Công tác dự báo thu chi NSNN năm 2019 còn chưa sát
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu NSNN năm 2019 vượt khá cao so với dự toán (9,9%), tăng 93,77 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội (46 nghìn tỷ) vào tháng 10 năm 2019, trong đó 03 khoản thu chủ yếu của NSNN là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán rất cao. Kết quả thu NSNN năm 2019 cho thấy những nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và hiệu quả cao hơn của ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện NSNN năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2020
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế trong việc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN năm 2019.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Một là, công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2019 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2020 còn chưa sát, có sự chênh lệch khá lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung (chỉ trong quý 4, số thu NSNN năm 2019 đã vượt 93,77 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội, bằng 67% số tăng thu NSNN năm 2019); tỷ lệ thu NSNN vượt dự toán có xu hướng tăng dần cho thấy việc lập dự toán thu chưa thật tích cực, còn có những khoản thu để ngoài cân đối NSNN trong mấy năm gần đây; hoàn thuế giá trị gia tăng vượt dự toán tương đối cao (vượt 9 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội và 19,6% so với dự toán Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chú trọng hơn nữa đối với việc nâng cao năng lực trong công tác phân tích, dự báo các nguồn thu để tạo cơ sở vững chắc trong việc xây dựng dự toán thu NSNN năm 2021 và những năm tiếp theo.
Hai là, cơ cấu thu NSNN năm 2019 chưa thật bền vững, tăng thu hằng năm từ kết quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài thiếu ổn định và không thường xuyên (như thu từ dầu thô, thu từ xuất nhập khẩu, các khoản thu từ nhà, đất,…). Tỷ trọng thu nội địa, thu từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh dù có xu hướng tăng dần nhưng vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu NSNN. Nợ đọng thuế tăng cao hơn so với năm trước.
Thứ ba, thể chế, chính sách thu còn chưa được hoàn thiện kịp thời như Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ còn có quy định chưa hợp lý và còn chậm được xử lý, tháo gỡ, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp. Chính sách thuế ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chậm ban hành. Việc rà soát để điều chỉnh lại mức thu phí và tập trung thu vào NSNN từ nhiều lĩnh vực theo Luật NSNN, Luật Phí và lệ phí còn chậm.
Lưu ý tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm dần trong những năm gần đây
Về thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, trong việc thực hiện nhiệm vụ chi NSNN năm 2019 còn nổi lên một số vấn đề. Đó là, tỷ trọng chi thường xuyên có xu hướng giảm, chi đầu tư có xu hướng tăng so với năm 2018 và đạt mục tiêu đề ra, song tỷ trọng chi giáo dục đào tạo, chi khoa học công nghệ vẫn còn thấp, chưa đảm bảo định hướng về mức chi ngân sách theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội. Việc giao vốn chi sự nghiệp, chi đầu tư phát triển cho một số Chương trình Mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương chưa kịp thời, còn giao nhiều đợt. Việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại cho người dân do dịch tả lợn Châu Phi ở nhiều địa phương còn rất chậm.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2019 còn chậm và có xu hướng chậm dần trong những năm gần đây. Số vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2019 chưa giải ngân còn lại khá lớn, nhất là vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Ủy ban Tài chính -Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cung đề nghị Chính phủ sớm phân bổ nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi của NSTW năm 2019 và báo cáo Quốc hội theo quy định của Luật NSNN và Nghị quyết số 936/NQ-UBTVQH14 của UBTVQH.
Khẩn trương chỉ đạo triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý một số vấn đề trong tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2020. Trong đó có việc phân bổ và giao dự toán đã được triển khai sớm hơn so với những năm gần đây nhưng việc giao chi tiết còn chậm và việc phân bổ và giao dự toán thu, chi ngân sách ở một số địa phương còn chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN.
Về tình hình thực hiện thu, chi NSNN 4 tháng đầu năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách thấy rằng, trong những tháng đầu năm 2020, đời sống kinh tế - xã hội của nước ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do thiên tai, dịch bệnh (đại dịch Covid-19, hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long) và điều đó đã tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, các biện pháp ưu đãi về thuế của Chính phủ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19… là rất cần thiết nhưng cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới số thu NSNN trong 4 tháng đầu năm 2020.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Về chi NSNN và cân đối NSNN 4 tháng đầu năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và cho rằng nhiệm vụ chi trong 4 tháng đầu năm 2020 cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đề ra; đồng thời đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp để ổn định xã hội, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, trong đó, chú trọng kiểm tra chặt chẽ, bảo đảm hỗ trợ đúng đối tượng, không phát sinh tiêu cực.
Cơ bản thống nhất với các giải pháp điều hành thu - chi NSNN của Chính phủ đề ra từ nay đến cuối năm 2020, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ lưu ý một số giải pháp. Một là, Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 86/2019/QH14 về dự toán NSNN năm 2020 để chủ động có phương án điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế sát với thực tế hơn, tạo cơ sở để tính toán, dự báo các chỉ tiêu kinh tế, tài chính ngân sách tương ứng với tăng trưởng kinh tế.
Hai là, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, kết hợp với chính sách tiền tệ để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường kỷ luật tài chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép. Thúc đẩy giao vốn và giải ngân vốn đầu tư phát triển; kịp thời điều chỉnh, điều chuyển vốn đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có phương án sửa đổi, bổ sung kịp thời về cơ chế tài chính đặc thù đối với một số ngành, lĩnh vực phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Hoàn thiện cơ chế về đấu thầu trong mua sắm dịch vụ công, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác đấu thầu.
Bốn là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra, thanh tra việc sử dụng nguồn vốn NSNN, bảo đảm phân bổ, sử dụng nguồn vốn NSNN tiết kiệm, hiệu quả và chống thất thu NSNN; kiểm soát có hiệu quả quá trình triển khai gói hỗ trợ từ NSNN trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19.
Năm là, đề nghị Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan có liên quan và địa phương khẩn trương tổ chức đánh giá, kết hợp với việc lập kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định, đảm bảo tiến độ theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công.
Sau khi nghe trình bày các báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2020./.