Ý KIẾN CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH VỀ PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ÁP DỤNG LUẬT TRONG DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ THEO PHƯƠNG THỨC ĐỐI TÁC CÔNG TƯ (PPP)

20/04/2020

Trong Hồ sơ Dự án Luật trình tại Phiên họp 44, Tổng thư Ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với nội dung phạm vi điều chỉnh, áp dụng luật của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

 

Toàn cảnh Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật 

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến ngày 13/4/2020, Tổng Thư ký Quốc hội đã nhận được 24 ý kiến từ 08 Đoàn đại biểu Quốc hội và 16 đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ đạo tổng hợp ý kiến tham gia góp ý đối với một số nội dung của dự án Luật, cụ thể:

Các đại biểu Quốc hội chuyên trách nhất trí sự cần thiết ban hành Luật PPP nhằm tạo lập môi trường pháp lý công bằng, minh bạch và bảo đảm cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, hiệu quả để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hữu hạn của Nhà nước.

Các đại biểu đánh giá nội dung của dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cơ chế huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế, hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành. Dự án Luật quy định các nguyên tắc thỏa thuận hợp tác giữa nhà nước và nhà đầu tư được thể hiện thông qua các phương thức hợp đồng dự án PPP mà hiện nay chưa được quy định cụ thể trong các luật chuyên ngành. Nội dung quy định trong dự thảo Luật và quy trình thảo luận, lấy ý kiến đóng góp cho quá trình ban hành Luật bảo đảm tính công khai, minh bạch. Dự án Luật đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Dự thảo Luật lần này được bố cục hợp lý gồm 11 chương, 108 điều, đã bao quát được toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; cơ bản thống nhất với các nội dung của dự thảo Luật và dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đối tượng áp dụng (Điều 2), có ý kiến đại biểu nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại dự thảo Luật, phù hợp với quy định và thực tiễn; nhất trí với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật. Có ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là quá rộng, chưa rõ, đề nghị sửa lại Điều 1 như sau: “Luật này quy định về phạm vi, lĩnh vực, hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Có ý kiến đề nghị bổ sung “hợp đồng đầu tư” vào Điều 1 thành như sau: “Luật này quy định về hoạt động đầu tư, hợp đồng đầu tư theo phương thức đối tác công tư; hoạt động quản lý nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư”. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát, xem xét điều chỉnh toàn bộ quan hệ đối tác công tư, trong đó bao gồm cả hoạt động xã hội hóa, vì bản chất cơ chế thực hiện xã hội hóa có tính chất tương đồng với đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) do cùng mục tiêu thu hút vốn đầu tư của tư nhân; trong khi chính sách này đang được thực hiện rất nhiều mà không được quản lý chặt chẽ, gây thất thoát nguồn lực nhà nước vào tay một số bộ phận.

Về áp dụng luật và điều ước quốc tế (Điều 3), 08 ý kiến nhất trí với phương án 1, quy định nội dung tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật là tạo hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Vì các đại biểu cho rằng thời gian áp dụng cho một dự án PPP thường kéo dài nhiều năm, trong khi hệ thống pháp luật của Việt Nam đang từng bước hoàn thiện khung pháp lý thì việc áp dụng các quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư phải được ưu tiên thực hiện, để bảo đảm các bên tham gia thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, ổn định lâu dài trong thời hạn hợp đồng dự án PPP. Quy định này cũng là tuyên bố chung, thể hiện cam kết của Nhà nước về mặt pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư khi tham gia cùng Nhà nước đầu tư vào các dự án PPP. 07 ý kiến nhất trí với phương án 2, không quy định nội dung tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật; tiếp tục rà soát kỹ, quy định cụ thể các nội dung đặc thù ngay trong dự thảo Luật và quy định rõ nội dung được ưu tiên áp dụng, đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật đối với các nội dung cần sửa luật nào thì sửa đổi, bổ sung luật đó cho phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngoài những ý kiến cụ thể trên, một số đại biểu  đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định tại dự thảo Luật phù hợp Hiến pháp, các luật khác và các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, tránh mâu thuẫn, xung đột, gây khó khăn khi thực hiện hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cũng như bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia ; đề nghị không quy định khoản 1, đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng, trường hợp cần ưu tiên áp dụng Luật PPP so với các luật khác thì quy định về nội dung đó tại các điều khoản cụ thể; đề nghị chuyển khoản 3 về Chương XI “Điều khoản thi hành” để phù hợp kết cấu chung của Luật./.

Hồ Hương

Các bài viết khác