CHỦ NHIỆM ỦY BAN TƯ PHÁP: CẦN DỰ BÁO ĐÚNG TÌNH HÌNH THAM NHŨNG VÀ ĐỀ RA GIẢI PHÁP SÁT THỰC TẾ

12/09/2019

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, sáng ngày 12/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày ý kiến thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp  nhận thấy, năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Công tác xây dựng thể chế về PCTN chuyển biến tích cực

Về xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN, năm 2019, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế có nhiều chuyển biến tích cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã trình Quốc hội thông qua nhiều luật, nghị quyết, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện. Đặc biệt là để triển khai thực hiện các quy định mới của Luật PCTN, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị định hướng dẫn, quy định nhiều nội dung nhằm giải quyết những vướng mắc lớn trong thời gian qua về công tác PCTN.

Tuy nhiên, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng, dễ nảy sinh tham nhũng nhưng chậm được sửa đổi, nhất là các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất, tài nguyên, đấu thầu, đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp… Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là hạn chế lớn, đã kéo dài nhiều năm, Chính phủ cần có giải pháp để tự mình hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi để bảo đảm việc cải cách thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đảng.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được chú trọng

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN tiếp tục được chú trọng và đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Chỉ đạo, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không phân biệt người đó là ai”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra, giám sát làm rõ các sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp, cán bộ đã nghỉ hưu. Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra, các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường thông tin, công khai rộng rãi cho báo chí, nhân dân về kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng.... Qua đó, đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành động của người có chức vụ, quyền hạn; thu hút được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ, quyết tâm chống tham nhũng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền về PCTN một số trường hợp còn nặng về hình thức, nội dung còn nghèo nàn, chưa phù hợp với đối tượng được tuyên truyền nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức của người dân, cán bộ, công chức, viên chức về PCTN. Việc tuyên truyền, giáo dục thông qua thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tuy đã có chuyển biến bước đầu, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên nói vẫn không đi đôi với làm, thiếu gương mẫu, thậm chí có hành vi phản cảm, nhũng nhiễu, đòi hối lộ… đã tác động tiêu cực và làm giảm đáng kể tác dụng của công tác tuyên truyền về PCTN.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được thực hiện đồng bộ

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, năm 2019, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng đã được Chính phủ triển khai tích cực, đồng bộ và có hiệu quả trên các mặt như: sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế; sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh; công khai, minh bạch tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn, chế độ; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp... Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn hạn chế.

Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ án tham nhũng chưa đạt yêu cầu

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, khởi tố, xử lý nghiêm minh theo hướng làm rõ đến đâu, xử lý đến đó.

Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp tăng cường chỉ đạo, chủ động, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn đối tượng, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra, làm rõ nhiều sai phạm đặc biệt nghiêm trọng, quyết định kỷ luật và đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thi hành kỷ luật nhiều cán bộ cao cấp do tham nhũng, vi phạm về quản lý kinh tế. Việc điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ án tham nhũng có nhiều chuyển biến tích cực, đa số bảo đảm tiến độ xử lý. Đáng lưu ý là nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc, các cơ quan tư pháp tích cực trong thực hiện biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng về cho nhà nước…

Việc áp dụng các biện pháp xử lý đồng bộ, nghiêm minh đối với tội phạm tham nhũng trong thời gian qua đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh trong xử lý tội phạm về tham nhũng, tạo hiệu ứng tích cực, lan toả trong dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, việc phát hiện tham nhũng thông qua tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục; việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm về tham nhũng chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao. Số vụ án tham nhũng được phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng. Một số địa phương có chuyển biến trong phát hiện, xử lý tham nhũng nhưng chưa đều. Một số vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế lớn ở địa phương không phải do cơ quan điều tra ở địa phương phát hiện mà chủ yếu do cơ quan điều tra cấp trung ương khám phá, điều tra; các vụ án tham nhũng, sai phạm kinh tế do các cơ quan chức năng ở địa phương phát hiện, điều tra đa số là những vụ án nhỏ, xảy ra ở cấp huyện, cấp xã. Chất lượng và tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Công tác phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng, giữa cơ quan điều tra với cơ quan giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng trong một số trường hợp còn hạn chế, việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp… Đáng lưu ý, số trường hợp phát hiện yếu tố tham nhũng, vụ lợi trong các vụ án kinh tế còn ít, chưa phản ánh đúng bản chất, động cơ, mục đích của người phạm tội. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là những vấn đề cần được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đánh giá đúng thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Cần dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp sát thực tế

Nhìn chung, tình hình tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong thời gian tới, tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, “tham nhũng vặt” vẫn chưa bị đẩy lùi. Đáng lưu ý, khi Đảng và Nhà nước đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng lớn, “lợi ích nhóm”, “sân sau” thì loại tội phạm này sẽ chuyển sang thủ đoạn đối phó, che dấu dưới các hình thức tinh vi, phức tạp hơn… Dư luận cử tri cho rằng, trong lĩnh vực cổ phần hóa, mua bán tài sản công, ở nơi nào có hiện tượng “Nhà nước mua đắt, bán rẻ” các tài sản lớn thì ở đó có dấu hiệu của những vụ tham nhũng lớn và đa số các vụ án sai phạm lớn về kinh tế trong giai đoạn vừa qua đều có yếu tố vụ lợi. Do đó, Chính phủ cần phải tổng kết, đánh giá, nhận diện để dự báo đúng tình hình tham nhũng và đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Quá trình xử lý cần chú trọng đến việc điều tra chứng minh yếu tố chiếm đoạt, vụ lợi trong các vụ án kinh tế.

Để làm tốt công tác PCTN trong thời gian tới, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, từ hạn chế của công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong thời gian qua, đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá và nhất là cần đưa ra danh mục những văn bản pháp luật nào còn thiếu, sơ hở, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, qua đó tự mình hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Đối với “tham nhũng vặt”, Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt là cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, PCTN để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2020.

Đối với tham nhũng xảy ra trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật, đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của VKSNDTC trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh