UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KẾT LUẬN VỀ QUYẾT TOÁN NSNN NĂM 2018, VIỆC PHÂN BỔ NGUỒN TĂNG THU VỐN VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI CHI THƯỜNG XUYÊN NĂM 2018

15/05/2020

Ngày 15/5, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có thông báo kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 45 (đợt 1) về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, việc phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018.

 

Phiên họp thứ 45 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ đã tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, đủ điều kiện trình Quốc hội để xem xét, phê chuẩn sau khi Chính phủ rà soát tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, đề nghị lưu ý một số vấn đề sau: 

Việc chấp hành dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2018 có những tiến bộ nhất định so với năm trước, song tình hình thực hiện dự toán thu ở 03 lĩnh vực: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chưa được cải thiện và là năm thứ hai liên tiếp không hoàn thành dự toán. Công tác quản lý thuế có chuyển biến tích cực, song nợ đọng thuế vẫn còn ở mức cao, nợ khó thu vẫn tăng. Thất thoát trong quản lý thu ngân sách từ đất đai, khoáng sản còn tồn tại; tình trạng trốn lậu thuế, gian lận thương mại vẫn diễn ra và chưa được khắc phục triệt để. 

Kỷ luật chi ngân sách nhà nước còn chưa nghiêm, nhất là trong đầu tư phát triển. Chính phủ cần phân tích rõ tình trạng giao chậm, không đảm bảo trật tự ưu tiên; chi sự nghiệp cho 03 lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề; y tế, dân số và kế hoạch hóa gia đình; khoa học, công nghệ) chưa đạt dự toán. Vẫn còn tình trạng quyết định dự án không căn cứ vào nguồn vốn và tình trạng chi nhưng chưa có dự toán sai quy định của pháp luật. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm một cách sâu sắc nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tránh lặp lại các sai phạm tương tự những năm sau. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo về danh sách, mức độ sai phạm, hình thức xử lý, kết quả xử lý vi phạm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước niên độ 2017 theo khoản 2 Điều 2 của Nghị quyết số 77/2014/QH14 của Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017. 

Đồng thời, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại đợt 2 của phiên họp thứ 45 (ngày 15, 16/5/2020) về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 343/2017/UBTVQH14 theo Tờ trình số 175/TTr-CP ngày 28/4/2020 của Chính phủ, làm cơ sở để lập các phụ lục kèm theo Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Về một số khoản chi đưa vào Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết luận như sau:

Đối với khoản 5.370 tỷ đồng viện trợ không hoàn lại đã có dự toán nhưng chưa có quyết định phân bổ của cấp có thẩm quyền: đến nay Chính phủ mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa kịp thời theo quy định. Tuy nhiên, đây là số đã thực chi năm 2018 của 33 bộ, ngành, do vậy, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định phân bổ và cho phép quyết toán chi ngân sách nhà nước vào năm 2018. 

Đối với khoản chi chuyển nguồn 2.305 tỷ đồng các khoản chi đặc thù của Bộ Quốc phòng: Tại phiên họp thứ 43 (tháng 3/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các khoản chi thường xuyên có tính chất xây dựng cơ bản của Bộ Quốc phòng thì được chuyển nguồn. Do đó, nhất trí quyết toán chi chuyển nguồn các khoản chi đặc thù trên và đề nghị Chính phủ sớm thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 165/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh. 

Đối với một số khoản chi thường xuyên chuyển sang chi đầu tư của Bộ Tài chính 1.991 tỷ đồng: việc tiết kiệm chi thường xuyên dành nguồn chuyển sang đầu tư phát triển là cố gắng của ngành thuế và hải quan. Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn điều chỉnh dự toán theo Luật Ngân sách nhà nước (trước ngày 15/11 của năm dự toán), do đó đề nghị Chính phủ báo cáo xin ý kiến Quốc hội cho phép điều chỉnh dự toán và quyết toán theo quy định. 

Đối với khoản hoàn thuế giá trị gia tăng 7.783 tỷ đồng cao hơn dự toán: đây là khoản thực chi hoàn thuế theo quy định, phải bù trừ với số thu thực tế từ hoạt động xuất, nhập khẩu trước khi xác định số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu nộp vào ngân sách nhà nước. Do vậy được quyết toán theo số thực chi hoàn thuế. 

Đối với khoản 790 tỷ đồng chi cho các Chương trình mục tiêu: chưa bám sát tiêu chí và chưa bảo đảm quy định về quản lý vốn đầu tư công. Đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư rút kinh nghiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, đây là khoản đã chi đầu tư ở một số địa phương gặp khó khăn nên đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định đối với khoản chi này trong quyết toán vào năm 2018. 

Về việc kiểm toán Nhà nước kiến nghị chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang cấp phát: Mặc dù Chính phủ đã đưa ra khỏi quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không đưa vào quyết toán ngân sách nhà nước khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phải phân tích rõ nguyên nhân giảm bội chi chủ yếu do giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn vay chậm như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đề nghị Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh các báo cáo. Giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội thẩm tra theo quy định để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận của phiên họp./.

Các bài viết khác