ỦY BAN THƯỜNG VỤ NGHE TỜ TRÌNH DỰ ÁN LUẬT PHÒNG, CHỐNG MA TÚY (SỬA ĐỔI)

11/09/2020

Tiếp tục Phiên họp thứ 48, chiều ngày 11/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Tư pháp, Y tế, Nội vụ, Lao động Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ.

Mở đầu phiên họp, thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, thời gian qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên. Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, như: chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập... Do vậy, để thể chế hóa quan điểm của Đảng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Về bố cục và nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều quy định mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Cơ quan chủ trì đã bám sát 03 chính sách được Chính phủ thông qua.Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008,dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) bổ sung tiêu đề cho tất cả các điều luật, sửa đổi, bổ sung một số khái niệm, nội dung đã có; xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện. Khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện. 

Về phạm vi áp dụng, Dự thảo mở rộng thêm phạm vi áp dụng của Luật so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, cụ thể: Luật này quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đếnma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy, hợp tác quốc tế về ma túy và quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy.

Bổ sung khái niệm: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người tự ý hoặc đồng ý cho người khác đưa chất ma túy vào cơ thể mình mà không được sự cho phép của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền. Việc bổ sung khái niệm này để phân biệt với “người nghiện ma túy”, ngăn chặn họ tiếp tục sử dụng và dẫn đến nghiện ma túy, kịp thời giám sát, quản lý, giáo dục không để họ gây rối trật tự, đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm và tài sản của người khác.

Bổ sung khái niệm cai nghiện ma túy: Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về tâm lý, xã hội và y tế giúp người nghiện thay đổi nhận thức, hành vi, phục hồi thể chất, tinh thần nhằm giảm sử dụng ma túy, tác hại của ma túy. Việc bổ sung khái niệm này giúp nhận thức đầy đủ về công tác cai nghiện ma túy.

Về chính sách phòng, chống ma túy, đã bổ sung quy định để đảm bảo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy, tăng cường nguồn lực và năng lực cho các cơ quan chuyên trách phòng, chống ma túy, cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Cụ thể: Kinh phí cho công tác phòng, chống ma túy do ngân sách nhà nước đảm bảo theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, các cơ quan thực hiện công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Đối với trách nhiệm phòng, chống ma túy quy định tại Chương II, Ban soạn thảo đề nghị bổ sung nội dung quy định để cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân đấu tranh với tội phạm ma túy hiệu quả hơn: "Phối hợp với cơ quan chức năng chống tội phạm ma túy của các nước và các tổ chức chống tội phạm ma túy quốc tế để trao đổi thông tin tiến hành điều tra các vụ án liên quan đến tội phạm ma túy xuyên quốc gia".

Mở rộng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan trong phạm vi địa bàn, khu vực quản lý được phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy chứ không chỉ hạn chế ở các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như quy định của Luật hiện hành. Việc bổ sung nội dung này để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của các lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan.

Quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là chương được quy định mới trong luật. Theo đó, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này. Qua khảo sát thực tiễn, dự thảo luật đã xây dựng các quy định nhằm quản lý tốt người sử dụng trái phép chất ma túy. Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Trong thời gian quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy nếu người đó thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn thì thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu được xác định tình trạng nghiện thì thực hiện theo các quy định về công tác cai nghiện.

Tờ trình của Chính phủ cũng cho biết, chính sách cai nghiện được quy định theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Về quy định về hoạt động của cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân được tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở có bố trí các khu riêng phù hợp với từng đối tượng và để đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện.

Dự thảo cũng sửa đổi các quy định về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; Bổ sung các quy định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân; Quy định cụ thể các trường hợp áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên và cai nghiện cho người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi…./.

Lan Hương - Minh Hùng

Các bài viết khác