HÌNH ẢNH UBTVQH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC BỔ SUNG SÁCH GIÁO KHOA VÀO DANH MỤC HÀNG HÓA, DỊCH VỤ DO NHÀ NƯỚC ĐỊNH GIÁ BẰNG HÌNH THỨC GIÁ TỐI ĐA

14/07/2020

Chiều ngày 14/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy rằng đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, trong khi lại chưa có đánh giá tác động. Ngoài ra, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng xã hội hóa gắn với kinh tế thị trường thì cũng không nên bó buộc là phải đẹp hơn, tốt hơn, sang trọng hơn, phù hợp cho tầng lớp cao hơn, mà có thể ra đời một bộ sách in nhiều loại để phù hợp với các đối tượng. Mặt khác, công cụ về giá là một quá trình lịch sử mấy chục năm mới giải quyết được. 

Bên cạnh đó, qua xem xét hồ sơ theo Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chiều ngày 14/7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định việc bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung sách giáo khoa và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá bằng hình thức giá tối đa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nêu rõ: việc triển khai đổi mới sách giáo khoa phổ thông thực hiện quy định của Nghị quyết số 88/2014/QH14 đã có ưu điểm như thu hút được đông đảo đội ngữ trí thức, nhà giáo, chuyên gia giới tham gia nên có sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, nội dung sách.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết thêm, việc đưa mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá sẽ kiểm soát được tình trạng các doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý hoặc tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo sự công khai minh bạch về giá sách giáo khoa. Đây là công cụ để thực hiện điều tiết giá đối với mặt hàng sách giáo khoa, khắc phục những điểm yếu của việc kê khai giá sách hiện nay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, qua xem xét hồ sơ theo Tờ trình số 314/TTr-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ nhận thấy hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (chưa có dự thảo văn bản, Báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp, Báo cáo tác động của việc ban hành chính sách; tổng hợp ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan...)

Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết ở đây có hai vướng mắc. Một là Nghị quyết 88/2014.QH13 của Quốc hội quy định phải xã hội hóa phần biên soạn sách giáo khoa. Hai là Điều 19 của Luật Giá quy định là hàng hóa, dịch vụ mà do Nhà nước định giá là phải đảm bảo các nguyên tắc là hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất, kinh doanh; Tài nguyên quan trọng; Hàng dự trữ quốc gia; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết chỉ còn 2 tháng nữa là khai giảng, vì vậy cần phải gấp rút giải quyết vấn đề này để cho các cơ sở triển khai và các nhà xuất bản phải in sách. Theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, triển khai Nghị quyết 88/2014/QH14 theo hình thức cuốn chiếu từng năm, năm học 2020-2021 mới chỉ sửa sách giáo khoa lớp 1. Vấn đề đặt ra là nếu điều chỉnh giá sách giáo khoa thì sách từ lớp 2 trở lên chưa triển khai sách giáo khoa mới có phải điều chỉnh hay không? 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ không quyết định việc không đúng thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định nội dung mà Luật không cho phép, không đúng nguyên tắc trong Luật sẽ là sai. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu để sửa Luật Giá hoặc bằng Nghị quyết của Quốc hội đưa mặt hàng sách giáo khoa vào những hàng hóa mà Nhà nước được định giá khung tối đa, tức thay lại nguyên tắc của Nhà nước định giá để chuẩn bị cho năm học sau.

 Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng lưu ý xã hội hóa gắn với kinh tế thị trường thì cũng không nên bó buộc là phải đẹp hơn, tốt hơn, sang trọng hơn, phù hợp cho tầng lớp cao hơn, mà có thể ra đời một bộ sách in nhiều loại để phù hợp với các đối tượng. Mặt khác, công cụ về giá là một quá trình lịch sử mấy chục năm mới giải quyết được, không đơn giản muốn đưa vào kiểm soát là kiểm soát. Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đố ngoại đề nghị phải nghiên cứu rất kỹ để quyết định vấn đề này.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: qua nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận rất kỹ lưỡng và thấy rằng đây là vấn đề cần hết sức thận trọng, trong khi lại chưa có đánh giá tác động, vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội trả lại hồ sơ để cho Chính phủ nghiên cứu kỹ hơn.

Phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau 02 ngày làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành các nội dung chương trình đề ra tại Phiên họp thứ 46.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sau Phiên họp này, các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ để tiếp tục thực hiện những kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trên cơ sở kết quả Kỳ họp thứ 9, tiếp tục tinh thần chuẩn bị Kỳ họp tiếp theo, nhất là việc chủ động chuẩn bị các dự án Luật trình tại Kỳ họp thứ 10 tới đây./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác