LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

09/09/2019

Tại hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều trình trong Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cơ quan soạn thảo cho biết đã lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Dự luật.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo một số nội dung

Đại diện Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan soạn thảo, cho biết, thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2017 điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018 và theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan tiến hành xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Bình đẳng giới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo việc lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều.

Cơ quan soạn thảo nêu rõ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều lợi gồm 03 Điều, trong đó: Điều 1 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Điều này gồm 12 khoản, sửa đổi, bổ sung tại 12 Điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Điều 2 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đê điều. Điều này gồm 05 khoản, sửa đổi, bổ sung tại 05 Điều của Luật Đê điều; Điều 3 quy định về Điều khoản thi hành.

Mục tiêu lồng ghép giới trong Dự luật là nhằm tháo gỡ những bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, Luật Đê điều năm 2006. Tạo hành lang pháp lý quản lý phòng, chống thiên tai, đê điều, thủy lợi thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy định của pháp luật về bình đẳng giới. Đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm bình đẳng giới thực sự trong việc tham gia quản lý nhà nước, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội theo quy định của Luật Bình đẳng giới.

Dự án Luật này tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định của 03 Luật hiện hành là Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều để tháo gỡ những vướng mắc lớn phát sinh trong thực tiễn, quá trình soạn thảo dự án Luật, Ban soạn thảo đã thực hiện đúng quy trình về lồng ghép giới và các quy định trong Luật Bình đẳng giới, trong đó đặc biệt đảm bảo các quy định liên quan đến Điều 11 và Điều 14 của Luật về đảm bảo bình đẳng giới theo đó đảm bảo nam, nữ bình đẳng trong việc tham gia lực lượng chuyên trách phòng, chống thiên tai và được hướng dẫn, đào đạo về công tác phòng, chống thiên tai.

Về đảm bảo bình đẳng giới trong việc tham gia lực lượng chuyên trách phòng chống thiên tai các cấp, tại khoản 1 Điều 2 quy định về lực lượng chuyên trách phòng chống thiên tai các cấp. Quy định này làm cơ sở kiện toàn thống nhất lực lượng, cán bộ chuyên trách phòng chống thiên tai hiện có tại Tổng cục Phòng chống thiên tai, Chi cục Quản lý đê điều, Chi cục Thủy lợi, Phòng kinh tế thuộc UBND huyện, công chức thuộc UBND xã và đặc biệt là lực lượng chuyên trách quản lý đê điều và phòng, chống lụt bão nhằm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý nhà nước quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai và đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Lực lượng này không phân biệt giới tính, đảm bảo yêu cầu về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.

Về quyền lợi được hướng dẫn, đào tạo của cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai, tại khoản 10 Điều 2 quy định Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức đào tạo cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai. Đối tượng được hướng dẫn, đào tạo tại quy định này là cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai nói chung, Ban soạn thảo đã quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới, không phân biệt đối xử, đảm bảo quyền lợi bình đẳng cho cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai nam và nữ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng nêu rõ, dự báo Luật được ban hành sẽ kiện toàn được lực lượng chuyên trách phòng chống thiên tai ở các cấp; nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn về phòng chống thiên tai đối với cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai; đáp ứng yêu cầu phòng, chống thiên tai trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp./.

Hồ Hương