HÌNH ẢNH UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM VI MÔ CỦA CÁC TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI

13/07/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 46, chiều ngày 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định Quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi của Nghị định cũng như tính bền vững khi triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; Thời gian thí điểm còn quá ngắn, và cũng chỉ có ở 12 tỉnh thành, điều này chưa mang tính chất phân bổ trên phạm vi cả nước, do đó chưa kiểm soát được quy mô phát triển để có thể tổng kết được.

Bên cạnh đó, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc ban hành chính sách tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô rất cần thiết đối với các đối tượng nhân ái, những người nghèo. Tuy nhiên thời điểm này chưa nên ban hành Nghị định này vì thiếu căn cứ pháp lý. Việc kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm mà bảo hiểm vi mô cũng là một loại trong danh mục kinh doanh bảo hiểm. Đây không phải chính sách mới cần phải ban hành nghị định. Hơn nữa, trong Tờ trình của Chính phủ cho biết việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô không hiệu quả. Bên cạnh đó, việc xác định điều kiện để cho các tổ chức chính trị- xã hội làm bảo hiểm vi mô còn thiếu cơ sở pháp lý, bất cập và tính khả thi không cao.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 46, chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định quy định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Nghị định quy định về tổ chức triển khai bảo hiểm vi mô; Quy định về hoạt động bảo hiểm vi mô; Quy định về tài chính đối với bảo hiểm vi mô; Quy định về hỗ trợ, tài trợ phát triển bảo hiểm vi mô; Quy định về giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm; Quy định về quản lý Nhà nước đối với hoạt động bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo hiểm vi mô của tổ chức chính trị - xã hội là cần thiết bởi các lý do sau: Tạo tiền đề xây dựng khung khổ pháp lý bền vững, mở rộng việc triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội sau thời gian thực hiện thí điểm; Tạo điều kiện tham gia bảo hiểm cho người dân có thu nhập thấp, ít có điều kiện tiếp xúc với sản phẩm bảo hiểm thương mại của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, về thẩm quyền xem xét và cho ý kiến đối với việc ban hành Nghị định, Thường trực Ủy ban nhận thấy, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định về hoạt động bảo hiểm vi mô không vì mục tiêu lợi nhuận mà chủ thể thực hiện là tổ chức chính trị - xã hội.

Về tính thống nhất của dự thảo Nghị định với hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành đã có Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hoạt động bảo hiểm thương mại và Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế quy định về bảo hiểm mang tính chất xã hội.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi của Nghị định cũng như tính bền vững khi triển khai bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội; Thời gian thí điểm còn quá ngắn và cũng chỉ có ở 12 tỉnh, thành, điều này chưa mang tính chất phân bổ trên phạm vi cả nước, do đó chưa kiểm soát được quy mô phát triển để có thể tổng kết được.

Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết việc ban hành chính sách tài chính vi mô, bảo hiểm vi mô rất cần thiết đối với các đối tượng nhân ái, những người nghèo. Tuy nhiên thời điểm này chưa nên ban hành Nghị định này vì thiếu căn cứ pháp lý.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chưa nên ban hành Nghị định về bảo hiểm vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát lại căn cứ pháp lý, việc triển khai thí điểm bảo hiểm vi mô; khống chế ở số tỉnh đã làm thí điểm, số sản phẩm đã triển khai... Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, xem xét, bổ sung các quy định cần thiết về bảo hiểm vi mô trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm./.

Bùi Hùng

Các bài viết khác