Toàn cảnh Phiên họp
Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) gồm 08 chương, 156 điều, trong đó sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. Luật này quy định việc thành lập, tổ chức và hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; xác định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm; quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000; Đồng thời cho biết, Hồ sơ dự án Luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ rõ một số nội dung tại dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi của dự án Luật sửa đổi; chú trọng đối chiếu quy định với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng bày tỏ quan điểm tán thành cao với việc sửa đổi bổ sung toàn diện Luật Kinh doanh bảo hiểm; thống nhất nhiều nội dung tại Dự thảo. Đánh giá về hồ sơ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, Bộ Tài chính là cơ quan chủ trì soạn thảo đã giúp Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo; đủ điều kiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sau khi Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Góp ý vào nội dung cụ thể của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị tại Điều 3 (về áp dụng pháp luật), việc quy định tính đặc thù để áp dụng tại luật này là quá rộng và như vậy sẽ gây chồng chéo với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, đề nghị cần rà soát, đánh giá lại, nếu có quy định áp dụng ưu tiên thì phải rất cụ thể và chỉ rõ nội dung áp dụng.
Về đảm bảo tính hợp hiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật bổ sung quy định mới tại Điều 6 liên quan đến hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thị trường bảo hiểm. Đây là quy định phù hợp với điều kiện quản lý mới để ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin để đưa vào cơ sở dữ liệu, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin cũng như cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin liên quan đến người mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, thông tin liên quan khác,.. là vấn đề cần rà soát rất kỹ để đảm bảo không trái với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự về đảm bảo quyền bí mật riêng tư, bí mật đời tư, thông tin cá nhân,.
Góp ý vào dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho rằng, về phạm vi điều chỉnh có 3 nội dung: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm; Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia; Quản lý nhà nước. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi mới chỉ tập trung chủ yếu về vấn đề kinh doanh bảo hiểm mà chưa coi nặng vấn đề bảo hiểm với tư cách là một phạm trù chia sẻ rủi ro với các chủ thể tham gia trong hoạt động bảo hiểm. Do vậy, khía cạnh bảo vệ quyền của các bên tham gia đặc biệt là các nhóm yếu thế trong bảo hiểm cần phải làm rõ nét và sâu sắc hơn.
Đồng thời, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cũng cho rằng, vấn đề ủy quyền lập pháp trong dự thảo có nhiều điều khoản giao về cho Chính phủ, Bộ Tài chính quy định. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy định này về nguyên tắc là đúng nhưng đi vào nội dung từng điều, khoản cụ thể thì nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, vấn đề ủy quyền lập pháp chỉ nên tập trung trong những trường hợp cần thiết. "Việc ủy quyền lập pháp cho Chính phủ là phù hợp còn ủy quyền sâu xuống Bộ, ngành thì nên hạn chế tối đa"- Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, cho biết.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo khung pháp lý, hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển ngành bảo hiểm Việt Nam, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ với Hồ sơ dự án đầy đủ, kỹ lưỡng; đáp ứng đúng quy trình;...
Khẳng định, đây là luật chuyên ngành, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị trong phần giải thích từ ngữ cần phải rõ ràng, dễ hiểu; việc sắp xếp trong phần giải thích từ ngữ cũng cần theo thứ tự hợp lý, ưu tiên những phần giải thích từ ngữ có tính chất căn bản, quan trọng.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng nêu rõ một số điều của dự thảo Luật chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự. Cụ thể như “Điều 19, 22 của dự án Luật chưa có quy định cụ thể về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng, mới chỉ có quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu và chấm dứt hợp đồng dẫn đến việc áp dụng của luật này với Bộ luật Dân sự có cách hiểu khác nhau; quy định hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điều 34 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định về hậu quả việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 427 - Bộ luật Dân sự”.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Hồ sơ dự án Luật được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tài liệu, Báo cáo đánh giá tác động,... được tổng hợp nghiêm túc, kỹ lưỡng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Luật này sau khi được thông qua, một số quy định có liên quan tới nhiều luật khác như Luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật Thanh tra,..... do đó, đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật chuyên ngành nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Về một số nội dung cụ thể của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ quy định liên quan đến như: Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, Thanh tra hoạt động bảo hiểm;… Đồng thời, cần cân nhắc lại thời gian có hiệu lực như quy định của dự thảo Luật là quá chậm (tháng 7/2023), các luật khác thường chỉ sau khoảng 06 tháng kể từ thời điểm Quốc hội thông qua, trừ các dự án Luật có tính phức tạp.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao công tác chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, chất lượng dự án Luật, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh: Ban soạn thảo cần rà soát kỹ các quy định của pháp luật có liên quan; thể hiện đầy đủ chủ trương, chính sách mới trong văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại dự án Luật. Đồng thời, do phạm vi điều chỉnh của dự án luật rộng, cần tiếp tục bổ sung, đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan đến bảo hiểm Việt Nam là thành viên để không làm cản trở việc thực hiện nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế....
Khẳng định dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Ủy ban Kinh tế chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ hoàn chỉnh Hồ sơ dự án Luật, Ủy ban Kinh tế hoàn chỉnh các Báo cáo thẩm tra dự án Luật;.../.