ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG NGHỆ THUẬT BIỂU DIỄN

14/07/2020

Thực hiện Phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng ngày 14/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

 

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Căn cứ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch báo cáo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 79/2012/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP ngày 15/3/2016 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 15/2016/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2016. Hai văn bản trên cơ bản đã tạo lập được hành lang pháp lý, đưa hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển theo chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân đồng thời củng cố, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các quy định tại Nghị định cũng là cơ sở để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Tuy nhiên, sau 07 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh một số hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực thi như sau:

- Việc phân định thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý nhà nước và biện pháp quản lý cụ thể đối với từng hoạt động nghệ thuật biểu diễn chưa hiệu quả dẫn đến nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng nhưng không bị ngăn chặn, xử lý.

- Quy định cấp giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chưa thống nhất với hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực khác (như xuất, nhập cảnh; lao động; thương mại; thi đua, khen thưởng...) đã tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng sự chồng chéo giữa các quy định để trục lợi.

- Biện pháp quản lý đối với hoạt động tổ chức cuộc thi, liên hoan các loại hình nghệ thuật biểu diễn chưa phù hợp với thực tiễn, trong khi nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đối với hoạt động này có xu hướng tăng lên.

- Biện pháp quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu và hoạt động dự thi người đẹp, người mẫu ở nước ngoài chưa phù hợp với thực tiễn dẫn đến những vướng mắc, bất cập trong hoạt động này.

- Biện pháp quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu còn nhiều bất cập dẫn đến các tác động tiêu cực từ dư luận trong hoạt động công vụ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Để hệ thống pháp luật về hoạt động nghệ thuật biểu diễn phù hợp với thực tiễn, tạo khung pháp lý phù hợp với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong thời gian tới, việc xây dựng Nghị định là cần thiết và hợp lý hơn việc xây dựng luật, pháp lệnh. Quan hệ thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần được tiếp tục nghiên cứu, áp dụng quy định quản lý nhà nước của Chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp để thích nghi với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, tạo sự ổn định trong dài hạn để xác định áp dụng những quy định mang tính nguyên tắc của một đạo luật. Trong quá trình lấy ý kiến, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều thống nhất quan điểm cần có quy định quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng còn ý kiến khác nhau về biện pháp quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo xin ý kiến thành viên Chính phủ về nội dung này như sau:

Phương án 1: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định điều kiện để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu theo địa bàn.

Lý do: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhất trí với Bộ Tư pháp và lựa chọn phương án này nhằm cắt giảm thủ tục hành chính, bảo đảm nội dung quản lý nhà nước vừa hạn chế những tiêu cực, bất cập như hiện nay.

Phương án 2: Tiếp tục quản lý theo hình thức hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu trong một năm.

Lý do: Có thể kiểm soát được số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng việc kiểm soát số lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu chưa hợp lý với mục tiêu quản lý, dễ tạo cơ chế xin cho hoặc tổ chức “chui” như hiện nay. Các doanh nghiệp luôn tìm cách xin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép nhằm tạo thuận lợi trong việc kêu gọi tài trợ, bảo hộ độc quyền và trục lợi từ danh hiệu của cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Đến ngày 09/6/2020, có 23/25 Thành viên Chính phủ đã gửi Phiếu ghi ý kiến, cụ thể: 20/23 Thành viên Chính phủ chọn phương án 1; 03/23 Thành viên Chính phủ chọn phương án 2; 02/23 Thành viên Chính phủ có thêm ý kiến khác.

23/23 Thành viên Chính phủ biểu quyết thông qua nội dung dự thảo. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu quan điểm: Việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là hợp lý vì liên quan đến việc người dân tiếp cận với các hoạt động văn hóa và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mới vì năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này. Còn hiện nay, Chính phủ lại trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là thay thế Nghị định 79 đã ban hành năm 2012 và đã được sửa đổi 1 lần vào năm 2016 để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Đó là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng việc phân cấp quản lý, thay đổi phương thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân công lại trách nhiệm quản lý giữa các Bộ, ngành đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Việc sửa đổi những quy định trong Nghị định không phải những chế tài hay hạn chế mới nên thẩm quyền sửa đổi hoàn toàn thuộc về của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định 79 đã thực hiện được 8 năm nay nhưng Chính phủ chưa có sự tổng kết, đánh giá để đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Luật hay Pháp lệnh để có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn hơn.

Về tên gọi của Nghị định có quy định hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang, thi người đẹp, người mẫu; lưu hành kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc sân khấu... Tuy nhiên, cách thức giải thích hoạt động nghệ thuật biểu diễn là quá trình sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật dưới các hình thức lưu hành các bản ghi âm, ghi hình chưa được thuyết phục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Uỷ ban đánh giá cao dự thảo Nghị định đã cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính như cắt giảm cấp giấy phép cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; Cấp giấy phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam;  Cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; Cấp giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu; Cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng phân cấp về việc cấp phép đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu từ chỗ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch hay Cục Nghệ thuật biểu diễn được phép thực hiện sang UBND cấp tỉnh.

