ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

13/09/2019

Chiều ngày 13/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Quá trình thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 bộc lộ một số vướng mắc

Trình bày Tờ trình dự án, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua 03 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Luật năm 2015) với nhiều quy định mới, có thể khẳng định công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chỉ tính riêng số lượng luật, pháp lệnh, từ ngày 01/7/2016 đến ngày 30/6/2019 đã có 44 luật và 01 pháp lệnh được ban hành theo quy trình, yêu cầu quy định tại Luật năm 2015, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được ban hành để kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của pháp luật, tập trung hơn nguồn lực và thời gian chuẩn bị, nhờ đó chất lượng VBQPPL đã được nâng lên, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Tuy nhiên, việc thi hành Luật năm 2015 trong thời gian qua cũng đặt ra một số vấn đề, trong quá trình thi hành Luật năm 2015 vừa qua cho thấy còn một số khó khăn vướng mắc khác cần tiếp tục xử lý, như: việc lập đề nghị xây dựng theo quy trình chính sách đối với một số loại nghị định của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân (HĐND); văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn; ban hành thủ tục hành chính trong VBQPPL; áp dụng VBQPPL.

Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi nhằm mục đích, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về ban hành VBQPPL nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng; tăng cường trách nhiệm của từng cơ quan và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành VBQPPL, nhất là trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật năm 2015 thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình báo cáo thẩm tra

Tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 cho hợp lý, sát thực tế

Thẩm tra Tờ trình, thay mặt Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Khắc Định nêu rõ, nội dung của dự thảo Luật do Chính phủ trình phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là kết luận của Ban Bí thư tại Thông báo số 26-TB/TW ngày 19/7/2017; phù hợp với quy định của Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ủy ban Pháp luật tán thành với phạm vi chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2015 để thể chế hoá kịp thời kết luận của Ban Bí thư, đồng thời quy định cho hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Ngoài 03 nhóm vấn đề được Chính phủ đề nghị sửa đổi, Ủy ban Pháp luật đề nghị mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề khác cả ở trong giai đoạn lập chương trình, soạn thảo, thẩm định, thẩm tra… đang gặp vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn để bảo đảm sự đồng bộ, kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để trình Quốc hội.

Ngoài những vấn đề nêu trên, trong quá trình hoạt động của Quốc hội cũng như theo phản ánh của các Đoàn đại biểu Quốc hội cho thấy còn nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật năm 2015 cần được nghiên cứu, sửa đổi để kịp thời tháo gỡ như được phản ánh trong Báo cáo thẩm tra đầy đủ và Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội tham gia vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ủy ban Pháp luật sẽ phối hợp với cơ quan trình dự án nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Việc sửa đổi Luật cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo độ “chín”

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Phó Chỉ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, việc sửa đổi cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo độ “chín”. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ đề nghị sửa Luật theo hướng việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra thực hiện như hiện nay sang cho cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình dự án thực hiện, gọi là “đổi vai” so với hiện hành. Vậy tại sao lại cần có sự “đổi vai” này? Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ vấn đề hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho ý kiến tại Phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá đây là một dự án Luật quan trọng liên quan trực tiếp đến thẩm quyền của các cơ quan trong bộ máy nhà nước; do đó chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; những vướng mắc, tồn tại do việc tổ chức thực hiện thì điều chỉnh việc thực hiện, không sửa đổi trong Dự án Luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, Dự luật này điều chỉnh vai trò, vị trí, mối tương tác giữa các cơ quan của nhà nước trong hệ thống chính trị, do đó, việc sửa đổi, bổ sung cần cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đề nghị cần nhận thức đúng, làm đúng vai của Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định trình ra Quốc hội như thế nào.

Liên quan đến trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo phải có trách nhiệm đến cùng với Dự án Luật mà đon vị mình trình, vì sau khi vòng thảo luận lần 2, rất nhiều nội dung được các đại biểu Quốc hội bổ sung, sửa đổi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần phải theo đến cùng để nắm rõ được mọi vấn đề.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là Dự luật rất quan trọng, việc sửa đổi Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đảm bảo sự hợp lý, sát thực tế, cụ thể hơn về quy trình chính sách đối với một số loại VBQPPL. Đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình xin ý kiến Quốc hội./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác