HÌNH ẢNH UBTVQH CHO Ý KIẾN LẦN 2 VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

23/03/2020

Chiều 23/3, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 43, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó còn vấn đề về trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; về quy định trách nhiệm tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản có quy định khác nhau về cùng một vấn đề là còn hai phương án khác nhau. Về quy định hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật các cơ quan có sự thống nhất bổ sung như dự thảo.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật, đồng thời tiếp tục cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau để hoàn thiện dự thảo Luật.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chiều ngày 23/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc. 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Ủy ban Pháp luật. 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ Hội đồng Dân tộc thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án Luật, pháp lệnh trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đối với ban hành văn bản liên quan đến chính sách dân tộc thì Chính phủ phải xin ý kiến Hội đồng Dân tộc để bảo đảm thực hiện đúng quy định Điều 69 Luật Tổ chức Quốc hội cũng như nhằm cụ thể hóa Điều 75 Hiến pháp.

Liên quan đến nguyên tắc áp dụng pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lưu ý đến việc quy định song song hai nguyên tắc áp dụng pháp luật là ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành và ưu tiên áp dụng văn bản ban hành sau. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, nếu quy định cả hai nguyên tắc này trong thời gian tới thì sẽ tiếp tục gây ra chồng chéo trong hệ thống pháp luật, khó khăn trong áp dụng, không rõ sẽ áp dụng văn bản nào.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thì cho rằng vẫn cần quy định cả hai nguyên tắc đồng thời cần có quy định để xử lý bảo đảm liên thông giữa hai nguyên tắc này.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại phiên thảo luận. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị lưu ý việc sửa đổi, bổ sung Luật này cần thiết bổ sung các quy định về trách nhiệm cơ quan thẩm tra, cơ quan trình nhưng không làm phát sinh thêm công đoạn, không làm phức tạp thêm quy trình và các điều khoản của dự án Luật cần thể hiện đơn giản, rõ ràng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại phiên thảo luận. 

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo, dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới.

Nghĩa Đức