Bộ trưởng Tô Lâm trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình Dự án, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, qua hơn 08 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được đặt ra rất cần thiết.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp. Với phạm vi đó, dự thảo Luật đã sửa đổi 92/182 điều, bổ sung 52 điều, bãi bỏ 01 mục (Mục 3 Chương X), 04 điều; thay đổi kết cấu của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (bổ sung 01 chương (Chương Xa), 07 mục (mục 02A vào Chương III và 06 mục vào Chương Xa)), nhiều nội dung sửa đổi là chính sách lớn, cơ bản của Luật Thi hành án hình sự năm 2010. Chính vì những lý do trên, Chính phủ đề nghị đổi tên gọi của dự án Luật là Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu
Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã có cố gắng trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật, về hình thức, cơ bản đủ điều kiện trình Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng của dự án Luật thì về nội dung, nhiều vấn đề cần được hoàn thiện thêm. Một số ý kiến Thường trực Ủy ban cho rằng, dự án Luật này đã được điều chỉnh lùi thời gian trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6, việc chậm sửa đổi, bổ sung Luật ảnh hưởng đến việc triển khai các đạo luật về tư pháp mới ban hành. Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần khẩn trương chuẩn bị dự án Luật theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội với phạm vi sửa đổi, bổ sung phù hợp, nhằm kịp thời triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự về tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại. Những vấn đề khác cần tiếp tục nghiên cứu kỹ để đưa vào khi sửa đổi toàn diện Luật.
Thảo luận tại phiên họp, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, vấn đề thi hành án đân sự là vấn đề quan trọng, liên quan đến quyền con người, quyền công dân, do đó cần thiết phải sửa đổi một số quy định đề đáp ứng nhu cầu hiện hành. Vì khối lượng số chương, điều sửa đổi chiếm trên 50%, do đó việc đổi tên từ Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự thành Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) là phù hợp.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ ra rằng, dự án Luật lần này sửa đổi tương đối nhiều vấn đề, tuy nhiên vấn đề về pháp nhân thương mại là tương đối mới và khó, cần thiết để cụ thể hóa Bộ Luật hình sự. Do vấn đề này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, vì vậy các cơ quan phải phối hợp chặt chẽ để thiết kế các quy định có liên quan đến trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đã rà soát vấn đề bình đẳng giới; có báo cáo đánh giá tác động khi xây dựng dự án Luật. Cho rằng, Dự án đã bổ sung một số quy định mới về vấn đề giới như: bổ sung điều cám không được tra tấn, đối xử vô nhân đạo, quy định về nơi giam giữ riêng, chăm sóc y tế, phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ, phạm nhân là người cao tuổi..., tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ thêm về tính khả thi, nguồn lực để đảm bảo triển khai những quy định trên.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là Dự án Luật quan trọng, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Dự án. Trên cở sở các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày hôm nay, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc, tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật để trình Quốc hội cho ý kiến và quyết định cụ thể một số vấn đề tại kỳ họp thứ 6 tới đây.