• Quốc hội khóa XII
  • Phiên họp thứ 23
  • Quốc hội khóa X
  • TRÌNH UỶ BAN THƯỜNG VỤ CHO Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

    20/04/2020

    Chiều ngày 20/4, theo chương trình Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).

     

    Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

    Trình bày Tờ trình dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm đáp ứng các yêu cầu giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế. Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây. Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

    Sau khi rà soát chỉnh sửa, dự thảo gồm 8 chương và 79 Điều: Giảm 1 điều so với hiện hành; bãi bỏ 7 Điều, bổ sung mới 8 Điều và sửa đổi, bổ sung khoảng 70 điều trong tất cả các chương.

    Trong đó, chương I. Những quy định chung (07 điều) quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

    Chương II. Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (37 điều) quy định về doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (24 điều), doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (3 điều), tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài (3 điều); doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề (5 điều) và đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (2 điều);

    Chương III. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (18 điều) quy định về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài (6 điều); người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp giao kết hợp đồng lao động (5 điều); bảo lãnh cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài (5 điều) và chính sách đối với người lao động sau khi về nước (2 điều);

    Chương IV. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động (05 điều) quy định về mục đích đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và trách nhiệm của người lao động trong việc học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nội dung bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

    Chương V. Quỹ Hỗ trợ Việc làm ngoài nước (03 điều) quy định về loại hình quỹ; mục tiêu và nhiệm vụ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, nguồn hình thành và nguyên tắc sử dụng Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước;

    Chương VI. Quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (04 điều) quy định về nội dung, trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài; thanh tra về hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

    Chương VII. Giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm (02 điều);

    Chương VIII. Điều khoản thi hành (03 điều) quy định về điều khoản áp dụng đối với doanh nghiệp đã được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trước ngày Luật có hiệu lực thi hành, thời điểm Luật có hiệu lực thi hành và trách nhiệm của các cơ quan trong việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật.

    Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)

    Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung đối tượng ký kết các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là đơn vị sự nghiệp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định nhằm bảo đảm minh bạch và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; sửa đổi , bổ sung các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp/cấp đổi/cấp lại/thu hồi giấy phép, về tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; bổ sung quy định về chuẩn bị nguồn lao động.

    Dự thảo luật cũng đã bổ sung các chính sách của Nhà nước như: chính sách hỗ trợ đối với người lao động là đối tượng chính sách xã hội để học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở những nước phát triển và có mức thu nhập cao trong một số ngành nghề, lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật mà trong nước có nhu cầu, phát triển nguồn nhân lực căn cứ theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và nước tiếp nhận người lao động.

    Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định về chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài; các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước;  các quy định liên quan đến quy định về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

    Sau khi nghe trình bày tờ trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về dự án Luật này./.

    Bảo Yến - Nghĩa Đức

    Các bài viết khác