Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến báo cáo tại Phiên họp
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 2012 – 2015; Giai đoạn 2016 – 2020. Đây là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chung của cả nước, tuy nhiên nội dung chủ yếu của cả hai giai đoạn đều tập trung đầu tư cho hai Chương trình lớn là Chương trình 30a và Chương trình 135 thuộc vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Về kết quả đạt được giai đoạn 2012 – 2015, theo báo cáo của Chính phủ và tổng hợp số liệu từ các quyết định công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, trong 3 năm (2012 – 2014), bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm, đạt mục tiêu (giảm 706.849 hộ); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm bình quân hằng năm đạt 0,48%/năm, tương ứng giảm 130.751 hộ cận nghèo. Trong đó: Các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a (64 huyện) và các huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a (30 huyện), giảm được 101.266 hộ, tỷ lệ giảm hộ nghèo bình quân/năm là 5,65%/năm (vượt chỉ tiêu 4%); năm 2014, hộ nghèo DTTS của các huyện 30a và các huyện hưởng cơ chế 30a giảm được 40.055 hộ so với năm 2013, tương ứng giảm 3,8%/năm. Về cơ bản đạt mục tiêu kế hoạch đề ra theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ và Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 08/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng 1,65%, trong đó thu nhập bình quân hộ nghèo ở khu vực nông thôn tăng 1,5 lần (700.000 đ/người/tháng) và khu vực thành thị tăng 1,8 lần (900.000 đ/người/tháng), đạt và vượt mục tiêu đề ra tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (tăng lên 1,6 lần so với năm 2011). Về mục tiêu tăng mức thu nhập bình quân đầu người các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn lên 2,5 lần so với năm 2011 là không đạt được, hầu hết các huyện chỉ dao động ở mức tăng dưới 2 lần so với năm 2011 .
Về kết quả đạt được giai đoạn 2016 – 2018, với mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 9,88% (năm 2015), xuống còn 5,23% (năm 2018), bình quân giảm 1,55%/năm, tương ứng giảm 1.047.452 hộ, đạt mục tiêu (giảm 1 - 1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân 5,5%/năm vượt mục tiêu (giảm 4%); các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3-4% trở lên mỗi năm, đạt mục tiêu. Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm được 343.470 hộ, bình quân giảm từ 3-4% năm.
Quan điểm của Đoàn giám sát cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại chính xác số liệu số xã, thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn năm 2019, phải đánh giá đúng thực tế, kiên quyết không giảm chỉ tiêu, không ưu tiên trong việc xem xét hoàn thành chỉ tiêu của các xã, thôn, bản đưa ra khỏi Chương trình 135.
Qua giám sát tại địa phương và các cuộc làm việc với Chính phủ, một số bộ, ngành, Đoàn giám sát cơ bản nhất trí đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được của các chương trình/dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012 – 2018.
Các chương trình/dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn các tỉnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi được triển khai khá toàn diện, đồng bộ và ngày càng hiệu quả hơn. So sánh kết quả thực hiện các chương trình/dự án theo báo cáo của Chính phủ cho thấy nếu như giai đoạn 2012 – 2015 còn nhiều chỉ tiêu chưa hoàn thành... thì giai đoạn 2016 – 2018 có nhiều chương trình/dự án đã được triển khai và đạt mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể so với mục tiêu cả giai đoạn 2016 – 2020. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình/dự án và các tiểu dự án thành phần của Chương trình còn một số tồn tại, hạn chế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến tại Phiên họp
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, vừa có tính bao quát, vừa có tính cụ thể với tinh thần trách nhiệm cao. Đi vào vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tán thành với nhận xét mà báo cáo giám sát đã chỉ rõ, đó là còn một số chính sách lạc hậu so với yêu cầu của cuộc sống dẫn đến việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt hiệu quả cao; nhiều quy định còn phân tán, chưa được tập trung. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, Đoàn giám sát đã có cách làm khá bài bản khi tiến hành các cuộc giám sát tại địa phương; chất lượng báo cáo tốt, đánh giá rõ mặt được, mặt chưa được và chỉ rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được lồng ghép trong nhiều chính sách, nhưng chất lượng chính sách và sự phối hợp liên ngành chưa đảm bảo. Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần khắc phục những tồn tại này trong thời gian tới.
Cũng tại phiên thảo luận, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần thu hút các nguồn lực xã hội hóa việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại vùng dân tộc thiểu số, miền núi để phát huy tối đa kết quả của đợt giám sát; góp phần xóa đói giảm nghèo ở vùng khó khăn, giúp miền núi tiến kịp miền xuôi; giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền trong cả nước.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát; đề nghị báo cáo cần chỉ ra cụ thể việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành; khâu tổ chức thực hiện chính sách; cần làm rõ hơn nữa các vấn đề về văn hóa, tinh thần, tình hình tệ nạn xã hội để đảm bảo tính toàn diện trong đánh giá về giảm nghèo đa chiều của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, phương pháp làm việc khoa học của Đoàn giám sát; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với những nội dung của báo cáo giám sát; 100% thành viên tán thành với việc cần thiết ban hành Nghị quyết kết quả giám sát./.