Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 26, sáng ngày 10/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm định và cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Chăn nuôi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Chăn nuôi. Theo đó, Dự thảo Luật đã được bổ sung 01 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; bổ sung quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; bổ sung quy định về phúc lợi cho vật nuôi và chăn nuôi động vật khác; bổ sung quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường...
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên thảo luận:
Toàn cảnh phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thẩm định và cho ý kiến đối với dự án Luật Chăn nuôi.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.
Chủ nhiệm uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Chăn nuôi.
Sau khi chỉnh sửa, dự thảo Luật mới gồm 06 chương 80 điều, giảm 02 chương, tăng 15 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5.
Cho ý kiến vào dự thảo, Chủ nhiệm uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng: “Phúc lợi xã hội là một bộ phận của thu nhập quốc dân, được dùng để làm thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của người dân trong xã hội”. Do đó việc áp dụng từ "Phúc lợi cho vật nuôi" là không hợp lý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng dùng từ "phúc lợi" là không hợp lý và đề nghị, tại mục 4 cần sửa từ "Phúc lợi với vật nuôi" thành "Đối xử nhân đạo với vật nuôi". Các điều từ 66 đến điều 69 bỏ "phúc lợi" thay bằng từ "bảo đảm".
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần có điều quy định chi tiết cụ thể hơn nữa về xử lý chất thải trong chăn nuôi, nhất là nông hộ, hộ gia đình.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm phòng chống rét đậm, rét hại. Cần có quy định chính sách cụ thể đối với vật nuôi và biến đổi khí hậu bởi trong những năm qua, rét đậm, rét hại đã gây ra thiệt hại lớn đối với gia súc, gia cầm của nhiều địa phương.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu góp ý dự thảo luật Chăn nuôi.
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng trong dự thảo Luật chỉ có quy định trách nhiệm của UBND các cấp chứ chưa đề cập đến quy đinh trách nhiệm của các thành phố trực thuộc trung ương, các đô thị, đồng thời chỉ ra dự thảo Luật chưa đề cập đến việc xử lý dịch bệnh, dập dịch.
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị ban soạn thảo cần chú ý hơn trong cách dùng từ trong dự thảo Luật, nhất là các định nghĩa.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền sau khi Luật được ban hành.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị ban soạn thảo rà soát lại những quy định trong dự thảo luật liên quan đến trách nhiệm của UBND các cấp vì tại khoản 1, điều 77 quy định UBND các cấp có trách nhiệm “Giao đất, cho thuê đất, tạo quỹ đất để phát triển chăn nuôi và trồng cây nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; thẩm định, cấp phép đầu tư cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh”, điều này là chưa phù hợp với Luật Đất đai năm 2013.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu, tiếp thu hoàn thiện báo cáo với tinh thần cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để đảm bảo phù hợp với hệ thống pháp luật, có tính khả thi cao để khi luật thông qua có thể dễ dàng đi vào đời sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, sau khi Ban soạn thảo hoàn chỉnh luật, cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo tiếp tục xin ý kiến đại biểu Quốc hội.