CẦN QUAN TÂM HƠN NỮA ĐẾN PHÁT HIỆN, XỬ LÝ THAM NHŨNG VẶT

14/09/2018

Thực hiện chương trình phiên họp thứ 27, ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày các báo cáo và thảo luận về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2018.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận tại phiên họp

Nhiều vụ án tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý nghiêm minh

Theo Báo cáo phòng, chống tham nhũng của Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tham nhũng đã và đang được các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp chính quyền triển khai thực hiện tích cực, đồng bộ, có hiệu quả.

Nhiều quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng, pháp luật của Nhà nước được ban hành; Gắn phòng chống tham nhũng với công tác cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật của Đảng, Nhà nước và xử lý hình sự; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, kỷ luật nghiêm minh nhiều cán bộ, đảng viên. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện có hiệu quả tích cực, trong đó nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, đúng pháp luật, không có vùng cấm.

Trong năm 2018, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.141 cuộc kiểm tra việc thực hiện, phát hiện 435 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 377 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 85 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 87,4 tỷ đồng. Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8%; có 44 người được xác minh tài sản, thu nhập, phát hiện 06 trường hợp vi phạm. Đã có 29 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 05 người bị xử lý hình sự, 21 người đã bị xử lý kỷ luật, 03 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 18.496 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt tỉ lệ trên 79,6%. Thông qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, khôi phục quyền lợi cho công dân 118 tỷ đồng, 102 ha đất; bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 2.188 người, kiến nghị xử lý hành chính 261 cá nhân có vi phạm

Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống tham nhũng còn một số hạn chế trong công tác tuyên truyền, giáo dục và phòng chống tham nhũng hiệu quả chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp.

Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc (“tham nhũng vặt”) chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém. Hoạt động thanh tra, kiểm toán phát hiện nhiều sai phạm kinh tế, nhưng việc phát hiện tham nhũng để chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định pháp luật vẫn còn ít, chậm trễ.

Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ

Công tác phòng chống tham nhũng tạo được sự đồng thuận của nhân dân

Trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban Tư pháp nhận thấy năm 2018, công tác phòng chống tham nhũng đã đạt được những kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, nhiều vụ vi phạm liên quan đến cán bộ cao cấp, sĩ quan cao cấp trong Công an, Quân đội, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu… được phát hiện và xử lý nghiêm minh, đã thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm”, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Qua đó tiếp tục tạo được sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, được dư luận đánh giá cao, củng cố lòng tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Tuy nhiên, thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá về tình hình tham nhũng năm 2018 và chưa đưa ra dự báo về tình hình năm 2019, đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung này làm cơ sở đánh giá hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng và đề ra giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.

Tán thành với đánh giá của Chính phủ về những tồn tại hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác phòng chống tham nhũng ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Một số cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật còn bị buông lỏng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình quản lý. Chưa kiểm soát được thực chất tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt kết quả còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện nên một bộ phận không nhỏ người có chức vụ, quyền hạn. Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tự phát hiện trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu nhưng chưa có giải pháp khắc phục.

Cần tăng cường đấu tranh nội bộ để phát hiện xử lý tham nhũng vặt

Thảo luận về vấn đề này tại phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những kết quả đạt được của các cơ quan trong triển khai phòng, chống tham nhũng, tán thành với nhiều nội dung nhận xét, đánh giá trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đồng thời cho rằng việc thực hiện phòng chống tham nhũng trên thực tế cũng như chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội có những chuyển biến rõ rệt, tốt hơn nhiều so với các năm trước. Quan tâm đến tình hình tham nhũng vặt, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ băn khoăn khi tham nhũng vặt chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên họp

Theo Trưởng Ban Dân nguyện, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều vụ án tham những lớn được đưa ra ánh sáng và xử lý nghiêm minh tạo được sự đồng thuận, phấn khởi, tin tưởng của cử tri và nhân dân vào chủ trương của Đảng. Tuy nhiên, điều mà cử tri, nhân dân cả nước gặp phải hàng ngày là các giao dịch với các cơ quan nhà nước, gặp phải nhiều khó khăn với thái độ nhũng nhiễu phiền hà. Hiện nay tham những vặt rất tinh vi, rất khó phát hiện, qua phương tiện thông tin đại chúng một số vụ việc tham nhũng vặt bị phát hiện. Cử tri đặt vấn đề tại sao người dân phát hiện được tham nhũng mà nội bộ cơ quan lại không phát hiện được. Cử tri đặt vấn đề công tác đấu tranh nội bộ của các cơ quan hiện nay được thực hiện như thế nào, liệu những vụ việc tương tự những vụ việc bị báo chí phản ánh có còn nhiều không? Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải so sánh tham nhũng vặt giống như “những ổ mối ăn mòn các công trình lớn” nếu không có sự quan tâm và có thái đội quyết liệt xử lý thì sẽ ảnh hưởng đến tình hình xã hội, đạo đức con người, đời sống người dân vì vậy đề nghị các cơ quan liên quan nên đẩy mạnh phát hiện đấu tranh phòng chống tham nhũng trong nội bộ các cơ quan.

Có cùng quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ, qua tiếp xử cử tri, cử tri và nhân dân cả nước dù rất buồn khi phát hiện những vụ việc tham nhũng lớn nhưng cũng rất tin tưởng vào việc xử lý của các cơ quan chức năng, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, trong các văn bản của Đảng đã đề cập rõ phải loại bỏ những cán bộ tham nhũng khỏi bộ máy cơ quan công quyền. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ lại chưa đề cập rõ đến tình hình tham nhũng vặt hiện nay trong khi đây là vấn đề ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, môi trường sống của người dân. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Thanh tra Chính phủ giúp Chính phủ bổ sung, cập nhật thêm tình trạng tham nhũng vặt hiện nay ở các bộ, ngành, địa phương, chỉ rõ địa chỉ, mức độ, tình hình phát hiện, giải quyết cũng như đề ra giải pháp./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh