KHÔNG QUY ĐỊNH LẠI NHỮNG NỘI DUNG ĐÃ ĐƯỢC QUY ĐỊNH TRONG LUẬT CHUYÊN NGÀNH

10/09/2019

Ngày 10/9, tại phiên họp thứ 37, cho ý kiến về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, chính sách với thành niên, không quy định lại những nội dung đã có trong Luật chuyên ngành, bảo đảm tính khả thi và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Thiết kế các chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ của thanh niên

Trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo Luật quy định 08 quyền và nghĩa vụ cơ bản có tác động nhiều đến việc phát triển thanh niên. Đó là, quyền và nghĩa vụ về học tập; lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; bảo vệ Tổ quốc; về hoạt động khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; về hôn nhân và gia đình; về tham gia quản lý nhà nước, giám sát và phản biện xã hội.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Cũng theo Tờ trình dự án Luật, để bảo đảm cho thanh niên được thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình, dự thảo Luật đã quy định cụ thể chính sách của Nhà nước đối với thanh niên tương ứng với các quyền, nghĩa vụ đặc trưng để thanh niên được học tập, rèn luyện, tích lũy kiến thức, kỹ năng, ý thức kỷ luật; được tiếp cận và cung cấp thông tin về học tập, lao động, việc làm; được tiếp cận, nghiên cứu khoa học, được sáng tạo, tự do lựa chọn nghề nghiệp; được tạo điều kiện về môi trường để khởi nghiệp sáng tạo; được tạo điều kiện để tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; được bồi dưỡng, giáo dục về truyền thống văn hóa, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ Tổ quốc; được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao; được tư vấn, chăm sóc, nâng cao sức khỏe để phát triển cả thể chất và tinh thần.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định chính sách đối với một số nhóm thanh niên cụ thể như: thanh niên từ đủ mười sáu tuổi đến dưới mười tám tuổi cần được hưởng các chính sách, biện pháp bảo vệ và sự phát triển toàn diện; nhóm thanh niên yếu thế gồm thanh niên dân tộc thiểu số, thanh niên khuyết tật, thanh niên nhiễm HIV/AIDS, thanh niên sau cai nghiện ma túy, sau cải tạo, thanh niên làm việc ở các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; nhóm thanh niên tích cực như thanh niên xung phong, thanh niên tình nguyện, thanh niên có tài năng.

Còn chồng lấn chính sách trong dự thảo Luật với các luật chuyên ngành

Cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), bày tỏ ủng hộ có chính sách dành cho thanh niên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, về cơ bản các chính sách trong dự thảo Luật kế thừa các chính sách đã được thể hiện trong Luật Thanh niên năm 2005, nhưng tiếp tục được bổ sung, phát triển, có nhiều điểm mới để phù hợp với yêu cầu công tác thanh niên trong tình hình mới. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ những chính sách này còn rất chung chung, chồng lấn với nhiều chính sách khác đã được thể hiện tại các Luật chuyên ngành. Các lĩnh vực về lao động, việc làm, giáo dục, đào tạo, văn hoá, thể thao, khoa học, công nghệ, bảo vệ tổ quốc v.v...thay vì phải làm rõ thêm điều kiện gì để thanh niên được tiếp cận thì dự thảo Luật lại nhắc lại những nội dung đã quy định.

 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, về lao động khởi nghiệp, thanh niên được quyền tiếp cận thông tin thị trường lao động trong Bộ luật Lao động nói rất rõ. Về bảo vệ Tổ quốc có trong Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dự bị động viên nói rất rõ thanh niên tới tuổi nào phải thi hành nghĩa vụ quân sự, trường hợp nào được tạm hoãn, trường hợp nào được miễn. Hay quy định thanh niên được tiếp cận thông tin nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh thương mại, dịch vụ và các mặt khác của đời sống theo quy định của pháp luật. Về hôn nhân gia đình, Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình nói rất rõ độ tuổi nào thì được kết hôn, không được kết hôn cùng huyết thống…đã được quy định rất rõ. Về giới thì có Luật Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình có Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật đưa ra một câu "thanh niên được giáo dục" thì ngoài Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp còn có Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật…

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo bám sát tinh thần của Hiến pháp 2013 được quy định tại khoản 2 Điều 37: “Thanh niên được nhà nước, gia đình và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động, giải trí, phát triển thị lực, trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức truyền thống dân tộc, ý thức công dân đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc” để cụ thể hoá trong từng mục, từng điều và điều kiện gì để thanh niên thực hiện được.

Những vấn đề về quyền và nghĩa vụ của thanh niên cơ bản đã được quy định khá rõ trong các Luật chuyên ngành. Cho nên, với những quyền của thanh niên cần có cách tiếp cận mới hơn để tránh trùng lặp và không có quy định lại những vấn đề đã nói rất rõ trong các Luật chuyên ngành. Những nội dung mà Luật chuyên ngành chưa quy định hoặc quy định chưa cụ thể thì đưa vào Luật Thanh niên lần này.

Tạo điều kiện cho thanh niên thực hiện quyền, trách nhiệm của mình

Nêu rõ, vấn đề không chỉ ở chỗ thanh niên có quyền, trách nhiệm gì mà thanh niên cần những điều kiện đảm bảo gì để thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trước xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh cần làm rõ về các điều kiện bảo đảm cho thanh niên tiếp cận những quyền Hiến định như về học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí lực, bồi dưỡng đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân.

Có cùng đề nghị phải rà soát các quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên để không trùng lắp với các luật hiện hành, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến chỉ rõ một số điểm có mâu thuẫn như chính sách cử tuyển theo quy định hiện hành của Luật Giáo dục chỉ cử tuyển vào cao đẳng, đại học, không có cử tuyển để đi học nghề nội trú. Nay quy định cử tuyển vào học nghề nội trú là không đúng với tình hình thực tế hiện nay và mâu thuẫn với Luật Giáo dục. Hay quy định khi được cử theo học các chương trình đào tạo sau đại học thì được hưởng chế độ này, chế độ kia là không hợp lý, sẽ mâu thuẫn với những người tự thi đỗ lại không được hưởng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho ý kiến đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)

Các chính sách trong dự thảo Luật cũng chưa thể hiện và phân định rõ với các chính sách đối với dân tộc thiểu số và miền núi, với hộ nghèo, với hộ cận nghèo, vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số ít người lâu nay quy định, phân định và sử dụng.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng không cần thiết quy định các chính sách khác đối với thanh niên mà chỉ cần quy định rõ chính sách của nhà nước đối với thanh niên gồm chính sách gì.

Theo Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, dự thảo Luật cần quan tâm nhấn mạnh đến việc tham gia của thanh niên vào việc hoạch định chính sách. Việc tham gia của thanh niên vào hoạch định chính sách dựa căn cứ thanh niên sẽ là người thụ hưởng chính sách đó trong một thời gian tới.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, bảo đảm tính thống nhất với pháp luật hiện hành; nghiên cứu các quy định về các biện pháp áp dụng có tính nhóm đặc thù; các nội dung nêu rõ mức độ quan tâm của nhà nước, Chính phủ sẽ hướng dẫn cụ thể../.

Bảo Yến

Các bài viết khác