NHIỀU NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU TRONG QUÁ TRÌNH TIẾP THU CHỈNH LÝ DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

12/08/2020

Sáng ngày 12/8, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, ngay sau Kỳ họp,  Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội. Một số vấn đề lớn trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc bảo vệ môi trường; quản lý di sản thiên nhiên; bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đô thị, nông thôn và một số lĩnh vực; phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường; một số vấn đề về bố cục, giải thích khái niệm, những hành vi bị nghiêm cấm, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, quan trắc môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh, Quỹ Bảo vệ môi trường; quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng đã báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ, về đánh giá tác động môi trường sơ bộ và phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường cho phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công.

Về vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo 02 phương án. Phương án 1 là phương án Chính phủ trình: Tại Dự thảo Luật của Chính phủ trình Quốc hội Kỳ họp thứ 9 có bổ sung quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, với những dự án có tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện, trong khi đó Luật BVMT năm 2014 chưa có quy định này.  Phương án 2 tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội: dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có tác động môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện .

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), hiện có 02 nhóm ý kiến:

Nhóm ý kiến thứ nhất nhất trí với phương án tại Tờ trình số 252/TTr-CP của Chính phủ giao Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng (Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo ĐTM đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của mình nhằm thuận lợi cho việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông.

Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng không nên giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) mà chỉ giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư và dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh. Đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an), Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình thẩm định báo cáo ĐTM.

Về giấy phép môi trường, một số ý kiến đề nghị giải trình, làm rõ việc tích hợp các giấy phép về môi trường, trong đó bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi. Vấn đề này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo 02 phương án: 

Phương án 1 theo Chính phủ trình: Chỉ dùng 01 loại giấy phép môi trường trong đó bao gồm cả nội dung cấp phép xả nước thải vào công trình thủy lợi, thay thế 07 loại giấy tờ thủ tục hành chính về môi trường.

Phương án 2: Vẫn có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi đã được quy định trong Luật Thủy lợi mới được thông qua năm 2017 và đang được triển khai thực hiện một cách thuận lợi. Tuy nhiên, quy định về vấn đề này cần phải điều chỉnh cách thể hiện để không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước  mà Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên – Môi trường.

Về thuế, phí bảo vệ môi trường, một số ý kiến đề nghị những nội dung về mức thuế, khung thuế, phí bảo vệ môi trường cần thực hiện theo quy định của Luật thuế bảo vệ môi trường, pháp luật về phí và lệ phí. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần quy định nguyên tắc về vấn đề này trong Luật Bảo vệ môi trường nhằm điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Tài nguyên – Môi trường thống nhất đề xuất 02 phương án. Theo đó, phương án 1 theo phương án Chính phủ trình tại Dự thảo Luật theo Tờ trình số 252/TTr-CP. Phương án 2: Tiếp thu chỉnh lý theo hướng Luật quy định các nội dung mang tính nguyên tắc về nội dung thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Tài chính trong việc đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường, biểu khung, mức thuế, phí bảo vệ môi trường; đối với từng đối tượng chịu thuế, phí bảo vệ môi trường như tại Điều 138. Việc ban hành, tổ chức thực hiện các quy định về thuế, phí bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, pháp luật về phí, lệ phí.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số nội dung về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, quản lý chất thải nguy hại, quản lý bụi, khí thải và các chất ô nhiễm khác, ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường…

Sau khi nghe báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)./.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác