảo Luật bãi bỏ quy định về quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú và tại cơ sở cai nghiện, bổ sung quy định về hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy học nghề, tìm việc làm, tham gia chương trình phòng, chống tái nghiện ma túy, hoạt động xã hội. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban thấy rằng, dự thảo Luật có quy định khá cụ thể và chặt chẽ về quản lý (có thời hạn) đối với người sử dụng trái phép chất ma túy trong khi không quy định biện pháp quản lý người sau cai nghiện ma túy là chưa phù hợp.
Do đó, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hộiđề nghị tiếp tục duy trì quy định quản lý sau cai nghiện ma túy đối với người nghiện ma túy. Biện pháp quản lý này bao gồm phần nội dung tương tự biện pháp quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy và thêm nội dung hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy học nghề, tìm việc làm, tham gia chương trình phòng, chống tái nghiện ma túy, hoạt động xã hội./.