Tuy nhiên, việc cắt giảm cấp giấy phép cho cá nhân ra nước ngoài biểu diễn, giấy phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu nhưng nhìn vào việc cấp giấy phép thực tế là chuyển sang văn bản chấp thuận. Thực tế đây là 2 hình thức khác nhau để quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, chứ không phải là hoàn toàn cắt giảm thủ tục hành chính như đề cập.

Về quản lý các cuộc thi biểu diễn nghệ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với phương án 1 mà Chính phủ đưa ra quy định hạn chế các cuộc thi trong 1 năm ở trên địa bàn sang hình thức quy định điều kiện để UBND cấp tỉnh có thể chấp thuận là phương thức quản lý tạo sự chủ động cho chính quyềnđịa phương, tránh được tình trạng xin-cho, tránh tiêu cực.

Liên quan đến vấn đề quản lý của các Bộ ngành đối với hoạt động nghệ thuật biểu diễn, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần có sự rà soát thêm quy định về trách nhiệm vì chưa thực sự rõ ràng. Ví dụ Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch có trách nhiệm quản lý chung, trong đó thực hiện công tác thi đua khen thưởng, tôn vinh các nghệ sĩ, cá nhân, tập thể. Thế nhưng liên quan đến vấn đề này, Bộ Công thương lại thực hiện quản lý Nhà nước đối với việc tôn vinh, sử dụng danh hiệu có nội dung biểu diễn nghệ thuật của thương nhân. Như vậy, việc quản lý công tác thi đua khen thưởng khác nhau ở chỗ nào, có sự trùng lặp ở chỗ nào thì phải rà soát lại...


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm.

Đóng góp vào dự thảo Nghị định, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc ban hành Nghị định dựa trên Nghị định cũ, có sự cải cách thủ tục hành chính, phân cấp quản lý là cần thiết. Tuy nhiên, Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn cần có sự quản lý chặt chẽ những hoạt động biểu diễn lệch lạc, chạy theo thị hiếu, cơ chế thị trường, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Những nội dung, hoạt động biểu diễn không đẹp liên quan đến vùng đồng bào dân tộc, hình ảnh về người phụ nữ được coi là “chân dài” cần phải được loại bỏ. Những nội dung bị cấm được quy định tại Điều 3 của dự thảo Nghị định cần phải có chế tài xử lý nghiêm.

Đối với các cuộc thi người đẹp, người mẫu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển không đồng thuận theo ý kiến đa số của Chính phủ là phân cấp cho UBND tỉnh được phép phê duyệt mà cần có sự kiểm soát chặt chẽ, không nên phân cấp. Ngoài ra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cần rà soát thêm đối với dự thảo Nghị định việc liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... để xem dự thảo Nghị định có điểm nào xung đột, không phù hợp với các Luật liên quan hay không.

Liên quan đến việc quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến, dự thảo Nghị định chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật nên cần làm rõ và có chế tài quản lý chặt chẽ hơn. Ngoài cũng cần có sự kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với hoạt động biểu diễn ở ngoài đường phố, biểu diễn ở các đám cưới. Những cuộc thi người đẹp, người mẫu; các cháu nhỏ nhảy múa, hát các bài hát của người lớn cũng cần kiểm soát kỹ vì không phù hợp với lứa tuổi của mình.

Đồng ý với quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, người từ nước ngoài về Việt Nam hoạt động biểu diễn nghệ thuật hay ngược lại phải có sự kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ chứ không thể dựa vào Luật Xuất nhập cảnh vì đây là hoạt động liên quan đến văn hóa. Còn những hoạt động cấm biểu diễn cũng cần nêu rõ, chứ không nên đưa là không được hoạt động biểu diễn.

Về việc chuyển thẩm định hoạt động nghề thuật biểu diễn sang kiểm tra, xử phạt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, mặc dù việc chuyển này có thể giảm được các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhưng không phải lĩnh vực nào cũng thực hiện chuyển đổi được vì liên quan đến lĩnh vực văn hóa tư tưởng, không phải cái nào cũng theo nhu cầu thị trường được.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá cao ý kiến đóng góp của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định, còn có những nội dung chưa rõ ràng, không còn phù hợp, vẫn tạo cơ chế xin-cho, phân cấp quản lý không rõ ràng.

Liên quan đến việc cấp phép cho người nước ngoài về Việt Nam biểu diễn hay ra nước ngoài biểu diễn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan quản lý để thực hiện tốt hơn vì đây là hoạt động liên quan đến tư tưởng, văn hóa của người dân và quản lý dân cư. Liên quan đến hoạt động quản lý, cấp phép cho các cuộc thi người đẹp, người mẫu, việc phân cấp cho các địa phương cần phải có sự cẩn trọng vì liên quan đến quyền con người, Luật Dân sự, Luật Hộ tịch, tránh để xảy ra hậu quả đáng tiếc. Việc sửa đổi Nghị định phải phát huy sức sáng tạo của các nghệ sĩ để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thực hiện theo Luật Thi đua khen thưởng...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch nghiên cứu lại dự thảo Nghị định; giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội kết nối với Bộ ngành để góp ý kiến, thẩm tra, xem xét kỹ lưỡng lại việc ban hành Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn./.

Bích Lan-Minh Hùng

Các bài viết khác