HÌNH ẢNH BẾ MẠC PHIÊN HỌP THỨ 43 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

25/03/2020

Sáng ngày 25/3, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 43.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 43. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan triển khai các kết luận của từng nội dung để thực hiện các bước tiếp theo, nhất là nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý 07 dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp tới.

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vẫn phải thực hiện các giải pháp để ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm ngập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Chia sẻ và đồng cảm với tình hình khó khăn của người dân hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Thời điểm này rất cần sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân và sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị để vượt qua khó khăn, đảm bảo tình hình đất nước ổn định, chăm lo đời sống Nhân dân...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bế mạc Phiên họp thứ 43

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, sau hai ngày rưỡi làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành chương trình phiên họp thứ 43. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, để lấy ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của một số dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới, trong tháng 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách theo hình thức trực tuyến. 

Bên cạnh công tác phòng, chống dịch bệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị vẫn phải thực hiện các giải pháp để ổn định tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhất là thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, giải quyết vấn đề xâm ngập mặn, hạn hán, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất của người dân đồng bằng sông Cửu Long. 

Trước đó,  Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung phiên thảo luận.

 Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày Tờ trình dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chính sách của Đảng về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng sự cần thiết xây dựng dự án Luật Biên giới Quốc phòng nhưng cũng cần xem xét kỹ Luật này liên quan đến nhiều luật khác, nên Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được đưa ra Quốc hội xem xét, thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ quan điểm cần quan tâm hơn đến đội ngũ bộ đội biên phòng về thực thi các chính sách, chế độ đãi ngộ. Ngoài ra cần lưu ý đến chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng vừa nêu ở trong Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam; Cần thiết cần nâng cao ý nghĩa của Pháp lệnh để đưa vào trong dự án Luật và phạm vi điều chỉnh không được chồng chéo với luật khác.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến nhất trí với tên gọi Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Tuy nhiên, trong Dự án Luật cần bổ sung thêm 2 vấn đề là: xuất phát từ vị trí và tầm quan trọng của biên giới quốc gia và nhiệm vụ đặt ra khi tiếp tục xây dựng biên giới quốc gia.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao Ban soạn thảo đã tích cực chuẩn bị dự án Luật, hồ sơ trình đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành hành văn bản quy phạm pháp luật; Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng đã chủ động, chặt chẽ trong thẩm tra sơ bộ dự án luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh có trách nhiệm thẩm tra kỹ đối với dự án Luật Biên phòng Việt Nam trước khi trình ra Quốc hội xem xét, thảo luận cho ý kiến./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác