UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

13/09/2019

Sáng ngày 13/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 37, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo luật

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan thanh tra và ngược lại trong quá trình lập, thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán; giao Kiểm toán Nhà nước chủ trì trong công tác phối hợp để xử lý chồng chéo, trùng lắp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước

Dự thảo Luật cũng không quy định về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này của Kiểm toán Nhà nước sẽ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.

Quy định rõ chỉ cho phép Kiểm toán Nhà nước truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; đồng thời, Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời dự án Luật được rà soát, chỉnh lý để bảo đảm thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Phòng, chống tham nhũng.

Bổ sung quy định về giải quyết khiếu nại, khởi kiện

Tại kỳ họp thứ 7, thảo luận về dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Kiểm toán Nhà nước đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán Nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán Nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.

Giải thích rõ về cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo luật bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán.

Nêu rõ luật hiện hành chưa có giải thích về “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán” do đó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ nhất trí với sự cần thiết làm rõ khái niệm này trong luật. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán Nhà nước lại cho rằng nếu giải thích theo hướng chỉnh lý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là “các cơ quan, tổ chức, cá nhân được kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm”  trong bối cảnh Kiểm toán Nhà nước chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”; hơn nữa theo quy định hiện hành nếu xác định được dấu hiệu vi phạm thì phải chuyển cho cơ quan điều tra để điều tra, truy tố.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

Thực tế, theo quy định của Hiến pháp 2013, chỗ nào có sử dụng tài chính công tài sản công thì cần được kiểm tra và đơn vị sử dụng tài chính công tài sản công liên quan đến đơn vị đang được kiểm toán thì Kiểm toán Nhà nước được kiểm tra theo thẩm quyền. Nếu quy định có thêm điều kiện “có dấu hiệu vi phạm” thì Kiểm toán Nhà nước sẽ không thể thực hiện kiểm tra đối với các dự án BT, BOT, kiểm tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia do tổ chức ngoài nhà nước thực hiện... như lâu nay vẫn làm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị được giải thích lại nội dung này theo hướng đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan là những đơn vị đang sử dụng tài chính công, tài sản công và có liên quan trực tiếp đến đơn vị đang được kiểm toán.

Bổ sung vào kế hoạch kiểm toán nếu mở rộng kiểm toán toàn diện đơn vị, cơ quan có liên quan

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với hướng tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự án Luật đã được Ủy ban Tài chính  - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước chỉnh sửa.

Về các nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định không mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán nên vẫn giữ nguyên quy định về đối tượng kiểm toán theo luật hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những đối tượng, hoạt động cần phải kiểm toán để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến đối tượng đang được kiểm toán. Khi đó cần thiết bổ sung khái niệm để làm rõ các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán theo hướng trong quá trình kiểm toán mà xác định có hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán thì có quan kiểm toán có thể mở rộng hoạt động kiểm; đồng thời tiếp thu ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh là phải làm rõ mở rộng như thế nào, nếu là kiểm toán toàn diện thì phải đưa vào bổ sung kế hoạch kiểm toán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất không quy định vào trong luật này thẩm quyền giám định tư pháp của Kiểm toán Nhà nước. Nếu quy định thì sẽ xem xét tại Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận nội dung thảo luận

Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quy định, trưởng đoàn kiểm toán có quyền truy cập và có thể ủy quyền bằng văn bản cho thành viên đoàn kiểm toán.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với quyền khiếu nại, khởi kiện theo trình tự, thẩm quyền được quy định tại luật này. Các cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại theo từng cấp và lên đến Tổng Kiểm toán Nhà nước và có thể khởi kiện, đồng thời lưu ý trong quá trình khiếu nại vẫn phải bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đặt ra vấn đề ai kiểm soát cơ quan kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo quy định hiện hành thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát, ngoài ra còn có sự kiểm tra của cơ quan đảng, quyền khởi kiện ra tòa của các đơn vị, cơ quan, tổ chức liên quan cũng là một hình thức giám sát buộc Kiểm toán Nhà nước phải thực hiện đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn chỉnh dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh

Các bài viết khác