ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ TỔNG KẾT KỲ HỌP THỨ 9 VÀ CHUẨN BỊ KỲ HỌP THỨ 10 QUỐC HỘI KHÓA XIV

14/07/2020

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 46, sáng ngày 14/7, dưới sự chủ trì, điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV và Báo cáo về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Dù chỉ diễn ra trong 19 ngày làm việc, nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm và đổi mới, kỳ họp đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình, với việc thông qua 10 luật, 21 nghị quyết, cho ý kiến về 6 dự án luật khác; giám sát 01 chuyên đề và xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, báo cáo kiến nghị cử tri và Nhân dân, báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết Kỳ họp thứ 9 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội

Quốc hội đã ứng dụng công nghệ họp trực tuyến, bảo đảm khai mạc kỳ họp đúng thời gian quy định, kịp thời ban hành những quyết sách quan trọng, hợp lòng dân, nhất là các giải pháp nhằm sớm phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch gây ra; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và mở ra cơ hội phát triển về thương mại, đầu tư sang các nước Liên minh Châu Âu, thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong các hiệp định thương mại cũng như thực hiện nghĩa vụ là quốc gia thành viên ILO của Việt Nam...

Chương trình kỳ họp được xây dựng khoa học, chặt chẽ, phù hợp với tính chất từng nội dung và từng đợt họp; được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt sát diễn biến thực tế của kỳ họp. Các phiên họp trực tuyến diễn ra thông suốt, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, vẫn duy trì không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi cũng như sự trang nghiêm của kỳ họp. Đây là kinh nghiệm tốt để Quốc hội tiếp tục nghiên cứu cải tiến cách thức tổ chức các kỳ họp trong thời gian tới.

Về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiếp thu ý kiến của đa số đại biểu Quốc hội, đề nghị kỳ họp thứ 10 tiếp tục được tổ chức thành 02 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 18 ngày. Trong đó, đợt 1 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 19/10 (trước 01 ngày so với quy định để tăng khoảng cách thời gian giữa 02 đợt) và kết thúc ngày 28/10; đợt 2 tiến hành 9 ngày bắt đầu ngày 3/11 và kết thúc ngày 12/11 (bế mạc kỳ họp).

Về dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 10, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong đợt 1 Quốc hội nghe trình bày các tờ trình, báo cáo (kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; 04 dự án luật trình cho ý kiến; thảo luận 06 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết trình thông qua; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn và thảo luận các báo cáo về công tác tư pháp. Trong đợt 2, dự kiến Quốc hội Thảo luận các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước (năm 2020, 2021 và 5 năm 2016-2020; thảo luận các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng XIII; thảo luận 04 dự án luật trình cho ý kiến; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác (nếu có); thông qua luật, nghị quyết.

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với các báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội, đánh giá Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã tạo nên dấu ấn trong thời đại dịch Covid với nhiều ý tưởng mới hiệu quả. Qua tiếp xúc cử tri cho thấy sự đánh giá cao Kỳ họp của cử tri với nhiều đổi mới và đạt kết quả tốt. cùng với đó qua lấy ý kiến đại biểu Quốc hội cung cho thấy đại đa số các đại biểu đề nghị tiếp tục cách thức tổ chức kỳ họp này tại Kỳ họp thứ 10. Công tác tổ chức điều hành có nhiều đổi mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp

Mặc dù lần đầu tiên tổ chức họp trực tuyến nhưng Kỳ họp vẫn được diễn ra thông suốt, hoàn thành chương trình đề ra, bảo đảm chất lượng, tiết kiệm, tạo tiền đề cho việc tổ chức các kì họp tiếp theo và làm cơ sở để sửa Quy chế kỳ họp Quốc hội. Thời gian làm việc chỉ 19 ngày nhưng giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng, tạo tiếng vang lớn trong nước và quốc tế như việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA.

Sự điều hành của Đoàn chủ tịch theo đúng quy định, linh hoạt và cương quyết, bảo đảm dân chủ công khai tạo không khí cởi mở, sôi nổi. Kỳ họp này cũng ghi nhận số lượng lớn đại biểu Quốc hội đăng kí phát biểu và tranh luận. Qua Kỳ họp thứ 9 cũng thể hiện tốt vai trò lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước của Quốc hội. Kết quả biểu quyết khi thông qua các Luật và nghị quyết với tỷ lệ tán thành cao.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận Kỳ họp thứ 9 là Kỳ họp ấn tượng sâu đậm với nhiều đổi mới đột phá. Trong bối cảnh Nghị viện/ Quốc hội nhiều nước còn chưa thể tổ chức họp và diễn biến dịch bệnh còn khó lường thì lãnh đạo Quốc hội nước ta đã quyết liệt, dũng cảm quyết định họp theo hình thức trực tuyến.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, đây là bước tiến quan trọng trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kĩ thuật, cũng như sự chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, sự phối hợp của Thường trực Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội. Do đó cần tiếp tục phát huy cách thức tổ chức kỳ họp này.

Bên cạnh đó, Kỳ họp vẫn còn một số tồn tại hạn chế như việc chậm gửi tài liệu. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đây là vấn đề đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn tồn tại, làm ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó, công tác thông tin tuyên truyền tại đợt họp trực tuyến chưa được sâu sắc, đa dạng.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đều đề nghị bố trí nội dung chất và trả lời chất vấn vào đợt 2 – đợt họp tập trung của Kỳ họp; đồng thời bố trí thảo luận về kinh tế - xã hội trước chất vấn. Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng chất vấn tại Kỳ họp lần này là để xem xét lại việc thực hiện các nghị quyết của cả nhiệm kỳ, trao đổi kết quả làm được và chưa làm được của các Bộ trưởng, trưởng ngành và của cả Quốc hội trong cả nhiệm kỳ, tạo cơ sở để đánh giá tổng kết nhiệm kỳ nên cách tiến hành cần hài hòa phù hợp hơn và cần bố trí ở đợt họp tập trung.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí Kỳ họp thứ 10 được tổ chức thành hai đợt, một đợt trực tuyến và một đợt tập trung; đồng thời cơ bản nhất trí với dự kiến nội dung kỳ họp. Giao Tổng Thư ký Quốc hội tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí thời gian theo nguyên tắc các nội dung thảo luận, cho ý kiến đưa vào đợt 1 và các nội dung quyết định, công tác nhân sự, chất vấn, thảo luận về kinh tế - xã hội thì đưa vào đợt 2. Xem xét bố trí giảm thời gian thảo luận tổ, tăng thời gian thảo luận tại hội trường; đề nghị xin ý kiến đại biểu Quốc hội về thời gian phát biểu tại hội trường từ 7 phút giảm xuống còn 5 phút để tạo điều kiện có thêm nhiều đại biểu Quốc hội được phát biểu tại hội trường cùng với đó đòi hỏi nâng cao chất lượng phát biểu của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý tiếp tục phát huy sự phối hợp của Quốc hội và Chính phủ, gửi tài liệu sớm, đề nghị bổ sung báo cáo về hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong năm Chủ tịch AIPA.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, khai mạc Kỳ họp thứ 10 diễn ra theo đúng quy định của Luật là ngày 20/10.

Bảo Yến - Bùi Hùng

Các bài viết khác