Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đề xuất giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Đồng thời lưu ý, về khái niệm thỏa thuận quốc tế có thêm giải thích về “không mang tính ràng buộc pháp lý theo pháp luật quốc tế”.
Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị liệt kê rõ các chủ thể kí kết Việt Nam, trong đó các cơ quan của Quốc hội có Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời lưu ý mở rộng bên ký kết Việt Nam là Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ áp dụng đối với Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế; bổ sung về điều khoản chuyển tiếp bảo đảm việc thực thi trên thực tế.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 46, chiều ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng một số vấn đề của dự thảo Luật cần được thảo luận kĩ hơn để luật đi vào cuộc sống có tính khả thi và thống nhất trong hệ thống pháp luật, trong đó có nội dung về khái niệm thỏa thuận quốc tế.
Có cùng đề nghị làm rõ hơn khái niệm thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, nếu đưa ra khái niệm thỏa thuận quốc tế là không phát sinh quyền và nghĩa vụ, không phát sinh ràng buộc pháp lý; thỏa thuận quốc tế không được thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trước đây dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có rất nhiều thỏa thuận quốc tế đươc kí ở cấp huyện, cấp xã. Đến nay khi trình độ cán bộ cấp huyện, cấp xã đều đã được nâng lên, việc tiếp cận công nghệ thông tin và thông tin đối ngoại cũng tốt hơn thì việc hạn chế chủ thể kí kết thỏa thuận quốc tế chỉ ở các huyện, xã biên giới cần được giải trình làm rõ hơn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết thực tế ngoại giao Nhân dân rất đa dạng và phát huy hiệu quả mà không chỉ ở các huyện, xã biên giới. Thực tế có những liên minh thành phố, đô thị hay quan hệ kết nghĩa giữa các thành phố, thị xã, thị trấn đã triển khai hỗ trợ rất tốt. Do đó cần có sự đánh giá mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế để thúc đẩy hoạt động ngoại giao Nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng chỉ nên quy định đến mức cấp huyện là cấp cuối cùng được ký thỏa thuận quốc tế, không nên mở rộng đến cấp xã. Theo đó, cấp huyện là một cấp có cơ quan tham mưu, giúp việc và trình độ cán bộ, sự am hiểu về mặt luật pháp và tất cả các lĩnh vực đảm bảo để có thể ký thỏa thuận quốc tế. Còn từ cấp xã trở xuống không nên quy định có thẩm quyền và văn bản giữa cấp xã với nhau không coi là văn bản thỏa thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Luật dự kiến thu hẹp phạm vi bên ký kết áp dụng đối với cấp huyện, cấp xã ở biên giới. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng nếu quy định theo hướng này sẽ bỏ sót chủ thể là các thành phố trực thuộc tỉnh.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với nội dung đề xuất giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp để hoàn thiện báo cáo và dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các cơ quan hữu quan và các Đoàn đại biểu Quốc hội./.