TRÌNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC PHÊ CHUẨN HIỆP ĐỊNH BẢO HỘ ĐẦU TƯ VIỆT NAM - EU (EVIPA)

28/04/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 44, chiều ngày 28/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

 

Toàn cảnh Phiên họp

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch nước đã giao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Theo đó, những nội dung về bảo hộ, tự do hóa đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư đã được đàm phán như một phần của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) từ năm 2012. Tuy nhiên, sau đó nội bộ EU phát sinh một số vấn đề mới liên quan đến phân định thẩm quyền phê chuẩn các FTA giữa EU và từng nước thành viên nên EU đề xuất tách Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU thành 02 Hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) quy định các vấn đề thương mại và toàn bộ nội dung về tự do hóa đầu tư trực tiếp đã được hai Bên thống nhất trước đây. Hiệp định này thuộc thẩm quyền phê chuẩn của EU. Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) gồm các quy định bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư. Hiệp định này phải được sự phê chuẩn của Nghị viện Châu Âu và Nghị viện các nước Thành viên.

Hiệp định EVIPA sau đó được hai Bên thống nhất và hoàn tất các thủ tục để tiến tới ký Hiệp định. Ngày 30 tháng 6 năm 2019 tại Hà Nội, được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cùng với Bộ trưởng Bộ Môi trường kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Ru-ma-ni (đại diện Chủ tịch EU) và Cao ủy thương mại EU đã ký Hiệp định EVIPA.

Hiệp định EVIPA sẽ thay thế 21 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. Hiệp định có 4 Chương, 92 Điều và 13 Phụ lục, gồm các quy định về bảo hộ đầu tư, giải quyết tranh chấp đầu tư và những vấn đề cụ thể có liên quan.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). 

Đối với tác động của hiệp định EVIPA với Việt Nam, về chính trị, an ninh quốc gia và đối ngoại, Hiệp định quy định một số nguyên tắc nhằm bảo đảm để Việt Nam phát triển quan hệ với EU trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết dân tộc phù hợp với những mục tiêu đã được các Bên thỏa thuận theo Hiệp định hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam - EU (PCA). Hiệp định khẳng định quyền của các Bên trong việc ban hành chính sách trên lãnh thổ của mình để đạt được các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh, môi trường, đạo đức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích và bảo vệ tính đa dạng văn hóa.

Theo quy định của Hiệp định, mỗi Bên được quyền duy trì các biện pháp cần thiết để bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính, bảo đảm việc tuân thủ pháp luật. Về đối ngoại, việc thực thi Hiệp định sẽ góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU, đồng thời củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai Bên. Cùng với Hiệp định EVFTA, Hiệp định này sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong Khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Về tác động đối với hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, việc thực hiện các cam kết theo Hiệp định EVIPA sẽ là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, an toàn, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiệp định có nhiều quy định nhằm bảo đảm cân đối giữa việc bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài và bảo vệ lợi ích của quốc gia, cộng đồng như quy định rõ giới hạn và điều kiện hưởng các quyền theo Hiệp định của nhà đầu tư; khẳng định quyền của các quốc gia trong việc ban hành chính sách để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an ninh, môi trường, đạo đức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng; quy định các biện pháp ngoại lệ về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính vv…Các quy định này tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi để Việt Nam xây dựng và thực hiện chính sách thu hút đầu tư phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mình.

Cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư theo Hiệp định EVFTA, việc thực thi Hiệp định EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính. Tuy nhiên, để thi hành Hiệp định EVIPA đồng thời phát huy tối đa những lợi ích mang lại từ Hiệp định, Việt Nam cũng đứng trước một số khó khăn, thách thức. Điều này sẽ đặt các doanh nghiệp Việt Nam trước sức ép cạnh tranh lớn hơn ngay tại thị trường trong nước, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng các đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua Hiệp định EVIPA và Hiệp định EVFTA. Về phía Nhà nước, bên cạnh các giải pháp nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam…, thì cần tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành một số đạo luật (như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng…) theo hướng đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường và thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công.

Về tác động đối với cơ chế giải quyết tranh chấp và thi hành pháp luật, các quy định của Hiệp định được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi Bên, sẽ góp phần bảo đảm để các quy định của Hiệp định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, việc thiết lập cơ chế thường trực theo Hiệp định EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của một Bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã thừa nhận và áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua. Cơ chế thường trực sẽ loại bỏ sự can thiệp của nhà đầu tư vào việc lựa chọn thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp, hạn chế xung đột lợi ích, nâng cao yêu cầu về chuyên môn và tính độc lập của các thành viên này. Mặt khác, quy trình giải quyết tranh chấp theo hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) của cơ chế này sẽ góp phần giảm rủi ro, nâng cao tính nhất quán của quá trình giải quyết tranh chấp. Với những điểm tiến bộ nêu trên so với các Hiệp định đầu tư song phương cũng như FTA hiện hành, Hiệp định EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm để Việt Nam thực thi các cam kết theo Hiệp định và pháp luật của mình một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo Hiệp định EVIPA cũng đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

Về hiệu lực của Hiệp định EVIPA, theo quy định tại Điều 4.13, Hiệp định sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày các Bên thông báo cho nhau về việc hoàn tất các thủ tục pháp lý được áp dụng của mình để Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, Hiệp định chỉ có hiệu lực khi Việt Nam, EU và tất cả các nước thành viên EU hoàn tất thủ tục phê chuẩn theo pháp luật của nước mình. Hiện nay, Nghị viện EU đã phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tiếp theo Hiệp định phải được Nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn.

Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ với các nội dung trên, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc trình Quốc hội xem xét, quyết định phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một Bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một Bên là Liên minh Châu Âu và các nước thành viên Liên minh Châu Âu trong Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh