Có quá nhiều nghị định, thông tư để hướng dẫn thi hành luật
Cho ý kiến về tình hình thi hành hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội năm qua, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, một trong những hạn chế cần phải sớm có giải pháp trong thời gian tới là tình trạng một luật có nhiều văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc ban hành các nghị định hướng dẫn thực hiện. Trung bình mỗi một luật có khoảng trên 10 văn bản hướng dẫn thi hành, cho nên có tình trạng luật chờ nghị định.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Chính phủ cần nâng cao hơn nữa chất lượng chuẩn bị các dự án luật, hạn chế tình trạng số luật gửi sang Quốc hội còn ý kiến khác nhau, có những luật chưa hội tụ đủ hết trí tuệ của các thành viên Chính phủ. Đồng thời cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cùng với việc nâng cao chất lượng xây dựng luật còn phải hạn chế việc giao cho Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết và hướng dẫn triển khai thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phản ánh tình trạng một luật ban hành cần rất nhiều nghị định hướng dẫn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, hiện một luật đưa ra rất nhiều nghị định hướng dẫn như Luật Quản lý tài sản công có hơn 10 nghị định hướng dẫn thi hành. Do có quá nhiều văn bản dưới luật dẫn đến hạn chế trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính, giải thích pháp luật Thực trạng đó khiến người dân cũng như các nhà đầu tư rất quan ngại, một hệ thống văn bản rất nhiều như vậy kể cả chuyên gia pháp luật theo dõi còn khó. Do đó, phải hệ thống hóa các luật và dần dần giảm bớt các nghị định. Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách cũng đề cập đến tình trạng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn tạo nên một khoảng trống pháp lý trong thi hành gây khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để bảo đảm tính đồng bộ, cụ thể, chặt chẽ của luật là trách nhiệm của Quốc hội, Thường vụ Quốc hội chứ không chỉ của Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, như Luật Quản lý ngoại thương có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 cần 5 nghị định thì mới thực hiện được. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì cần 14 nghị định hướng dẫn thi hành, đến nay còn nợ 2 nghị định và 3 quyết định, trong khi nội dung của những nghị định này đều có thể luật hóa được.
Liên quan đến Luật Quản lý tài sản công có một nghị định quy định trình tự, thủ tục sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT. Nghị định này Bộ Tài chính trình từ cuối năm 2017, đến giờ là sắp cuối năm 2018 vẫn chưa thể ban hành. Cùng lúc đó, cách 2 tháng Bộ Tài chính lại yêu cầu Chính phủ chỉ đạo dừng lại tất cả dự án BT. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, vậy những dự án BT mà nhà đầu tư bỏ tiền ra làm từ trước khi dừng trở về trước phải chờ nghị định này mới được thanh toán; có những công trình đưa vào sử dụng tới giờ không thanh toán nhà đầu tư, môi trường như vậy có lành mạnh không?
Ngoài ra, Luật Đường sắt cần đến 20 thông tư và 3 nghị định thì mới thực hiện được; Luật Chuyển giao công nghệ có 2 nghị định và 8 thông tư; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có thêm 2 nghị định và 7 thông tư; Luật Quản lý nợ công có 6 nghị định và 1 thông tư. Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, tại sao lại có nhiều văn bản hướng dẫn như thế, có cần thiết quá nhiều nghị định để hướng dẫn một luật hay không trong khi làm luật cũng đều tính đến tính hợp hiến, tính đồng bộ, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính chặt chẽ, cụ thể, hạn chế bớt những điều giao cho Chính phủ hướng dẫn. Chủ tịch Quốc hội cho rằng ở đây có phần trách nhiệm của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, phản biện, đại biểuQuốc hội thảo luận có tính đến chuyện luật ra rồi phải chờ 6 nghị định và 2 thông tư hoặc chờ 3 nghị định và 20 thông tư thì mới có hiệu lực được không.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Quốc hội có phần trách nhiệm trong việc bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của luật
Đề nghị Chính phủ dành thêm thời gian cho công tác xây dựng pháp luật
Chủ tịch Quốc hội cho biết quỹ thời gian dành cho làm luật của Chính phủ chưa tương xứng với nhiệm vụ quy định theo luật. Luật quy định Chính phủ là cơ quan trình chính sách, là cơ quan hành pháp thì mới biết trong thực tiễn điều hành, quản lý cái nào cần có chính sách để quản lý, phải sửa cái nào, phải xây dựng cái nào. Thời gian Chính phủ dành cho việc chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, thảo luận các dự thảo luật là chưa nhiều, gần như chỉ có bộ chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp là làm nhiều nhất. Nếu luật đó có liên quan đến bộ nào nữa mà còn tranh chấp lĩnh vực quản lý thì mới được bộ, ngành đó quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội ví dụ như dự án Luật Giáo dục nghề nghiệp đến nay Bộ Lao động và Bộ Giáo dục vẫn chưa thống nhất; Luật Quy hoạch đụng tới bộ, ngành nào thì bộ, ngành đó quan tâm, quan tâm duy nhất là thẩm quyền của mình trong luật này là mất gì, được gì, không quan tâm toàn bộ luật.
Ghi nhận và đánh giá cao việc Chính phủ có những phiên họp dành riêng để bàn về các dự án luật, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ chưa bao giờ dành những phiên họp như Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành quỹ thời gian cho việc thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng hay Luật Khiếu nại, tố cáo của công dân, dành cả hội nghị chuyên trách đến phiên họp. Một dự luật Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến vài lần, 2 kỳ họp thì có khi 3, 4 lần ngồi thảo luận, có khi cả ngày... Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thêm tham mưu và báo cáo Chính phủ phải dành quỹ thời gian cho công tác xây dựng pháp luật./.